1. Chứng minh tội phạm là gì?
Chứng minh tội phạm là thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội.
Đấu tranh chống tội phạm là nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng nên trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan này. Cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, kết luận bị can, bị cáo phạm tội hay không phạm tội.
Đối với bị can, bị cáo, pháp luật quy định có quyền đưa ra chứng cứ để chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mình nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Vì thế, trong những trường hợp bị can, bị cáo không đưa ra chứng cứ thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng không được buộc họ phải chứng minh là họ vô tội hoặc trường hợp bị can, bị cáo đưa ra chứng cứ nhưng chưa đủ để chứng minh là vô tội thì cũng không vì thế mà có thể coi là họ phạm tội. Muốn xác định bị can, bị cáo có phạm tội hay không, các cơ quan tiến hành tố tụng phải dùng những chứng cứ của vụ án làm căn cứ để chứng minh tội phạm. Khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh: 1) Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; 2) Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích, động cơ phạm tội; 3) Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; 4) Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Việc xác định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng là để các cơ quan này đề cao trách nhiệm trong việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ chứng minh tội phạm, tránh bỏ sót tội phạm và làm oan người vô tội, vì chính các cơ quan đó là người khởi tố, buộc tội, xét xử bị can, bị cáo.
2. Nghĩa vụ chứng minh
Theo quy định tại Điều 15 BLTTHS năm 2015 – Xác định sự thật của vụ án thì:
“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.
Theo quy định trên thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra, một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 35 BLTTHS năm 2015. Quy định “… Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”, chính là một phần nội hàm của nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định tại Điều 13 BLTTHS năm 2015, đó là: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Theo quy định tại Điều 15 BLTTHS năm 2015 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, nhưng việc chứng minh tội phạm của các cơ quan này ở mỗi giai đoạn tố tụng có những đặc điểm khác nhau. Ở giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, giai đoạn điều tra vụ án hình sự và truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, còn ở giai đoạn xét xử, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và Hội đồng xét xử. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do vậy, kể cả trong trường hợp người phạm tội không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh là họ vô tội thì cũng không thể vì thế mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng kết tội họ.
3. Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự
Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự bao gồm những sự kiện và tình tiết khác nhau; mỗi sự kiện, tình tiết nói riêng cũng như toàn bộ vụ án đều phải được nghiên cứu, làm sáng tỏ một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện và chính xác. Để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự thì vấn đề quan tâm hàng đầu chính là các cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm chính là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Tuy nhiên, không phải bất cứ cấu thành tội phạm nào cũng có những dấu hiệu bắt buộc giống nhau; có những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các cấu thành tội phạm, có những dấu hiệu có trong cấu thành tội phạm của tội này nhưng lại không có trong cấu thành tội phạm của tội khác. Song để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự thì đối với bất cứ một tội phạm nào, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đều phải chứng minh được những vấn đề sau:
– Dấu hiệu hành vi thuộc yếu tố mặt khách quan của tội phạm;
– Dấu hiệu lỗi thuộc yếu tố mặt chủ quan của tội phạm;
– Dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm.
4. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 85 BLTTHS năm 2015 – Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự thì:
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
5. Trách nhiệm chứng minh tội phạm của cơ quan tiến hành tố tụng
Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định như sau: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”
Điểm a Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan tiến hành tố tụng gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Cơ quan được giao nhiệm giao vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng;Các cơ quan của Hải quan;Các cơ quan của Kiểm lâm;Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển;Các cơ quan của Kiểm ngư;Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. (Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015)
Việc quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là hoàn toàn hợp lý bởi theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Điều này cũng có nghĩa là thừa nhận người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình.
Trên thực tế, có thể một người đã thực hiện tội phạm. Về khách quan, họ là người phạm tội, nhưng nếu không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi phạm tội được luật hình sự coi là tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó. Chứng minh tội phạm là một quá trình. Quá trình đó diễn ra ở cả giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử. Quyền và trách nhiệm chứng minh tội phạm không chỉ thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà còn thuộc về Tòa án.
Người bị tình nghi (bị bắt giữ trước khi khởi tố bị can), bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Điều này có nghĩa, người bị bắt giữ, bị can, bị cáo có quyền đưa ra các chứng cứ để chứng minh mình không phạm tội. Ví dụ, chứng minh mình vô tội bằng việc đưa ra chứng cứ về thời gian xảy ra vụ việc mình không ở đó và không thể thực hiện hành vi phạm tội hoặc đưa ra chứng cứ chứng minh có người khác, chứ không phải mình, đã thực hiện tội phạm… Song, vì lý do nào đó, người bị bắt giữ, bị can, bị cáo cũng có thể từ chối chứng minh sự vô tội của mình thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể coi họ là người phạm tội.
Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự nước ta không quy định cụ thể nhưng đã mặc nhiên thừa nhận quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Bởi lẽ, theo các quy định của pháp luật hình sự, việc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội của mình thì cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội từ chối khai báo theo quy định tại Điều 383 Bộ luật Hình sự (viết tắt là BLHS) và cũng không bị coi là có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 52 BLHS. Trong trường hợp bị can, bị cáo thành khẩn khai báo thì lại được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thậm chí trong giai đoạn điều tra họ không khai báo hoặc khai báo gian dối nhưng tại phiên tòa lại thành khẩn khai báo thì họ vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “thành khẩn khai báo” theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS. Trường hợp bị cáo khai báo gian dối thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khai báo gian dối theo quy định tại Điều 382 BLHS.
Mặc dù với những quy định trên, có thể thấy rằng pháp luật tố tụng hình sự nước ta đã thừa nhận quyền im lặng của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Song, một trong những bảo đảm để bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự là các quy định của pháp luật tố tụng càng đơn giản, dễ hiểu và được thông tin đến người dân đầy đủ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu để tránh sự lạm dụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng Bộ luật tố tụng Hình sự cũng cần được sửa đổi theo hướng quy định cụ thể về quyền im lặng của người bị bắt giữ, bị can, bị cáo và nghĩa vụ của người có thẩm quyền bắt giữ, khởi tố bị can trong việc giải thích cho người bị bắt giữ, bị khởi tố bị can về quyền im lặng của họ.