Trước ngày 31/08/2015, em đã từng tham dự nhiều khóa học do Công ty tài trợ ở Thái Lan. Khi đi tham dự khóa học, mỗi lần em đều ký cam kết bằng văn bản là sẽ làm việc 2 năm kể từ ngày đầu tiên của khóa đào tạo (không ghi rõ khóa đào tạo đầu tiên hay sau cùng, và ý kiến của công ty là khóa đào tạo sao cùng). Vào khoảng thời gian này, công ty có một khóa học nữa và yêu cầu em tham gia. Nhưng lúc này, em có dự định là sẽ nghĩ trong tương lai, cho nên em không dám tiếp tục đi học vì sợ ràng buộc từ cam kết. Em cũng đã thẳng thắn nêu rõ quan điểm của em với sếp, là em cũng đang có dự định xin nghỉ, em vẫn đồng ý đi học, nhưng em sợ rằng công ty sẽ cho rằng, em học xong, lấy bằng rồi nghỉ nên em để công ty tự quyết định: Nếu cho em đi thì em đi, nếu thấy lo ngại việc em có thể nghỉ thì em sẽ không đi. Và lúc này, sếp em đã thông báo là em khỏi đi. Và phòng hành chính nhân sự cũng yêu cầu em cho biết là khoảng thời gian nào em sẽ nghỉ để tính toán xem có bồi thường hay không.

Vì vậy, ngày 31/08/2015, em có gửi mail cho trưởng phòng nhân sự với nội dung sau: “Chào chị H, em gửi chị thông tin mà em đã hứa. Em quyết định tháng 11 này em sẽ nghỉ nếu như em không phải đền tiền đi học. Em cảm ơn.” Em chỉ nhận được phản hồi: “Chị đã nhận email. tks a lot em.” Sau đó vài ngày, sếp em – trưởng phòng dịch vụ có nói với em (ở ngoài sân): “Bây giờ công ty không đền tiền, em viết đơn xin nghỉ việc ngay và đưa cho anh.” Nhưng vì sếp em không đàng hoàng, nói lời không giữ lấy lời ( rất nhiều lần, rất nhiều người biết) và vì cũng là dự định nên em không chắc, và em đã không viết đơn xin nghỉ. Em không tin lời của sếp em, vì khi nói chỉ có em với sếp, không có gì để em làm chứng cứ trước pháp luật (trong khi đi em ký cam kết bằng văn bản). Nếu nó là thật thì chắc chắn sẽ có văn bản kèm theo, sếp sẽ đưa cho mình. Từ đó về sau, em cũng không nhận được bất kỳ một email hay một văn bản nào xác minh điều đó. Vì vậy, em hiểu rằng khi em nghỉ em sẽ phải đền tiền đi học tại Thái Lan. Tiền lương em thì ít, chỉ 6 triệu, nên em không dám nghỉ và hủy bỏ kế hoạch của mình trước đó và em vẫn làm việc bình thường ở công ty. Rồi gần đây, Công ty tuyển thêm 2 nhân viên mới, và trên phòng nhân sự có gọi em lên và nói là: em đã viết mail nói tháng 11 nghỉ, giờ đến tháng 11 rồi, và công ty cũng đã chuẩn bị nhân sự mới, buộc em phải thôi việc. Em hoàn toàn bất ngờ, đúng là em có viết mail và nói rõ ràng, nhưng điều kiện em đưa ra, công ty không giải đáp tương ứng – để có giá trị pháp luật, nên em đã hủy bỏ kế hoạch của mình và quyết định tiếp tục làm việc ( cũng đã có nói trước đó – khi em vào xin chữ ký để nghỉ phép – c.Hoa hỏi khi nào em nghỉ – em nói là em đã hủy bỏ kết hoạch và không có nghỉ nữa ). Ngày 18/11/2015, xếp kêu em vào và thông báo: “công ty đã quyết định cho em nghĩ việc vào ngày 19/11/2015”.

Trong tờ quyết định có ghi là theo nguyện vọng của người lao động, và kết thúc hợp đồng lao động vào ngày 19/11/2015. Em đã lên làm việc với phòng nhân sự, nhưng họ nó đây là quyết định của công ty và em phải thực hiện theo. Cùng ngày, em đã gửi mail để trình bày sự việc là công ty không có một văn bản hay email nào có giá trị pháp lý tương ứng để thỏa mãn điều kiện mà trong mail em đã đưa ra. Cho nên, em không biết là mình phải nghỉ việc vào tháng 11 này.

Vì vậy, Công ty chấm dứt hợp đồng với em “theo nguyện vọng của người lao động” là không đúng. Mặt khác, thông báo kết thúc hợp đồng lao động với em chỉ trong 1 ngày là sai với quy định của pháp luật. Em yêu cầu từ phía công ty phải có hướng giải quyết phù hợp với sự việc của em. Và em sẽ tiếp tục vào công ty làm việc chứ không nghỉ vào ngày 19/11, cho đến khi nào sự việc được giải quyết xong. Và ngày 19/11 em vào công ty làm, phòng nhân sự gọi em lên và nói: em không còn là nhân viên của công ty, em không được phép vào công ty, và sẽ cho bảo vệ chặn không cho em vào nữa, đồng thời sẽ kiểm tra đồ dùng cá nhân của em khi em ra ngoài. Họ còn nó, đó là quyết định của công ty, em không thể không nghe, và nếu em thích thì cứ đi kiện. Trước giờ em làm việc rất tốt và chưa hề bị khiển trách hay kỷ luật. Công ty cũng chưa từng mất thứ gì, họ làm vậy là xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm em quá. Em kính mong Luật sư có thể tư vấn giúp em trong trường hợp này em nên làm gì?.

Bài viết của em hơi này, Kính mong anh chị Luật sư thông cảm. Em chân thành cảm ơn và chờ đợi sự tư vấn từ phía anh chị. 

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụctư vấn luật lao động của công ty Luật LVN Group.

>> Luật sư tư vấn luật lao động gọi1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật lao động năm 2012.

2. Nội dung tư vấn:

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì bạn đã viết mail xin được nghỉ việc với điều kiện không phải đền tiền đi học. Sau đó bạn lại không nhận được bất kỳ phản hồi nào xác minh ngoài mail trả lời đã nhận được mail xin nghỉ việc của bạn. Điều kiện của bạn không được đáp ứng và công ty cũng không thông báo hay đưa ra quyết định gì liên quan đến việc xin nghỉ việc của bạn và bạn hủy bỏ kế hoạch của mình, quyết định tiếp tục làm việc ở công ty. Sau 1 thời gian thì công ty buộc bạn phải thôi việc.

Như vậy, có thể xem xét tới hành vi của công ty là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn trong trường hợp nêu trên là sai so với quy định của pháp luật.

Bộ luật lao động quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:

Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Theo quy định nêu trên thì việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với bạn là không đúng. Theo đó, hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt của người sử dụng lao động đối với người lao động được quy định cụ thể tại điều 42 BLLĐ 2012 như sau:

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Tiền lương làm căn cứ tính bồi thường trong trường hợp này là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Việc nhận tiền bồi thường thiệt hại cho người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật không làm ảnh hưởng đến việc hưởng trợ cấp thôi việc (nếu có) của người lao động.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group