Căn cứ pháp lý:

– Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010;

– Nghị định 18/2005/NĐ-CP;

– Thông tư 52/2005/TT-BTC;

1. Đại hội thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Điều 17 Nghị định 18/2005/NĐ-CP quy định:

– Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Đại hội thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ bao gồm: đại hội thành lập, đại hội thường niên và đại hội bất thường.

– Đại hội thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ được tiến hành theo các quy định dưới đây:

+ Chậm nhất trong thời gian 03 (ba) tháng, kể từ ngày được Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, các thành viên sáng lập phải triệu tập đại hội thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ với thành phần tham dự bao gồm các thành viên sáng lập.

+ Đại hội thành lập sẽ thảo luận và biểu quyết các vấn đề cơ bản sau:

  • Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ;
  • Cơ cấu tổ chức, quản lý tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

+ Các quyết định được thông qua tại đại hội thành lập chỉ có giá trị khi được toàn thể các thành viên sáng lập thông qua và có sự chấp thuận của Bộ Tài chính.

– Đại hội thường niên do Hội đồng quản trị triệu tập được tổ chức ít nhất mỗi năm một lần, trong vòng 03 (ba) tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

– Đại hội bất thường của tổ chức bảo hiểm tương hỗ được tổ chức trong những trưêng hợp sau đây:

+ Đại hội bất thường do Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát của tổ chức bảo hiểm tương hỗ triệu tập để quyết định những vấn đề cần thiết, vượt quá quyền hạn của Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát theo quy định tại Nghị định 18/2005/NĐ-CP và Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

+ Trong trường hợp có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên có yêu cầu triệu tập Đại hội thành viên gửi lên Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát, thì trong vòng 15 (mười lăm ngày), kể từ ngày nhận đủ đơn hợp lệ, Hội đồng quản trị phải triệu tập đại hội thành viên. Nếu quá thời hạn này mà Hội đồng quản trị không triệu tập Đại hội thì Ban Kiểm soát phải triệu tập Đại hội bất thường để giải quyết các vấn đề nêu trong đơn.

2. Chương trình và nội dung họp Đại hội thành viên

– Người triệu tập họp Đại hội thành viên phải chuẩn bị chương trình và nội dung họp.

– Trong trường hợp Đại hội bất thường theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 của Nghị định 18/2005/NĐ-CP (Trong trường hợp có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên có yêu cầu triệu tập Đại hội thành viên gửi lên Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát), nhóm thành viên đại diện cho ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trở lên có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội thành viên. Kiến nghị phải bằng văn bản và được gửi đến tổ chức bảo hiểm tương hỗ chậm nhất 03 (ba) ngày trước ngày khai mạc. Kiến nghị phải ghi rõ tên của những thành viên ủng hộ kiến nghị và nội dung vấn đề kiến nghị đưa vào chương trình họp.

– Người triệu tập họp Đại hội thành viên chỉ có quyền từ chối kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội thành viên nếu có một trong các trường hợp sau đây:

+ Kiến nghị được gửi đến không đúng thời hạn hoặc không đủ, không đúng nội dung;

+ Vấn đề kiến nghị không thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội thành viên;

+ Những trường hợp khác quy định tại Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

3. Thông báo triệu tập Đại hội thành viên

– Chậm nhất là 10 (mười) ngày, trước khi khai mạc Đại hội thành viên, người triệu tập phải gửi giấy mời thông báo thời gian, địa điểm họp cho từng thành viên. Kèm theo giấy mời họp phải có chương trình Đại hội, các tài liệu thảo luận làm cơ sở để thông qua quyết định.

– Đại hội thành viên chỉ thảo luận và quyết định những vấn đề đã ghi trong chương trình Đại hội và những vấn đề phát sinh khi có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ đề nghị.

4. Quyền dự họp Đại hội thành viên

– Thành viên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền bằng văn bản cho một người khác dự họp Đại hội thành viên.

– Trường hợp hợp đồng bảo hiểm được chuyển nhượng trong thời gian từ ngày lập danh sách thành viên đến ngày khai mạc cuộc họp Đại hội thành viên thì người nhận chuyển nhượng có quyền dự họp Đại hội thành viên.

5. Nội dung của Đại hội thành viên

Đại hội thành viên thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong năm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ, báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát.

– Phương án hoạt động, kế hoạch kinh doanh và tài chính trong năm tiếp theo của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

– Hoàn trả vốn thành lập; trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật; giảm phí bảo hiểm cho các thành viên trong năm tài chính tiếp theo theo đề nghị của Hội đồng quản trị.

– Quyết định huy động vốn bổ sung.

– Bầu, bãi miễn các thành viên của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.

– Hợp nhất, chia tách, sáp nhập giải thể tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

– Sửa đổi, bổ sung Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

– Thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát và các chức danh khác (nếu có) của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

– Những vấn đề khác theo đề nghị bằng văn bản của Hội đồng quản trị hoặc của ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

6. Quy định về số lượng người tham dự và biểu quyết trong Đại hội thành viên

– Đại hội thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải có đủ số lượng thành viên tối thiểu tham dự theo quy định tại Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Nếu không đủ số lượng quy định thì phải tạm hoãn Đại hội; Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát phải triệu tập lại Đại hội. Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai mà vẫn không có đủ số lượng thành viên để tiến hành thì cuộc họp đại hội thành viên được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng thành viên dự họp.

– Quyết định sửa đổi điều lệ, hợp nhất, chia tách, sáp nhập, giải thể tổ chức bảo hiểm tương hỗ được thông qua khi có ít nhất 3/4 (ba phần tư) tổng số thành viên có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành. Các quyết định về những vấn đề khác được thông qua khi có quá 1/2 (một phần hai) tổng số thành viên có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành.

– Việc biểu quyết tại Đại hội thành viên được thực hiện theo quy định tại Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

7. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là chủ sở hữu vừa là bên mua bảo hiểm.

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc sau đây:

– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên là các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề hoặc sinh sống trên cùng một địa bàn và có cùng loại rủi ro.

Tên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải thể hiện rõ tính chất tương hỗ và phải có cụm từ “Bảo hiểm tương hỗ”, viết tắt là “BHTH”.

– Thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là bên mua bảo hiểm vừa là chủ sở hữu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

– Các thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ đều có quyền tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh trong phạm vi vốn và tài sản của mình.

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ có các quyền sau đây:

– Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

– Tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

– Quyết định về mức phí bảo hiểm mà thành viên của tổ chức phải đóng góp; nhận hoặc từ chối nhận bảo hiểm theo quy định tại Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Chủ động lựa chọn nghiệp vụ bảo hiểm, địa bàn hoạt động, quy mô và cơ cấu tổ chức phù hợp.

– Quyết định việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ theo Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ có các nghĩa vụ sau đây:

– Kinh doanh trong phạm vi, địa bàn và nghiệp vụ được quy định trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

– Tuân thủ các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, tài chính.

– Bảo toàn và phát triển vốn kinh doanh theo quy định của pháp luật.

– Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác của tổ chức trong phạm vi tài sản của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

– Bảo đảm các quyền của thành viên và thực hiện các cam kết đối với thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

– Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Số lượng thành viên tối thiểu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

– Số lượng thành viên tối thiểu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ không thấp hơn 10 thành viên.

– Trường hợp số lượng thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ thấp hơn số thành viên tối thiểu, tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải báo cáo ngay Bộ Tài chính về thực trạng, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục.

Trong trường hợp tổ chức bảo hiểm tương hỗ không thể tăng số lượng thành viên theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định chấm dứt hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ hoặc chuyển đổi tổ chức bảo hiểm tương hỗ sang hình thức doanh nghiệp bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.