Cũng như ý thức pháp luật nói chung, cấu trúc của ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa gồm hai bộ phận là tư tưởng pháp luật và tâm lí pháp luật. Tư tưởng pháp luật thể hiện trí thức pháp luật, tâm lí pháp luật thể hiện thái độ, tình cảm con người đối với pháp luật.
Ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa có các đặc điểm cơ bản:
1) Trong xã hội xã hội chủ nghĩa không có giai cấp đối kháng, pháp luật thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân lao động và của cả dân tộc nên ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa có tính thống nhất cao;
2) Do ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa ra đời sau nên ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa thừa hưởng được những tinh hoa của ý thức pháp luật của các xã hội trước, trong đó có xã hội tư sản với tư cách là những thành tựu trí tuệ mà các dân tộc đã tạo ra. Các tư tưởng tiến bộ về xây dựng nhà nước dân chủ, chủ nghĩa lập hiến, thiết lập và bảo vệ các quyền công dân và quyền con người đã ra đời trong các xã hội trước đã được tiếp thu và phát huy ở mức độ cao hơn.
3) Tư tưởng pháp luật ở các nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của triết học Mác – Lênin.
Ngoài những đặc điểm chung nói trên, ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có những nét đặc thù riêng như xã hội Việt Nam không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nên phải tích cực, tìm hiểu, nghiên cứu và có thái độ cầu thị để có thể tiếp thu những tinh hoa của pháp luật và hạn chế được mặt trái của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến từ lâu đời, đó là nền văn hiến của một xã hội coi trọng các quy tắc đạo đức và học vấn, coi trọng phẩm hạnh con người. Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín đó là bản sắc văn hoá được tôi luyện hàng nghìn năm của người Việt Nam. Nhờ bản sắc này trong thời đại mới, với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự tiếp thu những tỉnh hoa văn hoá của nhân loại, chúng ta có thể xây dựng một xã hội có ý thức pháp luật cao.
Xem xét cấu trúc của ý thức pháp luật tức là xem xét các bộ phận hợp thành ý thức pháp luật:
Dưới góc độ cụ thể, ý thức pháp luật là một phần của ý thức mỗi người, biểu hiện ở sự hiểu biết pháp luật cũng như tâm trạng, thái độ, xúc cảm, tình cảm… của họ đối với pháp luật và thực tiễn pháp lí. Những yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ với nhau trong đời sống ý thức của từng cá nhân con người. Thông qua quá trình tiếp nhận, tương tác trong điều chỉnh pháp luật đã tạo nên một hệ thống tri thức pháp luật riêng ở mỗi cá nhân con người. Tri thức pháp luật được tích lũy, chắt lọc từ nhiều kênh khác nhau như: nghiên cứu khoa học, sự tác động của các quy định pháp luật, giá trị và thực tiễn pháp lí, tác động của các phương tiện truyền thông, giáo dục, tuyên truyền, giải thích, so sánh pháp luật… Trên thực tế, tri thức pháp luật của cá nhân phụ thuộc rất lớn vào năng lực của mỗi người trong nhận thức, thu nạp, phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật và hoạt động pháp lí thực tiễn. Tri thức pháp luật có vai trò soi sáng, chỉ đạo hành vi thực tế của con người.
Ở góc độ chung, ý thức pháp luật được hợp thành từ tư tưởng pháp luật và tâm lí pháp luật. Tư tưởng pháp luật là toàn bộ những quan điểm, quan niệm, học thuyết, trường phái lí luận về pháp luật. Tư tưởng pháp luật mang tính khoa học phản ánh đúng đắn các mối quan hệ vật chất của xã hội và quy luật phát triển khách quan cùa xã hội. Ngược lại, tư tưởng pháp luật thiếu tính khoa học hoặc phản khoa học cũng phản ánh các mối quan hệ vật chất của xã hội nhưng đó là sự phản ánh sai lầm, xuyên tạc và thiếu tính khách quan. Tư tưởng pháp luật không đom thuần là sản phẩm, biểu đạt chính thống của một chế độ ở một giai đoạn lịch sử mà nó còn hàm chứa các giá trị khoa học được đúc kết, kế thừa từ thực tế của nền văn minh pháp lí nhân loại. Tư tưởng pháp luật được xây dựng trên một nền tảng tri thức pháp luật có tính kế thừa qua các giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội.
Tâm lí pháp luật biểu hiện tâm trạng, xúc cảm, thái độ của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lí khác. Cũng như tư tưởng pháp luật, tâm lí pháp luật có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Tuy nhiên, do tâm lí là yếu tố chủ quan nên việc nhận diện những đặc tính của nó đòi hỏi phải có quá trình lâu dài và cần phải thông qua các hành vi pháp luật thực tiễn. Mặt khác, tâm lí pháp luật mặc dù có tính ổn định tương đối nhưng nó cũng có thể biến đổi khi môi trường kinh tế, chính trị và pháp lí có những thay đổi. Vì vậy, coi trọng yếu tố tâm lí pháp luật đòi hỏi phải quan tâm nhân tố con người trong các hoạt động thực tiễn và điều kiện tồn tại xã hội ở mỗi giai đoạn. Tâm lí pháp luật thể hiện các khía cạnh như: xúc cảm, niềm tin pháp lí; ý chí và thái độ pháp lí… Giữa tư tưởng pháp luật và tâm lí pháp luật có mối liên hệ, tác động lẫn nhau vì chúng có chung nguồn gốc là tồn tại xã hội, cùng phản ánh tồn tại xã hội. Tư tưởng pháp luật chỉ đạo tâm lí pháp luật và quá trình xác lập hầnh vi thực tế của con người trong đời sống pháp lí. Tâm lí pháp luật là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của tư tưởng pháp luật.
Xúc cảm và niềm tin pháp lí được coi như cầu nối giữa cái bên ngoài (pháp luật, thực tiễn pháp lí) với cái bên trong là nội tâm của chủ thể. Đây chính là yếu tố làm cho pháp luật, hoạt động pháp lí, giá trị pháp lí trở thành nguồn cảm hứng sống với con người. Nó đối lập với trạng thái thờ ơ, vô cảm, trống rỗng, thiếu niềm tin với pháp luật và đời sống pháp lí hiện thực. Dĩ nhiên, chiều sâu của sự xúc cảm, niềm tin pháp lí suy cho cùng cũng cần được đặt trên cơ sở sự hiểu biết nếu không dễ rơi vào mù quáng, sáo rỗng và vọng tưởng. Thực tế cho thấy, khi những xúc cảm bột phát, niềm tin thiếu cơ sở lại có thể trở thành tiền đề của những hành vi bất hợp pháp.
Cơ chế hành vi cho thấy, chủ thể có sự hiểu biết đầy đủ, có quá trình xúc cảm, niềm tin tích cực sẽ là nền tảng cho việc hình thành ý chí, tỏ rõ thái độ tích cực trong thực hiện hành vi. Thái độ pháp lí thể hiện sự phản ứng trên cơ sở nhận thức của chủ thể đối với quy định của pháp luật hoặc các hiện tượng pháp lí khác.
Thái độ pháp lí có thể biểu đạt trạng thái tích cực hoặc tiêu cực. Nếu nhận thức của chủ thể sai hoặc thiếu chính xác thì biểu hiện của thái độ pháp lí cũng không đúng, tiêu cực hoặc không phù hợp mức độ cần thiết. Ngược lại, nếu nhận thức của chủ thể sâu, rộng và đầy đủ nhưng vô cảm, bàng quan thì khó hình thành một thái độ pháp lí đúng đắn. Do đó, điều kiện cần có của thái độ pháp lí tích cực là sự hiểu biết pháp luật sâu sắc cộng với động cơ lành mạnh, tích cực. Đây là nền tảng thiết yếu để chủ thể biểu đạt ý chí, hành vi pháp lí mạnh mẽ, tích cực trên thực tế. Dĩ nhiên, trên thực tế thái độ, ý chí của chủ thể thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh khác như lối sống cộng đồng, phong tục tập quán, ý thức hệ, quan niệm tôn giáo…
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)