Căn cứ vào Điều 87 Bộ luật Lao động năm 2019 thì Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

 

1. Thỏa ước lao động tập thể là gì ?

Theo Điều 75 về Thỏa ước lao động tập thể quy định trong Bộ Luật lao động năm 2019 như sau:

– Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.

Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.

– Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể được hiểu đơn giản là thỏa thuận đạt được giữa người sử dụng lao động và một tập thể người lao động bất kỳ dựa trên những nội dung phù hợp với ý chí, nguyện vọng của các bên tham gia vào thỏa ước lao động. Việc ký kết thỏa ước được xác lập dưới dạng văn bản và có chữ ký của các bên hoặc đại diện các bên thì mới được công nhận là thỏa ước có hiệu lực. Tuy nhiên, pháp luật Lao động hiện nay không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải lập thỏa ước lao động tập thể với người lao động.

– Thỏa ước lao động tập thể có thể được thực hiện đối với những pháp nhân sau :

  • Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp ;
  • Thỏa ước lao động tập thể ngành ;
  • Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp ;
  • Thỏa ước lao động tập thể khác.

Pháp nhận trong những trường hợp như trên có thể tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể với người lao động theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành năm 2019.

 

2. Vai trò của thỏa ước lao động tập thể theo quy định pháp luật hiện nay ?

Việc ký kết thỏa ước lao động cũng giống như việc các chủ thể tham gia vào quan hệ lao động là đều hướng đến mưu cầu lợi ích kinh tế và vẫn đảm bảo được những quyền và lợi ích của mình được đảm bảo ở mức cao nhất. Thỏa ước lao động tập thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc bình ổn người lao động và điều tiết quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể như sau :

 Việc ký thỏa ước lao động tạo nên nền tảng vững chắc cho các bên ràng buộc và điều chỉnh lần nhau về quyền lợi và trách nhiệm : Đặt dưới góc độ kinh tế, người lao động dùng sức lao động của mình tạo ra sản phẩm hoặc duy trì hoạt động sản xuất nhằm tạo ra những kết quả và sẽ được nhận mức thu nhập phù hợp nuôi sống bản thân và đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cần người lao động để tạo ra những giá trị cụ thể để cung cấp cho bên thứ va, từ đó kiếm được khoản lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp của mình. Thỏa ước lao động tập thể được ký kết phần lớn nhằm hướng tới mục đích kinh tế, thương mại và các bên cần thực hiện đúng thỏa ước để quyền lợi các bên không ảnh hưởng. Đối với từng loại hợp đồng và nội dung ký kết hợp đồng hoặc thỏa ước lao động cụ thể Luật không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ các bên mà chỉ đưa ra quy định chung về khung pháp lý mà mọi loại hợp đồng cần đáp ứng, việc quy định khung sẽ linh hoạt cho cả người lao động và người sử dụng lao động lựa chọn được và thương lượng những điều khoản phù hợp với hoàn cảnh thực tế của các bên. Như vậy, thực chất việc ký kết thỏa ước lao động là việc mà khi hai bên tham gia vào quan hệ lao động cụ thể hóa quy định pháp luật để tự bảo đảm những quyền lợi va nghĩa vụ lẫn nhau. Vì vậy, nói là quan hệ ràng buộc và điều chỉnh lẫn nhau chính là các bên được bảo đảm về quyền lợi như : hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của bên sử dụng lao động được nâng cao và thu nhập của người lao động phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của họ đối với công việc của mình; đây là biện pháp tốt nhất để nâng cao ý thức trách nhiệm của các bên đồng thời cũng giúp các bên đạt được lợi ích của mình chính là kí kết thoả ước lao động tập thể ;

– Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm tăng cường kỷ luật lao động, hướng tới việc sản xuất tập trung và nâng cao hiệu suất lao động : Đối với lao động tập thể thông thường sẽ có một cá nhân được tín nhiệm và đại diện cho tập thể lao động để thực hiện công tác quản lý, giám sát và trao đổi với người sử dụng lao động. Như vậy, khi tập thể người lao động đều đồng ý ký kết thỏa ước thì họ sẽ có nghĩa vụ ngang nha trong lao động, sản xuất và có người giám sát, quản lý, từ đó tăng cường kỷ luật lao động tập thể. Khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết và thực hiện nghĩa là người lao động bằng lòng với các quyền lợi được hưởng và có trách nhiệm và tận tụy với công việc. Bên cạnh đó, người lao động tự giác chấp hành kỉ luật lao động, tăng cường trách nhiệm bảo vệ tài sản và các lợi ích chung, hoạt động lao động có nền nếp thì sẽ giúp đơn vị tiết kiệm được chi phí quản lí và các chi phí khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đối với hoạt động sản xuất, mỗi người đều có nghĩa vụ như nhau và được giao công việc như nhau, ngoài ra những chế độ lương thưởng tăng ca hoặc năng suất cũng được đề ra, những cá nhân trong tập thể sẽ có sự cạnh tranh tích cực lẫn nhau để đạt được năng suất cao hơn mức cơ bản đề ra, từ đó nâng cao hiệu suất lao động tập thể cao hơn ;

– Thỏa ước lao động tập thể là phương pháp hữu hiệu ngăn chặn mẫu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động, đồng thời là cơ sở pháp lý đê giải quyết tranh chấp lao động :  đi đôi với những lợi ích mà người lao động nhận được khi ký kết lao động tập thể thì người lao động cũng phải tuân theo những nghĩa vụ chung mà người sử dụng lao động đặt ra trong thỏa ước lao động, đây là cơ sở pháp lý ràng buộc người lao động trong việc thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với hoạt động sản xuất, tạo ra giá trị cũng như trong môi trường lao động tập thể. Khi mỗi một cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành theo những nội dung quy định về nghĩa vụ của người lao động thì sẽ tạo ra làn sóng tích cực cho việc chấp hành kỷ luật lao động tập thể. Đối với phía người sử dụng lao động, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể sẽ bảo vệ họ khỏi những đòi hỏi hoặc những nhu cầu của người lao động phát sinh ngoài nghĩa vụ hợp đồng như : tăng lương, tăng thưởng, giảm giờ làm, …. một cách tự phát và cũng đảm bảo cho người sử dụng nhận được thành phẩm hoặc chất lượng cuối cùng mà người lao động mang lại đúng tiến độ công việc, hiệu quả và chất lượng ; Tiếp theo, việc ký kết thỏa ước tập thể tránh được rủi ro lớn về việc tranh chấp hay mẫu thuẫn trong lao động : do thỏa ước lao động tập thế được ký kết dựa trên cơ sở thoả thuận, thiện chí giữa hai bên nên sẽ đảm bảo các bên tôn trọng lẫn nhau, cùng xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển của doanh nghiệp. Khi lợi ích của các bên đã được bảo đảm, tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định, trật tự được duy trì, năng suất và hiệu quả lao động tăng cao sẽ hạn chế và ngăn ngừa các xung đột, bất đồng có thể xảy ra. Đồng thời, nếu trường hợp xảy ra mâu thuẫn, người sử dụng lao động có thể căn cứ theo thỏa ước lao động để đưa ra mức xử phạt hợp lý với người lao động vi phạm, chưa hết, người sử dụng lao động có thể ghi những điều khoản trong thỏa ước như : người lao động thuộc bộ phận nào xảy ra mẫu thuẫn, xung đột dẫn đến gây mất trật tự trong môi trường lao động và ảnh hưởng đến quan hệ lao động thì người quản lý hoặc các cá nhân tại bộ phận đố đều phải chịu hình thức xử phạt chung (điều này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong môi trường tập thể).

Trên thực tế, việc ký kết thỏa ước lao động đóng vai trò quan trọng trong điều tiết quan hệ sản xuất và quản lý lao động. Điều này nhìn chung mang lại lợi ích lớn hơn cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên, luật cũng quy định những trường hợp thỏa ước lao động tập thể có thể bị vô hiệu nếu vi phạm quy định pháp luật. Vậy trong trường hợp nào thỏa ước lao động tập thể bị tuyên là vô hiệu ? Sau đây Luật LVN Group sẽ giải đáp cho bạn đọc !

 

3. Các trường hợp thỏa ước lao động tập thẻ bị tuyên vô hiệu?

Thỏa ước lao động tập thể được ký kết hướng đến lợi ích chung của hai bên trong quan hệ lao động, tuy nhiên, khi lợi ích hoặc nghĩa vụ bị xâm phạm hoặc hình thức của soạn thảo của biên bản không phù hợp với quy định pháp luật thì sẽ bị tuyên vô hiệu. Sau đây là những trường hợp theo quy định tại Điều 86 –  Bộ Luật lao động năm 2019 quy định các trường hợp về thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, cụ thể :

– Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần: khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật. Thỏa ước lao động bị vô hiệu từng phần là khi các phần bị vô hiệu vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của thỏa ước lao động tập thể.

– Thoả ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ là thoả ước lao động tập thể vi phạm nghiêm trọng về nội dung hoặc quy trình thương lượng tập thể, kí kết thoả ước lao động tập thể. Pháp luật các quốc gia quy định những căn cứ khác nhau để xác định thoả ước vô hiệu toàn bộ. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp bao gồm :

  • Thứ nhất, toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật ;
  • Thứ hai, người ký kết không đúng thẩm quyền ;
  • Thứ ba, không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể khi vi phạm vào quy định pháp luật và bị tuyên vô hiệu sẽ được xử lý theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2019 – Điều 87 như sau : Khi thỏa ước lao động tập thể bị tuyên bố vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong thỏa ước lao động tập thể tương ứng với toàn bộ hoặc phần bị tuyên bố vô hiệu được quyết theo quy định của pháp luật và các thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng lao động.

 

4. Cơ quan có thẩm quyền tuyên thỏa ước lao động tập thể vô hiệu?

Khi thỏa ước lao động tập thể được xác định là vi phạm quy định pháp luật sẽ được tuyên là vô hiệu. Chủ thể có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2019 như sau :

Điều 87 : Thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu 

Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì cơ quan có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu là Tòa án nhân dân cấp huyện / quận / tỉnh / thành phố nơi doanh nghiệp hoặc cơ quan đó có trụ sở đang hoạt động và ký kết thỏa ước lao động. 

 Bộ Luật lao động năm 1994 (hết hiệu lực thi hành) quy định về chủ thể có thẩm quyền không phải là Tòa án. Theo Điều 48 – Luật này quy định :

  • Việc tuyên bố hủy bỏ các thỏa ước tập thể bị coi là vô hiệu trong trường hợp Toàn bộ nội dung thỏa ước trái pháp luật thì thuộc thẩm quyền của cơ quan lao động cấp tỉnh.
  • Đối với các thỏa ước tập thể trong các trường hợp như: người ký kết thỏa ước không đúng thẩm quyền; không tiến hành theo đúng trình tự ký kết; không đăng ký ở cơ quan lao động cấp tỉnh, nếu nội dung đã đăng ký có lợi ích cho người lao động thì cơ quan lao động cấp tỉnh hướng dẫn để các bên làm lại cho đúng quy định, nếu không làm lại thì bị cơ quan lao động cấp tỉnh tuyên bố hủy bỏ.

Như vậy, so với quy định của Bộ Luật lao động năm 1994 hết hiệu lực thi hành Bộ Luật lao động năm 2012 trở đến năm 2019 quy định cơ quan có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu là Tòa án nhân dân còn các Cơ quan chức năng khác chỉ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu khi có căn cứ xác thực thỏa ước lao động vô hiệu theo quy định.

 

5. Quy định vè ký kết thỏa ước lao động tập thể mới nhất 

– Lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể :

  •  Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành ;
  •  Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Thỏa ước lao động tập thể ngành chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành ;
  •  Đối với thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Chỉ những doanh nghiệp có trên 50% số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành mới tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp.

– Hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể : Thỏa ước lao động tập thể sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày mà các bên ghi nhận trong thỏa ước, và hiệu lực sẽ bắt đầu từ ngày ký kết nếu trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác làm phát sinh quyền và nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Ngoài ra, nếu trong trường hợp nội dung của thỏa ước trái với các quy định của pháp luật ban hành thì thỏa ước đó sẽ được coi là vô hiệu. Thỏa ước có thể bị vô hiệu từng phần hoặc bị vô hiệu toàn bộ tùy theo từng trường hợp thực tế.

– Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể : Căn cứ theo Điều 83 – Bộ Luật lao động năm 2019 quy định về thời hạn cụ thể như sau :

  • Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể là từ 01 năm – 03 năm. Khoảng thời hạn cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể thì các bên có quyền thỏa thuận về thời hạn khác nhau ;
  • Trước khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn 90 ngày thì các bên tham gia ký kết có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể mới. Nếu các bên thỏa thuận với nhau về việc kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể thì phải tiến hành lấy ý kiến của người lao động theo quy định ;
  • Trường hợp đang trong quá trình các bên tiếp tục thương lượng mà thỏa ước lao động tập thể hết hạn thì thỏa ước lao động tập thể cũ đó vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.0191 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời. Hy vọng những thông tin trên chúng tôi cung cấp sẽ hỗ trợ sẽ giúp bạn trong việc đảm bảo quyền lợi của các bên trong việc thỏa ước lao động tập thể hoặc xác định trường hợp nào thì thỏa ước lao động bị tuyên vô hiệu. Trong trường hợp bài viết có nội dung nhầm lẫn hoặc bạn có thắc mắc về vấn đề này xin vui lòng liên hệ qua email: [email protected], để được hỗ trợ nhanh nhất. Xin chân thành cảm ơn!