1. Khái quát vể vai trò của Chính phủ

Trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là một cơ quan giữ vị trí thiết yếu trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Bởi lẽ, các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người chỉ được đi vào đời sống khi Chính phủ triển khai thực hiện các biện pháp, hành động cụ thể và thiết thực trong phạm vi quyền hạn của mình. Chính phủ với chức năng vừa là thiết chế chấp hành của Quốc hội, vừa là cơ quan có nhiệm vụ tổ chức điều hành hoạt động hành chính của Nhà nước giữ vị trí trung tâm của việc thực hiện quyền hành pháp. Trong đó, mối quan hệ giữa người dân với cơ quan thực hiện quyền hành pháp được xem là mối quan hệ có tính phổ biến. Trong mối quan hệ giữa người dân với Chính phủ và đội ngũ cán bộ công chức trong Nhà nước XHCN được xác định là mối quan hệ gắn bó máu thịt. Chính phủ tổ chức các hoạt động quản lý xã hội, quản lý đất nước nhằm mục đích đảm bảo các quyền cơ bản của con người và quyền của công dân trên mọi lĩnh vực của đối sống như kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, v.v… Mặc dù Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ quy định trong số nhiệm vụ và quyền hạn, chỉ có một nhiệm vụ là: “Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình song cần thấy rằng, tất cả các nội dung nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ chính là nhằm một mục đích lớn lao là thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang triển khai thực hiện.

2. Vai trò nâng cao nhận thức về quyền con người

Một trong các nhiệm vụ của Chính phủ gắn với phương pháp quản lý của Chính phủ là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người. Mặc dù, trong thực tiễn, các thông tin, kiến thức về quyền con người được đến từ nhiều nguồn, do nhiều tổ chức và cá nhân cung cấp. Song một điều không thể phủ nhận đó là chỉ có Chính phủ mới có đủ nhân lực và vật lực cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người một cách chính thống và đầy đủ nhất. Bởi lẽ, Chính phủ có bộ máy có chức năng thông tin, có đội ngũ cán bộ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền con người chuyên nghiệp và tâm huyết. Bên cạnh đó, Chính phủ quản lý hệ thống thông tin truyền thông chính thống nên là một kênh quan trọng để các cá nhân và tổ chức được nâng cao nhận thức, kiến thức về quyền con người. Thông qua chức năng phổ biến kiến thức về quyền con người, Chính phủ thể hiện vai trò của mình trong việc thúc đẩy các cá nhân thụ hưởng các quyền và phát huy việc thực hiện các quyền của mình trong cuộc sống riêng tư cũng như khả năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Cụ thể như việc Chính phủ mở rộng mạng thông tin, công khai các hoạt động của mình và tạo cơ chế tài phán hành chính để thúc đẩy nhân dân thực hiện các quyền chính trị như quyền bầu cử, quyền cho ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đóng góp ý kiến cho các chính sách phát triển kinh tế, xã hội mà Chính phủ xây dựng, quyền phản biện xã hội, quyền đình công, quyền tự do kinh doanh, v.v…

3. Giáo dục quyền con người

Việt Nam luôn xác định giáo dục quyền con người là một trong những biện pháp thực thi quyền con người. Bởi vì, giáo dục là công cụ chuyển tải những kiến thức cơ bản về các quyền con người, hình thành ý thức tôn trọng quyền con người. Ở Việt Nam, giáo dục quyền con người không chỉ là trách nhiệm quốc tế mà còn được xem là nhiệm vụ tự thân xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Quan điểm này đã được nhắc lại trongChỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó xác định: giáo dục quyền con người là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đối với việc đưa giáo dục quyền con người lồng ghép trong hệ thống giáo dục quốc dân, ngày 5-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân… làm tiền đề cho việc xây dựng các chương trình giảng dạy khung của các bậc đào tạo trong cả nước.

4. Quyết định số 1309/QĐ-TTg

Mục tiêu chung: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

Giai đoạn 2017 – 2020:

Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể:

– Hoàn thành việc bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, giảng viên, giáo viên và cán bộ cốt cán tham gia biên soạn chương trình giáo dục, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu của từng cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Phấn đấu trong năm 2018 bồi dưỡng 100% số người viết chương trình, 100% số người biên soạn tài liệu học tập và biên soạn bộ sách giáo khoa phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng với một số tác giả bộ sách giáo khoa khác;

– Hoàn thành xây dựng chương trình thí điểm phù hợp với tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới;

– Tập huấn cho giảng viên, giáo viên thí điểm đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đến năm 2020, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp tỉnh có giảng dạy lồng ghép kiến thức quyền con người ở các cấp học;

– Tổ chức dạy thí điểm nội dung giáo dục quyền con người cho các cấp học, chương trình đào tạo như sau:

+ Đối với giáo dục mầm non và phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông), tổ chức thí điểm ở 03 tỉnh, thành phố đại diện cho ba miền (dự kiến 02 trường mỗi cấp học);

+ Đối với giáo dục đại học, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành đào tạo (dự kiến 03 trường mỗi khối trường);

+ Đối với giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành, nghề đào tạo (dự kiến 03 trường mỗi khối trường).

Giai đoạn 2021 – 2025:

– Triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên các cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy về quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được tập huấn, bồi dưỡng;

– Hoàn thành việc biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo về quyền con người phục vụ giảng dạy, đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân;

– Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.

5. Vai trò của báo chí trong bảo vệ quyền con người

Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, Luật báo chí năm 2016 đã thể hiện sinh động mối quan hệ giữa quyền con người và quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Đồng thời thể hiện rõ lợi thế của truyền thông, báo chí trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quyền con người và chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người.

Thực tiễn cho thấy, dù chính sách của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân có hay đến mấy nhưng nếu thiếu vai trò của giới truyền thông thì chính sách, pháp luật cũng khó đến được với người dân.

Từ năm 1991, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tiến hành cấp phát miễn phí năm ấn phẩm báo in cho các địa phương vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1637/QĐ-TTg về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi Quyết định 1637 kết thúc, ngày 20-7-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 975/QĐ-TTg thực hiện tiếp việc cấp một số báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở vùng này.

Điểm mới trong Quyết định 975 so với Quyết định 1637 là ở chỗ, danh sách các báo, tạp chí cấp phát miễn phí tăng số lượng lên là 24 ấn phẩm của 19 cơ quan báo chí và mở rộng đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là chủ trương đúng đắn, là sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước ta trong việc nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và phù hợp với nguyện vọng của đồng bào.

Mặt khác, triển khai thực hiện Quyết định 2472/QĐ – TTg, ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 – 2015, theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, 100% báo chí được cấp phát đúng đối tượng, đảm bảo về chất lượng nội dung, số lượng, địa chỉ, cũng như đúng thời gian quy định. Các báo, tạp chí đã bám sát định hướng nội dung tuyên truyền. Tin, bài, ảnh đăng trên các báo, tạp chí ngắn gọn, ảnh rõ nét, trình bày đẹp, dễ đọc, dễ xem, cơ bản phù hợp với trình độ dân trí và nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dễ đọc, dễ hiểu và nhớ lâu.

Bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không có nghĩa là chấp nhận cả cái sai. Báo chí góp phần rất quan trọng để người dân có được thông tin đúng để điều chỉnh hành vi của mình. Các cơ quan truyền thông, báo chí trong những năm qua đã tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các tệ nạn xã hội, lạm dụng quyền lực để vi phạm quyền con người, quyền công dân. Nhiều vụ việc tiêu cực trong quản lý nhà nước, trong hoạt động tư pháp đã được báo chí phát hiện, các cơ quan nhà nước đã phải xem xét lại, qua đó lợi ích hợp pháp của công dân và nhà nước được bảo vệ và được khôi phục. Hơn nữa, báo chí cũng tăng cường định hướng dư luận đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc trên lĩnh vực quyền con người.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)