Vd1: Em đang đăng ký lao động và bảo hiểm cho nhân viên trong cty. Mức tham gia bảo hiểm thấp hơn với mức lương thực nhận của nhân viên. Em đưa khoản chênh lệch đó vào phụ cấp như: phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp điện thoại và phụ cấp tiền cơm. Vậy:

– Có văn bản nào khống chế mức phụ cấp này không ạ?

– Phụ cấp này em có phải khai báo với phòng lao động thương binh xã hội và cơ quan bảo hiểm không?

Vd 2: Cty em nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ Hàn Quốc để bán. Do bán ở vùng khác nhau bên cty em có những chính sách khác nhau. Chẳng hạn bán cho đại lý giá khác, bán cho nông dân giá khác, bán cho công ty giá khác .. nên trong tháng hóa đơn bên em xuất giá bị chênh lệch: lúc 200k lúc 300k lúc 350k. Như vậy:

– Cty em có bị vi phạm gì ko và có được phép xuất hóa đơn như thế không? Mong được cty tư vấn . Em cảm ơn nhiều. Thanks and Best Regards.

Người gửi: Ms.T

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụctư vấn pháp luật thuếcông ty Luật LVN Group.

Luật sư tư vấn trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.0191

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật lao động số 10/2012/QH13

Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 của Quốc hội

Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính : Hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Nội dung tư vấn:

1. Về việc phụ cấp:

Theo quy định tại khoản 1 điều 90 Bộ luật lao động năm 2012:

“Điều 90. Tiền lương

1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.”

Theo khoản 2 điều 5 và khoản 2, 3 điều 94 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì mức đóng BHXH của người lao động là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.

“Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung.”
Theo điều 94 Luật BHXH năm 2006:
“Điều 94. Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
3. Trường hợp mức tiền lương, tiền công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng hai mươi tháng lương tối thiểu chung.”

Như vậy:
– Nếu trong hợp đồng lao động của công ty bạn có quy định rõ mức lương cho nhân viên và mức phụ cấp trong hợp đồng lao động thì tiền lương đóng bảo hiểm cho nhân viên bạn bao gồm cả mức phụ cấp. Bạn cần lưu ý rằng khi bạn đóng BHXH cho nhân viên mức tiền lương tham gia bảo hiểm thấp hơn so với tiền lương ghi trong hợp đồng lao động sẽ không đúng với quy định của Luật BHXH năm 2006 và công ty bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Khi tiền lương tham gia BHXH thấp hơn lương thực nhận của người lao động sẽ không đảm bảo được hết quyền lợi cho người lao động khi được hưởng chế độ bảo hiểm sau này, gây thiệt thòi cho người lao động.
(Theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì khi bạn đóng bảo hiểm cho nhân viên với mức sai quy định sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

“2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;”

Và theo khoản 4 điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

“4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”)

Trong trường hợp tiền lương đóng BHXH cho nhân viên đã bao gồm các khoản phụ cấp thì bạn không cần khai báo với phòng lao động thương binh xã hội và cơ quan bảo hiểm.
– Nếu các khoản phụ cấp không có trong hợp đồng lao động thì tiền lương tham gia BHXH của công ty bạn là mức lương do công ty bạn xây dựng nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Đối với các khoản phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp điện thoại và phụ cấp tiền cơm thì bạn không phải khai báo với phòng lao động thương binh xã hội và cơ quan bảo hiểm vì đây là quy chế của công ty tự xây dựng dựa trên thang lương, bảng lương không phải đóng bảo hiểm và hiện cũng không có văn bản pháp luật nào khống chế mức phụ cấp này cả.
2. Về việc xuất hóa đơn của công ty bạn:

Việc xuất hóa đơn giá bị chênh lệch của công ty bạn với chính sách bán hàng khác nhau là chiết khấu thương mại. Theo quy định tại Tại khoản 2.5, phụ lục số 04 ban hành kèm theo thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“2.5. Hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.

Nếu việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.”

Như vậy, khi công ty bạn giảm giá niêm yết cho khách hàng và chiết khấu thương mại cho khách hàng thì công ty bạn không bị vi phạm gì cả.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email:Tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua Emailhoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.0191. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật.