Căn cứ pháp lý:
– Luật phòng cháy, chữa cháy;
– Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
– Thông tư 04/2021/TT-BLĐTBXH;
1. Huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy
Điều 34, 38 Luật phòng cháy, chữa cháy quy định:
Điều 34. Huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy
1. Khi có cháy, người và phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đều có thể được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy; khi nhận được lệnh huy động phải chấp hành ngay. Phương tiện, tài sản được huy động bị thiệt hại hoặc nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 của Luật này được bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Việc huy động xe ưu tiên, người và phương tiện của quân đội, của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam để tham gia chữa cháy được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 38. Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy
1. Người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có các quyền sau đây:
a) Huy động ngay lực lượng và phương tiện của lực lượng phòng cháy và chữa cháy để chữa cháy;
b) Quyết định khu vực chữa cháy, các biện pháp chữa cháy, sử dụng địa hình, địa vật lân cận để chữa cháy;
c) Cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ qua lại khu vực chữa cháy; huy động người và phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy;
d) Quyết định phá dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
…
Như vậy, ngoài lực lượng phòng cháy và chữa cháy thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể huy động cả những người khác tham gia chữa cháy, phục vụ chữa cháy.
2. Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy
Người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền thì được hưởng chế độ như sau:
– Nếu thời gian chữa cháy dưới 02 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng;
– Nếu thời gian chữa cháy từ 02 giờ đến dưới 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,45 ngày lương tối thiểu vùng;
– Nếu thời gian chữa cháy từ 04 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng. Nếu tham gia chữa cháy vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng thì được tính gấp 2 lần theo cách tính trên;
– Trường hợp bị tai nạn, bị thương được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh; bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Những khoản chi chế độ nêu trên do tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chi trả theo quy định; nếu người đó chưa tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì do ngân sách địa phương hoặc cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm;
– Trường hợp bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét hưởng chính sách thương binh hoặc như thương binh;
– Trường hợp bị chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét công nhận là liệt sỹ.
3. Chế độ đối với người tham gia chữa cháy bị tai nạn, bị thương
Điều 3 Thông tư 04/2021/TT-BLĐTBXH quy định chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị tai nạn, bị thương như sau:
* Chi phí khám bệnh, chữa bệnh:
– Người đang tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn, bị thương được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; được đơn vị quản lý trực tiếp thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí y tế không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả.
– Người không tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn, bị thương được đơn vị quản lý trực tiếp chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
* Trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động:
– Người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị tai nạn, bị thương đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ theo mức suy giảm khả năng lao động và số năm đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
– Người không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động khi bị tai nạn, bị thương được đơn vị quản lý trực tiếp chi trả trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ theo mức suy giảm khả năng lao động (trừ các khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội). Mức trợ cấp bằng mức trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Người có đủ điều kiện xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được cơ quan có thẩm quyền xét hưởng chính sách thương binh hoặc hưởng chính sách như thương binh.
4. Chế độ đối với người tham gia chữa cháy chết
Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị chết:
– Người đang tham gia bảo hiểm xã hội, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên, người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị chết do chữa cháy, phục vụ chữa cháy hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn khi chữa cháy, phục vụ chữa cháy thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần; cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
– Người không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần bị chết do chữa cháy, phục vụ chữa cháy hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn khi chữa cháy, phục vụ chữa cháy thì thân nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng được đơn vị quản lý trực tiếp chi trả trợ cấp như sau:
+ Thân nhân được trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động hoặc trợ cấp tuất hằng tháng bằng mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Điều kiện hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng phải đảm bảo điều kiện về thân nhân như quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng được trợ cấp mai táng. Mức trợ cấp mai táng bằng mức trợ cấp mai táng đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Người có đủ điều kiện xét công nhận là liệt sỹ theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì được cơ quan có thẩm quyền xét công nhận là liệt sỹ.
5. Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy
Điều 33 Luật phòng cháy, chữa cháy có quy định;
– Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.
– Lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.
– Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.
– Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.
– Ủy ban nhân dân các địa phương giáp ranh phải xây dựng phương án phối hợp và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy khi có yêu cầu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình, chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ đối với thôn, cơ sở, rừng, phương tiện giao thông.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xây dựng, thực tập phương án chữa cháy cho cơ sở, khu dân cư do mình quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần huy động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương.
Phương án chữa cháy phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.