1. Điều kiện thi công, xây dựng vào ban đêm
Điều 111 Luật xây dựng năm 2014 quy định cụ thể về yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình gồm:
– Tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác theo quy định của pháp luật;;
– Bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và các công trình liền kề; có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố gây mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng;
– Thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng đối với những hạng mục công trình, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ;
– Sử dụng vật tư, vật liệu đúng chủng loại quy cách, số lượng theo yêu cầu của thiết kế xây dựng, bảo đảm tiết kiệm trong quá trình thi công xây dựng;
– Thực hiện kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công việc xây dựng, giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng khi cần thiết, nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng;
– Nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc xây dựng.
Điều 174 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng quy định:
Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Tại Khoản 5 Điều 64, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định hoạt động xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường như sau:
– Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
– Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
– Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
– Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;
– Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;
– Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;
– Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên có thể thấy, pháp luật không quy định cụ thể điều kiện việc thi công xây dựng công trình vào ban đêm mà việc thi công công trình xây dựng trong mọi trường hợp phải đảm bảo các yêu cầu đó. Điều đó có nghĩa rằng, khi thi công xây dựng vào ban đêm thì việc thi công cũng phải đảm bảo tất cả các điều kiện này.
2. Thi công xây dựng vào ban đêm có vi phạm pháp luật?
Như tại mục 1 đã nêu, Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào nghiêm cấm việc thi công xây dựng vào ban đêm. Trên thực tế, tại nhiều công trường xây dựng, việc thi công vào ban đêm cũng khá phổ biến để đảm bảo tiến độ xây dựng hoặc đảm bảo an toàn trong thi công. Bên cạnh đó, Bộ luật lao động cũng ghi nhận người sử dụng lao động có thể huy động người lao động làm việc vào ban đêm (trả lương theo đúng quy định pháp luật). Do đó, có thể thấy, việc thi công xây dựng vào ban đêm không phải là hành vi mà pháp luật nghiêm cấm. Và khi thi công xây dựng ban đêm nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu trong thi công xây dựng theo quy định của pháp luật thì việc thi công vào ban đêm không vi phạm pháp luật.
3. Thi công xây dựng ban đêm gây ồn bị xử lý như thế nào?
Trên thực tế việc thi công xây dựng công trình vào ban đêm thường gặp phải phản đối của người dân sinh sống xung quanh khu công trường xây dựng vì gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt như học tập, ngủ nghỉ… Mà theo quy định tại Điều 6 Luật bảo vệ môi trường 2020 thì hành vi gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường là hành vi bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó theo quy định tại Điều 64 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 thì trong hoạt động xây dựng phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trong đó có quy định việc thi công xây dựng công trình phải đảm bảo “có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;”. Theo đó, nếu việc thi công xây dựng ban đêm mà không có biện pháp bảo đảm phát tán tiếng ồn vượt quá mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì sẽ vi phạm pháp luật. Và hành vi này theo quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Tùy vào mức độ tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn mà hình thức xử phạt và mức tiền phạt sẽ khác nhau.
– Đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02dBA thì sẽ bị phạt cảnh cáo.
– Trường hợp gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA trở lên thì mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi.
Bên cạnh đó, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây tiếng ồn từ 03 tháng đến 06 tháng đến 12 tháng. Đồng thời buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt hành chính và buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành.
Trên thực tế, đối với các khu chung cư nơi có cư dân đang sinh sống thì ban quản lý cũng có quy định về thời gian thi công và thông thường chỉ được thi công trong thời gian hành chính. Còn việc thi công xây dựng vào ban đêm thường diễn ra ở các công trình nơi thưa thớt dân cư hoặc là các công trình công cộng hơn. Ví dụ việc thi công các tuyến đường thì thường sẽ được triển khai thực hiện vào ban đêm để giảm thiểu rủi ro cho người và phương tiện di chuyển trên tuyến đường lân cận vì nếu thi công vào ban ngày sẽ gây cản trở lưu thông cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về người và tài sản cho người đi đường. Với chế tài xử phạt như trên thì chúng ta thấy rằng để có kết luận hành vi thi công vào ban đêm gây tiếng ồn có bị xử phạt hay không còn phải thông qua quá trình giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích tiếng ồn gây ra bởi tổ chức có đủ năng lực theo quy định pháp luật. Do đó, không phải cứ có hoạt động thi công ban đêm, có gây tiếng ồn, người dân cảm thấy ảnh hưởng tới sinh hoạt là đủ điều kiện để xử lý người/tổ chức có hành vi thi công xây dựng ban đêm mà phải chờ kết quả giám định từ đơn vị có thẩm quyền.
Thi công xây dựng ban đêm không phải là điều mà các chủ đầu tư/nhà thầu mong muốn, việc quyết định thi công vào ban đêm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố (đáp ứng về tiến độ thi công hay đảm bảo an toàn trong thi công…) và khi tiến hành thi công chủ đầu tư/nhà thầu cũng sẽ phải đảm bảo các yêu cầu về thi công xây dựng theo quy định pháp luật trong đó có các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về điều kiện thi công xây dựng ban đêm. Mọi vướng mắc pháp lý cần tham vấn ý kiến Luật sư của LVN Group vui lòng liên hệ qua Hotline 1900.0191 để được hỗ trợ trực tuyến bởi Luật sư của Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!