1. Các nhân tố tác động đến cơ chế bảo vệ quyền con người
Có rất nhiều yếu tố, bộ phận tham gia vào quá trình hình thành và hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người, chẳng hạn: đó là các yếu tố của hệ thống chính trị như: Đảng, Quốc hội, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, v.v… Ngoài ra, còn có các hiệp hội, tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Cộng đồng châu Âu, Hiệp hội ASEAN, v.v…
Các chủ thể đảm bảo quyền con người trong phạm vi quốc gia bao gồm các yếu tố của hệ thống chính trị như: Đảng, Quốc hội, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, v.v… thông qua các nguyên tắc, cách thức, quy tắc (bao gồm cả hệ thống pháp lý, các chính sách, v.v…) để đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. Nhưng đây không phải là quá trình tác động đơn chiều, bản thân quyền con người trong tính phong phú, đa dạng của nó cũng có sự tác động trở lại đồi với những cách thức, nguyên tắc, quy tắc và các chủ thể đảm bảo quyền con người. Do đó, trong quá trình phát triển của quyền con người, các nguyên tắc, cách thức, quỹ tắc đảm bảo, thúc đẩy quyền con người cũng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp theo.
2. Tìm hiểu về các tổ chức chính trị – xã hội
Tổ chức chính trị – xã hội là các tổ chức tự nguyện được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức xã hội này có điều lệ hoạt động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu các thành viên thông qua. Bao gồm:
Mặt trận tổ quốc Việt Nam
– Đây là liên minh chính trị – tổ chức liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo;
– Là tổ chức đại diện cho ý chí đại đoàn kết và nguyện vọng chân chính của nhân dân;
– Nơi tập hợp trí tuệ của con người Việt Nam yêu nước, nơi thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền thực hiện nền dân chủ, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân;
– Giám sát, bảo vệ, tham gia xây dựng nhà nước, quản lí xã hội.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
– Là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra;
– Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có tính chất quần chúng và tính chất giai cấp công nhân, có chức năng: Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục, động viên công nhân viên chức lao động phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ðoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
– Là tổ chức chính trị – xã hội tập hợp tầng lớp thanh niên, là đoàn thể của các thanh niên ưu tú, đội hậu bị của Đảng.
– Tổ chức Đoàn được thành lập trên phạm vi cả nước, có mặt ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ trung ương đến địa phương nhằm thu hút thế hệ trẻ vào những hoạt động xã hội bổ ích, lành mạnh, qua đó giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật cho đoàn viên thanh niên.
– Ðoàn thanh niên cũng là nơi đào tạo ra các viên chức, cán bộ có phẩm chất trong bộ máy nhà nước, hoặc giữ những chức vụ trọng trách trong các tổ chức chính trị xã hội, ví dụ như Ðảng, công đoàn.
Hội liên hiệp Phụ nữ
– Là tổ chức chính trị – xã hội của giới nữ, có chức năng đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, tham gia quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng.
– Hội đoàn kết, vận động, tổ chức, hướng dẫn phụ nữ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hội Nông dân Việt Nam
– Là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Được thành lập nhằm động viện, tổ chức nông dân lao động trong cả nước hăng hái tham gia sản xuất, giáo dục tinh thần yêu nước. Mặt khác, hội còn là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của giai cấp nông dân Việt Nam- một bộ phân dân cư lớn nhất ở nước ta.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam
– Là đoàn thể chính trị – xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội.
– Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên các thế hệ cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của cựu chiến binh, chăm lo giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu.
3. Các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội tác động đến các cơ chế bảo vệ quyền con người
Các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội ở Việt Nam gồm có Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội phụ nữ, thanh niên, Hội Chữ Thập đỏ… Đây là những chủ thể tham gia thúc đẩy, bảo đảm quyền con người.
Tuy không đóng vai trò chủ chốt trong việc hình thành và hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người, nhưng các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội ở Việt Nam tham vào toàn bộ quá trình đó. Đặc biệt, các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội thể hiện vai trò phối hợp với các nhân tố khác của hệ thống chính trị trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. Ngoài ra, các tổ chức này còn có vai trò và chức năng phản biện, giám sát đối với việc thực hiện các cơ chế bảo đảm quyền con người, góp phần tạo nên hiệu quả của các cơ chế bảo đảm quyền con người đó.
4. Các tổ chức chính trị – xã hội có vai trò tăng cường sức mạnh chính trị cho người dân
Với tư cách là một cá nhân đơn lẻ, người dân thường thiếu tự tin, thiếu năng động và ít tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là vào các hoạt động chính trị. Nói cách khác, nếu chỉ là một cá nhân đơn lẻ, mỗi người hầu như khó có nhiều ảnh hưởng đến xã hội. Tuy nhiên, khi gặp gỡ nhau, khi liên kết thành một tổ chức họ sẽ có những sức mạnh nhất định và bắt buộc các chủ thể chính trị phải chú ý đến. Theo cách này, các tổ chức, hiệp hội đã tăng quyền lực cho các cá nhân trong những bối cảnh chính trị cụ thể, và điều này buộc những chủ thể chính trị phải tìm cách thích nghi.
5. Vai trò tăng cường hiểu biết, trách nhiệm chính trị cho mỗi người dân
Đối với một nền dân chủ, không có một sự đe dọa nào lớn hơn sự dửng dưng và tính thụ động của người dân. Một chế độ quân chủ hay chế độ chuyên quyền có thể làm được chỉ ở một số ít đối tượng, các nền cộng hòa dân chủ không thể tồn tại nếu thiếu công dân. Xu hướng công dân thờ ơ với chính trị là một xu thế gia tăng ở khắp nơi trên thế giới, đặt ra yêu cầu cấp thiết về vấn đề tổ chức xã hội và vai trò của nó trong nền văn minh dân chủ.
Đặc tính tự nguyện của các tổ chức chính trị – xã hội không những giúp cho các thành viên có cơ hội để chia sẻ ý kiến, suy nghĩ mà còn giúp thực hành các nguyên tắc về lãnh đạo dân chủ. Những thực tập này giúp cho các thành viên ngày một phát triển thêm ý thức trách nhiệm của mình đối với tập thể chung và chuẩn bị cho họ, qua những sinh hoạt điều hành nội bộ như tranh cử, bầu cử… để tham gia vào các sinh hoạt chính trị ở phạm vi toàn xã hội. Nói một cách khác, tổ chức chính trị – xã hội là nơi tập hợp của các con người dân chủ trong các diện khác nhau của xã hội như nhân quyền, giáo dục, y tế, nghề nghiệp… Điều kiện cần thiết cho sự hình thành của tổ chức xã hội chính là từ sự nhận thức của mỗi cá nhân về vai trò và trách nhiệm của họ trong xã hội nói chung và thúc đẩy họ tham gia vào các sinh hoạt của xã hội. Sinh hoạt trong các tổ chức tự nguyện, mỗi cá nhân có cơ hội phát huy đặc tính của nhân cách dân chủ. Nhân cách dân chủ càng được nảy nở thì tổ chức xã hội càng phát triển và ngược lại. Một tổ chức xã hội năng động sẽ cung cấp năng lượng cho sự vận hành của cả xã hội, nhất là về phương diện chính trị và chính sách phản ánh các mối quan tâm của mọi thành viên trong xã hội.
6. Giám sát chính sách
Đây là công tác hết sức quan trọng đối với bất kỳ Nhà nước nào trên thế giới. Việc giám sát xã hội vừa đảm bảo tính dân chủ vừa đồng thời mang tính xây dựng, góp phần hạn chế các sai sót, khuyết điểm của Nhà nước trong quá trình vận hành, giúp xây dựng Nhà nước ngày càng lớn mạnh, xã hội ngày càng phát triển, văn minh. Giám sát xã hội chính là giám sát của nhân dân đối với Nhà nước, nó không phải là việc bên ngoài áp đặt vào quyền lực nhà nước mà chính là yêu cầu khách quan, là thành tố của nhà nước pháp quyền. Việc giám sát chính sách được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau nhưng các tổ chức chính trị – xã hội chính là một trong những kênh quan trọng. Các tổ chức chính trị – xã hội chính là những nơi cung cấp thông tin và chất liệu cho các cuộc thảo luận chính trị. Thông qua các cuộc thảo luận này, các vấn đề được mổ xẻ, xới xáo và tìm ra các giải pháp tối ưu cho hoạt động Nhà nước. Có thể thấy, nếu tiếng nói giám sát mà đến từ một công dân riêng lẻ thì nó hầu như không có sức mạnh chính trị và hầu như khó làm cho Nhà nước quan tâm và lắng nghe. Nhưng nếu hoạt động giám sát được đưa ra từ một tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức có uy tín thì nhất định nó sẽ có những sức nặng chính trị và buộc Nhà nước phải quan tâm và giải quyết.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)