1. Tư vấn tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn ?

Kính chào Luật LVN Group, chúng tôi đã ly hôn tháng 06/2017, lý do em vợ lấy cắp tiền bị tôi phát hiện, tôi phản ứng và bị gia đình vợ đánh, bố vợ dùng dao rượt đánh tôi (UBND Xã đã phạt gia đình họ 2.000.000 đồng). Từ đó, vợ nghe lời gia đình viết đơn ly hôn nên chúng tôi đã thuận tình ly hôn. Lúc đó, con tôi mới 23 tháng tuổi nên quyền nuôi con thuộc về mẹ bé. Con tôi hiện tại gần 03 tuổi, tôi biết muốn có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con thì ít nhất cháu phải đủ 36 tháng (03 tuổi) trở lên mới thực hiện được.Tôi và gia đình tôi vô cùng mong muốn giành lại được quyền nuôi cháu khi cháu đủ 3 tuổi.

Thực tế bên vợ và gia đình vợ:

+ Gia đình vợ rất nghèo, bố mẹ vợ và anh chị em vợ hầu như không có nghề nghiệp ổn định, bố vợ 65 tuổi nhưng còn theo gái và hay nhậu nhẹt, đánh nhau (đã 3 lần bị xã gọi lên lập biên bản và phạt).

+ Vợ tôi là giáo viên cấp 2 dạy môn mỹ thuật ở miền núi nên chỉ có thu nhập là lương cỡ 4,5 triệu/ tháng. Vợ tôi hầu như không có tài sản nào? phải ở nhà công vụ trong căn phòng cỡ 16m2.

Thực tế bên tôi và gia đình bên nội:

+ Tôi là giáo viên cấp 3 dạy môn toán ở huyện sát ranh giới thành phố nên ngoài lương khoảng 4,5 triệu/ tháng, tôi còn dạy thêm được cỡ 12 triệu/tháng nữa. Tôi đã có nhà và nội thất đầy đủ trong nhà (giá trị cỡ 400 triệu), ngoài ra tôi còn mua được vạt đất khác khoảng 300 triệu, đến thời điểm cháu đủ 36 tháng thì tôi sẽ cố gắng làm để có được khoản tiết kiệm 250 triệu.

+ Thời gian làm việc của tôi, cả làm thêm đều trong giờ hành chính (yếu tố thời gian chăm sóc cháu khi trả lời tòa).

+ Gia đình tôi cơ bản là công chức nhà nước, tình hình kinh tế đều ở mức độ khá.

Từ những yếu tố trên Luật sư của LVN Group nhận thấy khi ra tòa thì tôi có bao nhiêu % giành được quyền nuôi con, trong thời gian này tôi phải chuẩn bị những giấy tờ gì, bằng chứng gì để giành lợi thế trước tòa? Tôi phải thuê Luật sư của LVN Group vào thời điểm nào trước khi khởi kiện? Giá trọn gói tiền thuê Luật sư của LVN Group khoảng bao nhiêu?

Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong sự phản hồi từ các Quý Luật sư Công ty tư vấn Luật LVN Group!

Người gửi: dungtin

>> Luật sư tư vấn thủ tục ly hôn trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Trả lời:

Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2015 quy định:

“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Trường hợp của bạn, muốn tòa án chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con bạn phải chứng minh người mẹ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Còn nếu người mẹ vẫn hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng mọi điều kiện để nuôi dưỡng và chăm sóc cháu thì tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu của bạn. Về vấn đề thu thập chứng cứ phải tùy từng trường hợp thực tế người mẹ có đủ hay không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con từ đó tìm bằng chứng phù hợp.

Ví dụ: Người mẹ không đủ tiền trang trải đóng học phí cho con, được nhà trường thông báo nhiều lần. Bạn có thể căn cứ trên văn bản thông báo đó.

>> Tham khảo dịch vụ: Dịch vụ tư vấn pháp luật lĩnh vực Hôn nhân gia đình;

2. Giải quyết tranh chấp tài sản và quyền nuôi con sau ly hôn?

Kính chào Luật sư của LVN Group! Em lấy chồng được 6 năm, nhưng sau một thời gian chung sống thì phát sinh quá nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết. Vì vậy em đang muốn ly hôn. Tuy nhiên em chưa rõ về việc phân chia, tranh chấp tài sản sau ly hôn nên em muốn nhờ Luật sư của LVN Group tư vấn giúp. Như em nói ở trên là vợ chồng em đã kết hôn từ năm 2014, tính đến nay được 6 năm. Năm 2016 em có vay mượn tiền để mua 2 mảnh đất, tuy nhiên cả 2 mảnh đất này chưa có sổ đỏ, chỉ có giấy tờ viết tay. Trên giấy tờ mua bán viết tay này chỉ thể hiện tên em là người mua mà không có tên của chồng (do chồng em là công chức nhà nước nên không muốn dính dáng). Sau đó, em có xây nhà trên một mảnh đất, cũng chính là căn nhà hiện nay vợ chồng em đang ở, còn một mảnh thì đang thuộc vào quy hoạch của thành phố nên đang chờ giải quyết đền bù.
Vậy Luật sư của LVN Group cho em hỏi là: nếu bây giờ 2 vợ chồng em ly hôn thì 2 mảnh đất này có thuộc quyền sở hữu chung không? Và nếu phân chia tài sản thì sẽ phân chia như thế nào ạ? Một vấn để nữa là vợ chồng em có 2 con gái, một cháu 5 tuổi, một cháu 3 tuổi. Chồng em là công chức nhà nước, em làm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, về nguồn thu nhập nuôi gia đình thì tất cả là từ em. Nhưng em không thể chứng minh tài chính được do những khoản thu của em đều là tiền mặt, rất ít khoản trả qua tài khoản, hơn nữa em không có hợp đồng lao động với công ty em đang làm. Vậy nếu ly hôn em có giành được quyền nuôi hai con của em không ạ?
Rất mong nhận được phản hồi từ phía Luật sư của LVN Group. Em xin cảm ơn!

Trả lời:

Thứ nhất, phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Theo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội quy định: Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

…”

Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì năm 2016 bạn có vay mượn tiền để mua 2 mảnh đất, tuy nhiên cả 2 mảnh đất này chưa có sổ đỏ, chỉ có giấy tờ viết tay. Trên giấy tờ mua bán viết tay này chỉ thể hiện tên bạn là người mua mà không có tên của chồng (do chồng bạn là công chức nhà nước nên không muốn dính dáng). Sau đó, có xây nhà trên một mảnh đất, cũng chính là căn nhà hiện nay vợ chồng đang ở, còn một mảnh thì đang thuộc vào quy hoạch của thành phố nên đang chờ giải quyết đền bù. Theo đó, nhận thấy quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Như vậy, hai mảnh đất trên thuộc tài sản chung của vợ và chồng. Sau khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Thứ hai, quyền nuôi con sau khi ly hôn.

Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Vợ chồng bạn có hai con gái: một cháu 5 tuổi và một cháu 3 tuổi. Theo quy định pháp luật, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Mặt khác, con bạn chưa đủ 07 tuổi trở lên thì không phải xem xét nguyện vọng của con và còn bạn cũng không dưới 36 tháng tuổi nên không đương nhiên được giao cho mẹ trực tiếp nuôi.

Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yêu tố sau:

+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.

+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).

Nếu bạn thực có đủ khả năng chứng minh trước tòa rằng mình có thể đem lại cho con mình cuộc sống tốt đẹp hơn thì việc bạn giành được quyền nuôi con là hoàn toàn có thể.

Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

>> Xem ngay: Làm thế nào để bố được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn?

3. Ly hôn, phân chia tài sản chung và quyền nuôi con?

Kính chào Luật sư ! Mong Luật sư của LVN Group tư vấn: Vợ chồng tôi sống chung xảy ra nhiều mâu thuẫn nên tôi đã sống ly thân được 10 tháng. Nay tôi muốn đơn phương ly hôn. Tôi có 02 con: một cháu trên 9 tuổi và muốn được ở với tôi, cháu thứ 2 dưới 3 tuổi thì sẽ do tôi nuôi. Vậy tôi sẽ nuôi cả hai con theo luật được không? Về tài sản chung, vợ chồng tôi có 01 căn nhà, đất do ông bà nội cho sau hôn nhân, sau đó, vợ chồng tôi vay ngân hàng cộng với tiền hai vợ chồng tiết kiệm được xây lên. Vậy tôi ly hôn có được chia đôi tài sản theo luật không?
Xin Luật sư của LVN Group tư vấn giúp trường hợp của tôi. Xin chân thành cảm ơn !

>> Luật sư tư vấn pháp luật về ly hôn trực tuyến, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn, áp dụng trường hợp của chị thì con lớn có nguyện vọng ở với chị sẽ do chị nuôi, con nhỏ dưới 03 tuổi của chị mới gần 03 tuổi theo quy định cũng do chị nuôi trừ trường hợp chị không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Vì vậy, theo nguyên tắc thì con chị sẽ được giao cho chị trực tiếp nuôi.

Về tài sản chung: Căn cứ quy định của pháp luật chị hoàn toàn có quyền phân chia tài sản chung vợ chồng, để xác định thế nào là tài sản chung chị căn cứ như sau:

“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Như vậy, mảnh đất này không có căn cứ cho rằng đây là tài sản riêng của chồng chị, thế nên đây sẽ là tài sản chung và khi có yêu cầu phân chia nguyên tắc là chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau:

“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”

>> Tham khảo bài viết liên quan:Hướng dẫn giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn?

4. Chồng mang con bỏ đi muốn ly hôn và đòi quyền nuôi con thế nào?

Thưa Luật sư của LVN Group, tôi đã lấy chồng 2 năm có với nhau một đứa con 13 tháng. Do cuộc sống ở nhà chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn với gia đình chồng nên vợ chồng tôi vào Đà Lạt làm ăn. Sau đó, do chồng tôi không đi làm, chi tiêu không đủ nên tôi đem con về ngoại nhờ giúp đỡ. Chồng tôi mượn cớ đem con về thăm nội rồi bồng con vào lại Đà Lạt nhưng không hề cho tôi biết. Giờ tôi muốn ly hôn và đòi lại con thì tôi phải làm sao? Xin chân thành cảm ơn Luật sư đã tư vấn cho tôi !

Người gửi: N. X

Trả lời:

Thứ nhất, về quyền ly hôn:

Trường hợp của bạn, bạn có thể tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương với chồng bạn vì theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về quyền yêu cầu đơn phương ly hôn như sau:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Tuy nhiên, tòa án chỉ giải quyết ly hôn đơn phương cho bạn nếu bạn chứng minh được tình trạng vợ chồng bạn có một trong những căn cứ theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, bao gồm các căn cứ ly hôn sau:

– Tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

+ Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

+ Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

+ Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

– Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

– Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Thứ hai, về quyền nuôi con sau khi ly hôn:

Do con bạn 13 tháng tuổi (dưới 36 tháng tuổi) nên theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền nuôi con sau khi ly hôn thì bạn là mẹ nên sẽ hoàn toàn có quyền nuôi con sau khi ly hôn trừ khi bạn không đáp ứng các điều kiện để nuôi con sau khi ly hôn.

Những điều cần lưu ý: Như vậy, theo quy định trên thì bạn có thể yêu cầu ly hôn đơn phương và có thể giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn.

>> Tham khảo bài viết liên quan:Vợ bỏ nhà đi, chồng có quyền nuôi con khi ly hôn không?

5. Tư vấn về thủ tục ly hôn và quyền nuôi con khi chồng ngoại tình?

Kính gửi công ty Luật LVN Group. Tôi xin hỏi về thủ tục ly hôn và quyền nuôi con. Vợ chồng tôi lấy nhau được 15 năm có 2 con chung, một cháu gái 14 tuổi; một cháu trai 3,5 tuổi. Hiện tại, chồng tôi không làm tròn trách nhiệm của người chồng và người cha, liên tục đi qua đêm, có quan hệ với người đàn bà khác như vợ chồng, không quan tâm gì đến việc nuôi dạy con cái, phó mặc cho vợ.

Hơn nữa, năm 2002 khi lấy nhau tôi phát hiện chồng tôi nghiện ma túy. Vợ và hai bên gia đình giúp đỡ cai nghiện tại nhà và đã bỏ được nghiện. Đến năm 2011, tôi phát hiện chồng tôi tái nghiện, vợ lại giúp đỡ việc cai nghiện tại nhà và từ cuối năm 2014 đến nay đã đi làm và chưa bị tái nghiện, nhưng hiện tại, chồng tôi lại có quan hệ tình cảm với người đàn bà khác… Đến nay, tôi không thể tiếp tục chung sống và muốn ly hôn. Kính mong công ty Luật LVN Group giúp tôi giải quyết một số vấn đề về thủ tục ly hôn như sau:

1- Về quyền nuôi con: Cháu gái 14 tuổi theo luật cháu tự quyết định sẽ sống với bố hoặc mẹ. Còn cháu trai 3,5 tuổi, nguyện vọng của tôi là muốn nuôi cháu. Tôi có việc làm ổn định là kế toán có ký Hợp đồng lao động dài hạn tại một Công ty TNHH với mức lương 15 triệu / tháng. Vậy xin hỏi tôi phải cần những điều kiện gì nữa để chứng minh tôi có quyền được nuôi con (Có cần bằng văn bản giấy tờ không về việc chồng tôi có tiền xử nghiện hút…..; và đang có quan hệ với người đàn bà khác…) vì chồng tôi hai lần đều cai nghiện ở nhà. Vậy việc có văn bản xác nhận của 2 bên gia đình về tiền xử nghiện hút của chồng tôi có được không?

2- Về Tài sản chung: Hai vợ chồng có tài sản chung là căn nhà 4 tầng với diện tích tầng 1 là 38m2 trên sổ đỏ đứng tên hai vợ chồng. Nhưng thực tế căn nhà này là do tiền của tôi tích lũy và gia đình hai bên giúp đỡ. Tôi xin hỏi khi ly hôn thì cần cung cấp những giấy tờ gì để ngôi nhà thuộc quyền của hai con và tôi. Tôi xin hỏi công ty Luật với một văn bản có xác nhận của hai bên gia đình là ngôi nhà này để cho 2 cháu và tôi chung sống thì có được không?

Kính mong Quý công ty Luât LVN Group trả lời giúp tôi càng sớm càng tốt. Trân trọng cảm ơn./.

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình trực tuyến gọi: 1900.0191

Trả lời:

5.1. Về vấn đề ly hôn theo quy định của pháp luật hiện hành

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được…”

Như vậy, trong trường hợp này, bạn có thể làm đơn ly hôn đơn phương với chồng bạn.

Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ xin ly hôn đơn phương, bao gồm những giấy tờ sau:

– Đơn xin ly hôn đơn phương;

– CMND, sổ hộ khẩu photo có chứng thực của hai vợ chồng;

– Giấy đăng ký kết hôn bản chính;

– Giấy khai sinh của con bản sao có chứng thực;

– Giấy tờ về tài sản (nếu có tranh chấp về tài sản);

Bạn nộp hồ sơ tại TAND cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú. Thời gian giải quyết từ 4 đến 6 tháng.

5.2. Về quyền nuôi con theo quy định của pháp luật hiện hành

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:

“…2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Trường hợp này, bạn có hai cháu: một cháu 22 tháng và một cháu 3 tháng do đó bạn hoàn toàn có quyền nuôi cả hai cháu.

Những điều cần lưu ý: Án phí sơ thẩm không có tranh chấp về tài sản là 300.000 đồng.

>> Tham khảo bài viết liên quan: Quyền nuôi con sau khi ly hôn đơn phương giải quyết thế nào?

6. Tư vấn giành quyền nuôi con khi ly hôn có chồng phạm tội

Tôi mới lập gia đình được 2 năm. Tôi và chồng đã có một con trai được 13 tháng tuổi. Trước khi kết hôn với tôi, tôi có nghi ngờ chồng đã kết hôn với người khác nhưng chồng tôi giấu tôi.

Như vậy, trong sổ hộ khẩu có ghi chồng tôi đã kết hôn một lần hay không? Vì mẹ chồng tôi giữ hộ khẩu nên tôi cũng không chứng minh được? Làm thể nào để chứng minh được chồng tôi đã lấy vợ hay chưa? Hiện nay, chúng tôi không hòa hợp được muốn ly hôn, nhưng chồng tôi không muốn cho tôi nuôi con, vậy theo luật thì tôi có được quyền nuôi con hay không? Chồng tôi cũng có nhiều quen biết với pháp luật ở quê. Chồng tôi trước đây có phạm tội và phải đi tù 6 năm (gia đình chồng tôi giấu tôi chuyện đó). Dựa vào yếu tố đó tôi có giành được quyền nuôi con hay không?

Xin Luật sư của LVN Group giúp đỡ! Xin cảm ơn Luật LVN Group!

Người gửi: H.B.Đ

>> Luật sư tư vấn thủ tục ly hôn trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Trả lời

Về việc chứng minh chồng bạn đã kết hôn hay chưa, bạn có thể tới UBND xã và gặp cán bộ Tư pháp hộ tịch để hỏi về vấn đề hộ tịch của chồng bạn. Việc đăng ký hộ tịch bao gồm việc xác định sự kiện kết hôn, ly hôn của một người theo Điều 2 Luật Hộ tịch năm 2014:

Điều 2. Hộ tịch và đăng ký hộ tịch

1. Hộ tịch là những sự kiện được quy định tại Điều 3 của Luật này, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết.

2. Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.”

Cán bộ hộ tịch xã có nhiệm vụ phải giữ gìn, bảo quản và lưu giữ sổ hộ tịch và giấy tờ hộ tịch của địa phương theo quy định tại Điều 71 Luật Hộ tịch năm 2014.

Về việc giành quyền trực tiếp nuôi con, pháp luật ưu tiên người mẹ được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn với chồng, nếu như người mẹ chứng minh được trước Tòa án về việc mình có đủ điều kiện để thực hiện việc này. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014.

Như vậy, Tòa án sẽ hạn chế quyền trực tiếp nuôi dưỡng con của cha mẹ (đối với con chưa thành niên – bất kể cha mẹ có ly hôn hay không) – nói cách khác, cha mẹ sẽ không có quyền trực tiếp nuôi con, nếu Tòa chứng minh được cha, mẹ vi phạm một trong số những điều quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.”

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu chứng minh được trước Tòa bạn có đủ điều kiện để nuôi con bạn (13 tháng tuổi) thì bạn sẽ được Tòa tuyên bố cho phép trực tiếp nuôi dưỡng cháu trai.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về một số vướng mắc mà khách hàng thường gặp. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà quý khách đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu quý khách cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email hoặc qua Tổng đài tư vấn: 1900.0191 .

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân – Công ty luật LVN Group