Em mới vào làm việc tại công ty và có được giao nhiệm vụ rà soát hợp đồng lao động và bổ sung hợp đồng lao động đầy đủ cho nhân viên. Qua quá trình rà soát, em phát hiện có rất nhiều người làm việc lâu năm nhưng chưa có hợp đồng lao động. Nếu bây giờ ký hợp đồng bổ sung cho họ có được không?
Theo tính chất công việc sử dụng lao động phổ thông và áp lực công việc cao nên tỉ lệ thay đổi nhân viên rất lớn. Công ty em có thể ký hợp đồng theo trình tự này được không: Học việc –> Thử việc–> Thời vụ –> Xác định TH –> Không xác định thời hạn ?
Từ trước đến giờ chỉ có khoảng 60% số lao động được đóng bảo hiểm. Vấn đề là Công ty em không muốn đóng bảo hiểm cho người lao động vì sẽ làm tăng chi phí . Mặt khác một số người lao động cũng không muốn đóng bảo hiểm. Số tiền nhẽ ra phải đóng bảo hiểm thì công ty trả cho người lao động cùng tiền lương luôn. Em có đọc một số diễn đàn, bài viết của các anh chị làm nhân sự trao đổi rằng công ty có thể ký hợp đồng thuê khoán, hợp đồng dịch vụ để không phải đóng bảo hiểm mà chỉ đóng 10% TNCN hộ cho người lao động. Anh có thể tư vấn giúp em là công ty em có thể ký 2 loại hợp đồng này thay cho hợp đồng lao động không? Nếu áp dụng được thì áp dụng với những đối tượng như thế nào?
Em xin chân thành cảm ơn.
Câu hỏi được biên tập bởi Chuyên mục Tư vấn Luật Lao động của Công ty Luật LVN Group
Luật sư tư vấn Luật Lao động gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Đối với vấn đề bạn thắc mắc chúng tôi xin được trả lời như sau:
1, Cơ sở pháp lý:
Bộ luật lao động số 10/2012/QH13
Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
2, Nội dung tư vấn:
Theo Điều 18 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động như sau:
“1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người”.
Đồng thời tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định như sau:
“1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;
b) Cán bộ, công chức, viên chức;
c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;
d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;
đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;
e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.
3. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người sử dụng lao động quy định tại khoản 2 Điều này có sử dụng từ mười lao động trở lên”.
Như vậy, công ty đã vi phạm quy định về việc ký hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội của công nhân. Công ty có thể bị phạt theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:
” Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”
Như vậy, theo các quy định nêu trên, nếu công ty bạn muốn tiếp tục sử dụng lao động thì cần phải ký hợp đồng đối với người lao động theo quy định về các loại hợp đồng được quy định trong Bộ luật Lao động 2012 tại Điều 22 như sau:
” Điều 22. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”
Theo quy định trong Bộ luật Lao động thì bên công ty bạn hoàn toàn có thể ký các loại hợp đồng từ hợp đồng thử việc đến thời vụ, xác định thời hạn hay không xác định thời hạn. Sau khi những hợp đồng đã được ký kết hết thời hạn thì bên công ty có thể ký hợp đồng mới với người lao động.
Về hợp đồng khoán việc được quy định như sau:
“Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận của hai bên, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và sau khi đã hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thỏa thuận.
Người nhận khoán chỉ là đại diện cho 1 nhóm người, có trách nhiệm quản lý mọi người trong nhóm. Pháp luật không quy định cụ thể về điều kiện người đại diện cho nhóm người nhận khoán việc (người nhận khoán có thể có MST hoặc không). Thường người nhận khoán là người được nhóm người tin tưởng cử ra, có kinh nghiệm làm việc này.
khi công ty bạn ký hợp đồng giao khoán với bên nhận khoán việc, công ty bạn nên yêu cầu bên nhận khoán đến chi cục thuế gần nhất làm thủ tục về thuế “cấp hóa đơn lẻ”, bên khoán sẽ đưa hóa đơn lẻ đó cho công ty (công ty bạn được hạch toán hóa đơn này vào chi phí nhân công) , bên nhận khoán có nghĩa vụ đóng thuế TNCN, thuế môn bài, thuế GTGT tại chi cục thuế trước khi lấy được hóa đơn lẻ đó. Quyết toán thuế TNCN thì bên nhận khoán phải tự làm và là trách nhiệm cá nhân của bên nhận khoán. Công ty bạn không cần đứng ra làm việc này cho bên nhận khoán
Tuy nhiên, nêu công ty bạn muốn kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho bên nhận khoán thì khi thanh toán cho bên nhận khoán công ty bạn phải khâu trừ đi 10% (trường hợp không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ dưới 3 tháng) có tổng mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần/ /trở lên. Công ty bạn cần thực hiện thủ tục sau:
– xác định kỳ kê khai: theo tháng hoặc theo quý
– chuẩn bị hồ sơ kê khai thuế TNCN (theo mẫu 02/KK-TNCN), hồ sơ quyết toán thuế TNCN mẫu 05/KK-TNCN)
– khởi động phần mềm hỗ trợ kê khai HTKK 3.3.4 mới nhất hiện nay của Tổng cục thuế
– thời hạn nộp kê khai thuế TNCN:
+ theo tháng: chậm nhất ngày 20 của tháng sau
+ theo quý: chậm nhất là ngày 30 của quý tiếp theo
– nơi nộp tờ khai thuế TNCN: cơ quan quản lý trực tiếp thuế của công ty bạn thông qua hệ thống quản lý thuế qua mạng.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua email Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email hoặc qua tổng đài 1900.0191. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng .
Bộ phận Tư vấn Luật Lao động.