Cơ sở pháp lý:

– Nghị định 29/2017/NĐ-CP;

– Nghị định 147/2018/NĐ-CP;

– Thông tư 03/2020/TT-BGTVT;

1. Điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải

Căn cứ theo Nghị định 29/2017/NĐ-CP:

1.1. Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo

– Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

– Có Giấy chứng nhận phù hợp hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO do tổ chức chứng nhận có thẩm quyền cấp chậm nhất sau 18 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải.

– Có cơ sở dữ liệu điện tử quản lý chứng chỉ nghiệp vụ của thuyền viên hàng hải để tra cứu theo quy định của Công ước STCW chậm nhất sau 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải.

1.2. Điều kiện về giảng viên và huấn luyện viên

– Giảng viên dạy lý thuyết phải tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với môn học hoặc chuyên ngành được phân công giảng dạy.

– Giảng viên và huấn luyện viên dạy thực hành phải có Giấy chứng nhận Huấn luyện viên chính hoặc chứng chỉ tương đương do Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) hoặc đơn vị được IMO công nhận cấp theo quy định của Công ước STCW; đã đảm nhiệm chức danh trên tàu biển với mức trách nhiệm sỹ quan quản lý theo yêu cầu của từng chương trình đào tạo, huấn luyện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 49 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT:

Điều 49. Huấn luyện viên chính

1. Huấn luyện viên chính là những người được đào tạo về nghiệp vụ huấn luyện theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định và được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính.

2. Huấn luyện viên chính phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và chứng chỉ huấn luyện phù hợp với khóa học tương ứng; trường hợp trong khóa học có sử dụng mô phỏng thì phải có chứng chỉ phù hợp với chương trình mô phỏng mà mình giảng dạy.

3. Huấn luyện viên chính hoặc người có Chứng chỉ huấn luyện viên do nước ngoài cấp phù hợp với Công ước STCW 1978 và các sửa đổi mới được cử làm nhiệm vụ huấn luyện cho các khóa học tương ứng; huấn luyện thuyền viên, ghi sổ huấn luyện thực tập trên tàu biển.

 Điều 58 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT:

Điều 58. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính

1. Đối tượng cấp là các huấn luyện viên, thuyền viên đáp ứng điều kiện theo được quy định của Thông tư này và Công ước STCW.

2. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính của huấn luyện viên theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này hoặc văn bản đề nghị của trường, cơ sở huấn luyện theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII của Thông tư này;

b) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu xác nhận hoàn thành khóa huấn luyện hoặc quyết định tốt nghiệp khóa huấn luyện dành cho huấn luyện viên chính;

c) 02 ảnh màu, cỡ 3cm x 4cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng gần nhất;

d) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu chứng chỉ sử dụng mô phỏng và đánh giá mô phỏng (đối với trường hợp huấn luyện viên chính phòng mô phỏng).

3. Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định, vào sổ và hẹn trả kết quả đúng thời hạn quy định.

a) Trường hợp nộp trực tiếp, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn ngay cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định;

b) Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền thông báo bằng văn bản chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ;

c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này, trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Phí và lệ phí: phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

– Ngoài các điều kiện quy định trên, các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải còn phải tuân theo các quy định có liên quan của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.

1.3. Điều kiện về chương trình đào tạo, huấn luyện

Có đủ chương trình đào tạo, huấn luyện, tài liệu giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Theo Điều 54 Thông tư 03/2020/TT-BGTVT có quy định về chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên như sau:

Điều 54. Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên

1. Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải bao gồm:

a) Chương trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn để cấp GCNHLNV;

b) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để cấp GCNKNCM.

2. Căn cứ quy định tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tại Chương II, Chương III của Thông tư này và Chương trình mẫu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO Model Course), các cơ sở đào tạo, huấn luyện xây dựng Chương trình đào tạo, huấn luyện trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

3. Căn cứ chương trình đào tạo, huấn luyện đã được ban hành, các cơ sở đào tạo, huấn luyện xây dựng, phê duyệt chương trình chi tiết, giáo trình, tài liệu giảng dạy.

2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải 

* Hồ sơ:

Cơ sở đào tạo, huấn luyện gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

– Tờ khai theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 29/2017/NĐ-CP;

– Bản sao chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở đào tạo, huấn luyện;

– Báo cáo thuyết minh các điều kiện bảo đảm cho hoạt động đào tạo, huấn luyện theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 29/2017/NĐ-CP.

* Thời gian giải quyết:

Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải có văn bản hướng dẫn cơ sở đào tạo, huấn luyện hoàn thiện hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra thực tế và cấp Giấy chứng nhận; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

* Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải:

– Giấy chứng nhận được cấp lại trong các trường hợp bị mất, bị hư hỏng hoặc có sự thay đổi các thông tin về cơ sở đào tạo, huấn luyện.

– Cơ sở đào tạo, huấn luyện nộp trực tiếp hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến Bộ Giao thông vận tải văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận, trong đó nêu rõ lý do cấp lại kèm theo các tài liệu chứng minh sự thay đổi thông tin về cơ sở đào tạo (nếu có). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Giao thông vận tải cấp lại Giấy chứng nhận; trường hợp không cấp lại phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

– Khi cấp lại Giấy chứng nhận, Bộ Giao thông phải ghi rõ trong Giấy chứng nhận mới về việc thay thế Giấy chứng nhận cũ và phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.

* Thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải:

– Giấy chứng nhận của cơ sở đào tạo, huấn luyện bị thu hồi trong các trường hợp sau:

+ Cơ sở đào tạo, huấn luyện chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của cơ sở đào tạo, huấn luyện;

+ Cơ sở đào tạo, huấn luyện cố ý làm sai lệch thông tin khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận;

+ Cơ sở đào tạo, huấn luyện không tổ chức hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải trong thời gian 18 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận;

+ Hết thời hạn đình chỉ mà cơ sở đào tạo, huấn luyện không khắc phục được vi phạm là nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;

+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

– Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải, đồng thời gửi đến các cơ quan liên quan biết, để phối hợp quản lý.

– Cơ sở, đào tạo huấn luyện phải chấm dứt ngay hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải

Cơ sở đào tạo, huấn luyện bị đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải trong các trường hợp sau:

– Không duy trì một trong các điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện quy định tại Nghị định 29/2017/NĐ-CP;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền lợi nhà giáo, người học và người lao động trong cơ sở đào tạo, huấn luyện và phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.

Sau thời hạn đình chỉ, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định cho phép cơ sở đào tạo, huấn luyện tiếp tục hoạt động đào tạo, huấn luyện.

4. Đánh giá cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam:

– Hàng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải để đánh giá nội bộ về việc đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

– Định kỳ 05 năm một lần, tổ chức đánh giá độc lập các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo tiêu chuẩn quy định của Công ước STCW.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.