1. Tổng quan về vấn đề hỗn hợp lỗi

Luật hình sự nước ta không thừa nhận có hình thức lỗi thứ ba đối với người phạm tội. Tuy nhiên, trong thực tế các tình tiết khách quan của tội phạm phát triển không đúng với dự kiến hoặc mong muốn của người phạm tội. Ví dụ: A chỉ muôn gây thương tích cho B, nhưng hậu quả cuối cùng B lại bị chết, và trong trường hợp này, xét về các yếu tố cấu thành tội phạm, thì A phạm tội cố ý gầy thương tích, nhưng vì B bị chết nên A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết “dẫn đến chết người”. Nếu xét về về hành vi thì A cố ý phạm tội, nhưng xét về hậu quả thì A lại không mong muốn cho B chết. Trong trường hợp này, có ý kiến cho rằng “cố ý với hành vi vô ý với hậu quả” và suy ra rằng đây là trường hợp hỗn hợp của lỗi. Hoặc trong trường hợp một người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cố’ tình vượt đèn đỏ ở ngã tư nên đã gây ra tai nạn làm chết người cũng là trường hợp hỗn hợp lỗi (cố ý hành vi, vô ý hậu quả). Lại có trường hợp người phạm tội và người bị hại đều có lỗi, nên khi nhận định để quyết định hình phạt một số Thẩm phán cũng xác định đây là lỗi hỗn hợp.

Vấn đề đặt ra là, có lỗi hỗn hợp hay hỗn hợp của lỗi không? Vấn đề này cho đến nay về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn nhiều ý kiến khác nhau. Ngay trong giáo trình giảng dạy trong các trường đại học luật cũng đề cập đến vấn đề hỗn hợp lỗi, tức là vừa cố ý, vừa vô ý.

Khi đặt vấn đề hỗn hợp của lỗi, các luật gia chỉ căn cứ vào các yếu tố khách quan, mà chủ yếu căn cứ vào hậu quả xảy ra không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội (vô ý đối với hậu quả) nhưng lại cho rằng, phải tuỳ thái độ tâm lý của người phạm tội để xác định người phạm tội cố ý hay vô ý, chứ hỗn hợp của lỗi không phải là hình thức lỗi thứ ba. Theo cách đặt vấn đề như vậy, mặc dù không thừa nhận hỗn hợp của lỗi là hình thức lỗi thứ ba, nhưng lại thừa nhận một hành vi phạm tội xảy ra vừa có lỗi cố ý vừa có lỗi vô ý.

Nếu đã thừa nhận hỗn hợp của lỗi không phải là hình thức lỗi thứ ba mà lại cho rằng cố ý với hành vi, vô ý với hậu quả, thì cũng không lý giải được thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi và đối với hậu quả. Khi đã thừa lỗi là thái độ tâm lý của một người đốì với cả hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra, thì không có lý gì lại chỉ xem xét đến thái độ tâm lý của một người đối hành vi riêng, đối với hậu quả riêng. Mặc dù trong thực tế, thái độ tâm lý của một người không giống nhau đối với hành vi và đối với hậu quả, nhưng khoa học pháp lý vẫn có thể xác định được hình thức lỗi của người phạm tội đó là lỗi cố ý hay lỗi vô ý. Thái độ tâm lý khác nhau đối với hành vi và đốivới hậu quả chính là một yếu tố để xác định người phạm tội cố ý hay vô ý, chứ không phải là dấu hiệu xác định một hình thức lỗi thứ ba.

Nếu thừa nhận hỗn hợp lỗi sẽ không thê’ xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội khi có thái độ tâm lý khác nhau đối với hành vi và đối với hậu quả. Ví dụ: Một người cố ý gây thương tích nhưng dẫn đến chết nạn nhân mà xác định vừa cố ý vừa vô ý (cố ý đối với hành vi, vô ý đôi với hậu quả) thì trách nhiệm hình sự của người này sẽ là cố ý gây thương tích và vô ý làm chết người, điều này trái với nguyên tắc xử lý.

2. Mục đích và động cơ phạm tội

Trong một số sách báo cũng như tài liệu giảng dạy trong các trường đại học cho rằng mục đích và động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, nghĩa là không phải trong bất cứ cấu thành tội phạm nào cũng có dấu hiệu mục đích và động cơ.

Khi nói mục đích và động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm cần phải phân biệt:

– Nghiên cứu tội phạm với ý nghĩa là một khái niệm có các đặc điểm thể hiện bản chất của nó, thì động cơ và mục đích cũng là một đặc điểm quan trọng, bởi vì hoạt động có ý thức của con người bao giờ cũng có động cơ và mục đích, nếu một xử sự lại không có động cơ mục đích thì hành vi trở thành vô thức, và người có hành vi không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vì vậy, động cơ và mục đích là một đặc điểm của tội phạm, là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của cấu thành tội phạm.

– Nếu nghiên cứu tội phạm với ý nghĩa là một cấu thành cụ thể (các yếu tố cấu thành tội phạm) thì động cơ và mục đích chỉ là dấu hiệu bắt buộc của một số tội phạm, còn đối với các tội phạm khác động cơ và mục đích là những căn cứ để quyết định hình phạt. Khi nhà làm luật quy định động cơ và mục đích là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm nào thì quy định ngay trong điều luật về tội phạm đó. Ví dụ: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XI Bộ luật hình sự đều quy định mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: Nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thông nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 78 – Tội phản bội tổ quốc); nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79 – Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân); nhằm gây phương hại an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 81- Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); vì động cơ đê hèn (điểm q khoản 1 Điều 93 – Tội giết người); vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác (Điều 128- Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật; Điều 167 – Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế…); vì vụ lợi (Điều 142 – Tội sử dụng trái phép tài sản), v.v…

– Khi nghiên cứu mục đích phạm tội cần tránh nhầm lẫn giữa mục đích với hậu quả của tội phạm, Hậu quả của tội phạm là một hiện tượng tồn tại khách quan, nó chỉ có liên quan đến mục đích chứ không phải là mục đích của người phạm tội. Hậu quả là kết quả thực tế do hành vi phạm tội gây ra nhiều khi ngoài ý muốn của người phạm tội, còn mục đích của người phạm tội là cái mà người phạm tội nhằm vào có ý định ngay từ trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cái mà người phạm tội nhằm đạt được với hậu quả chỉ là một. Ví dụ: A có ý định giết B và hậu quả là B chết, nhưng không vì thế mà cho rằng mục đích và hậu quả như nhau. Một người có mục đích phạm tội nhưng trong thực tế có nhiều trường hợp họ không đạt được mục đích vì hậu quả không xảy ra, nhưng người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà họ đã thực hiện (đối với các tội có cấu thành hình thức, đối với các tội có cấu thành vật chất ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, đối với các tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội). Nói chung, đối với các tội phạm được thực hiện do cố ý (cố ý trực tiếp) người phạm tội đều có mục đích rõ ràng, riêng đối với các tội phạm được thực hiện do vô ý, người phạm tội không có mục đích mà hậu quả xảy ra bao giờ cũng ngoài ý muốn của họ.

– Khi nghiên cứu động cơ phạm tội, cần chú ý một đặc điểm có tính logic giữa động cơ và mục đích bao giờ cũng liên quan mật thiết với nhau, mặc dù động cơ phạm tội xét trong mối quan hệ với mục đích nó có tính độc lập, có thể có động cơ phạm tội nhưng không có mục đích, nhưng khi người phạm tội đã có mục đích phạm tội thì nhất thiết họ phải có động cơ phạm tội. Động cơ là động lực thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không vì động cơ nào, những trường hợp này chủ yếu đối với người phạm tội do vô ý vì cẩu thả. Trong một số trường hợp động cơ cũng là đấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nhưng nếu không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, thì động cơ phạm tội có thể làm tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Ví dụ: Phạm tội vì động cơ đê hèn là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, nhưng phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình gây ra; vì bị người khác đe dọa, cưỡng bức lại là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm e và điểm i khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

3. Sai lầm và ảnh hưởng của sai lầm của người thực hiện hành vỉ nguy hiểm cho xã hội

Một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến các lợi ích do luật hình sự bảo vệ, về nguyên tắc nếu họ có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không hiểu hoặc hiểu không đúng về tính nguy hiểm của hành vi do mình thực hiện. Khoa học luật hình sự gọi là sai lầm. Có hai loại sai lầm: sai lầm về pháp luật và sai lầm về sự việc.

4. Sai lầm về pháp luật

Sai lầm về pháp luật là trường hợp người thực hiện hành vi hiểu lầm về tính chất pháp lý của hành vi do mình thực hiện. Loại sai lầm này thường được biểu hiện: Tưởng hành vi của mình là hành vi phạm tội nhưng hành vi này Bộ luật hình sự không quy định là tội phạm, ngược lại hành vi Bộ luật hình sự quy định là tội phạm nhưng họ lại tưởng là không phải là tội phạm.

Trường hợp tưởng lầm hành vi của mình là hành vi phạm tội nhưng Bộ luật hình sự không quy định là tội phạm, thì đương nhiên người thực hiện hành vi đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Một người giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nhưng lại tưởng lầm là mình đã phạm tội giết người; một người gây tai nạn giao thông đường bộ trong trường hợp sự kiện bất ngơ, nhưng tưởng rằng hành vi của mình là hành vi phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; một người vay tiền của ngân hàng đến hạn không thanh toán được vì bị người khác chiếm dụng, lại tưởng rằng mình phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nói chung, người sai lầm về pháp luật trong trường hợp này chủ yếu là do không hiểu biết tường tận về các quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm và cấu thành tội phạm. Thực tiễn xét xử cho thấy loại sai lầm này lại rất ít xảy ra đối với người thực hiện hành vi, mà lại do chính cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên ở đây chúng ta không nghiên cứu những sai lầm của cơ quan tiến hành tốtụng và người tiến hành tố tụng.

Trường hợp người có hành vi cho rằng hành vi của mình không phải là hành vi phạm tội nhưng Bộ luật hình sự lại quy định là tội phạm, thì người có hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Loại sai lầm này thường xảy ra nhất là đôi với một số tội có liên quan đến trách nhiệm hoặc liên quan đến các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, quản lý xã hội… Ví dụ: Một giám đốc đã không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về ký kết hợp đồng kinh tế dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước hàng tỷ đồng, lại cho rằng hành vi của mình chỉ là hành vi vi phạm hành chính chứ không phải là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nếu thật sự do lạc hậu mà người phạm tội không nhận thức đầy đủ tính nguy hiểm của hành vi phạm tội thì có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Một số đồng bào sống ở vùng rừng núi, đời sống văn hoá, tinh thần chưa cao, mọi quan hệ xã hội còn theo phong tục tập quán địa phương, Nhà nước tuy đã có biện pháp để nâng cao trình độ nhận thức của họ nhưng vẫn còn một số bộ phận lạc hậu. Như ở Tây Nguyên có trường hợp giết người vì “ma lai”, hoặc nạn nhân là người “cầm đồ”.

5. Sai lầm về sự việc

Sai lầm về sự việc là sự nhận thức không đúng của một người về những tình tiết thực tế của hành vi do mình thực hiện. Sự việc phạm tội thực tế xảy ra không đúng như dự kiến của người phạm tội hoặc người phạm tội đánh giá sai về khả năng thực tế của phương tiện, công cụ thực hiện tội phạm. Có thể chia sai lầm về sự việc làm ba loại sau:

– Sai lầm về khách thể bị xâm phạm:

Người phạm tội sai lầm về khách thể bị xâm phạm là do nhận thức không đúng về quan hệ xã hội bị xâm phạm, xâm phạm đến khách thể này lại tưởng là xâm phạm đến khách thể khác. Ví dụ: Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tội trộm cắp tài sản của công dân và tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa là hai tội phạm riêng, nên có trường hợp người phạm tội tưởng tài sản mà mình chiếm đoạt là tài sản của công dân nhưng thực tế đó là tài sản xã hội chủ nghĩa, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản của công dân. Nay Bộ luật hình sự năm 1999 không còn phân biệt tội trộm cắp tài sản của công dân với tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa nữa, thì sự sai lầm về khách thể chỉ có thể xảy ra ở một số trường hợp như: Xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức nhằm chống chính quyền nhân dân nhưng lại nhầm với với trường hợp giết người vì động cơ trả thù cá nhân, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố.

– Sai lầm về đối tượng tác động:

Người phạm tội sai lầm về đối tượng tác động là do nhận thức không đúng về đối tượng xâm phạm. Ví dụ: định giết A nhưng lại giết nhầm B, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người; định mua bán Hêroin nhưng lại mua nhầm phải bột ngọt, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán ma túy. Trong thực tế loại sai lầm về đối tượng thường gặp hơn sai lầm về khách thể, và không ít trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng khó xác định ý định ban đầu của người phạm tội, nhất là đối với các đối tượng mua bán ma túy khi bị bắt giám định không phải là chất ma túy, thường không chịu nhận ý định phạm tội của mình. Ví dụ: Cơ quan cảnh sát phòng chống ma túy nhận được tin Trần Quốc H vận chuyển bốn bánh Hêroin từ Lai Châu về Hà Nội. Các chiến sỹ trinh sát đã theo dõi và khi H vừa xách túi có đựng ma túy từ trên xe bước xuống, đã bị lực lượng cảnh sát bắt quả tang trong túi có đựng hai gói bột màu trắng, nhưng khi đưa đi giám định thì cả hai gói bột màu trắng không phải là Hêroin nên H chối tội, không nhận vận chuyển Hêroin.

– Sai lầm về phương tiện công cụ phạm tội:

Người phạm tội sai lầm về phương tiện công cụ phạm tội là nhận thức không đúng về tính năng tác dụng của phương tiện, công cụ mà mình sử dụng khi thực hiện tội phạm. Ví dụ: Hoàng Văn D có ý định giết Bùi văn T bằng cách bỏ thuốc độc vào thức ăn để T bị ngộ độc chết. D đã mua thuốc diệt chuột để đầu độc T, nhưng vì thuốc D mua không phải là thuốc thật nên T không bị chết. Mặc dù T không chết nhưng D vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (giai đoạn phạm tội chưa đạt).