1. Chỉ số giá tiêu dùng là gì ?
Chỉ số giá tiêu dùng (hay được viết tắt là CPI, từ các chữ tiếng Anh Consumer Price Index) là chỉ số tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian. Sở dĩ chỉ là thay đổi tương đối vì chỉ số này chỉ dựa vào một giỏ hàng hóa đại diện cho toàn bộ hàng tiêu dùng.
Đây là chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất để đo lường mức giá và sự thay đổi của mức giá chính là lạm phát (một chỉ tiêu khác để phản ánh mức giá chung là Chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước hay Chỉ số điều chỉnh GDP).
Việt Nam bắt đầu tính toán và sử dụng CPI để phản ánh mức độ tăng giá tiêu dùng chung từ năm 1998 (trước 1998, sử dụng chỉ số giá bán lẻ – RPI). Từ đó đến nay, số lượng và quyền số của các mặt hàng trong rổ hàng hóa để tính CPI được cập nhật và mở rộng 5 năm một lần, thời điểm được chọn làm năm gốc cũng thay đổi theo: năm gốc 1995 (296 mặt hàng), 2000 (390 mặt hàng), 2005 (494 mặt hàng). Các mặt hàng trong rổ hàng hóa CPI hiện được phân chia thành các nhóm, chi tiết theo các cấp: cấp 1: 10 nhóm, cấp 2: 32 nhóm, cấp 3: 86 nhóm, cấp 4: 237 nhóm. Do đó, hiện nay số liệu CPI của Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn: 1998-2000, 2001-2005, 2006-nay.
2. Phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng
Để tính toán chỉ số giá tiêu dùng người ta tính số bình quân gia quyền theo công thức Laspeyres của giá cả của kỳ báo cáo (kỳ t) so với kỳ cơ sở. Để làm được điều đó phải tiến hành như sau:
1. Cố định giỏ hàng hóa: thông qua điều tra, người ta sẽ xác định lượng hàng hoá, dịch vụ tiêu biểu mà một người tiêu dùng điển hình mua.
2. Xác định giá cả: thống kê giá cả của mỗi mặt hàng trong giỏ hàng hoá tại mỗi thời điểm.
3. Tính chi phí (bằng tiền) để mua giỏ hàng hoá bằng cách dùng số lượng nhân với giá cả của từng loại hàng hoá rồi cộng lại.
4. Lựa chọn thời kỳ gốc để làm cơ sở so sánh rồi tính chỉ số giá tiêu dùng bằng công thức sau:
CPIt = 100 x |
Chi phí để mua giỏ hàng hoá thời kỳ t |
Chi phí để mua giỏ hàng hoá kỳ cơ sở |
Thời kỳ gốc sẽ được thay đổi trong vòng 5 đến 7 năm tùy ở từng nước.
- CPI được dùng để tính chỉ số lạm phát theo thời kỳ. Chẳng hạn, tính chỉ số lạm phát CPI năm 2011 so với năm 2010 theo công thức sau:
Chỉ số lạm phát 2011 = 100 x |
CPI năm 2011 – CPI năm 2010 |
CPI năm 2010 |
Trên thực tế người ta có thể xác định quyền số trong tính toán chỉ số giá tiêu dùng bằng cách điều tra để tính toán tỷ trọng chi tiêu của từng nhóm hàng hoá, dịch vụ so với tổng giá trị chi tiêu. Sau đó quyền số này được dùng để tính chỉ số giá tiêu dùng cho các thời kỳ sau. CPI thường được tính hàng tháng và hàng năm. CPI còn được tính toán cho từng nhóm hàng hóa hoặc một số nhóm hàng hóa tùy theo mục đích sử dụng. Ngoài CPI người ta cũng tính toán chỉ số giá bán buôn là mức giá của giỏ hàng hóa do các doanh nghiệp mua vào, khác với CPI là giá do người tiêu dùng mua vào (giá bán lẻ). Lưu ý chỉ số giá tiêu dùng năm gốc luôn bằng 1
3. Các vấn đề gặp phải khi tính toán chỉ số giá tiêu dùng
Do sử dụng giỏ hàng hoá cố định nên khi tính toán CPI có ba vấn đề chính dẫn đến hạn chế của CPI sau đây
1. CPI không phản ánh được độ lệch thay thế vì nó sử dụng giỏ hàng hoá cố định. Khi giá cả một mặt hàng này tăng nhanh hơn so với các mặt hàng khác thì người tiêu dùng sẽ có xu hướng ít tiêu dùng những mặt hàng đã trở nên quá đắt đỏ mà tiêu dùng nhiều những hàng hoá đỡ đắt đỏ hơn. Yếu tố này làm CPI đã đánh giá cao hơn thực tế mức giá.
2. CPI không phản ánh được sự xuất hiện của những hàng hoá mới vì nó sử dụng giỏ hàng hoá cố định trong khi nếu có hàng hoá mới xuất hiện thì một đơn vị tiền tệ có thể mua được các sản phẩm đa dạng hơn. CPI không phản ánh được sự gia tăng sức mua này của đồng tiền nên vì thế lại đánh giá mức giá cao hơn thực tế.
3. Không phản ánh được sự thay đổi của chất lượng hàng hoá vì nếu mức giá của một hàng hoá cụ thể nào đó tăng nhưng chất lượng cũng tăng tương ứng thậm chí tăng hơn thì trên thực tế mức giá không tăng. Chất lượng hàng hoá dịch vụ nhìn chung đều có xu hướng được nâng cao nên CPI cũng đã phóng đại mức giá.
Tính toán chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam
Việc tính toán CPI ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê đảm nhiệm. Quyền số để tính CPI được xác định năm 2000 và bắt đầu áp dụng từ tháng 7 năm 2001. Quyền số này dựa trên kết quả của hai cuộc điều tra là Điều tra mức sống dân cư Việt Nam 1997-1998 và Điều tra kinh tế hộ gia đình năm 1999. Điều đáng chú ý là quyền số của nhóm hàng Lương thực – Thực phẩm chiếm tới 47,9% trong khi Văn hoá – Thể thao – Giải trí chỉ chiếm 3,8%.
4. Mối liên hệ giữa CPI và lạm phát:
Chỉ số CPI có thể đo lường được lạm phát. Nếu chỉ số CPI tăng, nhiều người sẽ cho rằng tỷ lệ lạm phát đang gia tăng. Ngoài ra, CPI còn được các thương nhân dùng để dự đoán giá cho tương lai. Hay người sử dụng lao động dùng để tính toán tiền lương. Hoặc có thể là Chính Phủ để xác định mức tăng cho những quỹ bảo trợ xã hội.
Chỉ số CPI sẽ được dùng để đo tỷ lệ lạm phát của 1 quốc gia trong 1 khoảng thời gian nhất định. Chỉ số CPI biến động sẽ giúp bạn xác định về tỷ lệ lạm phát tăng hay giảm. Dù cho lạm phát tăng hay giảm thì ảnh hưởng nhất sẽ đè lên nền kinh tế của quốc gia.
Có thể với một vài trường hợp, tỷ lệ lạm phát giảm sẽ có tác động tích cực lên kinh tế. Ví dụ như khi sự phổ biến của Internet ngày càng lớn thì việc người tiêu dùng phải trả ít hơn cho tiền cước điện thoại. Điều này sẽ có lợi cho họ vì chi phí cho Internet khá rẻ, có thể thoải mái kết nối qua các ứng dụng mà không mất phí.
5. Mối quan hệ giữa chỉ tiêu lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác
Lạm phát và tăng trưởng GDP là hai chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng của nền kinh tế đất nước, được mọi cấp, mọi ngành quản lý cũng như toàn xã hội quan tâm. Tốc độ tăng trưởng GDP được xác định trên cơ sở lấy mức tăng trưởng trong năm nghiên cứu so với GDP của năm trước và được tính theo giá so sánh. Còn lạm phát, như đã biết hàng tháng Tổng cục Thống kê vẫn thường xuyên tính toán và công bố CPI đồng thời theo 4 gốc so sánh khác nhau là:
1. CPI hàng tháng so với tháng trước;
2. CPI hàng tháng so với tháng 12 năm trước;
3. CPI hàng tháng so với cùng tháng (cùng kỳ) năm trước;
4. CPI so với năm gốc cố định (thay đổi 5 năm một lần và hiện tính theo năm gốc 2005).
Bốn chỉ tiêu CPI hàng tháng được tính theo 4 gốc so sánh khác nhau ở trên đều có ý nghĩa và phản ánh riêng về sự biến động của giá cả thị trường theo các góc độ xem xét, đánh giá khác nhau và phục vụ cho các mục đích, yêu cầu nghiên cứu, phân tích kinh tế, xã hội khác nhau.
Tuy nhiên, xưa nay chúng ta vẫn thường coi tốc độ tăng của CPI hàng tháng so với tháng 12 năm trước là lạm phát, chẳng hạn CPI tháng 6/2006 so với tháng 12/2005 là 104,0% – tăng 4,0% thì con số 4,0% được coi là lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2006; và tương tự, CPI tháng 12/2006 so với tháng 12/2005 là 106,6% – tăng 6,6% thì con số 6,6% cũng được coi là lạm phát của năm 2006. Và việc xác định chỉ tiêu kế hoạch lạm phát hàng năm theo CPI của tháng 12 năm báo cáo so với tháng 12 năm trước, trên cơ sở đó công bố số liệu thực hiện cả năm là một quan niệm chưa hoàn toàn chuẩn xác vì một số lý do sau:
– Chưa phù hợp với thông lệ quốc tế: theo thông lệ quốc tế, CPI cả năm của hầu hết các nước được công bố là CPI của cả năm báo cáo so với năm trước.
– Sự biến động giá cả thị trường của một tháng nói chung là không thể phản ánh được sự biến động chung của giá cả một năm, vì giá cả thị trường nước ta thường biến động không giống nhau qua các tháng trong năm do tính thời vụ. Việc lấy CPI của tháng 12 là một tháng cuối năm để làm chỉ số lạm phát cho cả năm thì lại càng không thể đại diện được và phản ánh đúng tình hình cả năm. Vì trong tháng này có rất nhiều nhu cầu mua sắm, tiêu dùng có tính thời vụ rất lớn tác động đến giá cả. Đó là các nhu cầu mua sắm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng mùa đông, nhu cầu phục vụ các ngày lễ, tết như Nôel, Tết dương lịch, chuẩn bị cho Tết nguyên đán… làm cho quan hệ cung – cầu trên thị trường thường biến động mạnh hơn, giá cả tăng nhiều hơn và CPI tháng 12 hàng năm thường cao hơn so với nhiều tháng trong năm.
Đó là chưa kể đến trường hợp khi có các yếu tố bất thường như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh… tác động thì CPI sẽ tăng cao đột biến không còn tuân theo một qui luật nào cả, chẳng hạn như năm nay.
– Không tương thích về mặt thời gian trong quan hệ so sánh với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác: GDP và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác được tính chung cho cả năm so với năm trước, còn lạm phát lại được lấy theo tốc độ tăng CPI của riêng tháng 12 so với tháng 12 năm trước làm thước đo cho lạm phát cả năm. Điều này không cho phép sử dụng để so sánh hay tính toán loại trừ yếu tố giá hay lạm phát trong các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp hàng năm được tính bằng giá trị như tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội, doanh thu hay giá trị tăng thêm của một số ngành dịch vụ cụ thể khác…
Vì những lý do trên, trong Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khoá XII cũng lấy chỉ tiêu CPI bình quân năm 2008 so với năm 2007 làm chỉ tiêu kế hoạch và mục tiêu điều hành của Chính phủ trong năm 2008. Và cũng vì vậy, bắt đầu từ tháng 9/2007, ngoài các gốc so sánh như lâu nay vẫn công bố, hàng tháng Tổng cục Thống kê cũng tính toán và công bố thêm chỉ tiêu CPI các tháng tính từ đầu năm đến tháng báo cáo so với các tháng cùng kỳ năm trước, chẳng hạn “Chỉ số giá 11 tháng 2007 so với 11 tháng 2006“. Đây chính là chỉ số bình quân chung của các chỉ số hàng tháng so với cùng kỳ (chỉ tiêu CPI thứ 3) trong 11 tháng đầu năm nay, với kết quả đã tính toán được và công bố là tăng 7,92%. Còn tốc độ tăng của CPI tháng 11 so với tháng 12/2006 (chỉ tiêu CPI thứ 2) đã tính toán được và công bố là 9,45%. Trong 2 con số đo lường về 2 tốc độ tăng CPI khác nhau này thì theo chúng tôi con số 7,92% (được tính từ CPI thứ 3) mới là lạm phát đích thực của 11 tháng đầu năm nay, còn con số 9,45% (chỉ tiêu CPI thứ 2) không phải lạm phát 11 tháng đầu năm nay như lâu nay vẫn quan niệm, mà nó chỉ là tốc độ tăng giá tiêu dùng (lạm phát) của tháng 11/2007 so với tháng 12/2006 mà thôi. Từ các CPI hàng tháng so với cùng kỳ năm trước này sẽ tính được các CPI bình quân theo các quãng thời gian khác nhau trong năm như CPI theo các quí, hoặc CPI của 2, 4, 5, 6, 7 tháng…, quý và cả năm so với cùng kỳ năm trước. Các CPI này mới thực sự phản ánh sự biến động, tăng giảm của mặt bằng giá cả chung trên thị trường trong năm. Do đó, các CPI này sẽ có đầy đủ tính chất để làm công cụ so sánh, tính toán loại trừ yếu tố giá đối với các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp được tính bằng giá trị theo giá thực tế hàng năm và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Từ quan niệm về lấy chỉ tiêu CPI hàng tháng so với tháng 12 năm trước làm thước đo lạm phát đã dẫn đến một số năm qua đưa ra các kết luận chưa sát về thực trạng lạm phát của nền kinh tế nước ta. Các số liệu thống kê về tốc độ tăng CPI tháng 12 so với tháng 12 năm trước và tốc độ tăng CPI bình quân cả năm so với cùng kỳ năm trước từ năm 2004 đến 2006 trong bảng sau đây sẽ là một ví dụ cụ thể về sự chênh lệch giữa 2 chỉ tiêu CPI này và từ đó đã rút ra các kết luận khác nhau về thực trạng lạm phát của nền kinh tế cũng như trong việc đánh giá tình hình hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch kiềm chế lạm phát trong các năm qua như sau:
Tốc độ CPI tháng 12 so với tháng 12 năm trước và bình quân cả năm so với cùng kỳ năm trước 2004 – 2006 (%)
|
Tốc độ tăng CPI tháng 12 so 12/năm trước (1) |
Tốc độ tăng CPI cả năm so cùng kỳ (2) |
Chênh lệch = (1) – (2) |
Tốc độ tăng GDP năm |
Năm 2004 |
+9,5 |
+7,74 |
+1,76 |
+7,79 |
Năm 2005 |
+8,4 |
+8,27 |
+0,13 |
+8,43 |
Năm 2006 11T/2007 |
+6,6 +9,45 |
+7,45 +7,92 |
-0,85 +1,53 |
+8,17 +8,5* |
Ghi chú: * là chỉ tiêu dự kiến.
Số liệu về tốc độ tăng các chỉ tiêu CPI ở bảng trên cho thấy, tốc độ tăng CPI tháng 12 so với tháng 12 năm trước trong 2 năm 2004 và 2005 cao hơn tốc độ tăng CPI bình quân cả năm so với cùng kỳ, còn năm 2006 thì ngược lại, CPI bình quân cả năm cao hơn CPI tháng 12 so với tháng 12 năm trước.
Cũng từ số liệu bảng trên, nếu lấy tốc độ tăng CPI tháng 12 so với tháng 12 năm trước làm chỉ tiêu lạm phát, thì lạm phát 2004 (+9,5%) đã cao hơn tăng trưởng của GDP (+7,79%). Còn nếu lấy tốc độ tăng CPI bình quân cả năm 2004 so với 2003 (+7,74%) làm chỉ tiêu lạm phát, thì lạm phát của 2004 lại thấp hơn tăng trưởng GDP (+7,79%). Từ đó cho thấy, việc lấy tốc độ tăng CPI hàng tháng so với tháng 12 năm trước làm thước đo lạm phát như lâu nay, thì trong trường hợp năm 2004 vô tình chúng ta đã không những không có một kết luận đúng với thực trạng lạm phát của nền kinh tế mà còn có một sự đánh giá sai về việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch kiềm chế lạm phát của năm 2004 như đã đề ra.
Còn đối với trường hợp của năm nay, với CPI tháng 11/2007 so với tháng 12/2006 đã tăng 9,45% và CPI bình quân 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ đã tăng 7,92% và căn cứ vào qui luật biến động của 2 chỉ tiêu CPI này trong tháng cuối năm của nhiều năm qua thì có thể dự báo rằng, CPI tháng 12/2007 so với tháng 12/2006 chắc chắn là sẽ tăng từ 10 – 11%, điều đó có nghĩa là việc thực hiện được mục tiêu kế hoạch kiềm chế lạm phát cả năm nay là không thể thực hiện được. Còn ngược lại, nếu lấy CPI bình quân cả năm so với cùng kỳ năm trước làm thước đo lạm phát thì khả năng thực hiện được mục tiêu kế hoạch kiềm chế lạm phát năm nay là khá chắc chắn, vì CPI bình quân cả năm 2007 so với năm 2006 sẽ chỉ ở mức trên dưới 8,2% (tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 dự kiến đạt 8,5%).