1. Ý nghĩa của vạch kẻ đường

Trả lời:

Căn cứ Quy chuẩn 41:2016/BGTVT về phần vạch kẻ đường, chúng tôi xin phân tích về phần Nhóm vạch phân chia các làn xe chạy cùng chiều như sau:

– Đối với dạng vạch đơn, đứt nét, màu trắng (bề rộng vạch 15cm): dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường qua vạch

– Đối với dạng vạch đơn, liền nét, màu trắng (bề rộng vjach 15cm): dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

– Vạch giới hạn làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên (bằng vạch đơn, màu trắng, bề rộng vạch 30 cm):

Vạch giới hạn làn đường dành riêng cho một loại xe cơ giới nhất định (vạch liền nét), các loại xe khác không được đi vào làn xe này trừ những trường hợp khẩn cấp theo Luật Giao thông đường bộ.

Vạch giới hạn làn đường ưu tiên cho một loại xe cơ giới nhất định (vạch đứt nét), các xe khác có thể sử dụng làn đường này nhưng phải nhường đường cho xe được ưu tiên sử dụng làn khi xuất hiện loại xe này trên làn xe.

Xe trên làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên có thể cắt qua các vạch này khi làn đường hoặc phần đường xe chạy liền kề không cấm sử dụng loại xe

Xử lý vi phạm

Theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, CSGT sẽ ra Quyết định xử phạt như sau:

Mức phạt 100-200 ngàn đối với các hành vi sau (theo Mục a, Khoản 1, Điều 5):

– Không tuân thủ vạch kẻ đường

Mức phạt từ 300 – 400 ngàn đối với các hành vi sau (theo mục a, Khoản 2, Điều 5)

– Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép

Mức phạt từ 800.000 ngàn – 1.200.000 ngàn đối với hành vi sau:

– Điều khiển xe không đi đúng phần đường hoặc làn đường quy định

Tuy nhiên có một số trường hợp dù lái xe phạm lỗi Không tuân thủ vạch kẻ đường, nhưng nếu hoàn cảnh phạm lỗi rơi vào 1 trong 5 trường hợp Luật loại trừ không xử phạt VPHC thì CSGT không có quyền phạt lái xe nữa.

Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính số: 15/2012/QH13 được Quốc hội khoá 13 thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/07/2013.

Tại điều 11: Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

“Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:

1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này”

2. Chuyển làn trên đường có vạch đứt ?

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Trên phần đường có 2 làn đường ô tô, được phân cách bằng vạch đứt thì việc chuyển làn (để qua mặt một xe khá) có được gọi là vượt không ?

Trong luật giao thông có điều khoản cấm vượt trên cầu, giao lộ, …thì hành động chuyển làn trên cầu (có vạch đứt) có vi phạm không? Tôi đã bị CSGT phạt 2 lần, 1 lần chuyển làn ngay giao lộ, 1 lần chuyển làn trên cầu vượt.

Người gửi: N.H.P

Trả lời:

Căn cứ vào quy định tại Điều 13 và Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định như sau:

Điều 13.Sử dụng làn đường

1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.

3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.

Điều 14.Vượt xe

1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:

a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;

b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;

c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Trên cầu hẹp có một làn xe;

c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;

d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Việc bạn thực hiện chuyển làn đường như vậy không coi là ” vượt xe”. Luật GTĐB Việt Nam không có quy định cụ thể về thế nào là ” vượt xe”, theo quy định trong Luật GTĐB của nước Nga có đưa ra khái niệm vượt xe, cụ thể:

vượt xe là việc vượt qua một hoặc một vài phương tiện giao thông bằng cách chuyển sang làn của các phương tiện ngược chiều, sau đó trở về làn đường mình đang di chuyển“.

Như vậy ” vượt xe chỉ đặt ra khi các phương tiện tham gia giao thông theo hai chiều. Trường hợp của bạn nếu bạn đang đi trên đường hai chiều mà chuyển làn để vượt lên xe khác thì được coi là “vượt xe”.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 13 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định:

Điều 13.Sử dụng làn đường

1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

Đối với trường hợp chuyển làn đường ở trên cầu trong Luật GTĐB chỉ quy định cấm vượt khi trên cầu hẹp ( Khoản 5 Điều 14 Luật GTĐB ). Có nghĩa là nếu trên cầu có nhiều làn xe và vạch phân chia làn đường là nét đứt thì việc chuyển làn xe trên cầu là không bị cấm, không vi phạm Luật GTĐB.

3. Phần đường là gì? Lỗi đi sai phần đường phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời:

Phần đường là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện qua lại (theo khoản 6 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008).

Đồng thời theo QCVN 41:2016/BGTVT, phần đường gồm 2 loại:

– Phần đường dành cho xe cơ giới là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng qua lại;

– Phần đường dành cho xe thô sơ là phần đường của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ qua lại.

Một phần đường có thể có một hoặc nhiều làn đường (một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn).

Và sẽ có các dải phân cách để phân chia phần đường thành hai chiều riêng biệt hoặc để phân chia phần đường dành cho xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều.

Như vậy, một người vi phạm lỗi đi sai phần đường khi điều khiển xe cơ giới đi vào phần đường dành cho xe thô sơ và ngược lại, khi điều khiển xe thô sơ đi vào phần đường của xe cơ giới.

theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt khi tham gia giao thông cụ thể:

Đối với xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô:

– Người điều khiển ô tô có hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng (Điểm đ Khoản 5 Điều 5).

Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5).

– Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng (Điểm a Khoản 7 Điều 5) và tước Bằng lái xe từ 02 – 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5).

Đối với mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện):

– Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng đối với hành vi đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) (Điểm g Khoản 3 Điều 6).

– Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 4.000.000 – 5.000.000 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (Điểm b Khoản 7, Điểm c Khoản 10 Điều 6).

Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng:

– Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng đối với hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng (Điểm c Khoản 3 Điều 7).

– Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (Điểm a Khoản 7, Điểm b Khoản 10 Điều 7).

Đối với xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện:

Phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng đối với hành vi đi không đúng phần đường quy định (Điểm a Khoản 1 Điều 8).

4. Mức xử phạt đối với lỗi quay đầu xe trên đường cao tốc năm 2020

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điểm b khoản 6 và Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

…b) Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc;…..

11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

….c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này;”

Như vậy, theo quy định này thì trường hợp bạn quay đầu xe trên đường cao tốc thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và bị tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

5. Điều khiển xe trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe

Trả lời:

Căn cứ Khoản 4 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định như sau:

“Điều 82. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt

…4. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, nếu cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề.”

Theo quy định này, bạn sẽ không được lái xe trong thời hạn bị tước Giấy phép lái xe. Nếu bạn vi phạm và bị người có thẩm quyền kiểm tra, bạn sẽ bị phạt với lỗi không có Giấy phép lái xe.

Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ – CP quy định như sau:

“Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;”

Bên cạnh đó, điểm i khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 82. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm

1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các Điều, Khoản, Điểm sau đây của Nghị định này và phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

i) Khoản 1; điểm a, điểm c khoản 4; khoản 5; khoản 6; khoản 7; khoản 8 Điều 21;″

Như vậy, với trường hợp điều khiển ô tô không có giấy phép lái xe bạn sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng. Ngoài ra bạn còn bị tạm giữ phương tiện 07 ngày.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật giao thông – Công ty luật LVN Group