1. Đi vào đoạn đường cong có bật đèn tín hiệu không ?
Trả lời:
Căn cứ theo khoản 1 điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
Điều 15. Chuyển hướng xe
1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
Do đó, theo quy định trên thì khi bạn muốn chuyển hướng thì phải chủ động giảm tốc độ và bật tín hiệu báo hướng rẽ của mình.
Nơi đường giao nhau cùng mức (sau đây gọi là nơi đường giao nhau) là nơi hai hay nhiều đường bộ gặp nhau trên cùng một mặt phẳng, gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau đó.
Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp của bạn là đi vào đường cong và không giao nhau với đường cùng mức thì bạn sẽ không bị xử phạt do không bật tín hiệu (xi-nhan) báo hướng rẽ.
Điều 70. Phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt
3. Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điểm, Khoản, Điều của Nghị định này như sau:
a) Điểm đ, Điểm i Khoản 1; Điểm g, Điểm h Khoản 2; Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm kKhoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm g, Điểm i Khoản 4; Điểm b Khoản 5; Điểm a, Điểm d Khoản 6; Điểm b, Điểm d Khoản 8; Khoản 9; Khoản 10; Khoản 11 Điều 5;
b) Điểm e Khoản 2; Điểm a, Điểm đ, Điểm e, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l, Điểm o Khoản 3; Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm g, Điểm i, Điểm k, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm e Khoản 5; Khoản 6; Điểm a Khoản 7; Điểm b, Điểm c Khoản 8; Khoản 9; Khoản 10; Khoản 11 Điều 6;
Một lần nữa có thể khẳng định khi bạn đi vào đoạn đường cong mà đoạn đường đó không giao nhau với bất kỳ đường cùng mức nào thì sẽ không bị xử phạt. Và việc cảnh sát trật tự xử phạt bạn về lỗi đó là không đúng thẩm quyền, trái với quy định của phát luật. Bạn có thể làm đơn khiếu nại lên Cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.
2. Mức phạt khi đi xe máy chuyển làn đường mà không bật đèn tín hiệu ?
Trả lời:
– Thứ nhất là căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định như sau:
Điều 15. Chuyển hướng xe
1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
4. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
– Thứ hai là , Xe máy chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ vào Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe máy chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước sẽ bị xử phạt như sau:
Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
….2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
Như vậy, đối với hành vi bạn thắc mắc (người điều khiển xe máy chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước) có thể sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
3. Tư vấn về sử dụng làn đường khi tham gia giao thông ?
Tôi muốn làm rõ chủ yếu về khoản 2 của Điều 13
Cách 1: Xe thô sơ phải đi làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới xe máy chuyên dùng phải đi trên làn đường bên trái.
Tại sao lại có cách hiểu này? Đó là do có nhiều bác đi ô tô khi đi vào làn bên phải trên đường có 2 làn và không có biểnphân làn đường theo phương tiện đã bị các xxx thổi phạt với tội đi vào làn dành cho xe máy.
Vậy điều này có đúng không? Nếu hiểu như thế thì xe máy (cũng là xe cơ giới) cũng bắt buộc phải đi vào làn bên trái. Sự thực là chẳng có ai đi như vậy cả. Có bạn nào có thể đưa câu hỏi này lên cơ quan có thẩm quyền để có được câu trả lời chính thức không?
Cảm ơn!
Trả lời:
Thứ nhất: Quy định về vạch kẻ đường, việc sử dụng làn đường.
Khoản 7 Điều 3 Luật Giao Thông Đường Bộ 2008 quy định: “7. Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.”
Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
” 18. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
19. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Như vậy, Căn cứ quy định nêu trên, kể cả khi không có biển phân làn đường thì:
+ Vạch đứt khúc trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân chia các làn xe cùng chiều để lái xe nhận biết điều khiển xe chạy an toàn. Nếu vạch ở đầu đường thì có tác dụng hướng dẫn xe chạy đúng tuyến đường.
+ Vạch liền trắng thể hiện phân cách làn giữa xe có động cơ và xe không có động cơ (hoặc giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy)
+ Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
Việc chuyển làn chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn
4. Mức xử phạt dán thiếu thông tin khối lượng cửa xe tải?
Trả lời:
Theo pháp luật hiện hành thì việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được thi hành theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe ô tô chở hành khách theo quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;
b) Không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, khối lượng bản thân xe, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông trên cánh cửa xe ô tô tải theo quy định;
c) Không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, khối lượng bản thân ô tô đầu kéo, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, khối lượng toàn bộ cho phép kéo theo trên cánh cửa xe ô tô đầu kéo theo quy định; không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông trên rơ moóc, sơ mi rơ moóc theo quy định;
5. Mô tô đi đi lấn vạch đường mức phạt như nào?
Trả lời:
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e, điểm h khoản 2; điểm d, điểm g, điểm i, điểm m khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e khoản 4; khoản 5; điểm b khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm d khoản 8 Điều này;
b) Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt;
c) Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”;
d) Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ;
Với lỗi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều 6 không phải chịu hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe. tuy nhiên nếu người nộp phạt không thực hiện nộp tiền phạt vi phạm lỗi luôn thì có thể bị tạm giữ giấy phép lái xe, và sau khi nộp vi phạm thì sẽ được trả lại giấy phép lái xe.
Nếu bạn không vi phạm lỗi bạn có quyền yêu cầu Công an chứng minh lỗi vi phạm của bạn, nếu bạn không có lỗi thì bạn không phải nộp phạt. Bạn nên đề nghị lập lại biên bản và ghi ý kiến của bạn vào mục ý kiến người vi phạm, nếu bạn không đồng tình với quyết định xử phạt của các đồng chí công an, bạn có thể lấy biên bản đó là bằng chứng để khiếu nại với cơ quan nhà nước về sau này.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn luật giao thông – Công ty luật LVN Group