Công ty B có giấy đăng ký kinh doanh ngành nghề liên quan đến sản phẩm A1, nhà xưởng thuê lại của một đơn vị khác, có trang thiết bị máy moóc để sản xuất sản phẩm A1 nhưng lại không muồn đứng ra làm các thủ tục chứng nhận chất lượng.Do vậy, công ty A muốn hợp đồng liên doanh với công ty B và chịu trách nhiệm về pháp lý trước pháp luật về chất lượng sản phẩm A1 , cũng như đăng ký thủ tục chứng nhận chất lượng liên quan đến sản phẩm để bán ra thị trường. Công ty B sẽ chịu yếu chịu trách nhiệm duy trì trang hiết bị sản xuất, con người nhân lực, mặt bằng nhà xưởng đã thuê để sản xuất theo sự giám sát chất lượng của công ty A. Vậy tôi muốn hỏi:
1. Việc làm hợp đồng liên kết kinh doanh có đúng quy định của pháp luật không? có phải thực hiện công chứng không?
2. Quyền và nghĩa vụ của công ty A và công ty B như thế nào ?
3. Nếu coi là sản phẩm của công ty A thì công ty A có phải đăng ký địa điển hoạt động sản xuất vào giấy phép đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật không?
4. Việc công ty A xuất hóa đơn bán hàng có đúng quy định không? công ty B có phải xuất hóa đơn cho công ty A không?
Mong nhận được hồi đáp.Xin chân thành cảm ơn.
Người gửi: M.Đ
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật doanh nghiệp công ty Luật LVN Group
Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc về cho chúng tôi, với vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
1. Cơ sở pháp lý
Luật đầu tự 2014
Bộ luật dân sự 2005
Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính : Hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
2. Nội dung tư vấn
Vấn đề 1: Hợp đồng ký kết
Theo quy định của Pháp luật đầu tư 2014 tại Điều 28 thì Hợp đồng hợp tác kinh doanh hay còn gọi là BCC là loại hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Hay được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.
Điều 401 BLDS 2005 quy định về hình thức của hợp đồng như sau:
“1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Pháp luật quy định các loại hợp đồng sau phải lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực là:
– Hợp đồng mua bán nhà ở, trừ trường hợp bên bán nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở (theo quy định tại Điều 450 của Bộ luật Dân sự năm 2005 Luật nhà ở)
– Hợp đồng tặng cho nhà ở hoặc bất động sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, trừ bên tặng cho nhà ở là tổ chức (theo quy định Điều 467 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật Nhà ở năm 2014);
– Hợp đồng thuê nhà ở từ 6 tháng trở lên, trừ trường hợp thuê nhà công vụ, thuê mua nhà ở xã hội và bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở (theo quy định tại Điều 492 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật Nhà ở năm 2014);
– Hợp đồng đổi, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý nhà ở; theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014;
– Hợp đồng thế chấp nhà ở (theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014)
– Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (theo quy định tại Điều 689 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật Đất đai năm 2013.);
– Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất (Luật đất đai 2013)
– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (theo quy định của Luật Đất đai năm 2013);
– Hợp đồng thế chấp (bảo lãnh) bằng quyền sử dụng đất (theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013);
– Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất (theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013);
Việc sửa đổi các hợp đồng đã được công chứng, chứng thực (theo quy định tại khoản 2, Điều 423 của Bộ luật Dân sự năm 2005).
Như vậy, việc công ty B ký hợp đồng hợp tác BCC là đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiện hiện nay thì các quy định của pháp luật vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn hay quy định việc lập hợp đồng BCC phải công chứng hay chứng thực, nên hợp đồng BCC có thể không cần công chứng hay chứng thực theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với tính chất của hợp đồng là hợp tác kinh doanh hai bên cùng có lợi để đảm bảo thì nên công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.
Ngoài ra, chúng tôi cung cấp thêm cho bạn một số đặc điểm của hợp đồng BCC như sau:
-
Cơ sở pháp lý: hoạt động đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các nhà đầu tư nhưng không thành lập pháp nhân mới, quyền và nghĩa vụ của các bên chỉ ràng buộc với nhau bởi hợp đồng mà không có sự ràng buộc về mặt tổ chức như ở các hình thức đầu tư thành lập pháp nhân mới.
-
Chủ thể của hợp đồng là các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng chủ thể trong từng hợp đồng không giới hạn, tùy thuộc vào quy mô dự án và nhu cầu, khả năng mong muốn của các nhà đầu tư.
-
Hình thức của hợp đồng: không bắt buộc lập thành văn bản, trừ trường hợp dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra dự án.
-
Nội dung của hợp đồng: Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh; Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên; Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng; Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp; Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án.
-
Phương thức thực hiện hợp đồng: nhà đầu tư không phải thành lập pháp nhân, không có bộ máy tổ chức, quản lý doanh nghiệp chung mà thực hiện dự án thông qua các thỏa thuận đã ký.
-
Lợi ích nhà đầu tư được hưởng: hình thức đầu tư dễ tiến hành, dự án triển khai nhanh, thời hạn đầu tư ngắn, sớm thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh do không mất thời gian thực hiện thủ tục thành lập pháp nhân và đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới.
Vấn đề 2, quyền và nghĩa vụ của hai bên
Do đây là quan hệ đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng, các nhà đầu tư chỉ liên kết nhưng không thành lập tổ chức kinh tế mới. Các chủ thể tham gia quan hệ đầu tư chỉ ràng buộc với nhau bởi các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận mà không có sự ràng buộc về mặt tổ chức như các hình thức đầu tư chung vốn thành lập doanh nghiệp. Nên trong quá trình thực hiện hợp đồng, các nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ.
Trong trường hợp của bạn công ty A và công ty B có những quyền và nghĩa vụ sau:
Công ty A:
– Sử dụng nhà xưởng của công ty B và các trang thiết bị máy móc
– Giám chất lượng sản xuất sản phẩm A1
– Chịu trách nhiệm về pháp lý trước pháp luật về chất lượng sản phẩm A1
– Đăng ký thủ tục chứng nhận chất lượng liên quan đến sản phẩm để bán ra thị trường
Công ty B:
– Sử dụng nhà xưởng
– Chịu trách nhiệm duy trì trang hiết bị sản xuất, con người nhân lực, mặt bằng nhà xưởng đã thuê để sản xuất sản phẩm A1
Cả hai bên điều được quyền hưởng lợi hoạt động sản xuất cũng như bán sản phẩm A1 ra thị trường.
Vấn đề 3, công ty A có phải đăng ký địa điển hoạt động sản xuất vào giấy phép đăng ký kinh doanh không?
Công ty bạn sẽ không phải đăng ký địa điểm hoạt động sản xuất vào giấy phép đăng ký kinh doanh, cũng như ở trên thì đây là quan hệ đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng, các nhà đầu tư chỉ liên kết với nhau cùng có lợi nhưng không thành lập tổ chức kinh tế mới, nên công ty bạn không phải đăng ký địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh vào giấy phép đăng ký kinh doanh.
Vấn đề 4, việc công ty A xuất hóa đơn bán hàng có đúng quy định không? công ty B có phải xuất hóa đơn cho công ty A không?
Tại điểm n khoản 3 điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định như sau:
“n) Đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh:
– Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh thu tính thuế là doanh thu của từng bên được chia theo hợp đồng.
– Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng sản phẩm thì doanh thu tính thuế là doanh thu của sản phẩm được chia cho từng bên theo hợp đồng.
– Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập trước thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí, xác định lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp chia cho từng bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mỗi bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tự thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của mình theo quy định hiện hành.
– Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí và kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thay cho các bên còn lại tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.”
Theo đó, thì việc công ty A xuất hóa đơn là đúng theo quy định của pháp luật và công ty B cũng phải xuất hóa đơn cho công ty A.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn, hy vọng có thể giúp bạn giải quyết được những vướng mắc của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác bạn có thể trực tiếp đến văn phòng của công ty chúng tôi ở địa chỉ trụ sở Công ty luật LVN Group hoặc bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email Tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua Email hoặc gọi điện để được tư vấn qua tổng đài 1900.0191.
Chúc bạn thành công.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp.