giám đốc có ủy quyền cho một người trong công ty để làm các công việc thay cho anh ấy bằng giấy ủy quyền số 01/UQ- GD của anh ấy.

Hỏi theo giấy ủy quyền này thì anh C được ủy quyền có được ký hợp đồng lao động với người lao động không, phần thông tin bên người sử dụng lao động và phần ký hợp đồng lao động được thể hiện như thế nào? Trân trọng cảm ơn!

Luật sư trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật LVN Group của chúng tôi, trường hợp của bạn được tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn cần xác định rõ một số nội dung sau để giải quyết vấn đề của mình:

Thứ nhất, thẩm quyền đại diện cho pháp nhân ký kết các hợp đồng kinh tế

Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện.

+ Người đại diện theo pháp luật:

– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ được thể hiện trong điều lê của công ty, một công ty có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong điều lệ của công ty sẽ thể hiện rõ số lượng, phạm vi quyền và nghĩa vụ, chức danh của người đại diẹn theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

– Nếu hết thời hạn ủy quyền ghi trong giấy ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

+ Người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp:

– Người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh người đại diện theo pháp luật của công ty

– Người đại diện theo ủy quyền phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp;

c) Thành viên, cổ đông là công ty có phần vốn góp hay cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được cử vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quản lý và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện theo ủy quyền tại công ty khác;

d) Các tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.

Nếu công ty bạn muốn ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật cho một cá nhân thì cá nhân đó phải đảm bảo các điều kiện trên, và phải có văn bản ủy quyền hợp lệ thể hiện rõ nội dung công việc được ủy quyền, giả sử bên bạn muốn ủy quyền để ký kết hợp đồng lao động với người lao động thì phải có nội dung này trong phần phạm vi ủy quyền.

Thứ hai, Thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động trong công ty.

Về phía người sử dụng lao động

Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019, người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định;
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định;
  • Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định;
  • Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

Về phía người lao động

Cũng theo Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể khoản 4 Điều 18 nêu rõ, người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Cụ thể, người giao kết hợp đồng lao động ở đây là:

  • Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
  • Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;
  • Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật;
  • Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

Trường hợp này chỉ áp dụng với một nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên cùng làm một công việc theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi đó, hợp đồng phải được giao kết bằng văn bản và phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.

Có thể thấy, thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động từ năm 2021 theo Bộ luật Lao động 2019 không có bất cứ thay đổi nào so với hiện nay. Điều khác biệt duy nhất, thay vì quy định tại Nghị định hướng dẫn (Nghị định 05/2015/NĐ-CP) thì nội dung này đã được luật hóa thành một điều khoản của Bộ luật Lao động mới.
 

Không đúng thẩm quyền, hợp đồng lao động vô hiệu

Tương tự như quy định tại Bộ luật Lao động trước đây, điểm b khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định:

Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp:

…Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền…

Như vậy, thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định tới hiệu lực của hợp đồng.

Lúc này, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật và các bên sẽ tiến hành ký lại hợp đồng nếu có nhu cầu tiếp tục duy trì quan hệ lao động.

Mẫu hợp đồng ủy quyền ký hợp đồng lao đồng giữa người đại diện theo pháp luật của công ty với một cá nhân khác

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–

Hà Nội, ngày…..tháng…..năm 2021

GIẤY ỦY QUYỀN

Về việc giao kết hợp đồng lao động

Căn cứ vào Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Bộ luật lao động năm 2019 ;

Căn cứ Thông tư 145/2020/ND-CP Hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. 

Căn cứ vào Điều lệ công ty ……………………………………;

Chúng tôi gồm có:

1. BÊN ỦY QUYỀN:

Họ tên: ……………………………………;

Sinh ngày……tháng……..năm……

Địa chỉ nơi cư trú: Số …….. Phường….Quận…..Thành phố Hà Nội

Chức vụ: Giám đốc công ty ……………………………………được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số……ngày…..tháng….năm…. do Sở KHĐT thành phố Hà Nội cấp.

Số CMTND:……………. …………., ngày cấp…../………/………….., nơi cấp công an thành phố Hà nội

Số hộ chiếu (nếu có):……………

Quốc tịch: Việt Nam

2. BÊN NHẬN ỦY QUYỀN:

Họ tên: ……………………………………;

Sinh ngày…….tháng……năm………

Địa chỉ nơi cư trú: Số …….. Phường………Quận………..Thành phố Hà Nội

Chức vụ: Trưởng phòng ……………………………………;

Số CMTND:……………. …………., ngày cấp…..………………….., nơi cấp: Công an thành phố Hà Nội.

Số hộ chiếu (nếu có):…………….

Quốc tịch: Việt Nam

3. NỘI DUNG ỦY QUYỀN:

Bằng giấy ủy quyền này Bên nhận ủy quyền được quyền thay mặt Bên ủy quyền thực hiện các công việc sau:

Điều 1. Trưởng phòng …………………………… sẽ tiến hành thay mặt Giám đốc công ty …………………………ký kết hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc tại công ty …………;

Điều 2. Thời hạn ủy quyền:

Thời hạn ủy quyền kể từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm…

Điều 3. Thỏa thuận khác (nếu có).

4. CAM KẾT CỦA CÁC BÊN:

– Hai bên cam kết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thông tin ủy quyền ở trên;

– Mọi tranh chấp phát sinh giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền sẽ do hai bên tự giải quyết.

Giấy ủy quyền trên được lập thành….bản, mỗi bên giữ… bản./.

                                          BÊN ỦY QUYỀN                                                                 BÊN NHẬN ỦY QUYỀN

Còn tiêu thức trong hợp đồng lao động bên bạn ký kết với người lao động phải được thể hiện tên của người đai diện theo ủy quyền ( kèm theo Giấy ủy quyền số 01/UQ-GĐ) – tên của người đại diện theo pháp luật – tên công ty trong phần bên người sử dụng lao động ( BÊN A). Còn phần ký tên sẽ là ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA BÊN A – T.M GIÁM ĐỐC -Trưởng phòng (Ký và ghi rõ họ tên).

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn để “Ai có thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động trong công ty”. Nội dung tư vấn dự trên thông tin mà quý khách hàng cung cấp và quy định pháp luật hiện hành. Mục dích đưa ra nhằm cung cấp cho các cá nhân và khách hàng tham khảo.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group