Một năm trước chồng tôi bị tai nạn qua đời, gần đây có thông báo làm thủ tục cấp GCN mà tôi chưa có được giấy hoàn công. Cho tôi hỏi thủ tục để được cấp GCN trong hoàn cảnh của tôi thế nào? Tôi có được đứng tên chính thức căn nhà hay không? hay đứng tên chung với con trai duy nhất của vợ chồng tôi? Bên gia đình chồng tôi thì muốn con trai tôi đứng tên và toàn quyền sử dụng có đúng hay không? chồng tôi còn mẹ đang sống chung với anh chồng, tôi vẫn thường xuyên gửi ít tiền chăm sóc.Vậy mẹ chồng tôi có được hưởng 1 phần thừa kế hay không? nếu có thì tôi phải làm sao để hợp thức hoá căn nhà mà không có mặt mẹ chồng tôi ( vì bà ở Hà Nội, còn tôi ở Sài Gòn và sức khoẻ của bà không tốt, đi lại khó khăn) .

Xin hay cho tôi xin lời khuyên và hướng dẫn tôi để kịp làm GCN.
Xin chân thành cảm ơn trước,

Người hỏi: TT

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật đất đai của Công ty Luật LVN Group

>>  Tư vấn luật đất đai về việc cấp sổ đỏ:1900.0191

Trả lời:

1. Cơ sở pháp luật:

Luật hôn nhân và gia đình 2014;

Bộ luật dân sự 2005;

Luật đất đai 2013;

Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính.

2. Nội dung phân tích:

Theo như bạn trình bày, thì tài sản này hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên sẽ là tài sản chung của bạn và chồng. Hiện nay, chồng bạn đã mất, vậy bạn có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của bạn và chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Sau khi thực hiện chia tài sản chung, thì một nửa căn nhà sẽ thuộc về bạn, số tài sản còn lại của chồng bạn sẽ được đưa ra chia thừa kế theo pháp luật.

Căn cứ Bộ luật dân sự 2005:

“Ðiều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2.  Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3.  Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất ở đây được xác định là: bạn, con trai bạn và mẹ chồng của bạn. Do vậy, số tài sản của chồng bạn sẽ được chia làm 3 phần bằng nhau cho bạn, con trai và mẹ chồng của bạn. Sau khi thực hiện thủ tục chia di sản thừa kế, nếu bạn muốn đứng tên toàn bộ căn nhà thì có thể thỏa thuận với mẹ chồng và con trai về việc lấy lại phần đất của hai người rồi chi trả chi phí tương đương với tài sản mà con trai và mẹ chồng của bạn được nhận.

Để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cứ Điều 70 Luật đất đai 2013; Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính. Bạn cần phải chuẩn bị:

– Một bộ hồ sơ bao gồm:

+ Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Mẫu số 04/ĐK).

+ Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất.

+ Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Đất đai (đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng).

+ Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

+ Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

+ Tờ khai lệ phí trước bạ (Mẫu số 01/LPTB).

+ Tờ khai tiền sử dụng đất (Mẫu số 01/TSDĐ).

–  Số lượng hồ sơ: 01 bộ

–  Thời gian thực hiệnKhông quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính và thời gian niêm yết công khai của UBND cấp xã (15 ngày).

– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Phòng Tài nguyên và môi trường của UBND cấp huyện.

– Lưu ý:

+ Đối với đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Mẫu số 04/ĐK) được ban hành kèm theo tại Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

+ Đối với tờ khai lệ phí trước bạ (Mẫu số 01/LPTB); Tờ khai tiền sử dụng đất (Mẫu số 01/TSDĐ ) được ban hành kèm theo tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

Trân trọng cám ơn!

Bộ phận tư vấn luật đất đai – Công ty luật LVN Group