Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự bao gồm: bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chứ có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án, người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ. Chế độ tạm giam là chế độ quản lý giam giữ người bị tạm giam và đây là chế độ ăn, ở, sinh hoạt,…. Người bị tạm giam sẽ bị giam giữ tại trại tạm giam, nhà tạm giữ hay buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng. 

Việc áp dụng biện pháp tạm giam sẽ làm hạn chế một số quyền nhân thân cơ bản của người bị tạm giam. Nhà nước luôn có chính sách mở rộng đối với công dân trên cả nước đặc biệt là đối với những người bị tạm giam để nhằm bảo vệ được những lợi ích, quyền lợi của họ. 

 

1. Chế độ của người bị tạm giam

Người bị tạm giam sẽ được cơ sở giam giữ cung cấp thức ăn, quần áo, tư trang theo đúng quy định tại Nghị định 120/2017/NĐ-CP của chính phủ. Cụ thể tại chương II của Nghị định quy định chi tiết về chế độ ăn, ở, chăm sóc ý tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ.

 

1.1. Chế độ ăn, ở của người bị tạm giam

Theo Điều 4 Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định về định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Theo đó, trong một tháng định mức ăn của người tạm giam sẽ gồm: 17 kg gạo tẻ (loại trung bình); 0,5 kg đường loại trung bình; 15 kg rau; 0,7 kg thịt; 0,8 kg cá; 1 kg muối; 0,75 lít nước chấm; 0,1 kg bột ngọt và chất đốt tương đương với 17 kg củi hoặc nếu là than thì là 15 kg than; 45 kw/h điện; 3 m3 nước để đảm bảo đầy đủ phục vụ cho việc ăn, uống và sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Định mức này là do Nhà nước cấp và quy ra tiền theo thời giá trị trường ở địa phương nơi có cơ sở giam giữ. Định mức ăn của người bị tạm giam được tính theo ngày trên cơ sở định mức ăn của người bị tạm giam.

Nếu người bị tạm giữ, tạm giam bị ốm đau, bệnh tật, thương tích thì định mức ăn của người đó sẽ do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định theo chỉ định của cơ sở y tế điều trị, nhưng không quá 02 lần so với tiêu chuẩn ăn thường ngày. 

Có thể thấy, định mức và chế độ ăn uống của người bị tạm giữ, người bị tam giam được quy định một cách nghiêm ngặt và có quy định định mức rõ ràng. Người bị tạm giam được sử dụng quà, tiền gửi lưu ký để ăn thêm nhưng không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn thường ngày. 

 

1.2. Chế độ mặc và vấn đề về tư trang

Theo điều 6 Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định cụ thể chi tiết về chế độ mặc và vấn đề tư trang của người bị tạm giam. Người bị tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt cá nhân. Nếu thiếu thì cơ sở giam giữ sẽ cho mượn theo quy định tiêu chuẩn, mỗi người sẽ được: 01 chiếu, 01 màn cá nhân, 01 đôi dép, 02 bộ quần áo dài, 01 chiếc áo ấm cho mùa đông và 01 chăn. Yêu cầu về chăn thì cũng có quy định rõ ràng: các cơ sở giam giữ từ Đà Nẵng trở vào sẽ dùng chăn sợi, từ các tỉnh Thừ Thiên – Huế trở ra dùng chăn bông không quá 01 kg. 

Ngoài ra, người bị tam giữ, người bị tạm giam sẽ được cấp 01 bàn chải đánh răng, kem đánh răng loại thường không quá 20g và 01 chiếc khăn rửa mặt. Người bị tạm giam sẽ được cấp 01 chiếc bàn chải đánh răng và kem đánh răng loại thường nặng không quá 100g dùng trong 02 tháng và 01 chiếc khăn rửa mặt dùng trong 4 tháng, mỗi tháng sẽ được cấp 0,3 kg xà phòng giặt.

Về trang phục: Cơ sở giam giữ cho người bị tạm giam, người bị tạm giữ mượn quần áo theo mẫu thống nhất: áo kiểu bludong dài tay, quần dài có chun, không đóng số và có màu xanh lam.

 

1.3. Chế độ gửi, nhận thư, sách báo và tài liệu

Tại Điều 29 của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định về chế độ gửi, nhận thư, sách báo và tài liệu của người bị tạm giữ, tạm giam. Người bị tạm giữ tạm giam chỉ được gửi hoặc nhận thư, sách, báo, tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép và chịu sự kiểm duyệt của cơ sở giam giữ.

Cùng với đó, tại Điều 10 Nghị định 120/2017/NĐ-CP cũng quy định người bị tạm giam, tạm giữ chỉ được gửi, nhận thư, sách báo và tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án và sự kiểm tra của cơ sở giam giữ. Các cơ sở giam giữ sẽ có trách nhiệm hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân và nhân thân của người bị tạm giam, tạm giữ về các quy định trong việc gửi, nhận thư, sách báo, tài liệu khi có sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.

 

1.4. Chế độ chăm sóc y tế

Tiền thuốc chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam sẽ được cấp tương đương với 02 kg gạo tẻ loại trung bình cho 01 người trong vòng 01 tháng. Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, bị tạm giam sẽ căn cứ theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh và được thanh toán theo định mức chế độ bảo hiểm y tế. 

Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thanh toán các chi phí thực tế trong việc khám bệnh, chữ bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam tại bệnh viện trong cơ sở giam giữ và trong các cơ sở y tế của Nhà nước. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giam giữ trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; xây dựng hoặc bố trí khu, buồng riêng để khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giam, phòng trực của cán bộ quản lý phù hợp với điều kiện của cơ sở khám chữa bệnh.

 

1.5. Chế độ sinh hoạt tinh thần

Cơ sở giam giữ những người bị tạm giam, tạm giữ sẽ được trang bị hệ thống truyền phát thanh. Trung bình cứ hai mươi người bị tạm giữ, tạm giam hoặc cơ sở giam giữ có dưới hai mươi người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì sẽ được cấp một tờ báo địa phương hoặc báo trung ương. 

Ngoài ra, thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức cho người bị giam giữ, người bị tạm giam nghe đài phát thanh, đọc báo. Nếu có điều kiện hơn thì các cơ sở giam giữ sẽ tổ chức cho các cá nhân bị tạm giam, tạm giữ xem chương trình truyền hình địa phương, trung ương.

 

2. Chế độ đối với người bị tạm giam là dưới dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi

2.1. Chế độ đối với người bị tạm giam dưới 18 tuổi

Chế độ ăn ở và quản lý đối với người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi thì pháp luật có quy định về mức tiêu chuẩn định lượng ăn và chế độ dinh dưỡng cũng khác biệt so với người trưởng thành. Cụ thể theo quy định tại điều 33 của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định:

– Người bị tạm giữ, tạm giam là người dưới 18 tuổi sẽ được bảo đảm về tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và sẽ được tăng thêm về thịt và cá nhưng không vượt quá 20% so với định lượng. Người dưới 18 tuổi bị tạm giữ, tạm giam sẽ được bố trí giam giữ riêng, trừ trường hợp Luật quy định cụ thể khác. 

Người dưới 18 tuổi là người đang trong độ tuổi phát triển về mặt thể chất lẫn tinh thần nên cần có đầy đủ các loại chất dinh dưỡng cũng như điều kiện để có thể phát triển toàn diện về mọi mặt. Người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên nên các cá nhân này chưa có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự, nhận biết và phát triển hết về mặt thể xác lẫn tinh thần. Chính vì vậy, Hiến pháp và các quy định pháp luật đã đưa ra các chính sách nhân đạo đối với trường hợp này nhằm giáo dục, giúp đỡ những người bị tạm giam, người bị tạm giữ dưới 18 tuổi sửa chữa sai lầm và phát triển lành mạnh để trở thành một công dân có ích cho xã hội.

– Về thời hạn tạm giam: Thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi sẽ được xác định bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

 

2.2. Chế độ đối với người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Theo quy định tại Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì người bị tạm giam là phụ nữ có thai sẽ được hưởng các chế độ như sau:

– Được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ, được chăm sóc y tế và được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm cho sức khỏe của thai phụ;

– Người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 3m2;

– Nếu người phụ nữ đến kì sinh con thì sẽ được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ;

– Cơ sở giam giữ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã – nơi mà cơ sở giam giữ đóng trụ sở có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.

Ngoài ra, người bị tạm giữ, tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải gửi con về cho nhân thân nuôi dưỡng. Nếu không có nhân thân nuôi dưỡng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giam sau khi được trả tự do sẽ được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. 

 

3. Chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam

Người bị kết án tử hình đang bị tạm giam được hưởng chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, nhận quà, gửi, nhận thư, sách, báo tài liệu như người bị tạm giam khác. Cụ thể, người bị kết án tử hình đang bị tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối,… Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, người bị tạm giam được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn thường ngày. 

Ngoài những vấn đề về ăn, uống , mặc thì người bị kết án tử hình vẫn có chế độ sinh hoạt tinh thần như những người bị tạm giam khác.  

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua số tổng đài: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng.