Cơ sở pháp lý:
– Luật Chăn nuôi năm 2018;
1. Khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
Giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; phải có số lượng bảo đảm để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.
Dòng là một nhóm vật nuôi trong giống, mang những đặc điểm chung của giống nhưng có đặc điểm riêng đã ổn định.
Khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi là việc chăn nuôi và theo dõi một dòng, giống vật nuôi cụ thể trong điều kiện và thời gian nhất định để xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của dòng, giống đó.
Dòng, giống vật nuôi mới phải thực hiện khảo nghiệm trước khi đưa ra sản xuất, trừ dòng, giống vật nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nhận dòng, giống vật nuôi mới phải thực hiện khảo nghiệm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi tại cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi.
2. Điều kiện cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Các điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật Chăn nuôi năm 2018. Cụ thể Điều 55 có nội dung như sau:
Điều 55. Chăn nuôi trang trại
1. Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 53 của Luật này;
b) Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;
c) Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;
đ) Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;
e) Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.
2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
– Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi tương ứng;
– Có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;
– Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp.
3. Kiểm định dòng, giống vật nuôi
Kiểm định dòng, giống vật nuôi là việc đánh giá và xác nhận lại năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh của dòng, giống vật nuôi sau khi đưa ra sản xuất.
Việc kiểm định dòng, giống vật nuôi được thực hiện trong trường hợp sau đây:
– Có khiếu nại tố cáo về chất lượng dòng, giống vật nuôi;
– Có yêu cầu trưng cầu, giám định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi được thực hiện kiểm định dòng, giống vật nuôi.
4. Nguyên tắc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới
Mỗi dòng, giống vật nuôi mới chỉ được đặt một tên phù hợp bằng tiếng Việt.
Việc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới phải bảo đảm không thuộc trường hợp sau đây:
– Trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên dòng, giống vật nuôi đã được công nhận;
– Chỉ bao gồm chữ số;
– Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
– Trùng với cách đọc hoặc cách viết tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân;
– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
5. Công nhận dòng, giống vật nuôi mới
Hồ sơ công nhận dòng, giống vật nuôi mới bao gồm:
– Đơn đề nghị công nhận dòng, giống vật nuôi mới, ghi rõ tên dòng, giống vật nuôi, nguồn gốc, xuất xứ;
– Kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Việc công nhận dòng, giống vật nuôi mới được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:
– Tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận dòng, giống vật nuôi mới gửi 01 bộ hồ sơ bản giấy hoặc bản điện tử đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, đánh giá hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận dòng, giống vật nuôi mới; trường hợp không đạt yêu cầu phải nêu rõ lý do.
6. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi có quyền sau đây:
– Được thực hiện khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;
– Được thực hiện kiểm định dòng, giống vật nuôi theo quy định tại Điều 28 của Luật Chăn nuôi;
– Được thanh toán chi phí khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;
– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;
– Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thực hiện, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi có nghĩa vụ sau đây:
– Bảo đảm các điều kiện cơ sở khảo nghiệm trong quá trình hoạt động;
– Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện khảo nghiệm, kiểm định;
– Tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường;
– Lưu hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 03 năm sau khi kết thúc khảo nghiệm, kiểm định;
– Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Vi phạm quy định về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
Hành vi vi phạm quy định về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 14/2021/NĐ-CP:
Điều 12. Vi phạm quy định về khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không lưu hồ sơ hoặc lưu hồ sơ không đầy đủ về quá trình khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện khảo nghiệm, kiểm định không đủ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật.
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện khảo nghiệm, kiểm định không có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi công bố kết quả khảo nghiệm, kiểm định không trung thực.
5. Hình thức xử phạt bổ sung
Đình chỉ hoạt động khảo nghiệm, kiểm định của cơ sở khảo nghiệm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm, kiểm định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này.
8. Chính sách của Nhà nước về chăn nuôi
Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây:
– Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 05 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi;
– Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.
Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
– Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra sản phẩm có tính đột phá trong chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc;
– Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi;
– Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề trong hoạt động chăn nuôi, khuyến nông chăn nuôi, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn;
– Xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chăn nuôi chủ lực, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ; xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi quốc gia; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, cơ sở đấu giá để quảng bá, tiêu thụ giống và sản phẩm chăn nuôi; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;
– Hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động nêu trên và các hoạt động sau đây:
– Tổ chức chăn nuôi theo quy mô trang trại, theo chuỗi giá trị; phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi;
– Đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón và mục đích khác;
– Đầu tư hoạt động bảo hiểm vật nuôi; nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.