1. Chính phủ có vai trò tạo lập môi trường bảo đảm và thúc đẩy quyền con người

Trước hết, đó là việc Chính phủ quản lý xã hội, tạo lập một môi trường an toàn về chính trị, đảm bảo về trật tự xã hội. Trong môi trường xã hội đó, các dịch bệnh bị đẩy lùi, các hành vi vi phạm trật tự xã hội bị trừng phạt, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố bị kiểm soát, tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội, phân hoá giàu nghèo bị xóa bỏ, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, bảo trợ xã hội được Chính phủ tổ chức thực hiện có hiệu quả, v.v… Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường, Chính phủ luôn chú trọng việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các Bộ theo hướng Bộ quản lý đa ngành và đa lĩnh vực, tách sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý, cải cách sâu rộng và triệt để thủ tục hành chính trong các lĩnh vực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tạo môi trường tương tác và làm hài hoà mối tương quan giữa các biện pháp quản lý nhà nước do Chính phủ đảm nhiệm và quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Hơn thế nữa, trong Nhà nước pháp quyền XHCN, một trong những yêu cầu của Chính phủ là phải tổ chức thực thi các nghĩa vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ trật tự nhằm bảo đảm cho công dân sự an toàn cần thiết về môi trường xã hội để con người được tạo cơ hội phát huy các tiềm năng và để thụ hưởng các quyền cơ bản của mình mà Hiến pháp ghi nhận.

2. Tạo lập môi trường an toàn về chính trị, trật tự xã hội

Thông qua Bộ công an, Chính phủ góp phần tạo lập một môi trường an toàn về chính trị, đảm bảo về trật tự xã hội.

Công an nhân dân (CAND) thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Công tác nắm tình hình, nhất là tình hình từ xa, từ cơ sở, đã chủ động và hiệu quả hơn. Công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động được triển khai quyết liệt, không để thành lập tổ chức chính trị đối lập trong nước; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; không để xảy ra khủng bố, phá hoại, bị động, bất ngờ về mặt chiến lược. Chủ động phát hiện, tấn công, trấn áp mạnh tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm mạng, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm liên quan “tín dụng đen”, tội phạm kinh tế, ma túy; nhanh chóng điều tra, làm rõ các vụ trọng án giết người, cướp tài sản; đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tạo chuyển biến tích cực về trật tự kỷ cương, an ninh xã hội, an ninh con người, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

CAND tích cực, chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc hơn cho các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND. Ðặc biệt, đã đề xuất Quốc hội thông qua và ban hành nhiều luật quan trọng như: Luật CAND, Luật An ninh mạng, Luật Cảnh vệ, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi), Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND.

Qua việc bố trí hơn 43.000 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, lực lượng Công an kịp thời nắm bắt, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tham mưu giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và ngay từ cơ sở. Lực lượng CAND cũng là một trong những lực lượng xung kích tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, có nhiều biện pháp, cách làm cụ thể, thiết thực để cùng Ðảng, Nhà nước và Nhân dân phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Ðã phối hợp các bộ, ngành, địa phương, các nhà hảo tâm thực hiện hiệu quả chủ trương hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hàng nghìn gia đình chính sách, các hộ nghèo và học sinh tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, hạn chế được việc di cư tự do, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an và Nhân dân. Qua công tác, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng CAND ngày càng khắc sâu phương châm: “Trọng dân, gần dân, sát dân. Lúc dân cần, lúc dân khó có Công an” và “Công an phải hết lòng giúp đỡ nhân dân và dựa vào lực lượng hùng mạnh của nhân dân”.

3. Quản lí đa ngành, đa lĩnh vực

Về mặt lý luận, thế nào là phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hay nói cụ thể hơn là một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực – là vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích, làm rõ.

– Một bộ được giao quản lý nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, nhưng các ngành, lĩnh vực này phải có cùng tính chất hoặc có mối quan hệ gần gũi, gắn kết với nhau;

– Thực tiễn hoạt động của các bộ, cơ quan này đã xuất hiện những chức năng, nhiệm vụ giao thoa, chồng lấn, thậm chí phát sinh những mâu thuẫn, gây khó khăn cho việc hoạch định cũng như thực thi chính sách;

– Việc nghiên cứu để chia tách hay sáp nhập các bộ, cơ quan này phải thực chất, không gán ghép cơ học, không sáp nhập, chia tách một cách gượng ép;

– Phải đạt được mục tiêu chung là giảm đầu mối, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Và nếu đã đáp ứng được các tiêu chí và mục tiêu nêu trên thì phải có một quyết tâm chính trị cao để đạt được mục tiêu đó.

Trên thực tế, nước ta đã từng bước chuyển tổ chức bộ máy Nhà nước (Chính phủ) sang quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bằng cách ghép một số bộ, ngành để hình thành một bộ mới; chuyển đổi mô hình quản lý từ quản lý đơn ngành sang quản lý đa ngành. Bước chuyển đổi này đã đưa lại một số kết quả tích cực, như giảm số bộ, giảm biên chế, năng lực quản lý vĩ mô được nâng lên…

4. Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức

Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Báo cáo đánh giá cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) và định hướng xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) theo đúng quan điểm, định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dự kiến trình Bộ Chính trị vào tháng 11/2020. Xác định rõ tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, số lượng vị trí việc làm và số công chức, đầu mối trực thuộc tối thiểu cần có đối với từng loại đơn vị.

Các bộ và cơ quan ngang bộ đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ “hàm” lãnh đạo, quản lý; sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc hoặc phân cấp cho địa phương quản lý; không chuyển các vụ thành cục, tổng cục; không thành lập mới phòng trong vụ tham mưu thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Các quyết định thành lập tổ chức, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức không đúng tiêu chí, tiêu chuẩn bị thu hồi, hủy bỏ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó đã hoàn thiện quy định về tiêu chí thành lập tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, làm cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án kiện toàn tổ chức của cơ quan mình theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua sắp xếp, cơ cấu tổ chức của bộ có 249 vụ và tương đương, giảm 12 tổ chức (4,6%); 126 cục, tăng 7 tổ chức (5,88%); 31 tổng cục và tương đương, gồm: 21 tổng cục và 10 tổ chức tương đương, tăng 2 tổng cục (6,9%); có 100 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 10 tổ chức (9,09%).

5. Cải cách thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính (TTHC), nhất là thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) với người dân và doanh nghiệp (DN) có bước chuyển biến rõ rệt, tăng cường công khai, minh bạch, góp phần phòng chống tiêu cực, nhũng nhiễu đã có những bước tiến quan trọng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương. Đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã triển khai mô hình một cửa liên thông hiện đại cấp huyện và đã thí điểm tổ chức mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức các Khu hành chính tập trung để giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tập trung nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN.

Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2017 và Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các CQHCNN ở địa phương và cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN, trọng tâm là CCTTHC trong các lĩnh vực thuế, hải quan, BHXH, đất đai, xây dựng, thành lập và phá sản DN, tiếp cận điện… Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan dân cư.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm tăng cường công khai, minh bạch và hiệu lực hiệu quả. Từng bước hình thành Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu của người dân, DN và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của CQHCNN. Tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử và trao đổi văn bản, tài liệu giữa các CQHCNN dưới dạng dữ liệu điện tử. Đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; xây dựng và sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử. Khuyến khích sử dụng phương thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin; xây dựng cổng thông tin và mạng hành chính điện tử bốn cấp.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)