1. Bản cáo trạng là gì?

Nội dung bản cáo trạng được quy định tại Điều 243 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.

Bản cáo trạng ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.

Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.

Như vậy, căn cứ quy định trên, ta thấy bản cáo trạng là văn bản của viện kiểm sát mà nội dung là những căn cứ để truy tố bị can trước tòa án.

– Viện Kiểm sát là cơ quan duy nhất được pháp luật hiện hành trao cho thẩm quyền ban hành bản cáo trạng

– Đối tượng của bản cáo trạng: là những hành vi vi phạm pháp luật của bị can.

– Về nội dung, bản cáo trạng phải dựa vào bản kết luận điều tra, trong đó ghi rõ:

+ Thông tin cơ bản của bản cáo trạng chẳng hạn như : Thời gian: ngày, tháng, năm xảy ra vụ việc; Địa điểm: nơi xảy ra tội phạm; Chủ thể: ai là người thực hiện hành vi phạm tội

+ Nội dung bản cáo trạng:

Thủ đoạn: có hay không thủ đoạn đê hèn, có tính chất man rợ,..

Mục đích phạm tội: do tư thù cá nhân hay do vật chất,..

Hậu quả của tội phạm để lại: đây là dấu hiệu cơ bản và đặc biệt quan trọng để xác định một người có hay không có tội theo quy định pháp luật.

Những tình tiết quan trọng khác như mối quan hệ cá nhân của bị can, người giúp sức cùng phạm tội,..

Chứng cứ, bằng chứng: tang vật, giấy tờ,…xác định tội trạng của bị can.

Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

Nhân thân của bị can: sinh trưởng trong gia đình như nào, mối quan hệ với người dân địa phương, có tiền án- tiền sự hay không?,…

+ Kết luận. Phần kết của bản cáo trạng cần nêu rõ:

Tội danh: tên tội danh.

Điều khoản Bộ luật hình sự được áp dụng

Và cuối cùng bản cáo trạng phải được giao cho bị can: chủ thể chính tại phiên tòa.

Như vậy ta hiểu bản cáo trạng là quyết định của cơ quan kiểm sát (công tố), nêu rõ đặc điểm, tính chất của hành vi vi phạm pháp luật đưa đến kết luận bị can có tội, nhằm bảo vệ tính đúng đắn của quy định pháp luật.

2. Hình thức, nội dung và lưu ý trong quá trình xây bản Cáo trạng.

2.1. Trình bày nội dung Cáo trạng

Khi xây dựng Cáo trạng cần vận dụng tổng hợp các kiến thức khoa học xã hội và pháp lý để phản ánh một cách ngắn gọn, nhưng đầy đủ, trung thực,toàn diện nội dung vụ án:

Nắm vững diễn biến tình tiết vụ án ngay từ khi khởi tố điều tra vụ án sẽ đem lại nhiều thuận lợi khi giải quyết vụ án ở giai đoạn truy tố. Trong thực tế bản Cáo trạng không được ban hành gần tương tự như bản Kết luận điều tra hoặc có những điểm chưa phù hợp, chính xác với những gì đã được thu thập có trong hồ sơ, nhất là việc trong giai đoạn truy tố Kiểm sát viên bổ sung thêm những chứng cứ mới khi hỏi cung bị can và tài liệu khác làm rõ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đảm bảo cho nội dung Cáo trạng phản ánh đúng khách quan theo nội dung tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Vì thế thường xuyên tập hợp, nghiên cứu tài liệu chứng cứ (theo điều 88 BLTTHS 2015) trong quá trình điều tra, khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên nghiên cứu bản kết luận điều tra do Cơ quan điều tra chuyển tới và trực tiếp hỏi cung bị can.

Việc viện dẫn bút lục phải trên cơ sở tổng hợp nguồn chứng cứ theo từng giai đoạn diễn biến tội phạm. Không viện dẫn bút lục theo từng chứng cứ và cũng không viện dẫn bút lục theo kiểu liệt kê sau khi trình bày toàn bộ nội dung hành vi phạm tội. Thực hiện tốt các nội dung nêu trên Kiểm sát viên sẽ bảo đảm việc xây dựng bản cáo trạng có chất lượng.

2.2. Cách viết về nội dung trong bản cáo trạng

Theo qui định Điều 243 Bộ luật tố tụng hình sự, để bản Cáo trạng thể hiện rõ, toát lên toàn bộ nội dung sự việc phạm tội cũng như các tình tiết khác có liên quan trong vụ án, hình thức trình bày với phương pháp sau:

Trình bày lối viết tổng hợp các tài liệu tố tụng, tài liệu chứng cứ theo thời gian kết hợp với diễn biến tình tiết của vụ án, từ vụ án phạm tội quả tang đơn giản rõ ràng, vụ án có 01 bị can đến những vụ án bị can không khai nhận hành vi phạm tội hay vụ án đồng phạm, vụ án đối tượng phạm nhiều tội hay phạm tội nhiều lần.

Đối với vụ án bị can không nhận tội: Nội dung vụ án được bắt đầu từ các tình tiết do Bị hại, nhân chứng khai, tài liệu xác minh (ghi rõ số bút lục), qua nội dung vụ án các tài liệu đó phản ánh, để phân tích chứng minh hành vi phạm tội của Bị can. Sau đó nêu lời khai của bị can và lập luận, bác bỏ việc không khai của Bị can không phù hợp khách quan, phản ánh đúng nội dung vụ án mà bị hại, người làm chứng khai nhận cùng các chứng cứ khác như vật chứng thu giữ, kết quả khám nghiệm hiện trường …

Đối với vụ án đồng phạm, vụ án bị can phạm nhiều tội hay phạm tội nhiều lần:

Vụ án có đồng phạm, thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau, hành vi phạm tội của các bị can đan xen lẫn nhau trong các vụ án khác nhau:Lấy bị can cầm đầu, thực hiện nhiều vụ án khác nhau làm đầu vụ, sau đó phân ra thành từng nhóm tội phạm, từng vụ việc phạm tội hoặc từng hành vi phạm tội cụ thể. Trong mỗi nhóm này, viết rõ từng vụ án, nêu rõ diễn biến từng hành vi phạm tội cụ thể theo trình tự thời gian. Trong từng hành vi phạm tội cụ thể đó cũng được phản ánh rõ vị trí, vai trò và hành vi cụ thể của từng bị can tham gia và nêu rõ thêm những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ (nếu có phát sinh trong từng vụ).

Đối với những vụ án có một bị can hoặc nhiều bị can, phạm nhiều tội hoặc gây ra nhiều vụ án nhưng cùng một tội danh, khác tội danh thì nêu từng hành vi phạm tội theo trình tự thời gian diễn ra hành vi phạm tội hoặc trình tự phát hiện, khám phá vụ án hoặc theo tính chất tội phạm, từ tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội nghiêm trọng đến ít nghiêm trọng.

Sau khi mô tả hành vi phạm tội của các bị can, thì tổng hợp hành vi phạm tội của từng bị can, mỗi bị can tham gia vụ án, tính chất, mức độ, hậu quả; mô tả cụ thể hành vi của mỗi bị can, vai trò từng bị can trong vụ án, nêu rõ và chi tiết những hành vi vượt quá của bị can trong vụ án đồng phạm (nếu có) để làm căn cứ để quy kết, áp dụng các điểm, khoản điều luật của Bộ luật Hình sự, cũng như làm cơ sở cho luận tội, đề xuất mức hình phạt khi luận tội.

3. Phân biệt bản cáo trạng với bản luận tội

TIÊU CHÍ BẢN CÁO TRẠNG BẢN LUẬN TỘI
Hình thức Văn bản pháp lý – một loại văn bản tố tụng được ghi nhận tại Điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Lời trình bày luận tội tại phiên tòa.
Thời điểm tiến hành Trước khi tiến hành xét hỏi,Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có). Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày luận tội.
=>> Như vậy, sau khi Kiểm sát viên đã công bố bản cáo trạng vào thời điểm giai đoạn bắt đầu việc tranh tụng tại phiên tòa và trải qua quá trình xét hỏi xong thì sau đó Kiểm sát viên mới tiến hành trình bày lời luận tội.

Nội dung

– Bản cáo trạng ghi rõ:+Diễn biến hành vi phạm tội; +Những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

+Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

+ Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng;

+Nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

– Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.

– Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.

– Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ:+Những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án;

+Tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, +Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;

+Mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp;

+Nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

– Luận tội của Kiểm sát viên phảicăn cứvào: những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

– Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng.

– Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Ý nghĩa Là văn bản pháp lý thể hiện quan điểm của VKS về vụ án hình sự trên cơ sở kết quả hoạt động điều tra và ra quyết định truy tố bị can ra trước toà án để xét xử.Nói cách khác, bản cáo trạng là văn bản pháp lý kết thúc giai đoạn điều tra và mở đầu một giai đoạn tố tụng mới, đó là giai đoạn xét xử sơ thẩm hình sự.

=>VKS quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.

Bản luận tội không những là căn cứ để bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về toàn bộ vụ án mà VKS đã truy tố trước Tòa ántrên cơ sở hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.=> Bản luận tội của VKS là cơ sở để Tòa án xem xét, quyết định việc đưa ra phán quyết của mình đối với người phạm tội và toàn bộ vụ án theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
=>> Như vậy, bản luận tội của VKS phải “căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra và ý kiến của người tham gia tố tụng tại phiên tòa”, bởi vậy nó đảm bảo được tính khác quan, chính xác, đầy đủ hơn so với bản cáo trạng trước đó. Do đó, bản luận tội mang ý nghĩa quyết định hơn trong việc Tòa án đưa ra phán quyết đối với người phạm tội, đảm bảo nguyên tắc xét xử “đúng người, đúng tội” trong tố tụng hình sự.

Luật Minh KHuê (sưu tầm & phân tích)