1. Điều kiện hưởng lương hưu bảo hiểm 

Dù là tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện thì người lao động đều có thể nhận lương hưu khi về già. 

Căn cứ theo Điều 129 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1:

– Khi nghỉ việc đóng từ đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên;

– Năm 2022: Đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam (sinh năm 1962) và 55 tuổi 8 tháng đối với nữ (sinh năm 1967) 

Sau đó, cứ mỗi năm tuổi nghỉ hưu tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

+ Cho đến năm 2028: 62 tuổi đối với lao động nam

+ Cho đến năm 2035: 60 tuổi đối với lao động nữ

Trường hợp 2: 

– Khi nghỉ việc đóng từ đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên;

– Có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;

– Khi nghỉ việc thì tuổi không được thấp hơn quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu bình thường. 

Trường hợp 3: 

Khi nghỉ việc đóng từ đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên;

– Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

– Khi nghỉ việc thì tuổi không được thấp hơn quá 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu bình thường.

Trường hợp 4: 

– Khi nghỉ việc đóng từ đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên;

– Bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Lưu ý, nếu người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu thì pháp luật quy định về độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn không quá 05 tuổi so với những lao động khác (Điều 219 Bộ luật lao động 2019). 

 

2. Cách tính lương hưu bảo hiểm mới nhất

2.1. Cách tính lương hưu khi nghỉ hưu đúng tuổi

Căn cứ theo Khoản 1 và 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động được xác định như sau: 

Trước ngày 01/01/2018:

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. 

Từ ngày 01/01/2018: 

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: 

45% tương ứng với (đối với lao động nam): nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2020 trở đi là 20 năm 

45% tương ứng với (đối với lao động nữ): nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì người lao động được tính thêm 2%.

Mức hưởng lương hưu tối đa là 75%. 

 

2.2. Cách tính lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi như sau:

– Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi tính như người nghỉ hưu đúng tuổi, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì bị giảm 2%.

– Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Lưu ý, mức lương hưu hằng tháng tối thiểu của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu hiện nay theo quy định phải bằng mức lương cơ sở (1.490.000). 

 

2.3. Mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu

Tham gia BHXH

– Trước 01/01/1995: Trung bình của tiền lương tháng đóng BHXH của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

– Từ 01/01/1995 đến 31/12/2000: Trung bình của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

– Từ 01/01/2001 đến 31/12/2006: Trung bình của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

– Từ 01/01/2007 đến 31/12/2015: Trung bình của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

– Từ 01/01/2016 đến 31/12/2019: Trung bình của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

– Từ 01/01/2020 đến 31/12/2024: Trung bình của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

– Từ 01/01/2025: Trung bình của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH. 

 

3. Đóng BHXH như thế nào để được hưởng mức lương hưu cao nhất? 

Như vậy căn cứ theo những quy định nêu trên, người lao động muốn hưởng mức lương hưu cao nhất phải đáp ứng đủ thời gian đóng như sau:

– Đối với lao động nam: từ năm 2022, lao động nam phải đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương hưu với tỷ lệ 75% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (đây là mức lương hưu tối đa theo pháp luật quy định hiện nay).

– Đối với lao động nữ: từ năm 2022, lao động nữ phải đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương hưu với tỷ lệ 75% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (đây là mức lương hưu tối đa theo pháp luật quy định hiện nay). 

Tuy nhiên cần lưu ý, trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đóng đủ thời gian nhưng lại về hưu trước tuổi, sẽ bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng lương hưu được tính như trên với mức tối đa 75%; sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Vì vậy, những trường hợp người lao động về hưu trước tuổi sẽ không được hưởng lương hưu với mức tối đa. 

 

4. Nên hưởng lương hưu hay nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần? 

Thay vì hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động được phép yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp sau:

– Đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội (ít hơn 20 năm).

– Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.

– Người đang mắc bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng (HIV/AIDS, ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao và những loại bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế).

– Định cư ở nước ngoài.

Có thể nói, khi hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần thì người lao động sẽ nhận được số tiền lớn ngay trong một thời điểm. Tuy nhiên, nếu so với việc hưởng lương hưu thì nhận bảo hiểm xã hội 1 lần có thể sẽ là sự thiệt thòi cho người lao động. Cụ thể:

– Số tiền nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thường thấp hơn so với mức hưởng lương hưu hàng tháng.

– Hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đồng nghĩa với việc người lao động tự tước đi quyền lợi an sinh cơ bản của bản thân như: được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ chế độ tử tuất, trợ cấp mai táng…

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Cách nhận lương hưu cao khi về già mà ai cũng cần phải biết và một số quy định pháp luật khác có liên quan. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.

Nếu có bất kỳ vướng mắc nào về chế độ bảo hiểm xã hội, quý khách hàng vui lòng liên hệ trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7. Gọi số 1900.0191 hoặc gửi email chi tiết tại: Tư vấn pháp luật qua Email. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng. Trân trọng./.