Chúng tôi hiện đang mở rộng địa bàn hoạt động. công việc chủ yếu là thu gom rác thải đô thị. Công ty chúng tôi muốn thuê lao động ngoài. Vì vậy xin Luật sư của LVN Group xem xét giúp phương án nào là tối ưu nhất:

1. Công ty chúng tôi có thể ký hợp đồng thời vụ

2. Có thể ký HĐ với người đại diện 1 nhóm người lao động thuê ngoài, hợp đồng này thì ký mấy tháng. Công ty có chịu trách nhiệm gì đối với lao động thuê ngoài không? Yêu cầu cần có của người đại diện này là gì? (người này có cần có mã số thuế không, đại diện 1 tổ chức, đại diện pháp luật không?.Nghị định nào quy định điều này?

3. Có thể ký hợp đồng giao khoán công việc cho một bên nhận việc không? yêu cầu với bên nhận việc cần có là gì? (đại diện pháp luật, MST,) sau đó bên nhận việc thuê lao động và trả lương cho người lao động. vậy trong hợp đồng giao khoán này công ty chúng tôi có chịu trách nhiệm gì không? cần thủ tục gì để chúng tôi thanh toán được với bên thuế.

Trân trọng cám ơn Luật sư của LVN Group!

Câu hỏi được biên tập bởi Chuyên mục Tư vấn Luật Lao động của Công ty Luật LVN Group

Tư vấn về lao động mùa vụ ?

Luật sư tư vấn Luật Lao động gọi: 1900.0191

Nội dung trả lời

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Đối với vấn đề bạn thắc mắc chúng tôi xin được trả lời như sau:

1, Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Lao động 2012

Luật bào hiểm xã hội 2006

2, Nội dung tư vấn:

Theo quy định tại điều 22 Bộ luật lao động về ký hợp đồng thời vụ như sau:

Điều 22. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì nếu công ty bạn ký hợp đồng mới là hợp đồng có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng thì chỉ được ký 01 lần. Còn nếu là hợp đồng mùa vụ hoặc có thời hạn dưới 12 tháng thì không bị hạn chế về số lần ký kết, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới.

Về vấn đề bảo hiểm thì được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội 2006 (có hiệu lực đến 31/12/2015) tại Diều 2 như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;

đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;

e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

3. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người sử dụng lao động quy định tại khoản 2 Điều này có sử dụng từ mười lao động trở lên.

5. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau đây gọi chung là người lao động.”

Về vấn đề ký hợp đồng với người đại diện thì theo khoản 2 điều 18 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động.”

Như vậy, công ty bạn có thể ký hợp đồng lao động mùa vụ hoặc hợp đồng lao đông dưới 12 tháng với 1 người đại diện được những người lao động còn lại uỷ quyền.

Người đại diện theo uỷ quyền này không cần điều kiện gì đặc biệt, chỉ cần là một người lao động trong nhóm người lao động mà công ty bạn thuê theo mùa vụ. 

Với những người lao động theo mùa vụ này Công ty bạn phải thực hiện đầy đủ nghĩa như những người lao động khác trong công ty, 

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

a) Tuyển dụng, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

b) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

c) Yêu cầu tập thể lao động đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; trao đổi với công đoàn về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;

d) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc.

2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại với tập thể lao động tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở;

c) Lập sổ quản lý lao động, sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

d) Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương;

đ) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.”

“Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận của hai bên, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và sau khi đã hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thỏa thuận.  

Người nhận khoán chỉ là đại diện cho 1 nhóm người, có trách nhiệm quản lý mọi người trong nhóm. Pháp luật không quy định cụ thể về điều kiện người đại diện cho nhóm người nhận khoán việc (người nhận khoán có thể có MST hoặc không). Thường người nhận khoán là người được nhóm người tin tưởng cử ra, có kinh nghiệm làm việc này.

khi công ty bạn ký hợp đồng giao khoán với bên nhận khoán việc, công ty bạn nên yêu cầu bên nhận khoán đến chi cục thuế gần nhất làm thủ tục về thuế “cấp hóa đơn lẻ”, bên khoán sẽ đưa hóa đơn lẻ đó cho công ty (công ty bạn được hạch toán hóa đơn này vào chi phí nhân công) , bên nhận khoán có nghĩa vụ đóng thuế TNCN, thuế môn bài, thuế GTGT tại chi cục thuế trước khi lấy được hóa đơn lẻ đó. Quyết toán thuế TNCN thì bên nhận khoán phải tự làm và là trách nhiệm cá nhân của bên nhận khoán. Công ty bạn không cần đứng ra làm việc này cho bên nhận khoán

Tuy nhiên, nếu công ty bạn muốn kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho bên nhận khoán thì khi thanh toán cho bên nhận khoán công ty bạn phải khâu trừ đi 10% (trường hợp không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ dưới 3 tháng) có tổng mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần/ /trở lên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua email Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email hoặc qua tổng đài 1900.0191. Chúng tôi sẳn sàng giải đáp.

Trân trọng ./.

Bộ phận Tư vấn Luật Lao động.