Luật sư tư vấn:

1. Cơ sở pháp lý về làm rõ gói thầu mua sắm 

– Luật đấu thầu năm 2013;

– Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa do bộ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư ban hành;

 

2. Nội dung công văn yêu cầu làm rõ E-HSDT

Trong công văn số 53/CV-GL của công ty Cổ Phần tư vấn ABC về việc làm rõ E-HSDT gói thầu chi phí mua sắm văn phòng phẩm thuộc công trình mua sắm văn phòng phẩm sử dụng tại Trung tâm Y tế huyện. Công văn này yêu cầu làm rõ hai nội dung: Thứ nhất, về kết quả hoạt động tài chính. Thứ hai, năng lực kinh nghiệm của Nhà thầu.

Điều 16 Luật đấu thầu năm 2013 quy định như sau:

“Điều 16. Điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu

1. Cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu và có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của gói thầu, dự án, trừ cá nhân thuộc nhà thầu, nhà đầu tư.

2. Cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu, ban quản lý dự án chuyên nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu”.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều này, sau khi mở thầu nhà thầu (công ty TNHH XYZ) có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu (Công ty CP tư vấn thiết ABC).

Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu. Trong công văn làm rõ E-HSDT của công ty CP tư vấn thiết kế ABC yêu cầu công ty TNHH XYZ làm rõ hai nội dung. Luật LVN Group dựa trên quan điểm của mình để đánh giá về hai yêu cầu làm rõ, bổ sung đó như sau:

 

2.1 Làm rõ kết quả hoạt động tài chính

Tại công văn số 53/CV-GL bên mời thầu (Công ty CP tư vấn thiết kế ABC) yêu cầu nhà thầu (công ty TNHH XYZ) bổ sung làm rõ (scan bản gốc): Văn bản xác nhận của cơ quan thuế là đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đến hết Qúy 1/2020 (Ngày 31/3/2020) không còn nợ thuế.

Theo hướng dẫn tại khoản 2.1 Mục 2 Chương III của Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa (mẫu số 01) ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì năng lực tài chính của nhà thầu được đánh giá thông qua các tiêu chí như giá trị tài sản ròng năm gần nhất phải dương; doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu.

Đồng thời, tại hồ sơ mời thầu của bên mời thầu cũng thể hiện rõ yêu cầu: “Nhà thầu kê khai số liệu tài chính theo báo cáo tài chính từ năm 2017 đến năm 2019 để cung cấp thông tin chứng minh tình hình tài chính lành mạnh của nhà thầu.

Kèm theo: Văn bản xác nhận của cơ quan thuế là đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đến Qúy 1/2020 không còn nợ thuế (Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh ngày chuyển tiền nộp thuế tại Kho bạc hoặc Ngân hàng nơi nhà thầu mờ tài khoản đề chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của nhà thầu).

Do đó, nếu hồ sơ dự thầu của quý khách chưa làm rõ được nội dung tài chính này, bên mời thầu (Công ty CP tư vấn thiết kế ABC) yêu cầu làm rõ và cụ thể là bổ sung bản xác nhận của cơ quan thuế là đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đến Qúy 1/2020 không còn nợ thuế hoàn toàn có căn cứ. Vì việc Nhà thầu yêu cầu bổ sung tài liệu này không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.

 

2.2 Năng lực kinh nghiệm của Nhà thầu.

Bên mời thầu yêu cầu Nhà thầu bổ sung làm rõ (scan bản gốc): Hồ Bích Ngọc – Quyết định bổ nhiệm quản lý chung kèm theo bản Scan: Hợp đồng, biên bản nghiệm thu bàn giao thiết bị hoặc biên bản thanh lý hợp đồng, xác nhận chủ đầy tư của công trình (gói thầu) mà nhân sự đã từng phụ trách với chức danh tương ứng).

Điều 15 Thông tư số 04/2017/TT- BKHĐT quy định như sau:

Điều 15. Đánh giá E-HSDT

1. Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và tải E-HSDT của các nhà thầu để tổ chức đánh giá. Việc đánh giá E-HSDT được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và tiêu chuẩn đánh giá nêu trong E-HSMT.

2. E-HSMT, biên bản mở thầu, E-HSDT, kèm theo các văn bản làm rõ E-HSMT, E-HSDT là cơ sở pháp lý để đánh giá E-HSDT của nhà thầu.

3. Trường hợp có sự sai khác giữa thông tin về bảo đảm dự thầu, thỏa thuận liên danh mà nhà thầu kê khai trên Hệ thống và thông tin trong file quét (scan) thư bảo lãnh, thỏa thuận liên danh thì căn cứ vào thông tin trong file quét (scan) thư bảo lãnh dự thầu, thỏa thuận liên danh để đánh giá.

4. Trường hợp có sự khác biệt giữa thông tin trong file đính kèm E-HSDT do nhà thầu nộp trên Hệ thống và các thông tin kê khai trong webform thì thông tin trong webform là cơ sở để đánh giá E-HSDT, trừ trường hợp nêu tại khoản 3 Điều này.

5. Đối với các nội dung về năng lực và kinh nghiệm, việc đánh giá E-HSDT được thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT mà không yêu cầu nhà thầu phải đính kèm file tài liệu chứng minh. Trường hợp phát hiện nhà thầu kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị coi là có hành vi gian lận quy định tại khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu và sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải nộp các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT.

6. Quy trình đánh giá E-HSDT:

Căn cứ vào E-HSDT của các nhà thầu đã nộp trên Hệ thống và phương pháp đánh giá E-HSDT quy định trong E-HSMT, bên mời thầu chọn 01 trong 02 quy trình đánh giá E-HSDT dưới đây cho phù hợp để đánh giá E-HSDT:

a) Quy trình 01: áp dụng đối với phương pháp “giá đánh giá” và “giá thấp nhất”:

– Bước 1: Đánh giá tính hợp lệ E-HSDT.

– Bước 2: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.

– Bước 3: Đánh giá về kỹ thuật.

– Bước 4: Xếp hạng nhà thầu.

b) Quy trình 02: áp dụng đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đánh giá E-HSDT theo phương pháp “giá thấp nhất” và các E-HSDT đều không có bất kỳ ưu đãi nào:

– Bước 1: Xếp hạng nhà thầu theo giá dự thầu thấp nhất (không phải phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu theo Điều 16 Thông tư này);

– Bước 2: Đánh giá tính hợp lệ E-HSDT của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;

– Bước 3: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;

– Bước 4: Đánh giá về kỹ thuật của nhà thầu xếp hạng thứ nhất.

Trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất không đáp ứng thì thực hiện các bước đánh giá nêu trên đối với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.

7. Làm rõ E-HSDT: bên mời thầu và nhà thầu tiến hành làm rõ E-HSDT trực tiếp trên Hệ thống.

8. Tổ chuyên gia vận dụng Mẫu báo cáo đánh giá (mẫu số 1) ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lập báo cáo đánh giá E-HSDT.

Theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 7 Điều 15 Thông tư số 04/2017/TT- BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đối với các nội dung về năng lực và kinh nghiệm, việc đánh giá E-HSDT được thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT mà không yêu cầu nhà thầu phải đính kèm file tài liệu chứng minh. Trường hợp cần làm rõ E-HSDT thì bên mời thầu và Nhà thầu tiến hành làm rõ E-HSDT trực tiếp trên Hệ thống.

Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải nộp các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT.

Trường hợp phát hiện nhà thầu kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị coi là có hành vi gian lận quy định tại khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu và sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Như vậy, trong trường hợp này đối với nội dung về năng lực kinh nghiệm Nhà thầu, cụ thể là đánh giá nhân sự bà Hồ Bích Ngọc thì bên mời thầu và Nhà thầu tiến hành làm rõ E-HSDT trực tiếp trên Hệ thống. Đến khi Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải nộp các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT. Điều này cũng tạo sự thuận lợi cho hai bên, tránh các thủ tục và hạn chế các chi phí không đáng có trong quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu.

Nếu quý khách có thể làm rõ nội dung dung này trên hệ thống thì đáp ứng nội dung về năng lực kinh nghiệm của Nhà thầu.

Kết luận: Đối với yêu cầu làm rõ E-HSDT gói thầu Chi phí mua sắm văn phòng phẩm thuộc công trình mua sắm văn phòng phẩm sử dụng tại trung tâm y tế huyện. Yêu cầu thứ nhất có cơ sở, vì vậy quý khách cần bổ sung làm rõ. Yêu cầu thứ hai, bên mời thầu và Nhà thầu tiến hành làm rõ E-HSDT trực tiếp trên Hệ thống. Đến khi Nhà thầu (quý khách) được mời vào thương thảo hợp đồng thì lúc đó quý khách sẽ phải nộp các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu (quý khách) đã kê khai trong E-HSDT.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi, Hãy gọi: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật đấu thầu trực tuyến. Trân trọng cảm ơn!