Thưa Luật sư tôi đang có một vấn đề muốn tham khải ý kiến của Luật sư. Hiện nay tôi đã học lớp cảm tình Đảng và đang làm thủ tục lý lịch để có thể xin kết nạp đảng. Nhưng trước đây khoảng 20 năm thì ba tôi có đi tù vậy cho tôi hỏi là tôi có thể được vào Đảng không? Rất mong nhận được sự hồi đáp của Công ty Luật LVN Group.
Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật hành chính chuyên trang www.luatLVN.vn 

>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến, gọi:1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

– Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011,

– Bộ luật hình sự năm 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017)

– Quy định số 29/QĐ-TW ngày 25/7/2016 quy định thi hành Điều lệ của Đảng

– Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ đảng

Luật sư tư vấn:

1. Điều kiện kết nạp Đảng cộng sản Việt Nam

1.1 Điều kiện chung

Theo Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 quy định như sau: 

” Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”.

Và Khoản 2 Điều này cũng quy định về điều kiện để được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, như sau:

– Công dân từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Thừa nhận và tư nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng viên, tiêu chuản và nhiệm vụ Đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng;

– Qua thực tiễn hoạt động, chứng minh mình là người ưu tú được nhân dân tín nhiệm

1.2 Về lý lịch của bản thân và gia đình

Hướng dẫn số 01-HD/TW quy định về đối tượng cần thẩm tra về lý lịch như sau:

“3.4- Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:

– Người vào Đảng.

– Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân)”.

Vậy:

– Đối với người vào Đảng: Làm rõ vấn đề về lịch sử, chính trị và chính trị hiện này; về vấn đề chấp hành các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

– Với người thân: Làm rõ các vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Việc thẩm tra được xác định theo Hướng dẫn này như sau:

“b) Nội dung thẩm tra, xác minh

– Đối với người vào Đảng: làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

– Đối với người thân: làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Theo như các quy định trên, khi muốn được xem xét kết nạp Đảng thì cần có lý lịch của bố mẹ cần được làm rõ vấn đề lịch sử chính trị, chấp hành đường lối, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, theo như bạn trình bày thì ba bạn đã chấp hành hình phạt tù. Theo đó trường hợp của ba bạn thuộc vào một trong các trường hợp ba bạn không chấp hành quy định của pháp luật. Như vậy, bạn có thể được kết nạp nếu được xem xét kết nạp khi ba bạn được xóa án tích đối với hành vi phạm tội của ông. 

2. Thủ tục xóa án tích

Ở đây bạn chưa nêu rõ trường hợp bố bạn phạm tội gì, thời gian chấp hành án là bao nhiêu lâu và hiện tại bố bạn đã chấp hành và thực hiện xong các hình phạt bổ sung và nghĩa vụ bồi thường (nếu có) chưa nên ở đây chúng tôi sẽ đưa ra các điều kiện và thủ tục xóa án tích để bạn tham khảo.

2.1 Về các trường hợp đương nhiên xóa án tích

Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

“Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này”.

Theo quy định của điều luật trên, trong trường hợp của bạn, nếu ba bạn đã có thời gian bị phạt tù mà không phạm thêm tội mới, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật và được xóa án tích thì bạn có thể thực hiện thủ tục để được kết nạp Đảng nếu như thỏa mãn các điều kiện khác.

Còn nếu trong trường hợp bố bạn phạm những tội liên quan đến an ninh quốc gia thì sẽ chỉ được xóa án tích theo quyết định của Tòa án, cụ thể như sau:

“Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án

1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.

2. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;

b) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

c) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích”.

Hồ sơ xin giấy chứng nhận xóa án tích bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Đơn xin xóa án tích (theo mẫu).
  • Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thụ hình án cấp
  • Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khỏan bồi thường, án phí, tiền phạt;
  • Giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an Quận, Huyện nơi người bị kết án thường trú cấp (theo mẫu quy định của ngành Công an)
  • Bản sao hộ khẩu;
  • Bản sao chứng minh nhân dân.

Theo đó, thẩm quyền để xét đơn xóa án tích :

  • Tòa án đã xét xử sơ thẩm là Tòa án có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích, hoặc ra Quyết định xóa án tích.
  • Người xin xóa án tích nộp hồ sơ xin xóa án tích tại Tòa án đã xét xử sơ thẩm (có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện).
  • Người xin xóa án tích không phải nộp bất cứ khoản tiền lệ phí Tòa án nào (trừ trường hợp xin sao quyết định xóa án tích hoặc giấy chứng nhận xóa án tích).

Tham khảo bài viết liên quan:

Vấn đề kết nạp Đảng nhưng bố đang chấp hành án cải tạo

Tư vấn về thủ tục kết nạp Đảng sau khi xóa án tích?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn Pháp luật hành chính – Công ty luật LVN Group.