1. Vài nét về đất nước Thái Lan

Thái Lan tên gọi chính thức là Vương quốc Thái Lan, là một quốc gia độc lập có chủ quyền ở khu vực Đông Nam Á, phía bắc giáp Lào và Myanmar, phía đông giáp Lào và Campuchia, phía nam giáp vịnh Thái Lan và Malaysia, phía tây giáp Myanmar và biển Andaman. Lãnh hải Thái Lan ở phía đông nam tiếp giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía tây nam giáp với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ qua biển Andaman.

Thái Lan có diện tích 513.120 km², dân số vào khoảng 68 triệu người (ước tính 2019). Khoảng 75% là dân tộc Thái, 14% là người Thái gốc Hoa và 3% là người Mã Lai, phần còn lại là những nhóm thiểu số như Môn, Khmer và các dân tộc khác.Thống kê có khoảng 2,2 triệu người nhập cư hợp pháp cũng như bất hợp pháp ở Thái Lan, trong đó, số lượng lao động nước ngoài bất hợp pháp có thể lên tới hơn 1 triệu người, dẫn đến những hệ quả như tội phạm gia tăng và khoảng cách của sự bất bình đẳng xã hội ngày một lớn. Về tôn giáo, Phật giáo Nam Tông được coi là ‘quốc giáo’ với tỷ lệ người theo là 94,5% – khiến cho nước này trở thành một trong những quốc gia Phật giáo lớn nhất trên thế giới theo tỷ lệ dân số. Cũng theo điều tra dân số năm 2015, Hồi giáo chiếm 4,3% và Kitô giáo chiếm 1,2%.

Thái Lan là một quốc gia Quân chủ lập hiến kết hợp với dân chủ trực tiếp. Hoàng tộc Mahidol của Vương triều Chakri là biểu tượng quốc gia, Quốc vương theo nghi thức là người đứng đầu đất nước, giữ chức vụ Tổng tư lệnh quân đội kiêm Nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo. Vua Thái hiện nay là Rama X, người lên nhận kế vị ngai vàng từ Hội đồng lập pháp vào năm 2016, sau khi cha ông là Rama IX băng hà cùng năm đó.

2. Kinh tế và quan hệ quốc tế

Kinh tế Thái Lan đã phát triển nhanh chóng trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 1995, nhưng kể từ sau khi hứng chịu những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 thì tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại. Thái Lan là quốc gia đặc biệt phát triển trong ngành du lịch, nước này sở hữu những điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới, có thể kể đến như: Ayutthaya, Pattaya, Bangkok, Phuket, Krabi, Chiang Mai, hay Ko Samui,… Đón tiếp xấp xỉ 40 triệu lượt khách quốc tế ghé thăm trong năm 2019, trong đó, con số trung bình là 14 nghìn lượt mỗi ngày. Nguồn thu từ công nghiệp du lịch, dịch vụ và xuất khẩu có đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Thái Lan là một trong những nước tham gia sáng lập ASEAN, thành viên của các tổ chức toàn cầu như Liên Hợp Quốc, WTO, APEC, Phong trào không liên kết,… một đồng minh không thuộc khối NATO quan trọng của Hoa Kỳ và là khách mời thường trực của Hội nghị thượng đỉnh G-20. Quốc gia này được công nhận là một ‟Hổ mới châu Á” và cường quốc khu vực ở Đông Nam Á đồng thời có tiềm năng lớn để trở thành một cường quốc bậc trung trên thế giới. Với quy mô và tốc độ gia tăng dân số ổn định đi kèm với chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao, cũng như là nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Indonesia, xếp hạng 25 toàn cầu theo GDP danh nghĩa, xếp thứ 21 thế giới xét theo sức mua tương đương, đứng thứ 28 trên thế giới về tổng giá trị thương hiệu quốc gia (2020), Thái Lan hiện là một nước công nghiệp mới, trong đó, sản xuất, lắp ráp, chế tạo hàng hóa công nghiệp, điện tử, xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, ngư nghiệp cùng du lịch, dịch vụ là những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.

Tuy nhiên hiện nay, những bất ổn chính trị liên tiếp, sự lỏng lẻo trong quản lý an ninh, tình trạng nhập cư bất hợp pháp dẫn đến tội phạm lan rộng cùng nạn sở hữu súng đạn trái phép, sự phân hóa giàu nghèo và sự nổi lên của chủ nghĩa khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan ở miền Nam đất nước tiến hành đang là những vấn đề nhức nhối mà quốc gia này phải đối mặt.

3. Thực hiện quyền con người ở Thái Lan

Ở Thái Lan, Ủy ban quyền con người quốc gia đã được thành lập, việc ra đời ủy ban này thậm chí được quy định trong các Hiến pháp từ 1997 đến 2007. Phạm vi tổ chức và các quyền hạn của ủy ban này được luật hoá trong Luật quyền con người quốc gia (1999). Hiến pháp 2007 của Thái Lan, cũng như Hiến pháp 1997 đã bị bãi bỏ trước đó, đề cập chi tiết đến các quyền con người và quyền tự do cơ bản. Tuy nhiên, cũng như trường hợp của Malaysia, thực tế bảo vệ quyền con người ở Thái vẫn hứng chịu nhiều ý kiến trái ngược nhau. Hiến pháp mới 2007 tuy đã được thông qua qua một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng lại do chính quyền quân sự đã lật đổ chính quyền dân sự trước đó đưa ra. Tình hình chính trị bất ổn trong những năm gần đây càng làm tăng thêm những lời phê bình, rằng Ủy ban quyền con người hoạt động không hiệu quả, hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ, còn nhiều những vấn đề như buôn bán phụ nữ và trẻ em, du lịch tình dục, sự chênh lệch về phát triển giữa các địa phương, và những bất đồng và xung đột giữa những cộng đồng Hồi giáo ở phía Nam với chính quyền.

4. Thế chế bảo vệ nhân quyền ở khu vực Đông Nam Á

Nhận thức rõ ràng rằng vấn đề thực thi quyền con người không thể chỉ khuôn trong phạm vi quốc gia mà cần phải có sự hợp tác và liên kết giải quyết, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá mạnh mẽ, Hiến chương ASEAN đã đề cập đến quyền con người như một trong những nội dung trọng tâm. Trong Hiến chương, vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản được nhắc lại nhiều lần, như trong Lời mở đầu, phần 7 của Điều 1 (Mục tiêu), phần 2(i) của Điều 2 (Những nguyên tắc). Đặc biệt, Hiến chương trực tiếp xem xét việc thành lập một cơ quan quyền con người của khu vực trong Điều 14:

– Phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, ASEAN sẽ lập một cơ quan nhân quyền ASEAN.

– Cơ quan nhân quyền ASEAN này sẽ hoạt động theo Quy chế do Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN quyết định.

Điều 14 này trong Hiến chương ASEAN được đánh giá là tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong quá trình thực thi quyền con người nói chung và thiết lập cơ chế khu vực về bảo vệ quyền con người nói riêng.

Năm 2009, cơ quan nhân quyền được đề cập trong Hiến chương đã chính thức được thành lập, vối tên gọi uỷ ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR).

Việc hình thành một cơ quan nhân quyền mang tầm khu vực đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình thực thi (bảo đảm và bảo vệ) quyền con người ở Đông Nam Á. Trước mắt, cơ quan nhân quyền này sẽ giống như tiếng nói thống nhất và chính thức của tổ chức ASEAN về các vấn đề quyền con người trong khu vực và giúp đỡ cho các hoạt động bảo vệ và bảo đảm quyền con người ỏ các nước thành viên.

5. Vai trò của Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ hoạt động của các cơ quan quyền con người quốc gia

Ngay từ năm 1946, Hội đồng Kinh tế Xã hội đã đề nghị các quốc gia thành viên “xem xét khả năng thành lập các nhóm thông tin hoặc ủy ban quyền con người quốc gia để hợp tác trong các hoạt động trên lĩnh vực này với Ủy ban Quyền con người Liên hợp quốc” (Nghị quyết 2/9 ngày 21/6/1946, mục 5). Trong các thập kỷ 1960 và 1970, trên diễn đàn Liên hợp quốc đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận về cơ quan quyền con người quốc gia, trong đó tập trung vào phương thức mà hợp tác với các cơ quan này trong việc thực thi các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Năm 1978, Ủy ban quyền con người Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo nhằm soạn ra các hướng dẫn cho việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan quyền con người quốc gia tại Geneva. Kết quả của cuộc hội thảo này là một bộ các hướng dẫn được thông qua và được chấp thuận bởi Ủy ban Quyền con người và Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đến năm 1991, Ủy ban Quyền con người Liên hợp quốc tổ chức một hội thảo nữa về cơ quan quyền con người quốc gia ở Paris (từ ngày 7 đến 9/10/1991). Kết luận của Hội thảo được phê chuẩn bởi của Ủy ban Quyền con người trong Nghị quyết 1992/54 như là Các nguyên tắc liên quan đến địa vị của các cơ quan quyền con người quốc gia (Principles relating to the status of national institutions, còn được gọi là Các Nguyên tắc Paris). Văn kiện này sau đó được phê chuẩn bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc trong Nghị quyết số 48/134 (ngày 20/12/1993) và hiện được coi là nền tảng cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Kể từ năm 1991, các hoạt động của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy việc thành lập và hoạt động của các cơ quan quyền con người quốc gia đạt được nhiều kết quả đáng kể. Năm 1993, tại Hội nghị quốc tế tổ chức tại Tunis (Tuynidi) do Liên hợp quốc bảo trợ, các cơ quan quyền con người quốc gia đã thành lập Ủy ban Điều phối Quốc tế Các cơ quan quyền con người quốc gia (International Coordinating Committee of NHRIs – ICC), có chức năng điều phối hoạt động của mạng lưới các cơ quan quyền con người quốc gia. Năm 2005, tại cuộc họp lần thứ 59 của Ủy ban quyền con người Liên hợp quốc, Ủy ban đã thông qua Nghị quyết số 2005/74 (ngày 20/4/2005), trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ quan quyền con người quốc gia hiệu quả, độc lập và đa thành phần phù hợp với Các Nguyên tắc Paris; kêu gọi sự tham gia của các cơ quan quyền con người quốc gia vào các hoạt động của Ủy ban quyền con người và các cơ quan Liên hợp quốc; yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc hỗ trợ hoạt động của ICC…Gần đây nhất, Nghị quyết số 5/1 (ngày 18/6/2007) của Hội đồng quyền con người Liên hợp quốc có dẫn chiếu đến nội dung Nghị quyết số 2005/74 của Ủy ban quyền con người Liên hợp quốc, trong đó tiếp tục khẳng định phương thức tham gia và tham vấn với các cơ quan quyền con người quốc gia trong hoạt động của Hội đồng quyền con người.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)