Cuộc chiến tranh giá cả (price war) là hình thức cạnh tranh giữa các nhà cung cấp bằng cách cắt giảm mạnh giá bán. Cuộc chiến tranh giá cả bội phát khi nhu cầu về sản phẩm suy giảm và xuất hiện tình trạng dư cung (dư thừa công suất) trên thị trường. Nếu chi phí cố định chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí, các nhà cung cấp có thể cắt giảm giá cả để sử dụng hết công suất.
Chiến tranh giá cả có lợi cho người tiêu dùng và sự phân bổ nguồn lực trong một thị trường khi nó đào thải các nhà cung cấp có chi phí cao, sản xuất kém hiệu quả. Nếu đứng trên giác độ của nhà sản xuất, thì chiến tranh giá cả lại. có hại vì nó làm giảm lợi nhuận của họ. Cho nên, nhìn chung các nhà cung cấp luôn tìm cách tránh chiến tranh giá cả và hướng nỗ lực cạnh tranh của họ vào sự phân biệt sản phẩm.