Cơ sở pháp lý:

– Luật hàng hải Việt Nam năm 2015;

– Thông tư 38/2017/TT-BTC;

– Thông tư 92/2013/TT-BTC;

1. Các trường hợp chủ tàu phải bố trí cho thuyền viên hồi hương 

Theo Khoản 1 Điều 66 Luật hàng hải Việt Nam năm 2015 thì Chủ tàu có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên hồi hương và thanh toán chi phí trong trường hợp sau đây:

– Hợp đồng lao động của thuyền viên hết hạn;

– Thuyền viên bị ốm đau, tai nạn lao động hàng hải cần phải hồi hương;

– Tàu bị chìm đắm;

– Bán tàu hoặc thay đổi đăng ký tàu;

– Tàu hoạt động tại khu vực chiến tranh mà thuyền viên không đồng ý tiếp tục làm việc trên tàu;

– Các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

Trường hợp thuyền viên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải thì chủ tàu vẫn phải có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên về đúng nơi quy định trong hợp đồng lao động của thuyền viên nhưng thuyền viên phải hoàn trả chi phí cho chủ tàu.

2. Chi phí liên quan đến việc hồi hương của thuyền viên do chủ tàu thanh toán

Chi phí liên quan đến việc hồi hương của thuyền viên do chủ tàu thanh toán bao gồm:

– Chi phí đi đến địa điểm hồi hương được quy định trong hợp đồng;

– Chi phí ăn, ở của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương;

– Tiền lương và trợ cấp đi lại của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương;

– Chi phí vận chuyển tối đa 30 kilôgam (kg) hành lý cá nhân của thuyền viên đến địa điểm hồi hương;

– Chi phí chăm sóc y tế cần thiết cho tới khi thuyền viên đủ điều kiện sức khỏe để đi đến địa điểm hồi hương.

Điều 2 Thông tư 38/2017/TT-BTC có quy định:

Điều 2. Chi phí hồi hương thuyền viên do chủ tàu thanh toán

1. Chủ tàu có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên hồi hương trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 61 và khoản 1 Điều 66 Bộ luật Hàng hải Việt Nam và thanh toán toàn bộ các chi phí theo quy định.

Trường hợp thuyền viên tự thu xếp hồi hương, chủ tàu phải hoàn trả chi phí hồi hương cho thuyền viên theo các nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Chi phí hồi hương thuyền viên do chủ tàu thanh toán bao gồm:

a) Chi phí đi đến địa điểm hồi hương được quy định trong hợp đồng.

b) Chi phí ăn, ở của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương. Chi phí ăn, ở của thuyền viên thanh toán theo hóa đơn thực tế, tuy nhiên không vượt quá định mức quy định tại Quyết định số 43/2012/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi tên gọi và sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong công ty nhà nước.

c) Tiền lương và trợ cấp đi lại của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương. Tiền lương và trợ cấp đi lại tính theo quy định hợp đồng.

d) Chi phí vận chuyển tối đa 30 ki-lô-gam (kg) hành lý cá nhân của thuyền viên đến địa điểm hồi hương theo hóa đơn thực tế.

đ) Chi phí chăm sóc y tế cần thiết cho tới khi thuyền viên đủ điều kiện sức khỏe để đi đến địa điểm hồi hương theo hóa đơn thực tế.

3. Một số lưu ý liên quan đến vấn đề thuyền viên hồi hương

– Chủ tàu có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên hồi hương bằng các phương tiện phù hợp và thuận lợi. Thuyền viên hồi hương được đưa tới địa điểm quy định trong hợp đồng lao động của thuyền viên hoặc địa điểm nơi thuyền viên cư trú.

– Thời hiệu khiếu nại liên quan đến hồi hương của thuyền viên là 01 năm kể từ ngày hồi hương.

– Chủ tàu có trách nhiệm lưu giữ trên tàu bản sao và cung cấp cho thuyền viên các văn bản pháp luật quy định về hồi hương.

– Chủ tàu có trách nhiệm bảo đảm tài chính để chi trả cho thuyền viên khi hồi hương theo quy định của pháp luật. Theo Điều 3 Thông tư 38/2017/TT-BTC:

Điều 3. Bảo đảm nguồn tài chính để chi trả chi phí hồi hương thuyền viên

1. Chủ tàu có trách nhiệm bảo đảm tài chính để chi trả chi phí hồi hương thuyền viên.

Chủ tàu phải có bảo lãnh ngân hàng về việc chi trả chi phí hồi hương thuyền viên. Trường hợp chủ tàu không đảm bảo hoặc không đảm bảo đầy đủ nguồn tài chính để chi trả cho thuyền viên hồi hương thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho chủ tàu có trách nhiệm chi trả chi phí hồi hương thuyền viên; chủ tàu nhận nợ và phải hoàn trả cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài số kinh phí nêu trên theo quy định của pháp luật về bảo lãnh ngân hàng.

2. Mức phí bảo lãnh do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với chủ tàu. Phí bảo lãnh được tính đối với từng tàu hoặc toàn bộ số tàu do chủ tàu sở hữu.

– Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải thu xếp cho thuyền viên hồi hương, chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả các chi phí đó.

4. Các trường hợp cơ quan có thẩm quyền thu xếp thuyền viên hồi hương

Căn cứ Thông tư 38/2017/TT-BTC

4.1. Các trường hợp cơ quan có thẩm quyền thu xếp thuyền viên hồi hương

– Trường hợp chủ tàu không trực tiếp bố trí và thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên, chủ tàu có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại nước sở tại thực hiện thay việc hồi hương thuyền viên.

– Trường hợp quá thời hạn hồi hương đã ghi trong hợp đồng lao động mà chủ tàu không thực hiện hoặc không trả các chi phí cho thuyền viên hồi hương, thuyền viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại nước sở tại bố trí và thanh toán chi phí hồi hương.

4.2. Cơ quan có thẩm quyền thu xếp thuyền viên hồi hương

– Cơ quan có thẩm quyền thu xếp cho thuyền viên hồi hương là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009 (sau đây gọi là Cơ quan đại diện).

– Kinh phí thu xếp cho thuyền viên hồi hương được tạm ứng từ nguồn Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Quỹ Bảo hộ công dân) sau khi có đặt cọc bảo lãnh hoặc cam kết hoàn trả bằng văn bản của chủ tàu hoặc chủ tàu xuất trình được văn bản bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc chi trả các khoản chi phí này.

Quỹ Bảo hộ công dân do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007, Tên giao dịch quốc tế là Fund for Assisting Overseas Vietnamese Citizens and Legal Entities – viết tắt là FAOV). Nguồn kinh phí ban đầu của Quỹ Bảo hộ công dân do Ngân sách nhà nước cấp là 20 (hai mươi) tỷ đồng Việt Nam; kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung hàng năm trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tiền và tài sản do các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp tự nguyện và tài trợ cho Quỹ phù hợp với các quy định của pháp luật; Các khoản thu từ lãi tiền gửi và các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

Việc tạm ứng kinh phí Quỹ Bảo hộ công dân để hồi hương thuyền viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 92/2013/TT-BTC ngày 8 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

– Chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả Quỹ Bảo hộ công dân toàn bộ các chi phí hồi hương thuyền viên. Trường hợp chủ tàu không hoàn trả thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả các chi phí đó cho Quỹ Bảo hộ công dân.

– Hồ sơ đề nghị hồi hương gửi cơ quan đại diện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

4.3. Quyết toán kinh phí

Căn cứ nhiệm vụ thực tế thực hiện, Cơ quan đại diện tập hợp hồ sơ quyết toán gửi Quỹ Bảo hộ công dân, gồm: Hồ sơ đề nghị hồi hương của thuyền viên; văn bản đề nghị quyết toán gửi kèm theo các nội dung các khoản chi, các chứng từ chi theo quy định tại Thông tư này.

4.4. Thu hồi chi phí tạm ứng Quỹ Bảo hộ công dân

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo thu hồi chi phí hồi hương thuyền viên của Quỹ Bảo hộ công dân, chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí hồi hương thuyền viên theo Thông báo quyết toán vụ việc của Quỹ Bảo hộ công dân bằng cách chuyển vào tài khoản của Quỹ Bảo hộ công dân theo địa chỉ sau:

– Tên tài khoản: Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

– Địa chỉ: 40 phố Trần Phú, Quận Ba Đình, Hà Nội.

– Điện thoại: 04.38489064.

– Số tài khoản tiền Việt Nam (VND): 122 0202 005 149, mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Chi nhánh Long Biên; địa chỉ 562 đường Nguyễn Văn Cừ, Quận Long Biên, Hà Nội.

Trường hợp chủ tàu trả chậm hoặc không thực hiện chi trả chi phí hồi hương theo thông báo của Quỹ Bảo hộ công dân; Quỹ Bảo hộ công dân có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh chi trả chi phí hồi hương cho thuyền viên. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo thu hồi chi phí tạm ứng hồi hương thuyền viên của Quỹ Bảo hộ công dân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí hồi hương thuyền viên theo Thông báo quyết toán vụ việc của Quỹ Bảo hộ công dân.

Xử lý vi phạm chậm nộp hoặc không nộp: Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư số 92/2013/TT-BTC ngày 8 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 5. Đặt cọc, bảo lãnh, hoàn trả chi phí tạm ứng Quỹ

4. Xử lý vi phạm chậm nộp hoặc không nộp:

a) Cá nhân trực tiếp cam kết hoàn trả chi phí tạm ứng và cá nhân, tổ chức thực hiện đặt cọc, cam kết bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả đúng thời hạn như nội dung đã cam kết, thì cá nhân, tổ chức đã cam kết ngoài việc phải hoàn trả chi phí đã tạm ứng còn phải nộp cho Quỹ khoản lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi xuất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

b) Trường hợp không nộp trả thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

LUẬT LVN GROUP (Tổng hợp & Phân tích)

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.