Trong thế giới toàn cầu hóa, vấn đề tội phạm xuyên biên giới, tội phạm xuyên quốc gia đã trở thành mối quan tâm chung của cả thế giới. Mặc dù không có định nghĩa chung về tội phạm xuyên biên giới, tội phạm xuyên quốc gia hoặc tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nhưng hiện nay…
1. Khái quát chung
Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970 về những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc xác định các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau. Từ cơ sở của nguyên tắc này, HTQT trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung, TTHS nói riêng đã trở thành nội dung quan trọng của nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Hợp tác giữa các quốc gia ngày càng được tăng cường và phát triển theo chiều rộng và bề sâu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, qua hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới của Đảng, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, hoạt động lập pháp và tư pháp… Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều yêu cầu cao hơn về bảo vệ quyền lợi tập thể của người lao động, công đoàn, khuyến khích bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, hợp tác song phương về văn hoá, giáo dục, y tế…; cùng đó, Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới… Các mối quan hệ xã hội xuyên quốc gia ngày càng nhiều, thể hiện qua số lượng ngày càng tăng các dự án hợp tác đầu tư, sản xuất, quan hệ thương mại với nước ngoài, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam để du lịch, thăm người thân, lao động, học tập… và ngược lại, số lượng người Việt Nam xuất cảnh đi lao động, học tập, công tác ở nước ngoài ngày càng tăng. Thống kê hiện nay, khoảng 5 triệu người gốc Việt đang sinh sống ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; có khoảng 500.000 công dân Việt Nam đang lao động, học tập ở nước ngoài; trong giai đoạn 2010-2018, các đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh đã làm thủ tục nhập cảnh cho hơn 84 triệu lượt khách, xuất cảnh cho gần 85 triệu lượt khách [30, tr. 3,4], trong đó, 81% số lượt khách xuất nhập cảnh qua đường không quốc tế. Sự phát triển quan hệ quốc tế về mọi mặt giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức và diễn đàn quốc tế, đặc biệt làm gia tăng mạnh mẽ các quan hệ giao lưu về kinh tế, thương mại, văn hoá… trong đó đòi hỏi phải được điều chỉnh bằng các quan hệ pháp luật mới. Các quan hệ pháp luật về dân sự, hôn nhân, gia đình, lao động, kinh tế, thương mại, hình sự, pháp luật tố tụng dân sự, TTHS… có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng.
– Trong thế giới toàn cầu hóa, vấn đề tội phạm xuyên biên giới, tội phạm xuyên quốc gia đã trở thành mối quan tâm chung của cả thế giới. Mặc dù không có định nghĩa chung về tội phạm xuyên biên giới, tội phạm xuyên quốc gia hoặc tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nhưng hiện nay, các nhà khoa học và thực tiễn tư pháp hình sự cùng sử dụng các khái niệm có liên quan được quy định tại UNTOC. Trên phạm vi toàn cầu, lợi nhuận trái phép rất lớn là động cơ chủ yếu thúc đẩy các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia mở rộng phạm vi, địa bàn, lĩnh vực hoạt động phạm tội với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn [16, tr.9],[84, tr.125]. Ở Việt Nam, trong 10 năm qua, tính riêng các lực lượng chức năng của Bộ Công an từ Trung ương đến địa phương đã phát hiện, khởi tố, điều tra 1.260 vụ án có yếu tố nước ngoài hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia; trong tổng số 2.041 bị can bị bắt giữ, có 692 đối tượng là người nước ngoài [30, tr.4]. Bên cạnh đó, thông qua kênh hợp tác giữa các cơ quan Cảnh sát quốc tế và trong ASEAN (Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế – INTERPOL, Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát ASEAN – ASEANAPOL), CAND Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng các nước bắt giữ được hàng trăm đối tượng phạm tội người Việt Nam hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia ở nước ngoài đưa về Việt Nam để xử lý; đồng thời phát hiện, bắt giữ, bàn giao hàng trăm đối tượng truy nã quốc tế bỏ trốn vào Việt Nam, các đối tượng phạm tội có tổ chức ở Việt Nam cho các cơ quan chức năng của nước ngoài xử lý. Thực tiễn hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời với sự giúp đỡ, tương trợ về pháp luật và tư pháp giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và các nước. Vì vậy mà hoạt động TTTP có vai trò rất quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế và đấu tranh PCTP có yếu tố nước ngoài. Hoạt động TTTP chủ yếu do các cơ quan tư pháp hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau tiến hành các hoạt động TTHS, thực hiện các hành vi tố tụng dân sự, thương mại, hành chính… riêng biệt trên cơ sở các ĐƯQT về TTTP hoặc trên cơ sở các tập quán quốc tế khi không có các ĐƯQT đó, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước này trên lãnh thổ nước khác, kể cả người bị kết án và đang chấp hành hình phạt tù.
Nhu cầu hội nhập quốc tế ngày nay đã trở thành đòi hỏi có tính khách quan của mọi quốc gia trong quá trình phát triển. Hội nhập quốc tế ở các nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng đòi hỏi hệ thống pháp luật ngày càng phải hoàn thiện, điều chỉnh đầy đủ các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế – xã hội. Trong đó, hoàn thiện pháp luật hình sự, TTTP, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là nhu cầu khách quan, cấp thiết nhằm hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án bảo đảm giải quyết có hiệu quả các vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu và rộng như ngày nay. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005), trong đó đã quan tâm chỉ đạo: “Tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động TTTP giữa Việt Nam với các nước trong thời kỳ mới, phải mở rộng quan hệ quốc tế về TTTP, về phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội”.
Xem xét dưới góc độ pháp luật quốc tế, quốc gia có chủ quyền tối cao trong phạm vi lãnh thổ của mình để thực hiện mọi hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp và quản lý cần thiết đối với các cơ quan, tổ chức, công dân của mình trên các phương diện, nhưng quốc gia đó khó có thể thực hiện thành công quyền tài phán đối với tổ chức, công dân của mình đang có mặt trên lãnh thổ của nước khác, nếu không có sự cho phép hoặc sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan hữu quan của quốc gia sở tại. Ở khía cạnh pháp luật hình sự, nguyên tắc thẩm quyền xét xử cũng là một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc chủ quyền quốc gia trong pháp luật quốc tế, theo đó, các cơ quan tiến hành TTHS không được tiến hành các hoạt động thuộc thẩm quyền xét xử, thẩm quyền tài phán của cơ quan chức năng nước khác nếu không được các quốc gia sở tại đồng ý. Do đó, phạm vi, mức độ, trình tự, thủ tục TTTP và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động TTTP phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quyền của quốc gia được yêu cầu. Do vậy, xét trên phương diện quốc tế, TTTP được hiểu như một biểu hiện cụ thể của chủ quyền quốc gia và các quốc gia khác phải tôn trọng, không được ép buộc hoặc áp đặt để can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Vì vậy, các nước có quy định khác nhau về TTTP để khẳng định nội dung chủ quyền của mình trong quan hệ quốc tế, tuyên bố nội dung, hành vi tố tụng riêng biệt không được tiến hành, những hành vi tố tụng được phép tiến hành, các quy định tối thiểu phải tuân theo trong thực hiện các hoạt động TTTP. Như vậy, việc cho phép hoặc không cho phép tiến hành những hành vi tố tụng riêng biệt trong hoạt động TTTP một mặt là sự biểu hiện về mặt đối ngoại của chủ quyền quốc gia, mặt khác, là nội dung của nghĩa vụ HTQT khi chủ thể quốc gia đã là thành viên của ĐƯQT quy định về vấn đề liên quan. Hoạt động TTTP ở các nước do thực tiễn đa dạng trong quan hệ giữa các quốc gia đặt ra trong thời kỳ lịch sử. Căn cứ phạm vi, mức độ quan hệ giữa các quốc gia với nhau, xuất phát từ nhu cầu các nội dung cần TTTP, trên cơ sở phù hợp với tính chất và khả năng thực tế của mỗi quốc gia từng thời kỳ mà các quốc gia có thể áp dụng quan niệm, học thuyết, cơ sở lý luận tương ứng trong quan hệ quốc tế.
2. Vai trò của pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở Việt Nam
Là yếu tố điều chỉnh quan hệ xã hội, pháp luật có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định và phát triển của xã hội. Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định vai trò của pháp luật, theo đó: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Ở Việt Nam, lý luận chung về nhà nước và pháp luật xác định những vai trò của pháp luật, cụ thể là:
Là cơ sở để thiết lập, củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước;
Là phương tiện quan trọng nhất để Nhà nước quản lý xã hội;
Góp phần tạo dựng quan hệ xã hội mới vì tính tiên phong định hướng cho sự phát triển của các quan hệ xã hội;
Tạo môi trường ổn định cho việc thiết lập và tăng cường mối quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế, đồng thời, tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội có yếu tố nước ngoài của các chủ thể khác trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội
3. Ý nghĩa của pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở Việt Nam
Ở nước ta, thời gian qua, HTQT trong lĩnh vực TTHS được quy định và tổ chức thực hiện tương đối có nề nếp, bước đầu đạt được nhiều kết quả và dần trở thành công cụ hữu hiệu để lực lượng chức năng đấu tranh PCTP; góp phần điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam hiệu quả hơn, nhất là trong tình hình hiện nay, số tội phạm là người Việt Nam phạm tội ở Việt Nam rồi bỏ trốn ra nước ngoài. Nhiều vụ án về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng đối tượng gây án bỏ trốn ra nước ngoài nên gây nhiều khó khăn trong hoạt động bắt, thu thập tài liệu điều tra vụ án hình sự. HTQT còn góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác với các nước thể hiện thiện chí và thông qua đó, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và của cơ quan chức năng của Việt Nam trong đấu tranh PCTP.
BLTTHS năm 203 được Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004. Qua hơn 12 năm thi hành, BLTTHS năm 203 đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh PCTP, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở rộng hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu mới về xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, hội nhập quốc tế và nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và thông qua thực tiễn thi hành trong hơn 12 năm qua, BLTTHS năm 203 cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Vì vậy, ngày 27/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết thi hành Bộ luật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và thay thế BLTTHS năm 203). BLTTHS năm 2015 đã quy định một cách toàn diện về TTHS, trong đó HTQT trong TTHS được quy định tại Phần thứ 8 với 02 chương (Chương XXXV. Những quy định chung và Chương XXXVI. Một số hoạt động HTQT) và 18 điều (từ Điều 491 đến Điều 508).
Quy định về HTQT trong BLTTHS năm 2015 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, cụ thể là: “Tổ chức thực hiện tốt các ĐƯQT mà Nhà nước ta đã tham gia. Tiếp tục ký kết hiệp định TTTP với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực… Tăng cường sự phối hợp chung trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố” [26], Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTP trong tình hình mới, trong đó chỉ đạo: “Mở rộng quan hệ HTQT trong công tác phòng, chống tội phạm, trước hết là với các nuớc láng giềng, các nước có quan hệ truyền thống, các nước trong khu vực ASEAN. Tổ chức thực hiện tốt các công ước quốc tế, hiệp định TTTP, hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập. Tiếp tục nghiên cứu tham gia, ký kết các ĐƯQT khác liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm” [25] và đặc biệt là cụ thể hóa quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013: “Nước CHXHCN Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, HTQT trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và ĐƯQT mà CHXHCN Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”, nhằm thực thi nghĩa vụ “nội luật hóa” các quy định của các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là UNTOC và đáp ứng yêu cầu tương thích với các quy định của các luật khác.
Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học và thực tiễn ở Việt Nam và ở nước ngoài có cùng nhận định về vai trò quan trọng của pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS, ở các nội dung sau:
3.1 Giúp nhà nước tăng cường khả năng của quốc gia thực thi pháp luật trong nước.
Thông qua HTQT, hỗ trợ kỹ thuật, các quốc gia có thể chọn lọc, học hỏi kinh nghiệm lập pháp, xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, TTHS tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện cho công tác PCTP; thông qua các chương trình, biện pháp nâng cao hiệu quả hành pháp, thực thi pháp luật, đào tạo, bố trí sắp xếp nhân sự và trình tự, thủ tục hợp lý… Pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS giúp các quốc gia có thể mở rộng thẩm quyền xét xử đối với những vụ việc xảy ra bên ngoài lãnh thổ; nhờ đó, bảo đảm tốt hơn chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia đang hiện diện ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
3.2 Tạo cơ chế để giải quyết nhanh chóng, công bằng và hiệu quả các vụ việc hình sự
có yếu tố nước ngoài phức tạp tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; bảo đảm người hoặc pháp nhân có hành vi phạm tội phải chịu TNHS, bảo đảm công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội, tổ chức, công dân. Nếu không có quy định của pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS, không thể giải quyết các vụ việc hình sự có yếu tố nước ngoài. Mặt khác, thực tiễn cũng đã chứng mình nếu sử dụng biện pháp ngoài pháp luật để xử lý vụ việc có thể gây hậu quả không mong muốn về đối ngoại, về pháp luật quốc tế.
3.3 Pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS giảm thiểu khả năng tội phạm
hoặc cộng đồng quốc tế coi quốc gia là “thiên đường của tội phạm” (nơi ẩn náu an toàn của những đối tượng phạm tội); từ đó, có thể tránh làm giảm uy tín, vị thế của quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhất là bị đánh giá thấp về tín nhiệm môi trường kinh doanh đầu tư, mức độ an toàn xã hội và trật tự pháp luật, quản trị công của quốc gia. Thực tế đã chứng minh pháp luật có vai trò quan trọng trong phòng ngừa tình trạng phạm tội xuyên quốc gia.
Như vậy, pháp luật về HTQT trong TTHS có ý nghĩa quan trọng về chính trị – xã hội cũng như pháp lý, góp phần thể chế hoá và thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, tăng cường hội nhập và HTQT cũng như công tác PCTP. Trên bình diện pháp lý, pháp luật về HTQT trong TTHS góp phần tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng phối hợp, giúp đỡ hoặc nhận giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan chức năng nước ngoài để nâng cao hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đối với các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; góp phần đấu tranh PCTP nói chung và tội phạm có yếu tố nước ngoài nói riêng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn cầu hoá hiện nay.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group