1. Công ty chứng khoán là gì?
Công ty chứng khoán (CTCK) là một tổ chức hoạt động có tư cách pháp nhân, có giấy phép hoạt động kinh doanh. Giấy phép kinh doanh chứng khoán được cấp bởi Ủy ban chứng khoán nhà nước.
2. Yêu cầu về hoạt động kiểm toán nội bộ tại các công ty chứng khoán như thế nào?
Kiểm toán nội bộ chiếm lĩnh vị trí rất quan trọng trong bộ máy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, kiểm toán nội bộ giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu thông qua tiếp cận một cách có hệ thống và có nguyên tắc để đánh giá và nâng cao hiệu quả của hoạt động quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát cũng như quy trình quản trị.
Trên thế giới kiểm toán nội bộ đã có mặt từ rất lâu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và tại các CTCK nói riêng. Tại các nước phương Tây, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà quản lý kinh tế trên thế giới đã đánh giá lại các mô hình và thấy được vai trò của quản trị rủi ro cũng như vai trò của kiểm toán nội bộ đã trở nên ngày càng quan trọng.
Thậm chí, tại Mỹ, đất nước có thị trường chứng khoán rất phát triển thì kiểm toán nội bộ là bộ phận bắt buộc phải có và Luật Sarbenes – Oxley ra đời năm 2002 cũng quy định rõ tất cả các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải báo cáo về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ công ty. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đại chúng đã được quan tâm nhiều hơn. Đối với các CTCK, hoạt động kiểm toán nội bộ đã được quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 121/2020/TT-BTC.
2.1. Chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ tại công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020. Bộ phận kiểm toán nội bộ trong công ty chứng khoản có chức năng nhiệm vụ như sau:
– Đánh giá độc lập về sự phù hợp và tuân thủ các chính sách pháp luật, Điều lệ, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên;
– Kiểm tra, xem xét và đánh giá sự đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) nhằm hoàn thiện hệ thống này;
– Đánh giá việc tuân thủ của hoạt động kinh doanh đối với các chính sách và quy trình nội bộ;
– Tham mưu thiết lập các chính sách và quy trình nội bộ;
– Đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật, kiểm soát các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản;
– Đánh giá kiểm toán nội bộ thông qua thông tin tài chính và thông qua quá trình kinh doanh;
– Đánh giá quy trình xác định, đánh giá và quản lý rủi ro kinh doanh;
– Đánh giá hiệu quả của các hoạt động;
– Đánh giá việc tuân thủ các cam kết trong hợp đồng;
– Thực hiện kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin;
– Điều tra các vi phạm trong nội bộ công ty chứng khoán;
– Thực hiện kiểm toán nội bộ công ty chứng khoán và các công ty con của công ty chứng khoán.
2.2. Nguyên tắc hoạt động kiểm toán nội bộ trong công ty chứng khoán
Hoạt động kiểm toán nội bộ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
Tính độc lập: bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập với các bộ phận khác của công ty chứng khoán, kể cả ban điều hành; hoạt động kiểm toán nội bộ độc lập với các hoạt động điều hành, nghiệp vụ của công ty chứng khoán; cán bộ làm công tác kiểm toán nội bộ không được đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ, không được kiêm nhiệm công việc tại các bộ phận nghiệp vụ như môi giới, tự doanh, phân tích, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, quản trị rủi ro;
Tính khách quan: bộ phận kiểm toán nội bộ, nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, không định kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Công ty chứng khoán phải bảo đảm kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào khi thực hiện đúng nhiệm vụ của mình;
Nhân viên kiểm toán nội bộ phải thể hiện tính khách quan trong quá trình thu thập, đánh giá và truyền đạt thông tin về hoạt động hoặc các quy trình, hệ thống đã hoặc đang được kiểm toán. Kiểm toán viên nội bộ cần đưa ra đánh giá một cách công bằng về tất cả các vấn đề liên quan và không bị chi phối bởi mục tiêu quyền lợi riêng hoặc bởi bất kỳ ai khác khi đưa ra nhận xét, đánh giá của mình;
Tính trung thực: kiểm toán viên nội bộ phải thực hiện công việc của mình một cách trung thực, cẩn trọng và có trách nhiệm; tuân thủ luật pháp và thực hiện các nội dung công việc công khai theo quy định của pháp luật và nghề nghiệp;
Bảo mật: nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ cần tôn trọng giá trị và quyền sở hữu của thông tin nhận được, không được tiết lộ thông tin mà không có ủy quyền hợp lệ trừ khi có nghĩa vụ phải tiết lộ thông tin theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của công ty.
2.3. Tiêu chuẩn nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ trong công ty chứng khoán
Nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
– Người làm việc bộ phận này không phải là người đã từng bị xử phạt từ mức phạt tiền trở lên đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm trong vòng 05 năm gần nhất tính tới năm được bổ nhiệm;
– Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán; Có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao;
– Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong công ty chứng khoán;
– Có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
– Không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán.
3. Hạn chế nào đối với việc sử dụng vốn và tài sản của quỹ đại chúng kể từ ngày 1/1/2021?
Từ ngày 1/1/2021, theo quy định của Luật Chứng khoán, sẽ có những hạn chế trong sử dụng vốn và tài sản đối với quỹ đại chúng.
Cụ thể, theo Điều 110, Luật Chứng khoán, kể từ ngày 1/1/2021, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ đại chúng để thực hiện các hoạt động như: Đầu tư vào chứng chỉ quỹ của chính quỹ đại chúng đó; Đầu tư vào chứng khoán của 01 tổ chức phát hành quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó, trừ trái phiếu Chính phủ; Đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ đại chúng vào chứng khoán đang lưu hành của 01 tổ chức phát hành, trừ trái phiếu Chính phủ; Đầu tư quá 10% tổng giá trị tài sản của quỹ đóng vào bất động sản, trừ trường hợp là quỹ đầu tư bất động sản; đầu tư vốn của quỹ mở vào bất động sản; Đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ đại chúng vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau thuộc các trường hợp sau đây: công ty mẹ, công ty con; các công ty sở hữu trên 35% cổ phần, phần vốn góp của nhau; nhóm công ty con có cùng một công ty mẹ; Cho vay hoặc bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào; Các hạn chế đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán khác và đối với từng loại hình quỹ cụ thể được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không được phép vay để tài trợ cho hoạt động của quỹ đại chúng, trừ trường hợp vay ngắn hạn theo quy định của pháp luật về ngân hàng để trang trải các chi phí cần thiết cho quỹ đại chúng hoặc thực hiện thanh toán các giao dịch chứng chỉ quỹ với nhà đầu tư. Tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn của quỹ đại chúng không được quá 5% giá trị tài sản ròng của quỹ đại chúng tại mọi thời điểm và thời hạn vay tối đa là 30 ngày.
Ngoài ra, cũng theo Luật Chứng khoán, cơ cấu đầu tư của quỹ đại chúng chỉ được vượt mức so với hạn chế đầu tư trong trường hợp như: Đầu tư vào chứng khoán của 01 tổ chức phát hành quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó, trừ trái phiếu Chính phủ; Đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ đại chúng vào chứng khoán đang lưu hành của 01 tổ chức phát hành, trừ trái phiếu Chính phủ; Đầu tư quá 10% tổng giá trị tài sản của quỹ đóng vào bất động sản, trừ trường hợp là quỹ đầu tư bất động sản; đầu tư vốn của quỹ mở vào bất động sản; Đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ đại chúng vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau thuộc các trường hợp sau đây: công ty mẹ, công ty con; các công ty sở hữu trên 35% cổ phần, phần vốn góp của nhau; nhóm công ty con có cùng một công ty mẹ; Các hạn chế đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán khác và đối với từng loại hình quỹ cụ thể được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đồng thời, việc vượt mức này chỉ do nguyên nhân như: Biến động giá trên thị trường của tài sản trong danh mục đầu tư của quỹ; Thực hiện các khoản thanh toán của quỹ theo quy định của pháp luật; Hoạt động hợp nhất, sáp nhập các tổ chức phát hành; Quỹ mới được cấp phép thành lập hoặc do tách quỹ, hợp nhất quỹ, sáp nhập quỹ mà thời gian hoạt động chưa quá 06 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ; Quỹ đang trong thời gian giải thể.
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán có nghĩa vụ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin về việc vượt mức các hạn chế đầu tư quy định ở trên. Đồng thời, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày phát sinh vượt mức hạn chế đầu tư, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư để bảo đảm các hạn mức đầu tư.
4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán?
Tình trạng vi phạm hành chính về chứng khoán và thị trường chứng khoán vẫn chưa có xu hướng giảm. Vậy, theo quy định của pháp luật, đâu là những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán?
Theo Luật Chứng khoán số 54/2019/QH1 được Quốc hội ban hành vào ngày 26/11/2019, thì kể từ ngày 1/1/2021, một số hành vi dưới đây bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể:
Một là, trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.
Hai là, sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.
Ba là, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.
Bốn là, thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoặc chấp thuận.
Năm là, sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Sáu là, cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.
Bảy là, tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định của Luật Chứng khoán.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập