1. Diệt chủng

Diệt chủng là “sự phá hủy có chủ ý và có hệ thống, toàn bộ hoặc một phần, của một dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, hay quốc gia”. Mặc dù vậy, định nghĩa của “một phần” vẫn còn chưa rõ ràng và tiếp tục là chủ đề nhiều cuộc tranh luận của các học giả pháp lý. Thuật ngữ tiếng Anh genocide do Raphael Lemkin tạo ra vào năm 1944 trong cuốn sách Axis Rule in Occupied Europe của ông.

Trong khi một định nghĩa chính xác thay đổi giữa các học giả diệt chủng, một định nghĩa pháp lý được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng (CPPCG) 1948. Điều 2 của quy ước này định nghĩa diệt chủng là “các hành vi được thực hiện với ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một quốc gia, chỉ về nhân chủng, nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, chẳng hạn như: sát hại các thành viên, gây ra tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể hoặc tâm thần các thành viên; áp đặt các điều kiện sống nhằm gây phá hủy thể chất toàn bộ hoặc một phần nhóm đó, áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn sinh sản trong nhóm, [và] buộc chuyển giao trẻ em từ nhóm này sang nhóm khác”.

Công ước ngăn ngừa và xử phạt tội ác diệt chủng là thỏa thuận quốc tế được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 9 tháng 12 năm 1948 với nội dung xác nhận rằng diệt chủng là tội ác được thực hiện bằng các hành vi như: giết, xâm phạm đến sự toàn vẹn thể chất hoặc tinh thần của các thành viên trong tập thể, cố ý bắt các tập thể phải sống trong những điều kiện dẫn đến việc biến mất cả cộng đồng, thực hiện các các biện pháp cản trở việc sinh đẻ của cộng đồng, cưỡng bức chuyển trẻ em từ cộng đồng này sang cộng đồng khác. Người thực hiện, người đề ra chủ trương, cổ vũ, mưu toan thực hành dù là người lãnh đạo nhà nước, là quan chức hay thường dân mà phạm tội ác diệt chủng đều bị đưa ra xét xử và trừng trị.

2. Những cuộc diệt chủng nổi tiếng

– Diệt chủng người da đỏ: Theo một ước tính, khoảng 95 triệu tới 114 triệu người da đỏ bản xứ đã bị tiêu diệt trong hơn 300 năm lãnh thổ Bắc Mỹ bị người da trắng xâm chiếm để lập nên nước Mỹ.

– Diệt chủng Armenia 1915 – 1917, khoảng 1 triệu người Armenia bị quân đội của Đế quốc Ottoman giết chết.

– Holocaust, khoảng 4 – 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc xã giết hại.

– Diệt chủng Bangladesh năm 1971.

– Diệt chủng Campuchia năm 1975-1980.

– Diệt chủng Bosnia.

– Diệt chủng người Kurd.

– Diệt chủng Rwanda.

3. Liên hợp quốc trong việc đấu tranh chống tội diệt chủng

Theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 11/12/1946 và Nghị quyết ngày 21/11/1947, tội diệt chủng được coi là tội ác chống loài người, Liên hợp quốc đã giao cho Hội đồng Kinh tế – Xã hội nghiên cứu và soạn thảo công ước về tội ác diệt chủng. Với tinh thần trách nhiệm cao của Hội đồng, ngày 9/12/1948 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về phòng ngừa và trừng trị tội diệt chủng.

Điều 1 Công ước đã chỉ rõ diệt chủng là tội phạm vi phạm luật quốc tế và chống các quốc gia, chống loài người, vì thế các quốc gia có trách nhiệm áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và trừng trị nó. Các quốc gia thành viên Công ước có trách nhiệm ban hành văn bản pháp luật phù hợp và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để trừng trị thích đáng các cá nhân thực hiện hành vi tội phạm.

Nhận rõ tính chất nguy hiểm của tội ác diệt chủng, Liên hợp quốc đã thành lập các cơ quan chuyên trách để nghiên cứu các trường hợp cụ thể và điều tra sự vi phạm thô bạo, có hệ thống quyền con người.

Theo Nghị quyết số 2 năm 1966, uỷ ban Nhân quyền đã thành lập nhóm công tác đặc biệt gồm năm chuyên gia cao cấp có nhiệm vụ điều tra sự vi phạm quyền con người ở Nam Phi. Trong quá trình hoạt động uỷ ban Nhân quyền của LHQ đã tăng cường thêm lực lượng chuyên gia điều tra về tội ác diệt chủng ở Nam mi bia và các nước châu Phi khác.

Ví dụ khác về tội ác diệt chủng là chính sách của bọn Pôn Pốt- lêngxari ở Campuchia đã giết hại gần 3 triệu người dân.

Như vậy, Công ước của Liên hợp quốc về phòng ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng đã thể hiện vai trò của Liên hợp quốc trong cuộc đấu tranh nhằm chống sự vi phạm thô bạo các quyền và tự do cơ bản của con người.

4. Diệt chủng Campuchia

Cuộc diệt chủng Campuchia là cuộc diệt chủng mà chế độ Khmer Đỏ (Khmer Rouge) do Pol Pot lãnh đạo, thực hiện tại Campuchia từ giữa năm 1975 đến 1979.

Đặc điểm của cuộc diệt chủng này là thế lực nắm quyền thực hiện đối với chính dân tộc mình theo lý do ý thức hệ. Các ước tính cho thấy có từ 500000 đến 3 triệu người đã chết trong cuộc diệt chủng này.

Khmer Đỏ đã dự kiến tạo ra một hình thức Chủ nghĩa Xã hội Nông nghiệp, xây dựng trên những lý tưởng của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao. Các chính sách buộc di dời dân cư từ các đô thị, việc tra tấn và hành quyết hàng loạt, buộc lao động cưỡng bức, sự suy dinh dưỡng và bệnh tật đã dẫn đến tử vong của khoảng 25% tổng dân số (khoảng 2 triệu người). Nạn diệt chủng kết thúc khi có Chiến tranh biên giới Tây Nam. Cho đến nay đã phát hiện trên 20.000 ngôi mộ tập thể chôn lấp các nạn nhân, thường được gọi là Cánh đồng chết.

Ngày 02/01/2001, Chính phủ Hoàng gia Campuchia thông qua luật để truy tố một số lượng hạn chế các lãnh đạo Khmer Đỏ. Tòa án xét xử tội ác diệt chủng ở Campuchia (ECCC) được thành lập theo thỏa thuận của Chính phủ Hoàng gia Campuchia với Liên Hiệp Quốc. Các phiên tòa bắt đầu ngày 17/02/2009. Tháng 7 năm 2010 Khang Khek Ieu (hay Kaing Guek Eav) bị kết tội và phạt tù giam 35 năm, và ngày 3/2/2012, trong phán quyết phúc thẩm cuối cùng ECCC đã nâng mức án thành tù chung thân. Ngày 07/08/2014, Nuon Chea và Khieu Samphan đã bị kết tội và nhận án chung thân cho tội ác chống lại loài người trong nạn diệt chủng.

Hành động diệt chủng: Chính phủ Khmer Đỏ đã bắt giữ, tra tấn và sau đó hành quyết bất kỳ ai bị nghi ngờ thuộc một trong nhiều tiêu chí bị nghi ngờ là “kẻ thù”:

– Bất kỳ ai có quan hệ với chính phủ cũ hay các chính phủ nước ngoài.

– Người chuyên nghiệp và trí thức – trên thực tế tiêu chí này bao gồm hầu hết mọi người có giáo dục, hay thậm chí những người đeo kính (mà, theo chế độ, có nghĩa là họ có học). Chính Pol Pot là một người có trình độ giáo dục đại học (dù bỏ ngang) với lòng yêu mến văn học Pháp và cũng là một người nói thạo tiếng Pháp. Nhiều nghệ sĩ, gồm cả các nhạc sĩ, tác gia và nhà làm phim đã bị hành quyết. Một số người như Ros Sereysothea, Pan Ron và Sinn Sisamouth đã có được danh tiếng nhờ tài năng và đến ngày nay vẫn được người Khmer biết đến.

– Sắc tộc Việt Nam, sắc tộc Hoa, sắc tộc Thái và các sắc tộc thiểu số khác ở Cao nguyên miền Đông, người Campuchia theo Cơ đốc giáo (hầu hết là Công giáo), tín đồ Hồi giáo (người Chăm) và các tu sỹ Phật giáo. Thánh đường Công giáo ở Phnom Penh bị phá hủy hoàn toàn. Khmer Đỏ buộc các tín đồ Hồi giáo phải ăn thịt lợn. Nhiều người từ chối thực hiện bị giết hại. Giáo sĩ Công giáo và Hồi giáo bị hành quyết. Một trong những chỉ huy cũ của Khmer Đỏ, Comrade Duch, đã chuyển theo Tin Lành vài năm sau khi chế độ này sụp đổ.

– “Những kẻ phá hoại kinh tế”: nhiều người dân thành thị cũ (những người chưa chết vì đói khát) được cho là có tội vì thiếu khả năng làm nông nghiệp.

Trong suốt những năm 1970, và đặc biệt sau nửa đầu năm 1975, đảng cũng rung chuyển bởi những cuộc đấu tranh phe nhóm. Đã có những âm mưu quân sự lật đổ Pol Pot. Những cuộc thanh trừng sau đó lên đến đỉnh điểm năm 1977 và 1978 khi hàng nghìn người, gồm cả một số lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Campuchia bị hành quyết.

Ngày nay, các ví dụ về các phương pháp tra tấn được Khmer Đỏ sử dụng được trưng bày trong Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng.

5. Nạn diệt chủng Rwanda

Nạn diệt chủng Rwanda, còn được biết dưới tên gọi Diệt chủng người Tutsi, là vụ giết người hàng loạt do chính quyền Rwanda do đa số người Hutu lãnh đạo nhắm tới sắc tộc Tutsi ở nước này. Ước chừng 500.000 tới 1.000.000 người Rwanda, tức 70% dân số người Tutsi, bị sát hại trong 100 ngày diễn ra nạn diệt chủng, từ 7 tháng 4 đến giữa tháng 7 năm 1994. Bên cạnh đó, 30% người Pygmy bị giết.

Từ thế kỷ 13, người Tutsi, một sắc tộc chiếm khoảng 15% dân số ngày nay tại Rwanda, định cư tại Kenya và Tanzania đã di cư tới Rwanda rồi dần dần chiếm vai trò chính trị lớn trong xã hội Rwanda khi có thành viên của sắc tộc này này vươn lên làm thủ lĩnh, lãnh đạo những người Hutu bản địa, vốn chiếm tới 85% dân số. Những xung đột và khác biệt giữa người Hutu và Tutsi ngày càng lớn cả trên phương diện xã hội và kinh tế, nhất là khi kinh tế của người Hutu ngày càng phát triển. Sự đối lập trở nên rõ nét đặc biệt dưới thời kỳ thực dân Bỉ khi người Bỉ dành cho người Tutsi “quyền lãnh đạo” người Hutu, cho họ những đặc ân về nhà cửa, vị trí và giáo dục tốt hơn người Hutu.

Năm 1959, cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Grégore Kayibanda, người Hutu, đã giải phóng Rwanda thoát khỏi chế độ thực dân Bỉ. Ba năm sau, Grégore Kayibanda trở thành người lãnh đạo liên minh giữa người Hutu và người Tutsi vào năm 1962.

Tuy nhiên, đến đầu năm 1990 Rwanda rơi vào khủng hoảng kinh tế do sự trượt giá kim loại và cà phê trên toàn cầu, đã khiến đồng nội tệ của Rwanda sụt giảm tới 67% và sự suy giảm GDP tới 15%. Vào thời điểm này, những người Tutsi lưu vong tại Uganda thành lập Mặt trận yêu nước Rwanda (viết tắt là RPF). Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Rwanda được coi là nguyên cớ để RPF tiến vào Rwanda năm 1993. Sự lo sợ bị người Tutsi trả đũa từ phía người Hutu, những người đã nắm quyền lãnh đạo đất nước hàng thập kỷ, có thể khiến họ buộc phải nghĩ đến việc ngăn chặn RPF nói riêng và người Tutsi nói chung.

Năm 1993, để tránh giao tranh và chia rẽ, chính phủ người Hutu và quân nổi dậy Tutsi chấp nhận chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, cho tới tận 6 tháng 4 năm 1994, Tổng thống Juvenal Habyarimana mới đồng ý đàm phán tại Burundi để thực thi Hiệp ước. Tối cùng ngày, trên đường về Kigali, chuyên cơ của tổng thống bị trúng đạn. Dù chưa xác định được quân nổi dậy Tutsi hay người Hutu đã bắn vào phi cơ của tổng thống, nhưng sự ra đi của tổng thống Juvenal Habyarimana đã châm ngòi cho nạn diệt chủng chỉ vài giờ sau đó. Những nhà lãnh đạo cao cấp Hutu đã lợi dụng việc bắn vào máy bay Tổng thống là mốc khởi điểm để giết và xóa sạch những người Tutsi cũng như những người Hutu ôn hòa.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)