Xin quý công ty cho tôi hỏi: Hiện tôi đã lấy vợ được ba năm có hai con nhưng gia đình nghi không phải là con của tôi nên đã lấy mẫu đi xét nghiệm ADN và kết quả là không phải con của tôi nên tôi muốn viết đơn ly dị và kiện người vợ của tôi để bắt bồi thường những gì mà tôi đã chu cấp trong thời gian vợ tôi có bầu đến nay, vậy xin cho tôi hỏi tôi phải làm thế nào?
Xin cảm ơn!
Người gửi: Trần Quang Trung
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luậtcủa Công ty Luật LVN Group.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: – 1900.0191
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục tư vấn pháp luật của công ty. Vấn đề của bạn xin được tư vấn như sau:
Yêu cầu xác nhận không phải con:
Trước hết bạn có thể gửi đơn tới Tòa án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn đang thường trú. Kèm theo đơn bạn phải cung cấp các chứng cứ cho Tòa án để Tòa án xem xét việc từ chối nhận con của bạn là có cơ sở cụ thể ở đây là bản AND mà bạn đã xét nghiệm theo quy định tại điều 64 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 và mục 5 nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành ngày 23/12/2000, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Theo đó nếu có ly hôn bạn sẽ không phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với hai con.
Về căn cứ ly hôn:
Khoản 1, Điều 89, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn”. Nếu cuộc hôn nhân của bạn rơi vào các căn cứ được quy định tại điều luật trên, Tòa án sẽ ra bản án hoặc quyết định ly hôn.
Mục 8, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành ngày 23/12/2000, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, giải thích như sau:
1. Được coi là tình trạng hôn nhân của vợ chồng trầm trọng khi:
– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hòa giải nhiều lần;
– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần;
– Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại mục 1 nêu trên. Nếu thực tế cho thấy vợ chồng đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Trường hợp của bạn: bạn phát hiện ra hai con không phải con của bạn qua xét nghiệm AND. Như vậy ở đây đã xuất hiện căn cứ để Tòa xử ly hôn là “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt”. Nếu bạn và vợ không còn tình cảm, không muốn tiếp tục cuộc sống hôn nhân thì có thể làm đơn ly hôn.
Thủ tục ly hôn:
Theo khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn như sau: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”
Như vậy bạn có thể làm đơn xin ly hôn đơn phương nộp tại Tòa án quận huyện nơi vợ bạn cư trú hoặc tạm trú hoặc nếu cả hai đều đồng ý ly hôn thì làm đơn đồng thuận xin ly hôn tại Tòa án nơi một trong hai cư trú, tạm trú.
Hồ sơ xin ly hôn đơn phương bao gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
+ Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);
+ Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của nguyên đơn và bị đơn;
+ Đơn xin ly hôn (Theo mẫu)
+ Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở…
Hồ sơ xin ly hôn thuận tình:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
+ Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);
+ Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
+ Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (Theo mẫu của từng Tòa)
Còn đối với mong muốn khởi kiện và bồi thường những gì mà bạn đã chu cấp trong thời gian vợ bạn có bầu đến nay thì hiện tại pháp luật hôn nhân gia đình chưa có quy định về bồi thường chu cấp trong thời gian hôn nhân. Pháp luật chỉ giải quyết đối với vấn đề ly hôn, quyền nuôi con, tranh chấp tài sản, tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng. Bởi vậy, việc này chỉ có thể giải quyết bằng việc vợ chồng bạn thỏa thuận với nhau.
Trân trọng./.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – CÔNG TY LUẬT LVN GROUP
———————————————
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động;
3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;
2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;