Trong đó: có hợp đồng thời vụ và hợp đồng có xác định thời hạn. Nhưng tôi đang thắc mắc về hợp đồng có xác định thời hạn mong được Luật sư của LVN Group giải đáp. Cụ thể như sau: từ năm 2014 đến 2017 tôi đã ký tổng cộng 4 bản hợp đồng lao động có xác định thời hạn gồm: hợp đồng số 107 có thời hạn từ 1/8/2014 -31/7/2015; hợp đồng số 23 có thời hạn từ: 1/8/2015 -31/7/2016; hợp đồng số 08 có thời hạn từ: 1/8/2016-31/7/2017; hợp đồng số 10 có thời hạn từ: 1/8/2017 -31/7/2018. Tôi có đọc bộ luật lao động 2012 thì về nguyên tắc chỉ được ký 2 lần hợp đồng lao động có xác định thời hạn. Đến lần thứ 3 bắt buộc người sử dụng lao động phải ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Tôi đã có kiến nghị lên nhà trường thì nhận được câu trả lời là: “vì huyện không giao chỉ tiêu biên chế bảo vệ nên không được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn”. Không đồng tình với câu trả lời trên tôi cũng làm đơn kiến nghị đến liên đoàn lao động huyện thì cũng nhận được câu trả lời là: “huyện không giao chỉ tiêu biên chế bảo vệ và hợp đồng có xác định thời hạn hay không xác định thời hạn thì cũng như nhau thôi. Chúng tôi cũng chỉ làm theo công văn hướng dẫn”. Mong luật su tư vấn giúp tôi là việc ký kết hợp đồng như vậy là đúng hay sai ? Và việc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị như vậy là đúng hay sai ? Trong trường hợp việc ký hợp đồng trên như vậy là sai thì tôi có thể kiện ra tòa được không ? 

Rất mong nhận được câu trả lời của Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn !

Luật sư trả lời:

Thứ nhất, về việc ký nhiều Hợp đồng không xác định thời hạn. Căn cứ theo Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012:

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới, khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn mới thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần. Nếu muốn ký tiếp thì phải ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Trong trường hợp của bạn, bạn đã ký đến 4 lần hợp đồng xác định thời hạn là trái với quy định của pháp luật, từ hợp đồng thứ 3 trở đi (hợp đồng số 08 có thời hạn từ: 1/8/2016-31/7/2017) phải là hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012.

Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Căn cứ theo Điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/2/2018 Quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động ở Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn vệ sinh lao động :

“1. Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.

2. Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.

3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về điều tra tai nạn lao động theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động.”

Như vậy, thẩm quyền giải quyết khiếu nại như trên là đúng pháp luật.

Thứ ba, nếu trong trường hợp bạn không thể giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa giải thì bạn có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi công ty đặt trụ sở hoặc nơi bạn thường trú để được giải quyết. 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi:  1900.0191  để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group