1. Tư vấn về tội danh cố ý gây thương tích theo luật hình sự?

Thân chào luật sư ạ, cho em hỏi, em của em có hành vi cố tình gây thương tích dùng hung khí nguy hiểm. Do đang nhậu cùng bạn trong quán thì có đám thanh niên đến gây sự chửi bới, mặc dù đã muốn buông tha nhưng đám thanh niên vẫn tiếp tục và hai bên xảy ra xô xát đánh nhau, do em chạy ra đánh trước và bỏ chạy bên kia đuổi theo được một đoạn thì bị em của em đâm mấy nhát, rồi bỏ chạy vì bên kia đông hơn, em của em trốn về quê ở địa phương rồi.

Sau đó, đã bồi thường và bên kia bãi nại, trong thời gian tạm giam, đã nhận được cáo trạng với mức hình phạt từ 5 đến 15 năm tù, do nạn nhân bị thương tật 33%. Cáo trạng viết không đúng, cáo trạng viết: “Em của em tự nhiên đến hỏi nạn nhân là đại ca ở đây hả? Và đã dùng dao đâm nạn nhân 4 nhát”. Cho em hỏi cáo trạng tại sao lại viết vậy? Làm sao để thay đổi cáo buộc này? Đã có đơn bãi nại nhưng sao mức hình phạt lại cao vậy?
Em chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191
Tội danh cố ý gây thương tích
Quy định luật hình sự về tội danh cố ý gây thương tích

Trả lời:

Bạn thân mến, Bản cáo trạng là một văn bản tố tụng rất quan trọng, thể hiện quan điểm kết tội của cơ quan công tố đối với bị can. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì trong khoảng thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra do cơ quan công an chuyển tới, nếu xác định hồ sơ đã chặt chẽ, đúng pháp luật và có căn cứ kết tội rõ ràng, Viện kiểm sát sẽ tiến hành việc truy tố bị can ra trước Tòa án bằng bản cáo trạng.

Về vấn đề tội danh của em bạn: theo thông tin bạn cung cấp thì em bạn thực hiện hành vi đâm người kia trong lúc xảy ra xô xát giữa hai bên, bên kia đuổi chạy theo thì em của bạn mới quay lại đâm người đó. Do vậy, hành vi của em bạn có thể được xác định là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh – tội này được quy định rõ tại Điều 135 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tại khoản 1 Điều 135 nêu rõ:

“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Theo đó, bản cáo trạng là văn bản truy tố của Viện kiểm sát đối với một người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Theo các tình tiết của bạn nêu ra thì em của bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, khung hình phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm. Như vậy, theo quy định cuả pháp luật, mức hình phạt trong cáo trạng áp dụng cho em bạn là hợp lý.

Trong trường hợp, bản cáo trạn có nội dung không đúng với tình tiết của vụ án thì em của bạn có quyền khiếu nại hoặc yêu cầu Tòa án xác minh lại nội dung, tình tiết của vụ án thông qua lời khai của các bên, người làm chứng cũng như các chứng cứ có trong vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho em bạn.

>> Tham khảo nội dung liên quan: Cố ý gây thương tích 13% có bắt buộc phải ngồi tù?

2. Tư vấn thủ tục làm đơn tố cáo hành vi trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích?

Xin chào Luật sư của LVN Group! Mong Luật sư của LVN Group giúp đỡ gia đình cháu. Mẹ cháu làm thủ kho một công trình xây dựng. Đêm 19/01/2019 lúc khoảng 12 giờ đêm có 4 thanh niên vô trộm đồ bị mẹ phát hiện.

Chúng đã chém mẹ cháu rất nhiều nhát ở mặt. Đến lúc tưởng bà đã chết chúng mới bỏ chạy. Công An đã bắt được 3 đối tượng nhưng sau 01 đêm lại thả ra. Gia đình cháu muốn làm đơn tố cáo. Vậy mong Luật sư của LVN Group tư vấn giúp chúng cháu phải làm đơn như thế nào và gửi ở đâu? Cảm ơn Luật sư của LVN Group!

Tư vấn về tội danh cố ý gây thương tích theo luật hình sự?

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình.

Người vi phạm pháp luật trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Điều 18. Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự

Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.

Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.”

Như vậy, bên cạnh cơ quan điều tra thì viện kiểm sát cũng có thẩm quyền xem xét giải quyết tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án do đó bạn hoàn toàn có thể làm đơn tố giác đến viện kiểm sát nhân dân huyện nơi gia đình bạn cư trú để tố cáo về hành vi của tội phạm. Ngoài ra, bạn có thể gửi đơn khiếu nại lên trưởng công an nơi đang giải quyết vụ án.

>> Tham khảo thêm nội dung: Tư vấn giải quyết vụ án cố ý gây thương tích?

3. Tư vấn về mức kết tội của công an đối với hành vi cố ý gây thương tích?

Kính chào Luật LVN Group, tôi có một vấn đề mong các Luật sư của LVN Group giải đáp: Hiện nay, chồng tôi bị công an kết vào tội cố ý gây thương tích khoản 3 là từ 5 đến 10 năm, nhưng chồng tôi chỉ là người chở đi, công an kết tội như vậy có đúng không thưa luật sư? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Tư vấn về mức kết tội của công an đối với hành vi cố ý gây thương tích ?

Luật sư tư vấn pháp luật về hành vi gây thương tích, gọi:1900.0191

Trả lời:

Căn cứ khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

“3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.”

Như bạn trình bày thì chồng bạn bị công an kết luận phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy đinh tại Khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, chồng bạn chỉ là người chở người khác đi (người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) và chồng bạn không tham gia việc gây thương tích (đánh nhau…). Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì chồng bạn là người giúp sức trong tội phạm này:

“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Tuy nhiên, đây mới là kết luận của cơ quan công an. Tòa án là cơ quan ra quyết định hình phạt cuối cùng, do đó, mức hình phạt của chồng bạn có thể thay đổi, tùy thuộc vào nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm theo Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 58. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.”

Nếu sau khi Tòa án quyết định hình phạt đối với hành vi của chồng bạn mà bạn nhận thấy hình phạt không tương xứng với mức độ phạm tội thì chồng bạn có thể làm đơn kháng cáo, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

>> Xem ngay: Trẻ vị thành niên (17 tuổi) cố ý gây thương tích sẽ bị phạt thế nào?

4. Lỡ tay đánh gẫy sống mũi người khác thì có bị truy cứu tội cố ý gây thương tích không?

Xin chào luật sư, tôi hiện đang ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội, tôi có một chuyện không biết phải xử lý như thế nào, muốn được tư vấn như sau: bố vợ của tôi làm nghề xe ôm, ông sinh năm 1964, một hôm ông và thêm một anh xe ôm A nữa mời khách, thì trong lúc mời được khách, người kia lại mất khách thì sinh ra tính xấu, nói qua lại một hai câu không được hay cho lắm, làm cho anh xe A tức giận và cầm một cái rìu đòi chặt bố của tôi.

Ông nhanh chân bỏ chạy trốn vào nhà gần đấy và sợ quá, ông đã gọi điện thoại em trai của ông (chú H) báo là có người đánh mình, chú H nghe thấy vậy mới chạy ra, tính tình nóng nảy, chú H đã đánh cho anh A gãy sống mũi – đánh bằng tay. Sau khi sự việc xảy ra như vậy thì anh A làm đơn thư kiện bố tôi từ công an xã, huyện rất nhiều lần, bố tôi đã đến gặp và nói chuyện hòa giải nhưng anh A vẫn không đồng ý và bây giờ anh A đòi bồi thường thiệt hại (bởi vì anh A có giấy giám định về tình trạng sức khỏe 10%).

Rất mong luật sư hãy tư vấn cho tôi nên làm gì để giải quyết vụ việc êm xuôi để bố và chú của tôi không dính vào lý lịch xấu, và bồi thường thiệt hại ở mức ít nhất. Xin cảm ơn luật sư.

Lỡ tay đánh gẫy sống mũi gây tổn hại 10 % sức khỏe thì có bị truy cứu tội cố ý gây thương tích không?

Trả lời:

Theo quy định của Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, một người sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích khi có hành vi gây thương tích cho người khác với tình tiết và tỷ lệ thương tật, theo đó, tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại để cấu thành tội cố ý gây thương tích phải là từ 11% trở lên. Giám định tỷ lệ thương tật dưới 11% chỉ bị khởi tố khi có một trong các tình tiết được nêu từ điểm a đến điểm k như trên.

Trong tình huống bạn nêu thì nhận thấy người chú đánh anh A không có các tình tiết từ điểm a đến điểm k, với tỷ lệ thương tật 10% thì hành vi này chưa cấu thành tội phạm hình sự. Nên sẽ không bị dính tiền án, không phải là người có lý lịch xấu.

Tuy nhiên, việc bồi thường thì vẫn có nghĩa vụ bồi thường, mức bồi thường sẽ căn cứ vào các khoản theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

– Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần – mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

5. Cố ý gây thương tích có nhiều tình tiết giảm nhẹ sẽ chịu mức án bao nhiêu năm tù?

Chào Luật sư! Người thân tôi có xô xát với người khác và người ta (bạn chơi với nhân thân tôi) 2 người uống rượu và đi hát karaoke với nhau, bên kia gây sự và đánh người trước, do bức xúc khi bị đánh đau nên người thân tôi đã xuống lấy dao găm ở cốp xe dâm vào vùng cổ bên kia mất rất nhiều máu nhưng chưa vào động mạch chính, bên kia vẫn ghì đầu người thân tôi và đánh lại, 2 bên giằng co người thân tôi nắm con dao nên bị đứt 3 đầu ngón tay, mặt mũi bầm tím tụ máu, bên kia chỉ bị mỗi vùng cổ, khi có kết quả giám định bác sĩ bảo đóng hơn 2 triệu nhưng không có tiền (chắc đóng tiền để nâng giám định ạ) bên kia thì có đóng.

Thấy có người bảo viết đơn bãi nại nên gia đình tôi nhờ bên kia viết đơn và có cho bên kia 10 triệu đồng. Nhưng sau vụ án được hơn 1 tháng người thân tôi bị bắt lên quận? Xin hỏi luật sư người thân tôi chịu mức án bao bao gồm những tình tiết giảm nhẹ!

Người gửi: L.T.B

 Nhân thân tôi chịu mức án bao bao gồm những tình tiết giảm nhẹ ?

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự gọi:1900.0191

Trả lời:

Như bạn trình bày thì người thân bạn và bạn của người đó có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu tỷ lệ thương tật nhở hơn 11% và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hai bên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 2 hoặc Điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính, phòng chống bạo lực gia đình như sau:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;”

Nếu hành vi của hai bên thỏa mãn cấu thành tội phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”

Người thân của bạn có tình tiết tăng nặng là dùng hung khí nguy hiểm (dao găm). Nếu người thân bạn phạm tội thuộc Khoản 1 Điều 134 và gia đình bên kia viết giấy bãi nại cho người thân bạn thì người thân bạn sẽ không bị khởi tố (theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Nếu phạm tội thuộc Khoản 2, 3, 4 thì việc viết giấy bãi nại hay không thì người thân bạn vẫn bị khởi tố.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bao gồm các tình tiết sau:

– Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

– Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

– Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

– Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

– Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

– Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

– Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

– Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

– Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

– Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

– Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

– Phạm tội do lạc hậu;

– Người phạm tội là phụ nữ có thai;

– Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

– Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

– Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

– Người phạm tội tự thú;

– Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

– Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

– Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

– Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

– Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Vì bạn không nêu rõ nhân thân của người thân bạn, thái độ của người đó khi công an bắt và lấy lời khai nên để xem xét người thân bạn có tình tiết giảm nhẹ nào không thì bạn nên đối chiếu với các quy định nêu trên.

6. Hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích theo quy định mới?

Chào Luật sư của LVN Group, tôi mong muốn Luật sư của LVN Group tư vấn giúp tôi trường hợp này. Tôi và anh bạn có mâu thuẫn xích mích cãi cọ nhau trên sân bóng. Bạn tôi có hành vi dùng tay đấm vào mặt và người tôi. Trong lúc giằng co, tôi đã dùng viên gạch ném thẳng vào đầu anh bạn. Dẫn đến việc anh bạn tôi phải vào viện, có tỷ lệ thương tật là 8%. Tôi không trực tiếp đưa bạn tôi vào viện, nhưng sau đó có tới nhà mấy lần để xin lỗi, thăm hỏi và thỏa thuận nhưng gia đình họ không chịu. Tôi muốn hỏi, trường hợp này tôi có phải ngồi tù không ? Nếu ngồi tù thì mức án là bao nhiêu năm? Tôi cảm ơn Luật sư của LVN Group.

Trả lời:

Căn cứ quy định pháp luật tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo đó, như bạn có trình bày, thì giữa bạn và anh bạn của mình có xảy ra mâu thuẫn, xích mích. Trong lúc giải quyết mâu thuẫn bạn đã có hành vi dùng gạch ném thẳng vào đầu anh bạn, với tỷ lệ thương tật được xác định là 8%. Như vậy, hành vi của bạn ở đây rõ ràng là cố ý gây thương tích cho người khác có tỷ lệ dưới 11%. Tuy nhiên, hành vi của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm a khoản 1 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về hành vi cố ý gây thương tích ( dùng hung khí nguy hiểm là gạch) ném vào đầu người khác với tỷ lệ thương tật dưới 11%( 8%). Hành vi này theo quy định của bạn sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm.

Căn cứ quy định tại điều 590 Bộ luật dân sự 2015 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì trường hợp của bạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm cho người bạn của mình, bao gồm các chi phí như chi phí của việc cứu chữa tại bệnh viện, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group