1. Xét xử lưu động là gì?
>> Luật sư tư vấn luật hình sự về xét xử lưu động, gọi: 1900.0191
Xét xử lưu động là việc toà án đưa vu án ra xét xử (tổ chức phiên toà) công khai không phải tại trụ sở Tòa án mà thường tại nơi tội phạm được thực hiện. Cũng giống như các phiên toà bình thường, bị cáo bị xét xử bằng phiên toà lưu động vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Các vụ án được đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án liên quan đến ma túy, giết người.
Thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở Tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chỉ có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Trái lại, hầu hết những phiên tòa xử lưu động thì nhiều người không thể chen nổi vào hội trường xét xử, nhiều nơi phải xử ở ngoài trời để mọi người đều được theo dõi phiên tòa. Do đó, không ai có thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Điển hình cho việc xét xử lưu động trong thời gian gần đây là ngày 28/10/2015, TAND tỉnh Yên Bái đã đưa vụ án Giết người xảy ra tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng ra xét xử lưu động, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Bị cáo trong vụ thảm sát này là Đặng Văn Hùng. Phiên tòa lưu động đã thu hút sự tham gia của khoảng 2000 người.
Nhìn từ góc độ lợi ích chung thì phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân; ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người. Tuy nhiên, đối với bị cáo thì hầu như không ai mong muốn bị đưa đi xét xử tại nơi cư trú, nơi làm việc. Cuộc sống của người dân có tính cộng đồng rất cao (nhất là ở nông thôn), ai bị mọi người xa lánh, tẩy chay cũng là phải chịu một hình phạt rất nặng nề. Vì vậy, việc bị cáo bị đưa đi xét xử lưu động, ngoài phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự thì họ còn phải chịu một sức ép nặng nề trước bà con họ hàng, bạn bè lối xóm và chịu thêm một hình phạt từ phía cộng đồng xã hội – đó là sự lên án, xa lánh. Thực tế cho thấy, có nhiều bị cáo với tâm lý hổ thẹn với mọi người nên đã tự tử trước ngày vụ án được đưa ra xét xử lưu động.
Trước thực trạng này, tại nhiều diễn đàn còn tồn tại những quan điểm là nên hay không nên xét xử lưu động. Để đưa ra được một đánh giá khách quan, các nhà lập pháp cần phải cân đo dựa trên những tích cực và hạn chế mà xét xử lưu động mang lại, cần quy định những vụ án như thế nào thì được xét xử lưu động. Không thể để tình trạng “thích thì làm” như ở một số tòa án hiện nay.
Trân trọng!
2. Một số vấn đề cần chú ý khi tổ chức xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm.
Là các vụ án mà việc giải quyết các vụ án đó được xác định là quan trọng, lãnh đạo ba ngành Công an, Viện Kiểm sát và Toà án có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo, ưu tiên sử dụng lực lượng để điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và cả nước.
Án trọng điểm (gọi tắt là án điểm)
Tầm quan trọng của việc giải quyết các vụ án điểm được đo bằng các khách thể bị xâm phạm. Tính chất nguy hiểm của hành vi được xác lập bởi các nhóm quan hệ xã hội mà Nhà nước bảo vệ khi bị hành vi đó xâm hại và được biểu hiện bằng:
+ Đối tượng bị xâm hại (hay giá trị xã hội được bảo vệ)
+ Hậu quả do hành vi gây ra.
Hai dấu hiệu nêu trên cũng chính là thước đo tính nguy hiểm của hành vi.
Các căn cứ xác định án trọng điểm
+ Các vụ án trọng điểm là các vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, kinh tế và trật tự an toàn xã hội đã cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc gây ảnh hưởng chính trị xấu trong quần chúng nhân dân, dư luận xã hội đòi hỏi phải đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị, ngăn chặn tội phạm phát triển, góp phần giải quyết một tình trạng tiêu cực nhất định trong xã hội.
Vụ án trọng điểm không nhất thiết phải là vụ án về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng nhất thiết phải là vụ án mà việc giải quyết nó có tầm quan trọng nhất định.
Khi xác định các vụ án trọng điểm phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung của cả nước được nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương vào thời điểm phát hiện tội phạm.
Trên tinh thần của chỉ đạo của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, việc chọn, xác định án điểm cũng phải đáp ứng được yêu cầu thực hiện tốt các Nghị quyết này của Bộ Chính trị.
+ Căn cứ vào khả năng thực tế trong việc giải quyết các vụ án hình sự của ba ngành Công an- Viện Kiểm sát- Toà án để xác định các vụ án trọng điểm cho phù hợp. Tránh khuynh hướng chọn quá nhiều vụ án trọng điểm, không đảm bảo được việc giải quyết các vụ án kịp thời, khẩn trương, thận trọng, chính xác. Đồng thời cũng tránh khuynh hướng cầu toàn, không tích cực chọn án điểm, không chọn được án điểm hoặc chọn quá ít các vụ án điểm.
Việc chọn các vụ án trọng điểm do ba ngành Công an- Viện Kiểm sát- Toà án trung ương chỉ đạo cũng phải đảm bảo đúng các căn cứ nêu trên. Vụ án trọng điểm do ba ngành Trung ương chọn ở các địa phương phải được coi là vụ án trọng điểm của địa phương.
Ba ngành Công an- Viện Kiểm sát- Toà án ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như ở các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, cần dựa vào các căn cứ, (tiêu chuẩn) nêu trên để xác định, lựa chọn các vụ án trọng điểm của cấp mình.
Xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm
+ Xét xử lưu động vụ án hình sự lưu động là đưa vụ án hình sự đó về xét xử tại địa phương xảy ra vụ án đó (cũng có nghĩa là vụ án đó không xét xử tại trụ sở Toà án).
Cho đến nay, Toà án nhân dân tối cao cũng chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn cụ thể về các căn cứ, tiêu chuẩn để lựa chọn, xác định những loại vụ án nào (loại tội phạm nào) cần đưa ra xét xử lưu động. Tuy nhiên, trong rất nhiều văn bản của Toà án nhân dân tối cao như các báo cáo Quốc hội, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề, báo cáo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm thì vấn đề tổ chức các phiên toà lưu động luôn được quan tâm và gần như gắn chặt với việc lựa chọn, xác định và giải quyết các vụ án trọng điểm của từng Toà án và của toàn ngành. Hơn thế, việc xét xử lưu động các vụ án hình sự sơ thẩm còn là một tiêu chí chấm điểm thi đua và là một nhiệm vụ được lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao quan tâm để phân bổ kinh phí cho hoạt động này. Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy mỗi năm, trung bình ngành Toà án đã tổ chức xét xử khoảng trên 3.000 vụ án lưu động. Hầu hết các vụ án được đưa ra xét xử lưu động là các vụ án về các tội ma tuý, mại dâm, giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, các vụ án về tham nhũng, buôn lậu v.v…
Đối chiếu lại các loại tội phạm nêu trên với căn cứ để xác định án trọng điểm thì thấy rằng hầu hết các căn cứ để xác định vụ án trọng điểm cũng là những căn cứ để tổ chức các phiên toà xét xử lưu động vụ án hình sự. Nhưng cũng còn có một vài điểm không đồng nhất giữa việc xác định án điểm và vụ án được tổ chức xét xử lưu động. Đó là:
– Một số vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia như các tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 Bộ luật hình sự); tội gián điệp (Điều 110 Bộ luật hình sự); tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 Bộ luật hình sự)…
– Một số tội phạm khi đưa ra xét xử công khai, lưu động có thể ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục hoặc gây mặc cảm không tốt cho người bị hại, người làm chứng như các tội phạm về tình dục; hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật hình sự); Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142 Bộ luật hình sự); Tội cưỡng dâm (Điều 143 Bộ luật hình sự); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 Bộ luật hình sự); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật hình sự); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 Bộ luật hình sự)…
– Một số tội phạm vì lý do bí mật quốc gia cần thiết phải xét xử kín.
Như vậy, tuy các vụ án (loại tội phạm) nêu trên có thể đáp ứng tiêu chuẩn (căn cứ) để chọn làm án trọng điểm nhưng lại không phải là căn cứ để chọn để tổ chức phiên toà lưu động, xét xử công khai tại địa phương xảy ra vụ án. Những vụ án này thường được xét xử tại trụ sở Toà án để tránh những ảnh hưởng không tốt thậm chí là phản tác dụng nếu xét xử lưu động.
+ Mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của việc tổ chức xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm.
* Mục đích đưa các vụ án hình sự sơ thẩm (cũng có thể là hình sự phúc thẩm) đi xét xử lưu động nhằm:
– Thông qua trình tự, thủ tục xét xử tại phiên toà để giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của đông đảo quần chúng nhân dân về các quy định của pháp luật. Làm cho người dân hiểu được hành vi của bị cáo (hoặc các bị cáo) là vi phạm pháp luật và phải chịu hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội đó (tức là tính nguy hiểm của hành vi phạm tội).
– Đề cao tác dụng của công tác xét xử khi người dân được trực tiếp theo dõi diễn biến của phiên toà, các phán quyết của Toà án.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử các vụ án hình sự hiện nay
1. Hiệu quả xét xử: Những kết quả nghiên cứu trên các lĩnh vực khoa học có liên quan đến việc xét xử các vụ án hình sự cho thấy hiệu quả xét xử phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử các vụ án hình sự cũng phải được nghiên cứu trên nhiều phương diện và các lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh các giải pháp về chính trị, hành chính, tư tưởng và giáo dục… thì việc tổ chức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự là một vấn đề rất cấp bách, cần phải có các biện pháp pháp lý. Bởi lẽ, những biện pháp này nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, (không chỉ pháp luật tố tụng hình sự, mà cả những quy định pháp luật khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy tư pháp hình sự); mối quan hệ ngang, dọc và phối hợp, chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước trong toàn bộ hệ thống chính trị, các quy định của pháp luật, có tính chất bảo đảm để các Tòa án nói chung và các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chỉ có thể tiến hành các giải pháp nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự trên cơ sở quy định của pháp luật, với một hệ thống pháp luật thống nhất đồng bộ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số giải pháp từ góc độ pháp luật tố tụng hình sự.
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoạigọi:1900.0191
2. Giải pháp về tố tụng hình sự có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự:
Về thực chất, các biện pháp pháp lý nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả xét xử, chính là sự điều chỉnh về mặt pháp lý, để thực hiện đồng bộ các quy phạm pháp luật khác, nhằm bảo đảm để tất cả các thành tố tham gia vào hệ thống xét xử (các chủ thể tham gia vào quá trình xét xử và phục vụ xét xử cũng như toàn bộ tổ chức bộ máy, nguyên tắc vận hành, quan hệ dọc, ngang… trong hệ thống Tòa án) đều hướng vào mục đích: Nâng cao hiệu quả xét xử. Nói cách khác, là tất cả các định hướng quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả xét xử, đều phải được bảo đảm điều chỉnh bởi một cơ chế pháp lý hữu hiệu; được bảo đảm thực hiện bởi tổng thể các quy phạm thống nhất mục đích. Đó là các quy phạm trực tiếp điều chỉnh để bảo đảm:
a. Tổ chức hợp lý hệ thống xét xử;
b. Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đúng đội ngũ cán bộ tư pháp – xét xử nói chung, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân nói riêng.
c. Không ngừng bổ sung, hoàn thiện các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tố tụng, tư pháp; khắc phục những quy định chồng chéo, những quy định trái với những nguyên tắc chung;
d. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết phục vụ cho các hoạt động xét xử;
e. Không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ xét xử và tinh thần tự tôn nghề nghiệp, phụng sự pháp luật của đội ngũ Thẩm phán.
Có thể nói rằng: Toàn bộ những biện pháp pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng, đều là biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả xét xử. Tuy nhiên, những biện pháp nêu trên chính là những biện pháp trực tiếp nhất, tác động trực tiếp đến khâu xét xử. Đồng thời, điều chỉnh các quan hệ xã hội đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, thì không chỉ có các quy phạm pháp luật về tố tụng hình sự, mà còn các quy phạm pháp luật khác thuộc các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, tổ chức, quản lý… Nhưng trong các quy phạm pháp luật thì pháp luật tố tụng hình sự luôn đóng vai trò quyết định, bởi nó cũng bị chi phối bởi các quy phạm pháp luật khác, được xác lập nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động tố tụng, trong đó có hiệu quả hoạt động xét xử.
Vì thế, các giải pháp mang tính chất lập pháp về tố tụng hình sự có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống giải pháp nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự, cần được định hướng vào các mục tiêu cụ thể.
3. Cần giải quyết tốt vấn đề tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán và hội thẩm nhân dân đồng thời, hoàn thiện các quy định về quyền năng tố tụng của các chủ thể này.
Nâng cao chất lượng Thẩm phán cho Tòa án các cấp là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay. Để làm tốt vấn đề này thì cần phải thực hiện các giải pháp:
Nhanh chóng hoàn thiện các quy định về tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân; các quy định về quyền hạn của các cấp xét xử;
Cần thiết phải quy định chặt chẽ chế độ, tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng.
Quy định và tổ chức thực hiện tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
Quy định chặt chẽ tiêu chuẩn và thực hiện nghiêm túc khoa học công tác bổ nhiệm Thẩm phán và lãnh đạo các cơ quan Tòa án các cấp.
Phân công nhiệm vụ hợp lý, phù hợp với trình độ và năng lực chuyên môn, tăng cường công tác kiểm tra, tạo điều kiện cần thiết để các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cần mạnh dạn áp dụng các quy định về tổ chức thi sát hạch thường xuyên đối với đội ngũ Thẩm phán. Đối với các Thẩm phán năng lực còn yếu không đạt yêu cầu qua sát hạch, cần có kế hoạch đào tạo lại, phân công nhiệm vụ khác phù hợp hơn hoặc xử lý kiên quyết trong các kỳ xem xét tái bổ nhiệm.
Các giải pháp về tổ chức nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự là những biện pháp nhằm kiện toàn, đổi mới quy mô, đổi mới cơ chế quản lý, chế độ quan hệ công tác; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhằm xây dựng trên phạm vi cả nước một hệ thống các Tòa án có cơ cấu tổ chức và biên chế hoạt động có hiệu quả, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đây là biện pháp quan trọng và cấp bách trong tình hình hiện nay, khi mà cơ cấu tổ chức của các Tòa án còn nhiều bất cập.
Tổ chức lại các Tòa án các cấp, nhất là ở cấp huyện và cấp tỉnh, kiện toàn biên chế Thẩm phán và phân công nhiệm vụ theo hướng chuyên môn hóa, cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể trong giai đoạn hiện nay, là một giải pháp cần sớm được tiến hành để nâng cao hiệu quả xét xử.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định của BLTTHS, liên quan đến quyền năng tố tụng và mối quan hệ giữa Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân với các chức danh tư pháp khác, nhằm một mặt bảo đảm tối đa điều kiện thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân;
4. Về thủ tục trình tự giải quyết các vụ án hình sự:
Cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhằm quy định rõ ràng, cụ thể về trình tự thực hiện các thủ tục tố tụng của phiên tòa, bảo đảm tính tranh tụng tại phiên tòa và nâng cao hơn tính khách quan, toàn diện của hoạt động xét xử.
Về cơ bản thủ tục phiên tòa sơ thẩm được quy định trong BLTTHS 2015 đã được bổ sung hoàn thiện hơn so với trước đây.
Việc thực hiện một trình tự tố tụng hợp lý các thủ tục, có tác dụng tăng cường tính khách quan, toàn diện và tạo ra tâm lý xét xử tốt hơn. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi các quy định đã không còn phù hợp trong thực tiễn, ít có ý nghĩa trong việc góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác xét xử. Ví dụ: Việc yêu cầu người làm chứng bắt buộc có mặt đúng lúc tại phiên tòa sẽ không làm cho sự có mặt của ai đó trong số những người tại tòa tác động đến tâm lý khai báo của người làm chứng; hoặc việc thông báo về những người có mặt tại tòa đúng thời điểm, mới có thể phát hiện những người vắng mặt và làm cho việc giải thích quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng có ý nghĩa quyết định đến nội dung vụ án.v…v…
Về trình tự xét xử phúc thẩm hình sự, các quy định của BLTTHS hiện nay, vẫn chưa thực sự tạo điều kiện thực hiện tranh tụng tại phiên tòa. Thủ tục xét xử phúc thẩm vẫn còn những điểm cần được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện.
Tuy nhiên, việc quy định như trên còn rất chung chung, cần phải xác định rõ các quy định cụ thể nào về thủ tục phiên tòa bắt buộc phải áp dụng khi xét xử phúc thẩm, bởi có những nội dung công việc chỉ có ở phiên tòa sơ thẩm, mà không có ở phiên tòa phúc thẩm. Về mặt khoa học pháp lý, các thủ tục tố tụng xét xử cũng chỉ quy định tại Phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” trong BLTTHS, mà không quy định ở Phần thứ tư “xét xử phúc thẩm”. Cho nên, việc tuân thủ trình tự thủ tục xét xử phúc thẩm, về cơ bản cũng chỉ là vận dụng trên cơ sở các quy trình đã có về thủ tục xét xử sơ thẩm, đó là điều bất hợp lý khi tổ chức phiên tòa phúc thẩm, dễ dẫn đến các thiếu sót về thủ tục hoặc tạo ra những tuỳ tiện cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm.
5. Tiếp tục hoàn thiện tố tụng hình sự trong xét xử phúc thẩm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, ở nước ta thực hiện việc xét xử hai cấp. Thực tế là, có hai Toà án thực hiện việc xét xử phúc thẩm. Đó là các Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Tòa Phúc thẩm thuộc TANDTC (kể cả Tòa án Quân sự Trung ương).
Phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại các vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo quy định của pháp luật. Mục đích của phúc thẩm là nhằm kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án quyết định sơ thẩm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức xã hội và Nhà nước bị xâm hại. Tổ chức của các Tòa Phúc thẩm thuộc TANDTC hiện đang có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu đổi mới. Hiện nay ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều đang có một Tòa Phúc thẩm thuộc TANDTC có trụ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Mỗi Tòa Phúc thẩm đảm nhận một địa bàn xét xử phúc thẩm trên phạm vi lớn, thậm chí đến gần 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vì nhiều lý do khác nhau, mỗi đợt xét xử phúc thẩm tại các địa phương thường kéo dài trong nhiều ngày, nhiều trường hợp phải hoãn phiên tòa, mất thời gian, công sức trong việc đi lại và tổ chức các phiên tòa lưu động, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động xét xử phúc thẩm. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự tồn đọng án phúc thẩm ở Tòa Phúc thẩm TANDTC trong thời gian qua. Vì thế, chúng tôi đồng ý với ý kiến cho rằng, các Tòa Phúc thẩm thuộc TANDTC và Viện Phúc thẩm khu vực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần được tổ chức lại. Để giải quyết kịp thời các vụ án hình sự có kháng cáo, kháng nghị, mỗi Tòa Phúc thẩm cần có thẩm quyền phúc thẩm trong phạm vi 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Để khắc phục những bất cập, vướng mắc và tồn tại trong thực tiễn phúc thẩm và nâng cao hiệu quả phúc thẩm các vụ án hình sự, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, tuy nhiên, từ góc độ pháp luật tố tụng hình sự, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLTTHS hiện hành theo các hướng xác định đúng tính chất của phúc thẩm và đối tượng của xét xử phúc thẩm; mở rộng quyền hạn của Tòa Phúc thẩm, theo hướng xác định lại tính chất và đối tượng của phúc thẩm trong tố tụng hình sự, bổ sung, sửa đổi các quy định về quyền hạn của các cấp xét xử; ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn áp dụng các quy định BLTTHS sửa đổi về xét xử phúc thẩm.
Đồng thời, cần bổ sung quy định về căn cứ để sửa hoặc huỷ bản án sơ thẩm. Có thể đồng ý với quan điểm cho rằng: Căn cứ để sửa hoặc huỷ bản án sơ thẩm là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng chứng minh về tình trạng không hợp pháp hoặc thiếu căn cứ của bản án sơ thẩm. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm phải sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Việc điều tra hoặc xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ.
b) Kết luận của bản án không phù hợp với các tình tiết thực tế về vụ án;
c) Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;
d) Áp dụng không đúng pháp luật hình sự, dân sự;
e) Hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và nhân thân người bị kết án.
Đặc biệt, đối với trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm hiện nay, các quy định về chức năng, quyền hạn của cấp giám đốc thẩm và tái thẩm chưa đủ hiệu lực để khắc phục sớm, kịp thời và dứt điểm các sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng sơ thẩm và phúc thẩm. Tồn tại đó làm cho vụ án bị kéo dài không cần thiết mà không quy được trách nhiệm cho các cấp xét xử.
6. Bảo đảm tuân thủ triệt để các nguyên tắc của tố tụng hình sự :
Là một hướng quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả xét xử. Đây cũng là vấn đề khó khăn trong thực tiễn, vì nếu như các hành vi cụ thể hầu như đã được quy định chi tiết thì những nguyên tắc của tố tụng hình sự (những tư tưởng chỉ đạo) là vấn đề được thẩm thấu trong nhiều quy phạm, nhiều chế định khác nhau và đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải nhất quán. Việc không tuân thủ các nguyên tắc, rất khó phát hiện, khó chỉ ra cụ thể và cũng khó đi đến những phán xét chính xác. Chính vì vậy, khi Thẩm phán xét xử không tuân thủ triệt để những nguyên tắc của tố tụng hình sự, thì mặc dù họ chọn đúng các quy phạm pháp luật cần áp dụng, nhưng rất có thể, tinh thần pháp chế để bảo đảm công lý, công bằng xã hội vẫn chưa đạt được trong các quyết định đưa ra. Ví dụ: Khi áp dụng một điều luật cụ thể trong một giới hạn khung hình phạt cho phép, tùy vào tình hình thực tế, cũng như quán triệt những nguyên tắc của pháp luật về tố tụng hình sự mà, trong khi xét xử, những người tiến hành xét xử có thể đưa ra những phương án khác nhau, chọn mức án cụ thể khác nhau trong khung đó. Đặc biệt có nhiều trường hợp, do chưa năm chắc những nguyên tắc tố tụng hình sự dẫn đến việc vận dụng, khai thác các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ có thể theo những xu hướng khác nhau. Đơn cử một hành vi quản lý kinh tế nằm ở ranh giới của sự điều chỉnh pháp luật, có thể được Thẩm phán này coi là năng động dẫn đến tư duy đánh giá tích cực, là cơ sở của niềm tin nội tâm về sự tồn tại nhân tố tích cực trong nhân thân của bị cáo và cần áp dụng một mức hình phạt nhẹ. Ngược lại, cũng hành vi đó, có thể được Thẩm phán khác phân tích theo chiều hướng là sự vi phạm nguyên tắc trong điều kiện cần phải tăng cường đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tạo nên niềm tin về sự cần thiết phải áp dụng một hình phạt nghiêm khắc, dẫn đến một phán quyết hoàn toàn trái ngược với người Thẩm phán. Chính vì thế, để bảo đảm pháp chế, bảo đảm công lý, người xét xử phải vừa nắm vững các quy phạm pháp luật, lại phải thấm nhuần các nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo… để tránh tâm trạng cực đoan của bản thân tại thời điểm đó.
Nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tăng cường việc giám sát thực thi pháp luật. Đặc biệt với sự thành lập mới của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khóa XII, việc triển khai ngày càng được sâu, rộng trong những hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật, trong lĩnh vực tư pháp nói chung và tư pháp hình sự nói riêng. Bên cạnh những mặt tích cực, còn nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động và mối quan hệ giữa các thiết chế, các cơ quan trong lĩnh vực này, đang đòi hỏi phải được tổng kết đánh giá và điều chỉnh pháp luật kịp thời, khắc phục những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình giải quyết đúng đắn, khách quan các vụ án hình sự. Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, dưới góc độ lý luận khoa học pháp lý về tư pháp hình sự, cần phải xây dựng các nguyên tắc, phương pháp, nội dung giám sát, sao cho hoạt động đó không những không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện bình thường các chức năng của các cơ quan tư pháp, mà còn là sự hỗ trợ đắc lực cho việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan.
T.s Hoàng Mạnh Hùng
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
4. Xử lý lưu động có gì khác biệt
Trả lời:
Pháp luật tố tụng hình sự không có quy định về xét xử lưu động, việc xét xử luôn phải bảo đảm công bằng, khách quan, toàn diện, triệt để và đầy đủ. Do vậy, dù xét xử lưu động hay xét xử tại trụ sở tòa án về nguyên tắc là giống nhau và không có sự phân biệt.
Tuy vậy, qua thực tiễn tôi nhận thấy tâm lý chung của bị cáo và thân nhân của họ luôn không đồng tình việc bị đưa ra xét xử lưu động vì họ thường cho rằng mức án khi bị đưa ra xét xử lưu động thường cao.
Bị cáo bị đưa ra xét xử lưu động bị áp lực rất lớn, ảnh hưởng lớn đến tâm lý khai báo của họ. Tâm lý, uy tín của người bị xét xử lưu động bị ảnh hưởng, do đó họ sẽ khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng sau khi phải chấp hành án. Đồng thời, việc xét xử công khai giữa hàng trăm, hàng nghìn người cũng gây nên tâm lý hoang mang, xấu hổ đối với người thân của người phạm tội.
Người bị đưa ra xét xử lưu động chịu sức ép rất lớn trước dư luận ngay khi xuất hiện tại phiên tòa mặc dù theo quy định một người không thể bị coi là có tội trước khi có phán quyết của tòa án.
Tham dự phiên tòa của Cộng hòa Liên bang Đức, tôi được giới thiệu về cái gọi là “Con đường than thở”. Tại Đức, trường hợp người bị đưa ra xét xử mà giam, giữ họ có một đường riêng dẫn đến phòng xử án để tránh việc họ có thể phải gặp mặt mọi người trên đường bị dẫn giải đến tòa và người ta gọi con đường đó là “con đường than thở” vì bị dẫn giải trên còn đường đó chỉ có bị giam giữ và những người bị giam giữ thường than thân, trách phận.
Tất nhiên, dưới góc độ răn đe tội phạm thì hoạt động xét xử lưu động vẫn là công cụ phát huy hiệu quả cao, phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân; ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người.
Gần 20 năm hành nghề Luật sư, tôi đã tham gia bào chữa, bảo vệ trên chục vụ án được đưa ra xét xử lưu động và đã chứng kiến nhiều chuyện phát sinh từ những phiên tòa xét xử lưu động.
Về vấn đề an ninh, an toàn cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng: Trong một vụ án giết người, tôi tham gia bào chữa cho một bị cáo vị thành niên bị đưa ra xét xử tại UBND xã nơi xảy ra vụ việc. Phiên tòa có rất đông người tham dự do cả bị cáo, bị hại cùng ở một xã. Mẹ bị cáo là người giám hộ vắng mặt (bố bị cáo cũng bị đưa ra xét xử trong vụ án), với tư cách Luật sư bào chữa tôi buộc phải đề nghị hoãn phiên tòa và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Nhưng ngay khi Hội đồng xét xử tuyên bố hoãn phiên tòa, rất đông người dân đã phản ứng quyết liệt. Rất may tôi đã được Cơ quan Công an hỗ trợ, bảo vệ và ra về bằng xe chuyên dụng của Công an.
Về cơ sở vật chất, tính tính uy nghiêm của phiên tòa: Do xét xử ngoài trụ sở, Tòa án sẽ phải bố trí hội trường xét xử theo quy định. Nhưng các hội trường xét xử này sẽ không thể được như tại trụ sở tòa án. Các phòng xét xử này thiếu tính uy nghiêm, các vị trí chỗ ngồi, âm thanh, ánh sáng… đôi khi chưa tuyệt đối đảm bảo quy định đặc biệt là với các hội trường xét xử ngoài trời.
Không phải phiên tòa lưu động nào cũng có đông người tham dự, tôi đã tham dự một phiên tòa lưu động về tội “Giết người” tại Trụ sở UBND phường nhưng vụ án đó không hiểu vì sao cũng không có người dân đến tham dự.
Về kinh phí tổ chức: Để tổ chức một phiên tòa lưu động đòi hỏi rất nhiều khâu từ công tác chuẩn bị, việc dự báo đánh giá, dự đoán tình huống, sự tham gia của nhiều lực lượng… Chi phí để tổ chức một phiên tòa lưu động cũng rất tốn kém.
5. Khi nào vụ án hình sự được xét xử lưu động?
Trả lời:
Hiện nay, chưa có một quy định nào trong các văn bản pháp luật về việc xét xử lưu động. Nhưng có thể hiểu xét xử lưu động là việc Tòa án xét xử công khai một vụ án ở ngoài trụ sở của Tòa án, có thể là một hội trường lớn, một sân vận động, sân trường học, hội chợ, siêu thị… mà ở đó, tất cả mọi người dân đều có thể đến xem. Việc xét xử lưu động có ý nghĩa răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến rộng rãi với người dân.
Trong thực tiễn xét xử, thông thường các vụ án hình sự liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy… sẽ được đưa ra xét xử lưu động.
Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nêu rõ, Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa trừ trường hợp cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi … thì Tòa án sẽ xử kín nhưng sẽ tuyên án công khai.
Tại Nghị quyết 37/2012/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, Quốc hội nêu rõ:
Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động.
Tuy nhiên, đến Nghị quyết Nghị quyết số 96/2019/QH14 thay thế cho Nghị quyết 37, Quốc hội đã không còn đề cập đến vấn đề xét xử các vụ án xét xử lưu động.
Tóm lại, chưa có một quy định nào về việc xét xử vụ án lưu động. Việc có đưa vụ án ra xét xử lưu động hay không phụ thuộc vào sự quyết định của Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án đó.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email: Tư vấn pháp luật hình sự qua Email [email protected]hoặc tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900.0191. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng
Bộ phận tư vấn pháp luật!