Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 03/2021/ND-CP;
– Thông tư 04/2021/TT-BTC;
1. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới
Theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được hình thành từ các nguồn sau: Đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Thu từ lãi tiền gửi; Số dư Quỹ bảo hiểm xe cơ giới năm trước được chuyển sang năm sau sử dụng; Các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).
Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới là Quỹ được thành lập để thực hiện các hoạt động chi hỗ trợ nhân đạo; công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các hoạt động liên quan nhằm góp phần bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an toàn xã hội.
Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đóng góp, được quản lý tập trung tại Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại và được sử dụng con dấu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Điều 26 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định:
Điều 26. Đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới
1. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trích tối đa 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm Tài chính trước liền kề để đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
2. Trước ngày 30 tháng 4 hàng năm, Bộ Tài chính thông báo tỷ lệ đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới trên cơ sở đề nghị của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực hiện đóng góp vào tài khoản của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo thời hạn sau:
a) Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm: Nộp 50% tổng số tiền theo quy định.
b) Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm: Nộp số tiền còn lại theo quy định.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm lập và gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam báo cáo doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả bản cứng và bản mềm) theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm.
2. Quản trị, điều hành hoạt động của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới
– Cơ cấu tổ chức quản trị, điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; Ban kiểm soát Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Văn phòng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới là cơ quan giúp việc cho bộ máy quản trị, điều hành Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới, được đặt tại cơ quan thường trực Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.
– Báo cáo quyết toán năm của Quỹ (đã được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận) phải được gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm), các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trước ngày 31 tháng 3 của năm kế tiếp và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam toàn bộ nội dung báo cáo quyết toán năm của Quỹ kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập.
3. Cơ cấu tổ chức, quản trị điều hành của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới
Điều 6 Thông tư 04/2021/TT-BTC quy định:
Hội đồng Quản lý Quỹ bao gồm:
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ: Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Thành viên:
– Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính.
– Đại diện Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an.
– Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
– Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc của ít nhất 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có thị phần lớn nhất về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Ban điều hành Quỹ bao gồm:
Trưởng Ban điều hành Quỹ: Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Thành viên: Đại diện của ít nhất 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có thị phần lớn nhất về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Ban kiểm soát Quỹ bao gồm:
– Ít nhất 3 thành viên là đại diện của 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
– Trưởng Ban kiểm soát Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm trong số các thành viên của Ban kiểm soát.
– Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thành viên tham gia Ban kiểm soát Quỹ phải độc lập với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thành viên tham gia Ban điều hành Quỹ để đảm bảo đánh giá, phát hiện kịp thời các rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả, nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
4. Thành lập Hội đồng quản lý Quỹ, thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ
Căn cứ Điều 29 Nghị định 03/2021/NĐ-CP:
Trình tự thực hiện đề nghị thành lập Hội đồng quản lý, thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới:
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (trường hợp thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới), Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới (trường hợp thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới) phải gửi 1 bộ hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tài chính đề nghị chấp thuận.
Trong vòng 14 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định thành lập Hội đồng quản lý Quỹ, thay đổi thành viên Hội đồng thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.
Hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm các tài liệu sau:
01 bản chính văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP.
01 bản sao Nghị quyết của Ban chấp hành khối Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thông qua đề nghị thành lập Hội đồng Quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Hồ sơ đề nghị thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm các tài liệu sau:
01 bản chính văn bản đề nghị thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP.
01 bản sao Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới thông qua đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
5. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, bộ máy Quỹ bảo hiểm xe cơ giới
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ:
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quản lý, điều hành Quỹ.
– Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ, Ban điều hành Quỹ, Ban kiểm soát Quỹ.
– Ban hành các quy định cụ thể về quản lý và sử dụng Quỹ; phê duyệt dự toán và quyết toán của Quỹ.
– Ra Quyết định thành lập Ban điều hành Quỹ và Ban kiểm soát Quỹ.
– Báo cáo Bộ Tài chính dự toán, quyết toán Quỹ đã được phê duyệt.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban điều hành Quỹ:
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Hội đồng quản lý Quỹ trong việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán Quỹ.
– Chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ đúng kế hoạch được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt, theo đúng quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BTC, không được sử dụng Quỹ vào các hoạt động khác ngoài mục đích của Quỹ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát Quỹ:
– Giám sát hoạt động của Quỹ đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.
– Tổng hợp đánh giá, kiến nghị với Hội đồng quản lý Quỹ về tình hình tài chính của Quỹ hàng quý, năm.
– Thực hiện kiểm tra đối với việc quản lý, sử dụng Quỹ theo yêu cầu của Hội đồng quản lý Quỹ.
6. Công tác lập dự toán, kế toán, quyết toán của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới
Công tác lập dự toán:
a) Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, Ban điều hành Quỹ lập dự toán thu, chi của Quỹ bao gồm các nội dung sau:
– Tình hình thu, chi của Quỹ năm hiện tại.
– Kế hoạch thu, chi của Quỹ năm kế tiếp.
b) Ban điều hành Quỹ báo cáo dự toán thu, chi của Quỹ để Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt. Dự toán thu, chi của Quỹ phải được thông báo cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) và các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ngay sau khi phê duyệt.
c) Các kế hoạch chi theo dự toán chi trong năm, trừ các nội dung chi tại khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 5 Thông tư này, đến ngày 31 tháng 12 hàng năm chưa thực hiện hoặc chưa chi hết được tiếp tục thực hiện vào năm sau.
d) Trường hợp cần thiết, Hội đồng Quản lý Quỹ có thể điều chỉnh dự toán thu chi đã được thông qua đầu năm và thông báo cho Bộ Tài chính và các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Kế toán Quỹ:
Ban điều hành Quỹ phải:
a) Tổ chức công tác kế toán, thống kê theo đúng quy định của Luật Kế toán, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Chấp hành các quy định về chứng từ kế toán; hạch toán kế toán toàn bộ các khoản thu, chi của Quỹ.
c) Mở sổ kế toán ghi chép, hệ thống và lưu trữ toàn bộ các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến Quỹ.
d) Định kỳ hàng quý có trách nhiệm lập báo cáo thu, chi của Quỹ để báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt và thông báo cho Bộ Tài chính bằng một trong các phương thức gồm gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và gửi qua hệ thống thư điện tử.
Báo cáo quý: Thời gian chốt số liệu tính từ ngày 01 của tháng đầu tiên kỳ báo cáo đến ngày 30 hoặc 31 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
Quyết toán Quỹ:
Hàng năm, Ban điều hành Quỹ có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán Quỹ để báo cáo Hội đồng Quản lý Quỹ phê duyệt.
LUẬT LVN GROUP (Tổng hợp và phân tích)