Chi phí xã hội là các khoản chi phí, tổn thất mà xã hội phải gánh chịu do hoạt động của các doanh nghiệp hay cá nhân gây ra. Một doanh nghiệp hay cá nhân thực hiện hoạt động nào đó không nhất thiết phải chịu mọi chi phí phát sinh từ nó. Những chi phí mà họ phải chịu được gọi là chi phí tư nhân. Chi phí xã hội bằng tổng của chi phí tư nhân và chi phí ngoại hiện.

Chẳng hạn một dòng sông được một thành phố sử dụng làm nguồn cung cấp nước uống và công ty hoá chất thải chất thải ra sông. Nếu công ty thải chất thải trong một thời gian dài, dòng sông sẽ bị ô nhiễm. Công ty này chỉ chịu chi phí tư nhân phát sinh trong quá trình sản xuất hoá chất, chứ không phải trả tiền cho việc làm ô nhiễm dòng sông. Trong khi đó, thành phố buộc phải lắp đặt xí nghiệp xử lý nước để chống lại sự ô nhiễm. Như vậy, chi phí ngoại hiện của việc làm sạch nước sông không phải do công ty hoá chất, mà do xã hội gánh chịu.

Một trong những cách để xử lý tình trạng chênh lệch giữa chi phí tư nhân và chi phí xã hội là đánh thuế vào công ty hoá chất ở mức bằng chi phí để xử lý ô nhiểm. Việc buộc công ty hoá chất trả toàn bộ chi phí cung ứng hoá chất có tác dụng khuyến khích nó tìm cách thải chất thải của mình sao cho đỡ tốn kém nhất. Chẳng hạn, nó có thể xây thêm một xưởng xử lý chất thải, chứ không thải chất thải ra sông nữa.