Người tiêu dùng có vị thế yếu hơn so với doanh nghiệp, “họ” thường có tâm lý sợ, sợ phải đối đầu với các doanh nghiệp, sợ liên quan đến kiện tụng, vậy nên người tiêu dùng luôn là đối tượng được pháp luật quan tâm bảo vệ.
1. Khái niệm người tiêu dùng.
Người tiêu dùng là một từ nghĩa rộng dùng để chỉ các cá nhân hoặc hộ gia đình dùng sản phẩm hoặc dịch vụ sản xuất trong nền kinh tế. Đây là một khái niệm được sử dụng trong nhiều văn cảnh khác nhau nên cách dùng của nó rất đa dạng, ta có thể hiểu đơn giản rằng người tiêu dùng là những người có nhu cầu, có khả năng mua sắm các sản phẩm và dịch trên thị trường nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của bản thân hoặc gia đình.
Theo khoản 1 điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.
2. Khái niệm bảo vệ người tiêu dùng.
Người tiêu dùng khi tham gia quan hệ mua bán hàng hóa hay dịch vụ với các thương nhân, doanh nghiệp thường gặp nhiều điểm bất lợi hơn. Bởi lẽ, người tiêu dùng thường là bên chủ thể yếu thế về mặt thông tin, yếu thế về khả năng đàm phán, yếu thế về mặt tài chính,…
Chính vì lí do trên, người tiêu dùng đã trở thành một đối tượng được pháp luật quan tâm bảo vệ. Là một chủ thể trong xã hội, người tiêu dùng cũng có những quyền và nghĩa vụ riêng của mình được pháp luật quy định và bảo vệ. Các quyền lợi mà người tiêu dùng được pháp luật quan tâm và bảo vệ có thể kể đến như: Quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, an toàn; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa,…
Từ những điều trên, ta có thể hiểu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là việc đảm bảo quyền lợi của các cá nhân, tổ chức là chủ thể mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày.
3. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng pháp luật cạnh tranh.
Pháp luật cạnh tranh ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới quyền lợi của người tiêu dùng, vậy nên ta có thể hiểu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng pháp luật cạnh tranh là việc đảm bảo quyền lợi cho những cá nhân hay tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.
Cần phải nói thêm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những quy định bảo vệ nhóm chủ thể này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, được nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau quan tâm điều chỉnh. Điều này được thể hiện qua các quy phạm về bồi thường thiệt hay hay quy phạm về bạo hành,… Đối với pháp luật cạnh tranh, ngành luật này bảo vệ người tiêu dùng một cách gián tiếp thông qua việc đặt ra những quy định nhằm tạo dựng một môi trường cạnh tranh công bằng, tự do và quan trọng nhất đó là một môi trường lành mạnh. Có như vậy thì mới có thể đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, vì xét cho cùng, người tiêu dùng vẫn luôn là ở vị thế “yếu” so với các doanh nghiệp. Ngoài ra, pháp luật cạnh tranh cũng đưa ra những quy định trực tiếp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như cho phép người tiêu dùng quyền được khiếu nại, đưa ra những quy định nghiêm cấm thực hiện các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, chỉ dẫn gây nhầm lẫn,…
4. Vai trò của pháp luật cạnh tranh trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Pháp luật cạnh tranh có vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật Cạnh tranh Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng, điều chỉnh đồng thời các hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Những quy định về hạn chế cạnh tranh sẽ góp phần kiểm soát các hành vi làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, gây tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh, làm sai lệch cấu trúc thị trường, bóp méo môi trường cạnh tranh qua đó bảo vệ cơ cấu, tương quan cạnh tranh trên thị trường đồng thời góp phần gián tiếp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Những quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ kiểm soát các hành vi đi ngược lại với quy tắc xử sự chung được thừa nhận trong kinh doanh, trái với thông lệ thiện chí, trung thực trong kinh doanh gây thiệt hại đến lợi ích không chỉ của đối thủ cạnh tranh mà còn của người tiêu dùng như hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn, hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh,…
5. Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Những quy định về hành vi này trong Luật Cạnh tranh 2018 được đặt chủ yếu trong chương 3 gồm 13 điều, quy định về các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm cũng như những quy định liên quan đến miễn trừ hạn chế cạnh tranh.
Hành vi này có một số các đặc điểm sau: (1) Chủ thể tham gia quan hệ hạn chế cạnh tranh là các doanh nghiệp; (2) Các doanh nghiệp thiết lập với nhau các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, mục đích của những thỏa thuận này nhằm mục đích tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp để giảm sức ép cạnh tranh trên thị trường. Khi sự liên kết này đủ lớn sẽ giúp cho các doanh nghiệp “cùng phe” có thể khống chế, đặt ra các luật lệ ép khách hàng phải tuân theo, còn những doanh nghiệp “không cùng phe” thì sẽ phải chịu những điều kiện bất lợi từ cả phía khách hàng lẫn những doanh nghiệp khác, thậm chí có thể bị loại khỏi thị trường; (3) Hậu quả của hành vi thỏa thuận hạn cạnh tranh làm sai lệch, cản trở các hoạt động cạnh tranh thông thường trên thị trường.
6. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và hành vi lạm dụng vị trí độc quyền.
Theo Luật Cạnh tranh 2018, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp được coi là thống lĩnh thị trường nếu: Một doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc doanh nghiệp có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể; Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lêntrên thị trường liên quan; Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan hoặc Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, pháp luật cạnh tranh đưa ra các quy định về các hành vi nghiêm cấm thực hiện đối với các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường như
a) Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh; b) Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; c) Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; d) Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác; đ) Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh ghiệp khác; e) Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác; g) Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan (Điều 25 Luật cạnh tranh 2018). Với việc là bên duy nhất sản xuất trên thị trường, những doanh nghiệp này sẽ không phải chịu áp lực từ việc gia nhập ngành của các doanh nghiệp khác, điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp độc quyền khả năng kiểm soát, định đoạt cung và giá trên thị trường.
Những hành vi bị cấm của doanh nghiệp có vị trí độc quyền được quy định có nét tương đồng khá giống với doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, đó là cá ý b), c), d), đ), e) được trình bày bên trên, ngoài ra doanh nghiệp có vị trí độc quyền còn bị cấm một số hành vi như: Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng; Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng; Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.
Những quy định về các hành vi bị cấm của các doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh và doanh nghiệp có vị trí độc quyền trong Luật Cạnh tranh 2018 nhìn chung khá tương đồng so với Luật Cạnh tranh 2004. Nhưng điểm tiến bộ nhất ở Luật Cạnh tranh 2018 đó chính là việc bộ luật này không bó buộc các hành vi bị cấm chỉ là những hành vi được quy định trong bộ luật mà còn cả những bộ luật khác, điều này phần nào giúp “mở khóa” quy định, không còn tự hạn chế, bó buộc các hành vi bị cấm chỉ là những hành vi như trên. Chính việc mở rộng phạm vi những hành vi bị cấm như vậy đã phần nào gián tiếp gia tăng khả năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của pháp luật cạnh tranh.
7. Hành vi tập trung kinh tế
Luật Cạnh tranh 2018 không đưa trực tiếp một khái niệm cụ thể về hành vi tập trung kinh tế mà chỉ quy định các hình thức của nó, đó là: a) Sáp nhập doanh nghiệp; Hợp nhất doanh nghiệp; Mua lại doanh nghiệp; Liên doanh giữa các doanh nghiệp; Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
Tập trung kinh tế là một hình thức giúp mở rộng quy mô của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có thêm vốn để hoạt động kinh doanh, mở rộng sản xuất, gia tăng cơ hội phát triển,… Dù có nhiều lợi thế như vậy nhưng không phải lúc nào sáp nhập kinh tế cũng được cho phép, điều 30 Luật Cạnh tranh 2018 quy định tập trung kinh tế bị cấm khi doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Đồng thời, để thực hiện tập trung kinh tế, các doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều bước cũng như đánh giá và công nhận đến từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Luật LVN Group (tổng hợp)