1 Vai trò , kỹ năng của công tác lãnh đạo, điều hành

1.1 Vai trò trong công tác quản lý và lãnh đạo

Việc lãnh đạo giỏi không những mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần đưa nền kinh tế đất nước nhanh chóng phát triển.

Thực chất của chức năng điều hành là tác động lên con người. Tất cả các chức năng của quản trị kinh doanh như lập kế hoạch, tổ chức và kiểm tra sẽ không hoàn thành tốt nếu nhà quản trị không hiểu được và không phát huy được yếu tố con người, vì suy cho cùng con người với tư cách vừa là chủ thể vừa là đối tượng của quản trị kinh doanh là nhân tố bên trong quyết định sự thành bại của một tổ chức.

Với hệ thống các biện pháp khác nhau tác động lên những động cơ và hành vi con người, với phong cách lãnh đạo (cứng,mềm)công tác điều hành giúp cho người lao động phát huy năng lực và nhiệt tình đóng góp vào mục tiêu chung.

Chức năng điều hành tạo điều kiện để các bộ phận của bộ máy liên kết lại với nhau, để tập thể đoàn kết, hoạt động của các bộ phận ăn khớp nhau, nhờ đó thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu chung

Chức năng điều hành có liên quan đến việc ra quyết định, tổ chức truyền đạt và thực hiện các quyết định bằng cách giao việc, ra lệnh, động viên, khen thưởng cấp dưới, tích cực hoá thái độ và tinh thần làm việc của người lao động, đó là những yếu tố liên quan trực tiếp đến năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

1.2 Kỹ năng quản lý, lãnh đạo

Kỹ năng của người lãnh đạo và người quản lý khó có thể tách biệt một cách rạch ròi nhưng trên cơ sở sự khác nhau giữa khái niệm lãnh đạo và quản lý, chúng ta cũng có thể tách biệt kỹ năng của hai loại cán bộ này như sau:

Ba nhóm kỹ năng lãnh đạo

Chẩn đoán (dự đoán, tiên đoán) là khả năng thuộc về nhận thức hoặc lý trí. Đó là khả năng hiểu được tình huống hiện tại và nhận thức được những gì có thể hy vọng xảy ra trong tương lai.

Thích ứng là khả năng thuộc về hành vi. Nó bao hàm việc thích ứng các hành vi của người lãnh đạo và các nguồn lực khác sẵn có để đáp ứng được những bất ngờ của tình huống và để có thể giảm bớt sự cách biệt giữa tình huống hiện tại và mục đích hay mục tiêu muốn đạt được.

Giao tiếp là khả năng xử lý làm cho mọi người dễ dàng hiểu và chấp nhận.

Ba nhóm kỹ năng quản lý

– Kỹ năng kỹ thuật là khả năng sử dụng tri thức, các phương pháp, kỹ thuật và thiết bị cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ nhất định có được từ kinh nghiệm, giáo dục và đào tạo.

– Kỹ năng làm việc với con người (Human skill) là năng lực và cách nhìn khi làm việc với con người và thông qua con người, bao gồm cả cách thức động viên thúc đẩy và áp dụng phương pháp lãnh đạo hữu hiệu.

– Kỹ năng lý luận ( nhận thức) là khả năng hiểu được sự phức tạp của toàn thể tổ chức và biết được vị trí mà hoạt động riêng của nó phù hợp với tổ chức.

Khi tiến từ cấp quản lý thấp nhất tới các chức vụ cao nhất, ba nhóm kỹ năng trên được pha trộn theo tỷ lệ rất khác nhau cho những người quản lý ở các cấp khác nhau. Để quản lý có hiệu quả, cấp quản lý càng cao có xu hướng càng ít cần đến kỹ năng kỹ thuật nhưng cần nhiều kỹ năng lý luận. Các cán bộ điều hành ở cấp thấp có thể cần nhiều kỹ năng kỹ thuật vì họ thường phải đào tạo và hỗ trợ các cán bộ kỹ thuật và nhân viên dưới quyền. Ngược lại, các cán bộ quản lý cấp cao trong một số tổ chức y tế cụ thể lại thường không cần biết làm thế nào để thực hiện tất cả các công việc cụ thể ở mức vận hành. Tuy nhiên, họ phải có khả năng theo dõi để các chức năng này tác động lẫn nhau nhằm hoàn thành các mục tiêu của toàn thể tổ chức.

Những kỹ năng quản lý cụ thể

– Kỹ năng nhận thức : Là khả năng thấy được “bức tranh khái quát”, nhận ra được những nhân tố chính trong mỗi hoàn cảnh; nhận thức được những mối quan hệ giữa các phần tử.

– Kỹ năng kỹ thuật ( technological skills):Là kiến thức và tài năng trong các hoạt động, bao gồm phương pháp, quá trình và quy trình. Như vậy nó gắn công việc với các công cụ và các kỹ thuật cụ thể. Như vậy kỹ năng kỹ thuật chính là:

Hiểu biết các yếu tố kỹ thuật phong phú của hệ thống kỹ thuật.

Sử dụng các kỹ thuật thích hợp, hợp lý.

Có khả năng về các kỹ thuật chuyên biệt.

– Kỹ năng xã hội và quan hệ : Là khả năng lôi kéo sự tham gia của tập thể, của cộng đồng vào công tác chăm sóc sức khỏe. Là khả năng quan hệ tốt với các cơ quan tổ chức có liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Đó là kỹ năng hoạt động chính trị, kỹ năng thông tin, giao tiếp v.v…Là khả năng có thể làm việc được với mọi người, đó là năng lực hợp tác, là khả năng tham gia vào công việc tập thể, khả năng tạo ra một môi trường trong đó mọi người cảm thấy an toàn và dễ dàng bộc bạch ý kiến của mình.

– Kỹ năng thiết kế : Khả năng thực hành xây dựng giải pháp khả thi cho mỗi vấn đề, căn cứ vào thực tế mà người quản lý gặp phải.

Khả năng phân tích và giải quyết vấn đề

Khả năng xác định rõ các vấn đề, phân tích được các tình huống phức tạp và qua việc giải quyết những vấn đề vướng mắc, có khả năng làm lộ ra những cơ hội đang tồn tại và khả năng thực thi các giải pháp của vấn đề.

– Kỹ năng quản lý hoạt động chăm sóc sức khoẻ

– Kỹ năng lập kế hoạch; kỹ năng thực hiện kế hoạch; kỹ năng giám sát; đánh giá v.v…

– Kỹ năng ra quyết định (decision making)

– Kỹ năng ra quyết định được coi là khả năng làm việc sáng tạo của người quản lý chủ yếu là để giải quyết các vấn đề nẩy sinh trong quá trình quản lý. Để có kỹ năng này người quản lý phải có nhiều kỹ năng khác đã được nêu ở trên.

2 Phẩm chất của người lãnh đạo

– Có lòng say mê, có mục tiêu rõ ràng, có định hướng trong hoạt động

Bất kỳ một một người nào muốn tiến bộ cũng cần có mục tiêu lý tưởng phấn đấu của mình. Việc xác định rõ ràng mục tiêu hoạt động và phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình chính là động lực quan trọng bậc nhất của người quản lý lãnh đạo. Mục tiêu và lý tưởng chính đáng của người lãnh đạo là phấn đấu để tổ chức của mình đạt được mục tiêu chiến lược của tổ chức. Để phấn đấu vì mục tiêu chung người lãnh đạo phải đặt lợi ích của tổ chức lên trên lợi ích cá nhân, luôn tìm tòi, sáng tạo, vượt qua các khó khăn thử thách trong công việc. Mục tiêu và lý tưởng của người lãnh đạo không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của chính họ mà còn ảnh hưởng đến các cá nhân cũng như nhóm và tập thể trong tổ chức, đó cũng chính là động lực thúc đẩy tổ chức phát triển.

– Làm việc có tính nguyên tắc

Tính nguyên tắc thể hiện trong việc tôn trọng các luật lệ trong tổ chức, gương mẫu thực hiện các luật lệ quy định. Đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng với mọi người, khen thưởng và kỷ luật đúng thực chất, không thiên vị, tránh sự chi phối tình cảm cá nhân. Tránh định kiến và trù dập những người không ăn ý hoặc đã có những tiền sự không tốt trước đây.

– Nhạy cảm, sáng tạo trong lãnh đạo quản lý

Lãnh đạo quản lý là quá trình động, hoàn cảnh và con người trong tổ chức luôn biến đổi vì thế người lãnh đạo phải nhạy bén với các thay đổi của môi trường bên trong và bên ngoài tổ chức. Người lãnh đạo cần kịp thời đưa ra các quyết định hợp lý để ứng phó với các thay đổi, đáp ứng các tâm tư nguyện vọng chính đáng của cấp dưới. Phát hiện và phát huy được các nhân tố mới trong tổ chức sẽ tạo điều kiện cho tổ chức phát triển. Tính nhạy cảm trong lãnh đạo đòi hỏi người lãnh đạo phải có các kiến thức về tâm lý quản lý lãnh đạo, có khả năng phát hiện các diễn biến tâm lý của cấp dưới để kịp thời ứng xử giải quyết các khó khăn vướng mắc của cá nhân cũng như của nhóm, tránh được các căng thẳng giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với nhóm, cấp dưới với cấp trên. Người lãnh đạo cần tạo ra không khí thi đua lành mạnh trong tổ chức tránh đố kỵ và bè phái trong giải quyết công việc.

– Quan hệ đúng mực với người dưới quyền

Tạo và giữ được uy tín với người dưới quyền là bí quyết cho lãnh đạo thành công. Muốn tạo và giữ được uy tín với cấp dưới trước tiên người lãnh đạo phải gương mẫu, đối xử đúng mực với cấp dưới, kiềm chế sự bột phát của tình cảm, biết lắng nghe và nói đúng lúc đúng chỗ. Người lãnh đạo luôn luôn phải đòi hỏi sự cố gắng của cấp dưới, tôn trọng, tin tưởng vào cấp dưới quyền, động viên khuyến khích cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Đi đôi với đòi hỏi cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ thì bản thân người lãnh đạo cũng phải đòi hỏi sự nỗ lực học hỏi và phấn đấu của bản thân mình.

– Tính trung thực, giản dị, có văn hoá trong cuộc sống

Người lãnh đạo thường có những quyền lực nhất định, những quyền lực này có thể liên quan đến người khác và đến lợi ích vật chất của cá nhân và tập thể. Trung thực trong lãnh đạo thể hiện tính không vụ lợi cá nhân, không thiên vị, không dối trên, lừa dưới, biết phân tích, sử dụng và cung cấp thông tin về các vấn đề một cách khách quan.

Bản thân người lãnh đạo cũng là một thành viên trong tập thể, trong cộng đồng như những người bình thường khác vì thế họ cũng phải là người có nếp sống văn hoá phù hợp với đạo đức, lối sống, phong tục, truyền thống văn hoá của cộng đồng xã hội. Sống trung thực là một phẩm chất không thể thiếu của người lãnh đạo được thể hiện trong khi thực hiện công việc tại cơ quan cũng như trong cuộc sống hàng ngày tại gia đình hay trong xã hội. Tự chủ, tự tin, giản dị, mẫu mực và có văn hoá trong ăn nói, đi đứng, trang phục làm tôn vinh thêm uy tín trong công tác của người lãnh đạo, đây chính là yếu tố tạo nên quyền lực cá nhân cho người lãnh đạo.

3 Xử lý đảng viên vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành

Theo Điều 28 Quy định 181-QĐ/TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành thì nội dung này được quy định như sau:

1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế làm việc, quy chế dân chủ ở cơ sở.

b) Không phổ biến kịp thời, chỉ đạo, tổ chức thực hiện không đúng hoặc không chỉ đạo, tổ chức thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình.

c) Thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để cấp dưới thực hiện sai hoặc quyết định sai.

d) Giao nhiệm vụ cho cấp dưới không rõ, không đúng quyền hạn dẫn đến cấp dưới vi phạm.

đ) Cấp dưới đã báo cáo, xin chỉ thị những vấn đề thuộc thẩm quyền nhưng không kịp thời giải quyết theo quy định để tình trạng đơn, thư khiếu kiện vượt cấp phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đơn vị.

e) Không chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Thiếu kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý.

b) Chỉ đạo thực hiện trái pháp luật hoặc không rõ, không nhất quán, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản của Đảng, Nhà nước; tham mưu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản trái pháp luật.

c) Thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý để đơn vị xảy ra mất đoàn kết nghiêm trọng, vi phạm pháp luật, quy trình, quy định công tác, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.

d) Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức báo cáo cấp có thẩm quyền sai sự thật; không giải quyết kịp thời những tồn tại ở địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực mình phụ trách dẫn đến có nhiều sai phạm nghiêm trọng, mất đoàn kết nội bộ hoặc khiếu nại, tố cáo đông người.

đ) Bố trí bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và làm những công việc trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách trái quy định của Đảng và Nhà nước.

e) Để cấp phó, người đại diện hoặc người được mình ủy quyền làm trái chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ.

3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm nghiêm trọng của cấp dưới, dẫn đến người vi phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật.

b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cố tình báo cáo sai sự thật, che giấu tội phạm, hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc che dấu tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài ở nơi mình trực tiếp phụ trách.

c) Trực tiếp gây ra hoặc do quan liêu, thiếu trách nhiệm để cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách mất đoàn kết nghiêm trọng.

d) Người đứng đầu tổ chức kinh tế của Đảng, Nhà nước thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định dẫn đến đơn vị sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tiền, tài sản của Nhà nước, của tập thể và cá nhân người lao động.

Mọi thắc mắc xin liên hệ với công ty Luật LVN Group chúng tôi : 1900.0191. Luật LVN Group xin cảm ơn !

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group