Trả lời:

Chức năng được hiểu là lĩnh vực hoạt động chính của một cơ quan. Chức năng của Hội đồng bầu cử quốc gia gồm hai mảng công việc là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Khác với các Hội đồng bầu cử quốc gia trên thế giới, Hội đồng bầu cử quốc gia của Việt Nam không có chức năng tổ chức trưng cầu dân ý. Ở đây cần lưu ý phạm vi chức năng của Hội đồng bầu cử quốc gia trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là không giống nhau.

Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, sau khi Quốc hội quyết định một ngày bầu cử toàn quốc cho cả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, thì Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội mà chỉ thực hiện một số công việc chính như ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu bầu ở mỗi đơn vị bầu cử, xem xét hồ sơ của ứng cử viên, công bố danh sách người ứng cử, xóa tên người ứng cử, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử, quyết định bầu cử thêm, bầu cử lại, hủy bỏ kết quả bầu cử, giải quyết tranh chấp trong bầu cử, xác nhận, công bố kết quả bầu cử, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội trúng cử… Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử, bảo vệ bầu cử được thực hiện trực tiếp bởi các cơ quan khác song dưới sự chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia (Điều 15 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Khoản 4, 5 Điều 14 Luật bầu cử năm 2015). Tất cả các cơ quan khác tham gia tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội với những nhiệm vụ, quyền hạn riêng song không cơ quan nào thực hiện những công việc quan trọng với cuộc bầu cử như Hội đồng bầu cử quốc gia, ví dụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội về các nơi, xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử, giám sát công tác bàu cử; Chính phủ bảo đảm kinh phí và hướng dẫn quản lí kinh phí phục vụ bầu cử …. (Khoản 3,4 Điều 4 Luật bầu cử năm 2015). Như vậy, có thể nói Hội đồng bầu cử quốc gia chính là trung tâm của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, vừa thực hiện một số công việc trọng yếu nhất của cuộc bầu cử, vừa bao quát, quán xuyến công việc chung của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Đối với cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia đóng vai trò ít trung tâm hơn so với cuộc bâu cử đại biểu Quốc hội. Các công việc mà Hội đồng bầu cử quốc gia phải thực hiện chủ yếu là chỉ đạo, hướng dẫn các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, hủy bỏ kết quả bầu cử ở một đơn vị bầu cử nào đó nếu có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.1 Trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, các ủy ban bầu cử ở các địa phương tương ứng lại là cơ quan có vai trò trung tâm hơn (Điều 16 Luật bầu cử năm 2015, xem các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban bầu cử trong Luật bầu cử năm 2015, Khoản 2 Điều 117 Hiến pháp năm 2013).

Theo cách thức tổ chức bộ máy nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong bộ máy nhà nước chỉ có Quốc hội và Hội đồng nhân dân là được hình thành trực tiếp từ nhân dân, thông qua con đường người dân đi bầu cử, trực tiếp chọn những người đại diện của mình đứng trong hàng ngũ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Quá trình bầu cử, vì vậy được coi là quá trình gốc hình thành nên bộ máy nhà nước Việt Nam qua mỗi nhiệm kì và do đó cách thức mà nó được thực hiện phải thực sự dân chủ, công bằng, khách quan thì mới có thể góp phần bảo đảm được bản chất dân chủ với nhân dân của bộ máy nhà nước. Với chức năng và nhiệm vụ của mình như đề cập trên đây, Hội đồng bầu cử quốc gia có vai trò quan trọng nhất trong bầu cử ở Việt Nam, bảo đảm các cuộc bầu cử hình thành cơ quan đại diện ở Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn trên. Qua việc thực hiện vai trò này, Hội đồng bầu cử quốc gia cũng thực hiện được vai trò lớn hơn của mình với tư cách một cơ quan hiến định độc lập, đó là kiểm soát quyền lực nhà nước.

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)