Nhằm hỗ trợ cho học viên tham gia luyện tập kỹ năng lái xe, xử lý tình huống khách quan trước khi thi sạt hạch lấy giấy phép lái xe, Bộ Giao thông Vận tải đã sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Thông tư 12/2017/TT- BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Phần mềm và cabin điện tử, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông bám sát thực tế, giúp học viên thành thục phản xạ khi tham gia giao thông thực tế, đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện.

 

1. Phần mềm và cabin điện tử giúp rèn luyện kỹ năng và phản xạ của lái xe.

Theo Thông tư 04/2022/TT- BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, các cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô để đào tạo trước ngày 31/12/2022 theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Theo Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung khoản 16- Điều 5 như sau: Cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị và duy trì ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành; ca bin học lái xe ô tô thực hiện theo lộ trình quy định tại khoản 2 Điều 47 của Thông tư này

Về nội dung quy trình học lái xe trong cabin sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như: Cách vận hành xe, thực hành bài “đề pa” lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch; các bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố. Trong quá trình thực hành, phần mềm mô phỏng sẽ đưa ra các cảnh báo khi lái xe điều khiển phương tiện sai làn đường, điều khiển vào phần đường dành cho người đi bộ, khi không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn. Diễn biến thời tiết (nắng, mưa) cũng sẽ được tích hợp trong hệ thống này để người học có thể nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống ở các điều kiện khác nhau. Mỗi học viên sẽ được thực hành 4 giờ trên cabin học lái tại trung tâm đào tạo lái xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nêu rõ việc trang bị các thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy định của Thông tư 12/2017/TTBGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, các cơ sở đào tạo phải trang bị, sử dụng ca bin học lái ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01/07/2022.

 

2. Thực tiễn thời điểm áp dụng cabin điện tử đối với các trung tâm đào tạo lái xe.

Chiếu theo Thông tư 04/2022/TT- BGTVT , các cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô để đào tạo từ ngày 01/07/2022. Tuy nhiên phụ thuộc vào tình hình thực tế, do ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid- 19 và khó khăn về mặt cơ sở vật chất, các trung tâm đào tạo lái xe chưa đủ điều kiện và tài chính để hoàn thiện được việc trang bị phần mềm và cabin điện tử trước tháng 07/2022 được.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng ảnh hưởng khách quan đến quá trình sản xuất, lắp ráp thiết bị và gây khó khăn về mặt thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao Thông Vận tải.

Về phía cán bộ giám sát, chịu trách nhiệm về việc thực hiện Thông tư mới về việc đưa phần mềm và cabin điện tử vào thực hành trong sát hạch thi giấy phép lái xe cũng nhận định: nên nghiên cứu tích hợp sát hạch trên phần mềm mô phỏng và cabin điện tử; Cần xem xét có thể tích hợp, lồng ghép hai loại thiết bị này ở mức độ nào để giảm bớt khâu thi, kiểm tra, làm khó người học.

Thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn trong đầu tư cabin điện tử, ông Nguyễn Văn Thanh- Phó vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, rất cần sự chung tay của các cơ sở đào tạo, sát hạch trong việc thực hiện quy định, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Cũng theo ông Thanh cho biết: “Trong tháng 8 sẽ chỉ định đơn vị kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của cabin. Trước khi Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quy trình đánh giá sự phù hợp, Tổng cục sẽ thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá lại các điểm chưa phù hợp của thiết bị để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải”

Trước tình hình trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin lùi thời gian cho các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị cabin học lái ô tô. Bộ Giao thông vận tải cho phép lùi thời gian trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô đến trước ngày 31/12/2022 thay vì phải áp dụng từ 01/07/2022. 

 

3. Đánh giá ý kiến người dân về việc áp dụng phần mềm và cabin điện tử vào  đào tạo thi sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Nếu theo hình thức thi trước đây, khi các thí sinh hoàn thành phần thi lý thuyết sẽ chuyển sang bài thi thực hành trên sa hình thực tế, có nhiều người ngay cả khi nắm chắc ký thuyết, nhưng khi chưa thực hành lái nhiều, công với vấn đề tâm lý, phần thi lý thuyết vẫn “trượt lên trượt xuống”, điều này không chỉ gây mất thời gian, tiền bạc mà còn là áp lực đối với các thí sinh. Còn hiện nay, sau khi Thông tư 04 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành, từ đầu tháng 7, ngoài việc học luật, lái xe trên đường và lái xe sa hình, các học viên còn phải học và thi kỹ năng xử lý tình huống giao thông qua ứng dụng lái xe mô phỏng.

Theo đánh giá của một số người dân về trải nghiệm tình huống trên cabin điện tử mô phỏng tình huống lái xe cho hay:

“Phần mềm mô phỏng có thể coi là thực hành môn lý thuyết pháp luật đường bộ. Cá nhân tôi nếu không luyện tập qua phần mềm này cũng không phòng trước được những tình hình khách quan khi tham gia giao thông. Tôi đã luyện tập khá kỹ nên không lo lắng gì trước khi thi”.

 “Trước khi luyện tập qua hình thức cabin điện tử này, tôi đã thi trượt phần thi thực hành thực tế tới 02 lần. Phần mềm và cabin điện tử này đưa ra các tình huống giao thông khách quan và bám sát thực tế, việc thao tác các tình huống trên máy tính khá dễ dàng. Được học các tình huống thông qua phần mềm tôi thấy rất hữu ích, tôi đã cảm thấy tự tin hơn cho phần thi thực hành sắp tới của mình”.

Như vậy có thể thấy, việc áp dụng phần mềm và cabin điện tử mô phỏng, giúp các thí sinh luyện tập các kỹ năng sa hình trước khi vào bài thi thực tế là hình thức rất khả quan và đem lại hiểu quả cao. Việc trang bị phần mềm và thiết bị cabin điện tử vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học. Mong rằng trong thời gian sớm nhất, Bộ Giao thông Vận tải có thể đồng bộ hình thức này tại tất cả các trung tâm đào tạo lái xe ô tô cho người dân khi tham gia thi sát hạch lấy giấy phép lái xe ô tô.

Trường hợp bài viết có nội dung nhầm lẫn hoặc quý bạn đọc có nội dung chưa rõ cần giải đáp, trao đổi xin mời vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.0191 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!