1. Hệ thống các nguyên tắc của tố tụng hình sự.

Theo quan niệm chung nguyên tắc của tố tụng hình sự là những tư tưởng chỉ đạo đối với toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự hoặc đối với một loại hoạt động nhất định; “ là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ các chế định pháp luật, các quy phạm pháp luật cụ thể về tố tụng hình sự”; hoặc đó là “những phương châm, định hướng chi phối toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự và được các văn bản pháp luật tố tụng hình sự ghi nhận.

Nhìn chung, những quan niệm tương tự trên đây đều nhấn mạnh tính chỉ đạo của các nguyên tắc mà chưa nhấn mạnh một tính chất khác của nguyên tắc – đó là tính đòi hỏi khách quan là yêu cầu khách quan đảm bảo cho hoạt động tố tụng hình sự đạt được mục đích, được phản ánh trong pháp luật, trở thành những bảo đảm pháp lý. Nếu không nhấn mạnh tính đòi hỏi khách quan này của nguyên tắc thì việc xây dựng pháp luật tố tụng hình sự không thể đảm bảo tính khoa học và những đổi mới sẽ ít nhiều dễ bị tùy tiện, chủ quan, duy ý chí.

Vấn đề cần xác định là có phải tất cả các quy định tại Chương I của BLTTHS hiện hành đều là nguyên tắc của tố tụng hình sự và hơn nữa lại là nguyên tắc cơ bản hay không? Nội dung quy định của từng nguyên tắc có phù hợp với bản chất của từng nguyên tắc chưa?

Thiết nghĩ, không nên coi các điều quy định tại Chương I BLTTHS đều là nguyên tắc, nhất là nguyên tắc cơ bản, ví dụ, Điều 1 đã ghi rõ là “Nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự” thì không thể gọi là nguyên tắc nữa, còn các Điều 5( Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân), Điều 6 ( Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân), Điều 7 ( Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân), có là nguyên tắc cơ bản không nếu đã có Điều 3 quy định về nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

Hơn nữa, nếu đã coi những quy định trong Chương I của BLTTHS đều là nguyên tắc cơ bản thì còn có những nguyên tắc nào không phải là nguyên tắc cơ bản. Vì vậy, Chương I của BLTTHS chỉ nên ghi là những quy đinh chung, còn trong số các quy định đó sẽ có những tư tưởng được coi là nguyên tắc.

Một điểm nữa là nội dung của từng nguyên tắc chưa được thể hiện trong BLTTHS một cách khoa học, có khi một điều luật lại gồm nội dung của hai nguyên tắc và một nguyên tắc lại được ghi ở hai, ba điều luật ngay trong Chương I. Đành rằng các nguyên tắc có liên quan chặt chẽ với nhau và việc xem xét độc lập các nguyên tắc chỉ là tương đối vì chúng được thể hiện cụ thể tại nhiều điều luật ở các phần tiếp theo của BLTTHS. Nhưng dù sao, trong Chương I, các nguyên tắc phải nêu được những yêu cầu khái quát của chúng.

Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự theo yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải đề cao những nguyên tắc phản ánh tính dân chủ, công bằng, nhân đạo và pháp chế, có ý nghĩa bao quát và quyết định đối với toàn bộ hoạt động tố tụng. Dưới góc độ đó có thể coi những nguyên tắc sau đây là những nguyên tắc cơ bản:

1) Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;

2) Nguyên tắc pháp chế;

3) Nguyên tắc suy đoán vô tội;

4) Nguyên tắc bảo đảm việc xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ;

5) Nguyên tắc công minh;

6) Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo;

7) Nguyên tắc tranh tụng và bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa;

8) Nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

2. Xác định sự thật vụ án là gì?

Xác địnhsự thậtvụ án tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự, do vậy đây một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Tố tụng hình sự.

3. Quy định về nguyên tắc xác định sự thật vụ án theo Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành

Căn cứ Điều 15 BLTTHS 2015 quy định

“Điều 15. Xác định sự thật của vụ án

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”

3. Nội dung nguyên tắc xác định sự thật vụ án trong tố tụng hình sự

Theo điều 15 BLTTHS, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm, để thực hiện trách nhiệm này, họ được sử dụng và chỉ được sử dụng các biện pháp hợp pháp, do BLTTHS quy định để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Nội dung của nguyên tắc xác định sự thật của vụ án bao gồm những nội dung cơ bản sau:

– Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, đây là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Về bản chất, ai buộc tội thì người đó phải chứng minh. Trách nhiệm chứng minh tội phạm là trách nhiệm của những chủ thể buộc tội (Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát) mà không phải là của chủ thể bị buộc tội – người bị buộc tội. Tòa án không phải là chủ thể buộc tội nhưng điều luật quy định Tòa án cũng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm của Tòa án cần được hiểu là Tòa án phải chứng minh được quyết định trong bản án kết tội của Tòa án: tại sao Tòa án lại tuyên bị cáo có tội, có tội theo điều khoản nào của BLHS.

– Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị can, bị cáo có quyền đưa ra những chứng cứ, chứng minh mình vô tội hoặc làm giảm trách nhiệm hình sự cho mình. Đó là quyền của bị can, bị cáo, họ không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa trên cơ sở những chứng cứ đã thu thập được để xem xét, xác định sự thật vụ án.

– Để có đủ cơ sở giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của một vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng hoặc những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo:

+ Xác định sự thật vụ án một cách khách quan tức là phải xác định nội dung vụ án đúng với các tình tiết của vụ án như thực tế đã diễn ra trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập được, không được định kiến, suy diễn theo ý chủ quan.

+ Xác định vụ án một cách toàn diện có nghĩa là phải xác định cả những tình tiết buộc tội và tình tiết gỡ tội, cả những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, không được thiên vị, định kiến, chỉ thu nhập những chứng cứ buộc tội, những chứng cứ về những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo hoặc ngược lại.

+ Xác định vụ án hình sự một cách đầy đủ có nghĩa là phải xác định tất cả các tình tiết liên quan đến việc xác định tội danh, quyết định hình phạt hay chỉ là những tình tiết khác có ý nghĩa tương đối với việc giải quyết vụ án hình sự (ví dụ: mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị cáo…)

Có thể thấy, nguyên tắc này liên quan chặt chẽ với nguyên tắc suy đoán vô tội và tạo tiền đề cho nhau. Tuy nhiên bản chất pháp lý của chúng khác nhau. Suy đoán vô tôi là định hướng khách quan, còn nguyên tắc xác định sự thật của vụ án là đòi hỏi trực tiếp đối với mọi hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng trong việc thu thập và đánh giá các chứng cứ và các tình tiết của vụ án.

5. Một số bất cập cần sửa đổi bổ sung

Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc “Xác định sự thật của vụ án”

Khác với mô hình tranh tụng, trong mô hình tố tụng xét hỏi, sự thật vụ án phải được xác định chính xác, khách quan, đầy đủ trong quá trình giải quyết vụ án. Sự thật khách quan của vụ án đảm bảo cho Cơ quan điều tra quyết định đình chỉ vụ án hay đề nghị truy tố; cho Viện kiểm sát quyết định đình chỉ hay truy tố; cho Tòa án phán quyết đúng đắn về vụ án.

Tuy nhiên, tùy theo chức năng tố tụng mà trách nhiệm chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án cũng khác nhau đối với mỗi chủ thể tố tụng hình sự: Trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người, chủ thể buộc tội (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) có trách nhiệm chứng minh tội phạm, chứng minh sự buộc tội; chủ thể gỡ tội (người bào chữa) có trách nhiệm chứng minh sự vô tội hoặc các tình tiết giảm nhẹ; Tòa án xác định sự thật trên cơ sở kiểm tra chứng cứ của bên buộc tội, bên bào chữa và chứng cứ mà mình thu thập được.

Một yếu tố đặc biệt trong tố tụng hình sự là việc chứng minh nhằm xác định sự việc phạm tội xảy ra trong quá khứ; vì vậy, sẽ có những trường hợp mà tình tiết của vụ án sẽ không được xác định dứt khoát, rõ ràng, còn tồn tại nghi ngờ trong nhận thức người áp dụng pháp luật. Trong những trường hợp này, xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo, cần ghi nhận tình tiết vụ án theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Như vậy, nội dung cơ bản của nguyên tắc xác định sự thật vụ án bao gồm ba điểm sau:

(1) Sự thật vụ án cần được xác định khách quan, toàn diện, đầy đủ trong quá trình giải quyết vụ án;

(2) Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; trách nhiệm gỡ tội thuộc người bào chữa. Phán quyết của Tòa án được đưa ra trên cơ sở các chứng cứ được Tòa án trực tiếp kiểm tra, xác minh và thu thập tại phiên tòa;

(3) Mọi nghi ngờ trong việc chứng minh tình tiết của vụ án được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.