1. Nội dung của cơ chế đảm bảo quyền con người

Khi nói đến “Cơ chế đảm bảo quyền con người” bản thân cụm từ này bao hàm hai nội dung cơ bản:

Thứ nhất, đó là những nguyên tắc, phương thức, cách thức, quy tắc, thủ tục, v.v… để thúc đẩy và đảm bảo quyền con người.

Thứ hai, đó là các yếu tố, bộ phận, v.v… tham gia vào việc thúc đẩy và đảm bảo quyền con người.

Đối với nội dung thứ nhất, do quyền con người phong phú, đa dạng và không kém phần phức tạp, do đó để thúc đẩy và đảm bảo quyền con người cần có những nguyên tắc, quy tắc, cách thức khác nhau. Hoặc nói cách khác, với mỗi cơ chế đảm bảo quyền con người khác nhau, lại có những cách thức, nguyên tắc, quy tắc khác nhau.Các nguyên tắc, quy tắc khác nhau này góp phần đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở một phương diện khác nhau.

Mặt khác, các nguyên tắc, quy tắc, biện pháp, cách thức đảm bảo quyền con người thì vô cùng phong phú, đa dạng, bỗi nó còn phụ thuộc vào các chủ thể khác nhau. Các nguyên tắc, quy tắc này quy định tính chất, đặc trưng của các cơ chế bảo đảm quyền con người. Chẳng hạn, nguyên tắc kiểm tra, thanh tra, giám sát; nguyên tắc phối hợp; nguyên tắc đối thoại; nguyên tắc hợp tác quốc gia, khu vực và quốc tế, v.v… sẽ quy định nên cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, cơ chế phối hợp, cơ chế đối thoại, v.v… Nếu như nói, các chủ thể đảm bảo quyền con người đóng vai trò là những điều kiện cần, thì các nguyên tắc, quy tắc là điều kiện đủ.

Các nguyên tắc, quy tắc là nhân tố cấu thành quan trọng của các cơ chế bảo đảm quyền con người, tính hiệu quả của việc đảm bảo, thúc đẩy quyền con người phụ thuộc nhiều vào các nguyên tắc, quy tắc này.

Đối với nội dung thứ hai, có rất nhiều yếu tố, bộ phận tham gia vào quá trình hình thành và hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người, chẳng hạn: đó là các yếu tố của hệ thống chính trị như: Đảng, Quốc hội, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, v.v… Ngoài ra, còn có các hiệp hội, tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Cộng đồng châu Âu, Hiệp hội ASEAN, v.v…

Các chủ thể đảm bảo quyền con người trong phạm vi quốc gia bao gồm các yếu tố của hệ thống chính trị như: Đảng, Quốc hội, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, v.v… thông qua các nguyên tắc, cách thức, quy tắc (bao gồm cả hệ thống pháp lý, các chính sách, v.v…) để đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. Nhưng đây không phải là quá trình tác động đơn chiều, bản thân quyền con người trong tính phong phú, đa dạng của nó cũng có sự tác động trở lại đồi với những cách thức, nguyên tắc, quy tắc và các chủ thể đảm bảo quyền con người. Do đó, trong quá trình phát triển của quyền con người, các nguyên tắc, cách thức, quỹ tắc đảm bảo, thúc đẩy quyền con người cũng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp theo.

2. Giới thiệu về Tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân Việt Nam là cơ quan xét xử của quyền lực nhà nước Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, gồm bốn cấp: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân cấp cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; các Toà án quân sự.

– Tòa án nhân dân tối cao, trực thuộc Trung ương, là tòa án nhân dân cấp cao nhất trong hệ thống luật pháp.

– Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền tư pháp trên phạm vi nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

– Tòa án nhân dân huyện,thành phố thuộc tỉnh và tương đương

Ngoài ra còn có Tòa án Quân sự các cấp.

3. Giới thiệu về Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

– Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

4. Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tác động đến các cơ chế bảo đảm quyền con người

Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ quyền con người. Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là những nhân tố quan trọng của cơ chế bảo đảm quyền con người. Việc bảo vệ quyền con người thông qua cơ chế Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân chỉ khi có hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân công dân và lợi ích của Nhà nước, của chế độ. So vối Quốc hội và Chính phủ, vai trò của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tập trung nhiều đến hoạt động và hiệu quả của các cơ chế bảo đảm quyền con người. Cụ thể là, hai cơ quan này chú trọng đến bảo vệ quyền con người, xử lý các vi phạm về quyền con người. Bên cạnh đó, từ góc độ tư pháp, các cơ quan này cũng xây dựng những cơ chế bảo đảm quyền con người, chẳng hạn như cơ chế Tòa án độc lập, cơ chế thẩm phán độc lập trong khi xử án…

5. Tòa án nhân dân với việc đảm bảo quyền con người

Trong bộ máy nhà nước ta, vị trí của Tòa án nhân dân được thể hiện tại Điều 102 của Hiến pháp: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất được Hiến pháp và pháp luật trao chức năng xét xử. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án nhân dân nhân danh nhà nước đưa ra các phán quyết để quyết định trực tiếp tới sinh mệnh, chính trị, kinh tế của con người cụ thể do đó, đóng vai trò vô cùng quan trọng và trực tiếp trong việc bảo đảm các quy định về quyền con người không bị xâm phạm.

Để việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý nói chung và bảo vệ quyền con người nói riêng, trong hoạt động xét xử của mình, tòa án phải tuân theo những nguyên tắc nhất định mà hầu hết được quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật.

Để quyền con người không bị xâm phạm trong hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử, Tòa án nhân dân cần bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc sau:

– Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

– Nguyên tắc xét xử công khai

– Nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

– Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án

– Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số

– Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa

– Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án

– Giám đốc việc xét xử

6. Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo vệ quyền con người

Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) có thẩm quyền tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự và phát biểu ý kiến; thẩm quyền kháng nghị bán án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân của VKSND theo BLTTDS năm 2015 được thể hiện trong những quy định cụ thể như sau:
– Viện kiểm sát tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự: Theo quy định của BLTTDS năm 2015, Viện kiểm sát (VKS) tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự với vai trò là cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Điều 21 BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể các trường hợp VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự; ngoài việc tiếp tục quy định các trường hợp VKS tham gia phiên tòa, phiên họp, điều luật còn bổ sung quy định VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
– Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm: Về việc phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm: Để bảo đảm sự thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập của quy định tại Điều 234 của BLTTDS năm 2004, Điều 262 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung nội dung quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm như sau: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”.

– Viện kiểm sát có thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ:

Kiểm sát viên khi được Viện trưởng VKS phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn “Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này” (khoản 3 Điều 58 BLTTDS).
– Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị bán án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)