1. Bị án treo và hai năm thử thách thì có phải làm thủ tục đề xoá án tích không?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi Luật sư của LVN Group. Vào tháng 9 năm 2016 tôi bị kết án 3 năm tù (nhưng treo) và 2 năm thử thách. Hiện tại tôi có được xoá án tích để được đi xuất khẩu lao động hay không hay phải chấp hành đủ mới đc xoá (án vi phạm giao thông ạ).
Xin chân thành cảm ơn.

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật LVN Group, chúng tôi giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Đương nhiên được xóa án tích được quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017):

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Bộ luật hình sự 2015 khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.

Như vậy, nếu bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và chương XXIV Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) trong thời hạn một năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt án treo và thời gian thử thách mà không phạm tội mới thì sẽ được xóa án tích. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, bạn chưa hết thời hạn chấp hành xong hình phạt và thời gian thử thách nên bạn chưa được xóa án tích.

Theo quy định Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Nghị định 65/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và theo văn bản mới nhất Nghị định 94/2015/NĐ-CP sửa đổi một số điều về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam kèm theo Nghị định 136/2007/NĐ-CP:

Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.

Vì vậy, bạn chỉ có thể đi xuất khẩu lao động nước ngoài khi đã được xóa án tích.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

>> Tham khảo ngay: Án tích có bị ghi vào lý lịch tư pháp hay không ? Làm gì để lý lịch tư pháp không ghi có tiền án tiền sự ?

2. Tư vấn pháp luật về cấu thành tội phạm, mức xử phạt và án tích đối với hành vi cướp tài sản

Luật sư tư vấn của công ty luật LVN Group giải đáp mọt số câu hỏi về vấn đề xóa án tích theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay:

Kính gửi văn phòng Luật sư của LVN Group LVN Group. Hôm nay tôi viết thư này rất mong các phòng ban ngành ở văn phòng Luật sư của LVN Group LVN Group có thể trả lời giúp cho tôi về vấn đề cấp giấy phép xác nhận nhân sự cho người từng vi phạm pháp luật. Năm 2007 tôi có vi phạm pháp luật và bị xử phạt 5 năm tù về hành vi cướp tài sản. Trong quá trình cải tạo án phạt tôi luôn luôn chấp hành tốt các nội quy và quy định của trại giam và đã được đặc xá về trước thời hạn vào năm 2010. Từ năm 2010 đến nay tôi luôn luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không vi phạm pháp luật. Nay tôi lên xin giấy xác nhận nhân sự tai cơ quan công an nơi tôi cư trú để làm hồ sơ đi xin việc thì trong phần xác nhận của công an địa phương có ghi là tôi đã có 1 tiền án về tội cướp tài sản, như vậy thì tôi rất khó có thể xin được 1 công việc ổn định hoà nhập cuộc sống. Mặc dù nhà nước ta luôn có chính sách khoan hồng cho người đã có tiền án tiền sự về hoà nhập cộng đồng nhưng bây giờ các công ty khi tuyển dụng đều yêu cầu phải có giấy xác nhận nhân sự. Xin văn phòng Luật sư của LVN Group LVN Group có thể trả lời giúp tôi về quy định cấp giấy phép xác nhận nhân sự cho người đã có tiền án như tôi để tôi có thể đi xin việc ổn định cuộc sống được không ? Tôi xin chân thành cám ơn!!!

Trả lời:

Theo quy định tại các Điều 69, 70, 71, 72 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp giấy chứng nhận hoặc ra Quyết định xóa án tích trong những trường hợp sau đây:

2.1. Đương nhiên xóa án tích đối với:

– Người được miễn hình phạt.

– Người bị kết án không phải về các tội quy định tại ChươngXI (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và chương XXIV (các tội phá họai hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh), nếu từ khi chấp hành xong bản án (về hình phạt và các khoản tiền án phí, tiền phạt hoặc khoản tiền bồi thường dân sự khác) hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành án, người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau:

+ Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo;

+ Ba năm trong trường hợp phạt tù đến ba năm;

+ Năm năm trong trường hợp phạt tù trên ba năm đến mười lăm năm;

+ Bảy năm trong trường hợp phạt tù trên mười lăm năm.

2.2. Xoá án tích theo quyết định của tòa án:

Tòa án quyết định xoá án tích đối với những người bị kết án về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV Bộ luật Hình sự, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án, trong các trường hợp sau đây:

+ Đã bị phạt tù ba năm mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm kể từ khi chấp hành xong bản án họặc kể từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;

+ Đã bị phạt tù trên ba năm đến mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc hết thời hiệu thi hành án.

+ Đã bị phạt tù trên mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc hết thời hiệu thi hành án.

Lưu ý: Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xóa án tích; nếu bị Tòa án bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau hai năm mới được xin xóa án tích.

2.3. Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt:

Trong trường hợp người bị kết án có những tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị thì có thể được Tòa án xóa án tích nếu người đó đã đảm bảo ít nhất một phần ba thời hạn quy định.

Vậy trong trường hợp bạn bị phạt tù với mức án là 03 năm tù thì thời hạn để bạn đương nhiên được xóa án tích trong vòng 03 năm kể từ ngaỳ bạn chấp hành xong bản án đã có hiệu lực của tòa án . Khi được xóa án tích thì bạn sẽ được coi là một công dân bình thường , chưa từng phạm tội . Vì vậy khi bạ xác nhận lý lịch tại cơ quan công an cấp xã thì bạn có thể yêu cầu cán bộ tư pháp không viết chi tiết này vào lý lịch của bạn .
>> Tham khảo thêm nội dung: Hướng dẫn thủ tục xóa án tích theo quy định mới nhất

3. Trộm cắp tài sản chưa xoá án tích mà tiếp tục phạm tội thì chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Thưa lậut sư, xin hỏi: A kể với bạn trai là B (30 tuổi) về mâu thuẫn với bạn cùng thuê phòng trọ là C vì C có lần xúc phạm nhân phẩm của B. Nhân lúc A về quê, biết C ở phòng trọ một mình, B nảy sinh ý định gặp C để giải quyết mâu thuẫn. Khoảng 10 giờ đêm, B đến phòng trọ của C giả vờ hỏi thăm A.

Khi thấy các phòng trọ xung quanh mọi người đã ngủ hết, B bất ngờ dùng dây xiết cổ C đến khi C bất tỉnh. Nghĩ rằng C đã chết nên B lấy điện thoại và tiền trong túi xách của C rồi bỏ đi (số tài sản trị giá 7 triệu đồng). Được người xung quanh phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên C không chết. B bị truy cứu tnhs về hai tội: tội giết người theo khoản 1 điều 123 và tội cướp tài sản theo khoản 1 điều 168 blhs. Câu hỏi:

1. Hãy xác định các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm trong tình huống nêu trên ?

2. Từ các dữ liệu đã cho, hãy xác định hình thức lỗi đối với hành vi phạm tội của B ?

3. Nếu B vừa chấp hành xong bản án 7 năm tù về tội trộm cắp tài sản (chưa được xóa án tích) lại có hành vi phạm tội theo tình huống nêu trên, thì trường hợp phạm tội của B được coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm ?

Cảm ơn!

Phạm tội trộm cắp tài sản chưa xoá án tích mà tiếp tục phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào ?

Trả lời:

3.1. Xác định các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm trong tình huống trên:

Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những dấu hiệu: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả do hành vi đó gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; thời gian, địa điểm, cách thức thực hiện hành vi.

Trong tình huống trên, có thể thấy các dấu hiệu thuộc mặt khách quan như sau:

– Hành vi nguy hiểm cho xã hội: ở đây được B thực hiện bằng phương thức hành động, B dùng dây xiết cổ C đến khi C bất tỉnh, B nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm mà vẫn làm. Tiếp đó, B lấy điện thoại và tiền trong túi xách của C (trị giá 7 triệu đồng). Dù biết nhưng B vẫn thực hiện hành vi cướp tài sản của người khác.

– Hậu quả do hành vi gây ra: hành vi của B đã gây tổn hại đến sức khỏe, tài sản của C.

– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả: hậu quả của tội phạm càng lớn thì mức độ nguy hiểm của tội phạm càng cao. Tội giết người mà B bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 123 là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức do hậu quả chết người chưa xảy ra. Tội cướp tài sản mà B bị truy cứu theo khoản 1 Điều 168 là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức.

3.2. Xác định hình thức lỗi đối với hành vi phạm tội của B.

Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

“Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”.

Trong trường hợp này, lỗi của B là lỗi cố ý trực tiếp, do B nhận thức rõ ràng hành vi dùng dây xiết cổ C của mình là hành vi nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác, thấy được hậu quả chết người có thể xảy ra và đồng thời mong muốn hậu quả đó xảy ra. Với hành vi cướp tài sản của B cũng được coi là lỗi cố ý trực tiếp.

3.3. Nếu B vừa chấp hành xong bản án 7 năm tù về tội trộm cắp tài sản (chưa được xóa án tích) lại có hành vi phạm tội theo tình huống nêu trên, thì trường hợp phạm tội của B được coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.

Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm:

“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”

Trong tình huống trên, nếu B vừa chấp hành xong bản án 7 năm tù về tội trộm cắp tài sản (chưa được xóa án tích) lại có hành vi phạm tội theo tình huống nêu trên, thì trường hợp phạm tội của B có thể chia thành 2 trường hợp sau:

– Nếu B phạm tội thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015, với mức cao nhất của khung hình phạt là 03 năm, thuộc loại tội ít nghiêm trọng thì B thuộc trường hợp tái phạm.

– Nếu B phạm tội thuộc khoản 3 và khoản 4 Điều 173 BLHS 2015, với mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm và 20 năm, thuộc loại tội rất nghiêm trọng thì B thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.

>> Tham khảo ngay: Tư vấn về thời hạn xóa án tích? Khi nào thì pháp luật công nhận một người không có án tích?

4. Xoá án tích khi bị án tù treo 3 năm có phải làm đơn xin xoá án tích không ?

Xin chào Luật sư của LVN Group, Vào năm 1993 em có bị án tù treo 3 năm, cho đến thời điểm hiện tại em không vi phạm pháp luật, vậy em đủ điều kiện được xoá án tích, cho em hỏi là em có cần phải làm đơn xin xoá án không, và khi em làm hồ sơ tư pháp có bị ghi vào đó là em có tiền án hay không ?
Xin cảm ơn Luật sư của LVN Group.

Xoá án tích khi bị án tù treo 3 năm có phải làm đơn xin xoá án tích không ?

Luật sư trả lời:

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì nếu bạn thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích thì bạn có thể làm hồ sơ gửi tới cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thì họ sẽ cấp cho bạn lý lịch tư pháp nêu rõ không có án tích, cụ thể Điều 369 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 369. Thủ tục xóa án tích

1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích.

2. Những trường hợp quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Bộ luật hình sự thì việc xóa án tích do Tòa án quyết định. Người bị kết án phải có đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xoá án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.

Nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra quyết định xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định này cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.”

Theo quy định của Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 thì: Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.

>> Tham khảo thêm: Thời hạn đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

5. Điều kiện vào Đảng khi bố có án tích nhưng đã chết

Xin chào Luật sư của LVN Group! mong Luật sư của LVN Group giúp tôi một vấn đề được không ạ. tôi chuẩn bị làm hồ sơ vào Đảng. tuy nhiên năm 2010 bố tôi có phạm tội và bị phạt 1 năm tù. sau đó đến năm 2014 thì bố tôi mất. vậy tôi mong Luật sư của LVN Group giúp tôi là liệu trường hợp của tôi thì tôi có đủ điều kiện vào Đảng không a?
Tôi xin chân thành cảm ơn.

Điều kiện vào Đảng khi bố có án tích nhưng đã chết

Luật sư tư vấn luật tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn bị phạt tù 1 năm và thuộc tội phạm đương nhiên được xóa án tích. Bố bạn đã chấp hành xong án phạt tù từ năm 2011 có nghĩa là đến thời điểm hiện tại bố bạn đã được xóa án tích.

Theo quy định về điều kiện kết nạp Đảng thì trong trường hợp này bố bạn đã được xóa án tích nên được coi là thân nhân tốt nên trường hợp của bố bạn sẽ không phải là hạn chế để bạn tham gia kết nạp Đảng.

>> Bài viết tham khảo thêm: Tư vấn trường hợp không được kết nạp đảng ?

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group