Tôi (Nữ) sinh năm 1978 và mới bắt đầu tham gia BHXH năm 2014 (Khi đó tôi 36 tuổi). Hình thức đóng BHXH là do tôi tự nguyện đóng 100% theo quy định hiện hành nhưng không ký kết trực tiếp với Cơ quan BHXH mà gửi nhờ 1 Doanh Nghiệp của người bạn làm thủ tục và đóng giúp hàng tháng. Ngoài ra, tôi còn để chồng tôi (Sinh năm 1975) và anh trai (Sinh năm 1976) cũng tự nguyện tham gia BHXH theo hình thức như vậy với hy vọng sẽ được BHXH chi trả lương hưu khi về già. Nhưng hiện tại, thu nhập của chúng tôi không ổn định và có khả năng thất nghiệp rất cao nên tôi rất lo lắng khi nghĩ đến việc không có tiền để tiếp tục đóng BH cho bản thân và người thân cho những năm tiếp theo. Vậy, tôi xin được hỏi là:

1/ Trường hợp 1: Nếu chúng tôi cố chạy vạy, kiếm tiền hoặc vay mượn để hàng tháng đóng tiếp BHXH theo quy định thì đến năm nào chúng tôi mới được đủ năm tham gia BHXH và đủ điều kiện được hưởng chế độ theo quy định. Cụ thể là khoảng bao nhiêu tiền cho 1 tháng lương nếu bây giờ tôi đang đóng BHXH ở mức lương là: 3.745.000 đ/tháng.

2/ Trường hợp 2: Nếu chúng tôi không còn khả năng tham gia nữa thì tôi có được làm thủ tục rút sổ về và xin thanh toán BHXH một lần không. Thủ tục có phức tạp? Toàn bộ số tiền tôi đã đóng có được lấy lại hết không vì thực chất tôi phải đóng 32.5% nhưng trên danh nghĩa thì Doanh nghiệp bạn tôi lại được tiếng là chi trả 22% cho người lao động, còn tôi, chồng và anh trai chỉ thể hiện là đóng 10.5% ) Trong trường hợp này, Doanh nghiệp có được hưởng lợi gì không và chúng tôi bị thiệt thòi gì khi tham gia hình thức đóng như vậy. Tôi chân thành cám ơn rất nhiều! 

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật lao động của công ty Luật LVN Group. 

Luật sư tư vấn lao động gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Căn cứ pháp lý

Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 số 58/2014/QH13

Nội dung phân tích

Theo dữ liệu bạn đưa ra thì bạn đang đóng BHXH thông qua một doanh nghiệp, về bản chất đây được coi là bạn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

1, Đối với câu hỏi 1 của bạn, chúng tôi có thể hiểu bạn đang có nhu cầu muốn hưởng chế độ hưu trí:

Nếu bạn và những người thân không bị suy giảm khả năng lao động, đối chiếu theo quy định của Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì bạn sẽ được hưởng chế độ hưu trí khi đáp ứng được điều kiện sau:

“Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp….”

Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về mức lương hưu hằng tháng bạn và người thân được hưởng như sau:

“Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng
1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
4. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.
5. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Như vây, trong trường hợp này bạn có thể dựa vào những quy định trên để xác định cụ thể số tiền hưu trí mỗi tháng của mình và người thân.

2. Rút bảo hiểm xã hội một lần

Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:

“1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”

Do đó, khi bạn thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội một lần, bạn không được cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn trả lại 100% như gửi ngân hàng. Mà bạn sẽ được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật như sau:

Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần:

“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.”

Và Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định như sau:

“Điều 1. 
1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. 
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.”

Khi bạn đáp ứng được điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần trên thì bạn có thì bạn có thể nộp hồ sơ xin hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

“Điều 109. Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.
3. Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:
a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;
b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;
c) Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
4. Trích sao hồ sơ bệnh án trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 và điểm c khoản 1 Điều 77 của Luật này.
5. Đối với người lao động quy định tại Điều 65 và khoản 5 Điều 77 của Luật này thì hồ sơ hưởng trợ cấp một lần được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật Lao động.