1. Xử lý kỉ luật trong lĩnh vực ngân hàng:

.Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức như sau:

– Đối với cán bộ: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm;

– Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc;

– Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Việc xử lý kỷ luật công chức phải được tiến hành theo nguyên tắc sau:

– Đối với mỗi hành vi vi phạm kỷ luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Khi cùng một lúc công chức có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và chịu hình thức kỷ luật cao hơn một mức so với hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất;

– Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của công chức khi xử lý vi phạm kỷ luật;

– Cấm áp dụng biện pháp phạt tiền, cúp lương thay cho hình thức kỷ luật;

– Chưa xử lý kỷ luật đối với công chức trong các trường hợp: đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ phép được Thủ trưởng cơ quan cho phép; đang điều trị tại các bệnh viện theo quy định của thầy thuốc; đang bị giam, đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác như đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; phụ nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản;

– Không áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức đang có thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

– Không xử lý kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm kỷ luật mắc bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hành vi của mình.

 

2. Xử lý hành chính trong lĩnh vực ngân hàng

2.1 Khái niệm vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng:

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng là những hành vi của tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 1 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, các nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng bao gồm:

  • Quản lý và sử dụng giấy phép;
  • Tổ chức, quản trị, điều hành;
  • Cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp;
  • Huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ;
  • Cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng;
  • Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;
  • Hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng;
  • Thanh toán, quản lý tiền tệ và kho quỹ;
  • Mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  • Bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  • Bảo hiểm tiền gửi;
  • Phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố;
  • Chế độ thông tin, báo cáo;
  • Cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền;
  • Mua, bán và xử lý nợ;
  • An toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính gồm có tổ chức ( tổ chức tín dụng; đơn vị phụ thuộc của tổ chức tín dụng (chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài); chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; doanh nghiệp; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (chi nhánh, văn phòng đại diện); các tổ chức khác được thành lập, hoạt động tại Việt Nam.) và cá nhân.

 

2.2 Hình thức xử lý:

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng thì xử lý hành chính trong lĩnh vực ngân hàng có các hình thức và mức xử phạt như sau:

– Hình thức xử phạt chính:

  • Cảnh cáo: Cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất, nhắc nhở và khiển trách công khai của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khi vi phạm liên quan đến các lỗi nhẹ, mang tính chất không nghiêm trọng.
  • Phạt tiền:

+  Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng;

+ Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;

+ Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định đối với cá nhân không phải là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, đơn vị phụ thuộc của các tổ chức này bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

– Hình phạt bổ sung: 

  • Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đối với: giấy chứng nhận đăng ký đại lý đối ngoại tệ trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng; giấy phép thu, chi ngoại tệ và hoạt động ngoại hối khác đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thường dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng; giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân trong thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng; giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng;
  • Đình chỉ có thời hạn đối với: hoạt động ngoại hối trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng, nghiệp vụ ủy thác trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, hoạt động mua, bán nợ trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng, việc thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, việc sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin của bên thứ ba trong thời hạn 01 tháng đến 03 tháng;
  • Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, tịch thu giấy phép đã bị tẩy xóa, sửa chữa, tịch thu ngoại tệ, đồng Việt Nam, tịch thu vàng.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 4 Nghị định sô 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

 

2.3 Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng:

Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc về ngân hàng nhà nước, thông qua các chủ thể bao gồm: thanh tra viên ngân hàng; Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng nhà nước chi nhánh; Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng; Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng; Trưởng đoàn thanh tra do Thống đốc ngân hàng nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định; Trưởng đoàn thanh tra do Giám đốc ngân hàng nhà nướcchi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng nhà nước chi nhánh ra quyết định. Thẩm quyền cụ thể của mỗi chủ thể được ghi nhận rõ tại Điều 53 Nghị định sô 88/2019/NĐ-CP.

Căn cứ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, xuất phát từ hoạt động quản lý, yêu cầu xử lý nhanh chóng và kịp thời các hành vi vi phạm, pháp luật ngân hàng cũng cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành du lịch và hải quan xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả 

 

3. Xử lý hình sự trong lĩnh vực ngân hàng:

Xử lý hình sự là hình thức xử lý cưỡng chế, bắt buộc đối với người phạm tội có hành vi nguy hiểm cho xã hội và gây thiệt hại lớn đến quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của đất nước. 

Tại khoản 48, Điều 1, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 (sửa đổi, bổ sung tên điều và Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng bị xử lý hình sự như sau:

  • Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
  • Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
  • Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;
  • Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm; Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
  • Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;
  • Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;
  • Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;
  • Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng.

Tuỳ theo mức độ thiệt hại về tài sản mà có thể bị phạt tiền lên đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt tù tối đa 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Toà án là cơ quan có thẩm quyền xử lý các tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tòa án sẽ căn cứ quy định của pháp luật, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự từ đó có quyết định hình phạt thích đáng đối với người phạm tội.

 

4. Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến  các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng:

Về nguyên nhân chủ quan từ phía Tổ chức tín dụng  và cán bộ, nhân viên: 

+ Hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số Tổ chức tín dụng chưa được củng cố thường xuyên, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành;

+ Các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, các quy trình, thủ tục nghiệp vụ của một số Tổ chức tín dụng còn bất cập, chưa chặt chẽ  dẫn đến các đối tượng bên ngoài lợi dụng để gây thiệt hại cho Tổ chức tín dụng; 

+ Một số Tổ chức tín dụng chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của Ngân hàng nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động, nhất là các quy định về bảo đảm an toàn kho, quỹ, giao dịch tiền mặt; 

+ Một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội; …

Về nguyên nhân khách quan từ thực trạng kinh tế – xã hội và các đối tượng tội phạm khác:

+  Do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn trước nên những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế nước ta nói chung, các Tổ chức tín dụng nói riêng đã dồn tích lại từ lâu, nay bộc lộ đầy đủ, rõ ràng. Sự yếu kém này cùng với sức háp hẫn của lĩnh vực này, những cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và có các hành vi vi phạm pháp luật.

+ Trong nhiều vụ việc, khách hàng vay có hành vi lừa đảo, cố ý làm trái, giả mạo giấy tờ, con dấu, cung cấp thông tin thiếu trung thực để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.…;

+  Trong điều kiện hành lang pháp lý chưa đồng bộ, nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao còn hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và chất lượng công tác thanh tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng.