1. Công lý là gì?
Ở Việt Nam, khái niệm “công lý” được hiểu tương đương với thuật ngữ ‘justice’ trong tiếng Anh. Từ điển Cambridge giải thích justice là sự công bằng trong đối xử; hay là hệ thống pháp luật của một nước; hoặc là bản chất của công bằng và quyền. Trong các từ điển Tiếng Việt, công lý được định nghĩa là: “ .. lẽ phải, lẽ công bằng, vô tư, khách quan, không thiên lệch”, “.. sự nhận biết đúng đắn và tôn trọng theo lẽ phải các quyền lợi ích chính đáng của mọi người”; công lý thường được hiểu trong mối liên hệ với pháp luật và tòa án: “Pháp luật, tòa án là hiện thân của công lý”….
Công lý là một khái niệm có nội hàm rộng và trừu tượng, khó có thể đưa ra một định nghĩa chung cho tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, thông qua những cách hiểu của các nhà khoa học trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có thể rút ra những thuộc tính cơ bản nhất của khái niệm công lý, đó là công bằng, đạo đức, pháp luật. Công lý về mặt cá nhân được xem như một phẩm hạnh cao cả, còn về mặt xã hội được xem như là mục tiêu hay giá trị hướng tới của xã hội để tạo ra sự ổn định và phát triển. Xét từ góc độ pháp lý, công lý tồn tại độc lập và song song với pháp luật. Nếu như pháp luật hình thành và phát triển để tạo chỗ đứng cho công lý thì công lý là thước đo giá trị cho hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia.
2. Công lý và hoạt động tư pháp có mối liên hệ như thế nào?
Theo nhận thức phổ biến trên thế giới hiện nay, nói đến cơ quan tư pháp là nói đến tòa án; hoạt động tư pháp cơ bản là hoạt động xét xử của tòa án. Theo cách tiếp cận đó, hoạt động tư pháp có tính độc lập, tuy có sự ảnh hưởng và tác động qua lại với các hoạt động lập pháp và hành pháp. Mức độ và cách thức ảnh hưởng phụ thuộc vào một số yếu tố như nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, văn hóa chính trị, pháp lý, điều kiện thực tế,… của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, nhận thức về hoạt động tư pháp có sự thay đổi nhất định theo thời gian. Trước đây, Hiến pháp năm 1946 quy định cơ quan tư pháp là tòa án và hoạt động tư pháp được hiểu thuần túy là hoạt động xét xử của Tòa án. Cách hiểu này cũng được ủng hộ bởi một số nhà nghiên cứu hiện nay, khi cho rằng hoạt động tư pháp chỉ nên xem là hoạt động xét xử của Tòa án. Tòa án thực hiện quyền tư pháp thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, quyết định áp dụng pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật.
Tuy nhiên, có một thời kỳ dài quan niệm về cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp ở nước ta đã được mở rộng ra nhiều cơ quan khác và hoạt động khác, bao gồm cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát, thi hành án và một số thiết chế bổ trợ tư pháp. Hiến pháp năm 2013 đã phần nào quay trở lại cách tiếp cận của Hiến pháp năm 1946 khi đề cập đến quyền tư pháp và quy định Tòa án là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp”. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 2013: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp”. Dù vậy, theo quan niệm ở Việt Nam hiện nay, tuy là cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhưng Tòa án không phải là cơ quan duy nhất thực hiện các hoạt động tư pháp. Và khái niệm hoạt động tư pháp không chỉ bao gồm hoạt động xét xử của tòa án. Theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, khái niệm hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động xét xử của tòa án và hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra, hoạt động công tố và kiểm sát của Viện Kiểm sát; hoạt động của các cơ quan thi hành án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động và kể cả một số hoạt động khác nhằm giải quyết các quan hệ pháp luật phát sinh trong thực tế nhằm bảo vệ các quyền của Nhà nước, của tổ chức và của công dân.
Mặc dù về mặt khoa học vẫn còn những ý kiến khác nhau về các khái niệm quyền tư pháp và đặc biệt là hoạt động tư pháp, nhưng dù hiểu theo nghĩa nào thì mục đích của việc thực hiện quyền tư pháp và hoạt động tư pháp vẫn là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bên cạnh việc bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội.
Bảo vệ công lý là mục tiêu có tính chất nguyên thủy và truyền thống của tòa án – chủ thể chính trong hoạt động tư pháp. Trong lịch sử nhà nước và pháp luật của nhân loại, tư pháp – mà biểu trưng là tòa án – luôn được xem là thành trì bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền con người của tất cả mọi người trước các hành vi lạm dụng hoặc vi phạm bởi tất cả các chủ thể khác, bao gồm cơ quan, quan chức nhà nước. Con người sống thành cộng đồng, xã hội nên ắt hẳn sẽ có mâu thuẫn nảy sinh, vì thế tạo ra nhu cầu về sự phân giải để giữ gìn sự bình an của xã hội, nhiệm vụ đó được giao cho tòa án. Hệ thống tư pháp nói chung hay tòa án nói riêng chính là kết quả được tạo ra từ những nhu cầu đó của cộng đồng. Tòa án được xem là hiện thân của công lý, bởi đó là thiết chế do con người tạo ra nhằm mục đích bảo vệ lẽ công bằng trong xã hội. Vì vậy, việc xét xử của tòa án – và theo nghĩa rộng hơn là mọi hoạt động tư pháp – phải dựa trên nền tảng và nhằm mục đích bảo vệ công lý.
3. Vấn đề công lý trong Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam
3.1. Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 49) xác định mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh và bảo vệ công lý. Nghị quyết nêu rõ, hoạt động tư pháp mà trong đó Tòa án giữ vị trí trung tâm và công tác xét xử là hoạt động trọng tâm cần phải được tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng, bảo đảm hiệu quả cao. Các thủ tục hành chính và quy trình tố tụng cần phải được tiếp tục hoàn thiện để tạo cơ chế tiếp cận công lý hữu hiệu, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.
Nội dung của Nghị quyết số 49 cho thấy, bảo vệ công lý là mục tiêu và nhiệm vụ của toàn bộ các cơ quan tư pháp, trong mọi hoạt động tư pháp, chứ không chỉ của Tòa án và không chỉ trong hoạt động xét xử; bảo vệ công lý là một trong những tiêu chí để xác định mức độ thành công của việc xây dựng nền tư pháp thông qua cải cách tư pháp (cùng với các tiêu chí khác như trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại..); để đạt được mục tiêu bảo vệ công lý, có hai vấn đề cần chú trọng, đó là các điều kiện để người dân tiếp cận công lý (thông qua đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp) và nâng cao phẩm chất và bản lĩnh đấu tranh vì công lý của đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp (thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng).
Có thể thấy rằng, quan niệm về bảo vệ công lý trong Nghị quyết số 49 khá toàn diện và đã đi sâu vào hai yêu cầu cốt lõi, đó là thủ tục tố tụng và chủ thể thực hiện thủ tục tố tụng. Đây là hướng tiếp cận đúng, bởi lẽ xét đến cùng, công lý chỉ có thể được thực hiện khi có các thủ tục tố tụng công bằng và những con người thực hiện thủ tục đó một cách nghiêm túc, khách quan, vô tư.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 49, Nhà nước đã tiến hành nhiều biện pháp để cải cách tư pháp và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Nền tư pháp của nước ta đã từng bước phát triển theo hướng trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động xét xử của Tòa án từng bước được củng cố theo hướng dân chủ và nghiêm minh.
3.2. Vấn đề còn tồn tại về bảo vệ công ý trong cải cách tư pháp
Bên cạnh đó, nền tư pháp của nước ta hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để có thể đạt được mục tiêu quan trọng đề ra trong Nghị quyết số 49, đó là bảo vệ công lý. Có thể nêu một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, sự thiên lệch trong cách tiếp cận về cải cách tư pháp.
Nghị quyết số 49 xác định, việc cải cách tư pháp tập trung vào hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử của Tòa án. Cách tiếp cận đó đúng nhưng chưa đủ, đặc biệt là để bảo vệ công lý. Do cách tiếp này nên trong những năm qua, cải cách tư pháp ở nước ta có xu hướng tập trung vào cải cách hoạt động xét xử, chưa quan tâm đúng mức đến cải cách các hoạt động điều tra, truy tố, thi hành án. Trong khi đó, để bảo vệ công lý, cần thiết phải cải cách một cách đồng bộ tất cả các hoạt động tư pháp, bao gồm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua nhiều vụ án oan sai xuất phát từ các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, và vẫn xảy ra nhiều vụ vi phạm quyền con người ở các cơ sở giam giữ.
Thứ hai, vẫn còn những rào cản với việc bảo vệ công lý của Tòa án.
– Rào cản về tính độc lập của Tòa án
Tính độc lập là yêu cầu cơ bản để Tòa án có thể đóng vai trò người bảo vệ công lý. Chỉ khi được bảo đảm tính độc lập, Tòa án mới có thể xét xử một cách vô tư và công bằng. Tư pháp độc lập (hay tòa án độc lập) là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền, song đồng thời cũng là một nguyên tắc dễ bị vi phạm nhất.
Ở nước ta, “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013; Điều 23 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Mặc dù đây là nội dung cốt lõi, song quy định này chưa bao giờ chứa tất cả nội hàm của nguyên tắc về tính độc lập của tòa án. Chính vì vậy, trong thực tế, một số nội dung quan trọng của nguyên tắc này chưa được tôn trọng đầy đủ. Cụ thể, nguyên tắc độc lập của tòa án đòi hỏi hoạt động xét xử của tòa án phải được độc lập với các cơ quan nhà nước khác (Quốc hội/HĐND, Chính phủ/UBND, Viện Kiểm sát..), cũng như với các thiết chế khác của hệ thống chính trị. Tính độc lập của tòa án cũng đòi hỏi việc xét xử của tòa án phải độc lập với cơ quan tòa án cấp trên. Tuy nhiên, hiện tại trong hoạt động của hệ thống tòa án vẫn tồn tại tình trạng “thỉnh thị án”. Điều này vô hình trung đã làm giảm đi tính độc lập của tòa án, đồng thời tạo ra những rủi ro với việc bảo vệ công lý của tòa án.
Ngoài ra, rào cản về tính độc lập của Tòa án còn đến ngay từ quy định Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Quy định này, cùng với nguyên tắc tòa án xét xử tập thể, đòi hỏi tất cả các thành viên của Hội đồng xét xử, bao gồm Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, với tư cách mỗi cá nhân riêng biệt, phải có suy nghĩ, nhận định và đưa ra các ý kiến một cách độc lập để bảo đảm tính khách quan, tính hợp pháp trong hoạt động xét xử nói chung và kết quả của bản án nói riêng. Về vấn đề này, Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 đã nêu rõ: “Các thành viên Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số từng vấn đề… Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án”. Mặc dù vậy, trong thực tế, do trình độ chuyên môn hạn chế và một số lý do khác nên nhiều Hội thẩm thường phụ thuộc vào ý kiến của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, khi nghị án. Việc các hội thẩm (chiếm đa số trong các vụ án hình sự sơ thẩm) thiếu tính độc lập cũng tạo nên một sự rủi ro với việc bảo vệ công lý, khi mà phán quyết về vụ án bị chi phối bởi một người là thẩm phán.
– Rào cản về trình độ, năng lực và tính liêm chính của Thẩm phán và cán bộ tòa án
Một trong những phát hiện chính của Dự án khảo sát chỉ số công lý do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với UNDP thực hiện năm 2015 là: Việc tiếp cận tòa án của người dân còn nhiều hạn chế do sự thiếu công tâm của thẩm phán và cán bộ tòa án. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến trong thực tế có nhiều người dân và doanh nghiệp chọn các phương án giải quyết tranh chấp khác, kể cả phương án trưng cầu dịch vụ của các công ty chuyên đòi nợ thuê, thay vì tiếp cận với tòa án. Nguyên nhân, như khảo sát đã chỉ ra, là do việc tiếp cận tòa án mất nhiều chi phí, thời gian, xuất phát từ sự công tâm của thẩm phán và cán bộ tòa án còn hạn chế. Cụ thể, trong các yếu tố ảnh hưởng tới việc không lựa chọn khởi kiện trong tranh chấp thương mại được nêu trong Dự án kể trên, có hai yếu tố chiếm tỷ lệ cao nhất chính là “Thiếu công tâm của Thẩm phán, cán bộ tòa án” (chiếm 34,3%) và “Thủ tục giải quyết tại tòa phức tạp, mất nhiều thời gian” (chiếm 39,9%).
Liên quan đến vấn đề trên, theo Báo cáo tổng kết của ngành Tòa án, trong năm 2019, qua giám sát, TANDTC phát hiện sai phạm và tạm dừng bổ nhiệm lại với 33 Thẩm phán; không xem xét bổ nhiệm lại 10 Thẩm phán; cách chức 01 trường hợp; đồng thời đã xử lý kỷ luật 43 công chức TAND địa phương do có hành vi vi phạm. Báo cáo cũng nêu rõ “vẫn còn một số Thẩm phán, công chức Tòa án thiếu trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nên có vi phạm và hiệu quả công tác chưa tốt”.
Thứ ba, vẫn còn những “điểm nghẽn tư duy” về một số nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.
Các nguyên tắc tiến bộ về tố tụng hình sự mà được cộng đồng quốc tế công nhận và áp dụng chính là để bảo vệ công lý, thông qua việc bảo đảm sự công bằng và các quyền con người trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Mặc dù Hiến pháp và pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành đã ghi nhận hầu hết các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự mà được nêu trong pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều quốc gia, song cách hiểu và áp dụng một số nguyên tắc này chưa thực sự thống nhất, và có những khía cạnh chưa phù hợp với bản chất của chúng, cũng như với thông lệ chung trên thế giới, cụ thể như sau:
– Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được quy định tại Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015, theo đó phạm vi tranh tụng không chỉ trong giai đoạn xét xử mà bắt đầu ngay từ giai đoạn khởi tố, xuyên suốt qua các giai đoạn điều tra, truy tố đến giai đoạn xét xử. Tuy nhiên, tranh tụng được thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn xét xử mà cụ thể là trong phần thủ tục tranh luận tại phiên tòa. Trong vấn đề này, việc pháp luật Việt Nam quy định rõ các bên tham gia tố tụng, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án là một bước tiến bộ lớn, đảm bảo cho các bên có điều kiện tranh tụng hiệu quả – là một yếu tố quan trọng để bảo vệ công lý.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn chưa thể hiện rõ ràng và đầy đủ một số nội dung của nguyên tắc tranh tụng như: Hoạt động tố tụng phải được tiến hành dựa trên cơ sở tranh tụng giữa các bên; bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trước tòa án; xác định vị trí, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia tố tụng, tách bạch rõ ràng theo chức năng trong tố tụng, cụ thể các chức năng buộc tội, bào chữa, xét xử độc lập với nhau; Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, không thuộc về bên buộc tội hay gỡ tội, Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Ngoài ra, “tên gọi của điều luật cần thể hiện tranh tụng bao hàm cả giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử”.
Những hạn chế nêu trên làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ công lý trong tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Trên thế giới có hai mô hình tố tụng chủ yếu là tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng (còn gọi là mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm và tố tụng công bằng). Hiện tại, tố tụng hình sự Việt Nam, về danh nghĩa, đang kết hợp áp dụng cả hai mô hình nêu trên, song trong thực tế vẫn nghiêng về tố tụng xét hỏi. Mặc dù Nghị quyết số 49 không khẳng định chuyển đổi hoàn toàn mô hình tố tụng hiện nay sang tố tụng tranh tụng, mà chỉ xác định “mở rộng tranh tụng tại phiên tòa”, nhưng chúng tôi cho rằng, việc chuyển đổi sang mô hình tố tụng tranh tụng là điều kiện bắt buộc để hiện thực hoá đầy đủ mục tiêu bảo vệ công lý được nêu trong Nghị quyết số 49. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần có lộ trình phù hợp, bởi lẽ chuyển đổi mô hình tố tụng không thể chỉ là mong muốn chủ quan mà cần có sự chuẩn bị nhiều mặt, trong đó đặc biệt chú ý tới các điều kiện kinh tế – xã hội, năng lực cơ quan tiến hành tố tụng và cả ý thức pháp luật của xã hội để mô hình đó phát huy hiệu quả trong thực tế.
– Nguyên tắc suy đoán vô tội
Trong số các nguyên tắc của tố tụng hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội đóng vai trò hết sức quan trọng, được xem là trụ cột hay xương sống của hệ thống pháp luật tố tụng hình sự ở các nước văn minh. Suy đoán vô tội cũng là một trong những nội dung của nguyên tắc (hoặc quyền) xét xử công bằng (right to a fair trial) theo luật nhân quyền quốc tế.
Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Những quy định này cho thấy, trong pháp luật Việt Nam, nguyên tắc suy đoán vô tội bao gồm nội dung sau: (i) Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; (ii) Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh nhưng có quyền đưa ra chứng cứ và các yêu cầu chứng minh họ không phạm tội hoặc có những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; (ii) Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Đối chiếu với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế về nguyên tắc suy đoán vô tội, quy định tại khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 và Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015 của Việt Nam cơ bản là tương thích. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội còn bộc lộ những hạn chế sau: tư duy của cơ quan và người tiến hành tố tụng coi người bị cáo buộc phạm tội là người có tội; tình trạng tuân thủ không nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; tình trạng kết tội khi không đủ chứng cứ thuyết phục.
Trong số các hạn chế nêu trên, có thể thấy hạn chế cuối cùng thể hiện rõ nét nhất “nút thắt tư duy” về nguyên tắc suy đoán vô tội của các cơ quan và người tiến hành tố tụng ở nước ta. Ở đây, nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi phải làm sáng tỏ mọi nghi ngờ về tội phạm của người bị cáo buộc phạm tội trước khi kết tội. Trong trường hợp không thể xoá bỏ hết những nghi ngờ đó thì cần phải coi là chưa đủ căn cứ để kết tội họ.
– Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa
Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội là một trong các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 16 Bộ luật TTHS năm 2015. Nguyên tắc này cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bởi lẽ nó giúp tăng cường và cân bằng khả năng bảo vệ của người bị buộc tội trước những cáo buộc chống lại họ của công tố viên.
Dù vậy, đối với phần lớn người bị buộc tội, hiệu quả của nguyên tắc này phụ thuộc rất nhiều vào Luật sư của LVN Group. Hiện tại, Điều 16 Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định rõ: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư của LVN Group hoặc người khác bào chữa.
Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”.
Để phát huy hết giá trị của nguyên tắc tranh tụng, đòi hỏi tất cả các vụ án đều phải có Luật sư của LVN Group tham gia. Việc Luật sư của LVN Group tham gia tất cả các vụ án hình sự trước hết là để bảo đảm quyền tiếp cận công lý. Bởi lẽ, khi có Luật sư của LVN Group tham gia, thông thường vụ án sẽ được xét xử cẩn trọng và chính xác hơn do có sự trao đổi, tranh luận với ý kiến của nhiều bên. Bên cạnh đó, sự tham gia của Luật sư của LVN Group sẽ giúp nâng cao vai trò và tạo điều kiện cho các Luật sư của LVN Group trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, góp phần bảo vệ công lý hiệu quả.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu nêu trên cần phải có thời gian và lộ trình phù hợp nhằm phát triển số lượng và chất lượng đội ngũ Luật sư của LVN Group. Đây là một thách thức lớn ở nước ta khi theo thống kê vào năm 2017, cả nước mới có hơn 12.500 Luật sư của LVN Group. Số lượng Luật sư của LVN Group này mới chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại các vụ án hình sự (theo Báo cáo của TANDTC năm 2018, các TAND thụ lý 83.118 vụ án hình sự với 141.869 bị cáo).
4. Một số đề xuất
Sau 15 năm thực thi Nghị quyết số 49 (từ năm 2005 đến nay), cải cách tư pháp đã đạt được khá nhiều thành tựu đáng khích lệ, qua đó góp phần bảo vệ công lý trong hoạt động tư pháp một cách hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều hạn chế cần giải quyết để thúc đẩy cải cách tư pháp ở nước ta lên một bước mới, qua đó bảo vệ công lý một cách vững chắc và toàn diện, trong mọi hoạt động và giai đoạn của tố tụng tư pháp, đặc biệt là tố tụng hình sự.
Trong thời gian tới, trên tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết số 49, cần tiếp tục cải cách thủ tục tố tụng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với Luật sư của LVN Group, tòa án và các thiết chế khác để tìm kiếm công lý. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện cơ chế bảo vệ các quyền con người trong tố tụng, đặc biệt là các quyền bào chữa, quyền khiếu nại, tố cáo, kháng cáo và các quyền khác mà cho phép bị can, bị cáo được xét xử công bằng.
Đặc biệt, để bảo vệ công lý hiệu quả, nhất thiết phải củng cố năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp. Việc này đòi hỏi cần hoàn thiện khung khổ pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, giám sát, đánh giá và khen thưởng, kỷ luật… đội ngũ cán bộ này, trong đó cần lồng ghép tiêu chí tôn trọng và bảo vệ công lý vào tất cả các quy định có liên quan.
Cuối cùng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về các nguyên tắc tố tụng cơ bản trong pháp luật tố tụng hình sự, đặc biệt là nguyên tắc có vai trò nền tảng trong việc bảo vệ công lý, như nguyên tắc về tính độc lập của tòa án, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội.., theo hướng tháo gỡ các “nút thắt tư duy” để hiểu và áp dụng các nguyên tắc này chính xác, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập